Chọn nghề cho tương lai

- Thời gian của năm học 2023 - 2024 không còn nhiều, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng cũng sắp tới. Đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, chắc hẳn nhiều học sinh cuối cấp không khỏi lo lắng và băn khoăn trong lựa chọn ngành nghề nào phù hợp tương lai. Chính lúc này, công tác tư vấn, hướng nghiệp cần được tăng cường hơn bao giờ hết, giúp học sinh đi đúng hướng và chọn được ngành học phù hợp nhất.

Chọn nghề xã hội cần

Từ trước đến nay, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn còn tư tưởng “làm thầy hơn làm thợ” nên dù lực học của con em mình trung bình, hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng vẫn cố để cho con, em mình đi học đại học bằng được. Học đại học là tốt nhưng thực tế không phải cứ học đại học ra là xin được việc làm bởi trong thời gian qua, có không ít sinh viên học xong nhưng không xin được việc làm, hoặc làm trái ngành nghề được đào tạo. Điều này đã khiến lãng phí tiền bạc, công sức của người học. Ngược lại, có những người chọn đi học nghề phù hợp sau khi ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.

Trường THPT Sơn Dương, bộ phận đào tạo, tuyển sinh của trường Sĩ quan Tăng thiết giáp tổ chức chương trình tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp về tuyển sinh quân sự cho học sinh.

Em Cháng A Cồ từng là sinh viên lớp K17 - Cao đẳng Công nghệ ô tô, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang nhà ở thôn Nà Coóc, xã Bình An, huyện Lâm Bình sau khi học xong đã đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với mức thu nhập hơn 60 triệu đồng/tháng. Cồ chia sẻ, với mức thu nhập cao như vậy đã giúp nâng cao đời sống cho gia đình em và em nhận thấy rằng việc lựa chọn ngành nghề phù hợp và môi trường học tập rất quan trọng. Tùy theo hoàn cảnh và lực học thực tế của mình cùng với sự tư vấn của các thầy cô, các bạn nên quyết đoán lựa chọn nghề phù hợp, không nhất thiết phải cố vào đại học.

Trái ngược với mức thu nhập của Cồ thì trường hợp chị Nguyễn Thị H, ở phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có bằng trung cấp thú y và bằng đại học ngành Tài nguyên và Môi trường từ nhiều năm nay, nhưng vẫn không xin được việc làm đúng nghề mà đã xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp với mức lương 5, 6 triệu đồng/tháng. Chị H. chia sẻ, chị thấy luyến tiếc vì quãng thời gian trước đây không tìm hiểu kỹ, cứ thấy bảo học đại học ra là lương cao, nhưng thực tế giữa việc học và đầu ra là cả một hành trình đầy gian nan.  

Có muôn vàn lý do khiến các sinh viên đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng không thể xin được việc làm. Song nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sinh viên chưa có sự lựa chọn nghề nghiệp hợp lý, thiếu kiến thức thực tế để đáp ứng yêu cầu công việc, các chương trình đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng, một số trường đại học tuyển sinh theo số lượng mà không quan tâm đến đầu ra cho sinh viên…

Trước những hệ lụy trên thì công tác hướng nghiệp, phân luồng, giúp học sinh lựa chọn đúng ngành nghề trước ngưỡng cửa vào đời là thực sự cần thiết và sẽ quyết định đến tương lai mai sau của thế hệ trẻ. Hướng nghiệp càng sớm thì học sinh càng yên tâm học tập và yên tâm với nghề đã chọn.

Hướng nghiệp sớm, vững tin tương lai

Việc lựa chọn sai hướng đi cho tương lai dẫn đến học sinh đánh mất những cơ hội và phải tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc của gia đình và nguồn lực của xã hội. Qua đó cho thấy việc tư vấn hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục phổ thông có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai.

Đào tạo nghề Điện công nghiệp tại trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, hướng nghiệp, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 136 (năm 2019) triển khai Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục Phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 35% học sinh tốt nghiệp THCS tham gia đào tạo trình độ trung cấp nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên kết hợp đào tạo nghề với học văn hóa; phấn đấu có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THPT tham gia đào tạo trình độ cao đẳng nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; 80% trường THCS và THPT có chương trình giáo dục nghề nghiệp gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh…

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong và ngoài tỉnh trong thời gian qua đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trung học với hình thức tổ chức ngày càng phong phú. Đồng chí Trần Nhữ Thanh, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Liên kết và Giới thiệu việc làm, trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang cho biết, bộ phận tuyển sinh của nhà trường đã đến từng trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh để tư vấn nghề nghiệp cho học sinh. Có rất nhiều ngành nghề để học sinh lựa chọn như: công nghệ ô tô, vận hành máy thi công nền, điện công nghiệp… Khi học tập tại trường có rất nhiều ưu đãi như miễn học phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề, đặc biệt là học sinh thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ từ 1,4 triệu đến 1,8 triệu đồng/tháng.

Theo thống kê, tỷ lệ học sinh, sinh viên của trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật - Công nghệ ra trường có việc làm đạt trên 90%, riêng sinh viên các lớp cao đẳng tỷ lệ ra trường có việc làm ngay đạt trên 98%, thu nhập trung bình đạt từ 6 đến 15 triệu đồng/tháng khi làm việc trong nước, đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng thu nhập đạt từ 20 đến 50 triệu đồng/người/tháng.

Nhằm giúp học sinh có những sự lựa chọn phù hợp, nhất là trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong thời gian qua, các trường THPT đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hướng nghiệp. Thầy giáo Lý Văn Công, Hiệu trưởng trường THPT Sơn Nam (Sơn Dương) cho biết, năm học 2023 - 2024 nhà trường thường xuyên phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường. Đối với học sinh lớp 12, trường phân công giáo viên gặp gỡ từng em để qua đó tư vấn các em lựa chọn phù hợp.


Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị tổ chức tư vấn học nghề cho học sinh trên địa bàn huyện Hàm Yên.

Từ hoạt động tư vấn, tuyển sinh đã giúp nhiều học sinh lựa chọn được hướng đi phù hợp cho tương lai. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong các năm học vừa qua, tỷ lệ học sinh đăng ký mục đích chỉ thi xét tốt nghiệp chiếm cao hơn nhiều so với học sinh thi xét vào đại học. Điều này cho thấy, tỷ lệ học sinh đăng ký thi xét tốt nghiệp để đi học nghề đang ngày càng tăng thể hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp tại các trường đã có những chuyển biến rõ rệt, qua tư vấn hướng nghiệp sự lựa chọn của học sinh đã ngày càng phù hợp với nhu cầu xã hội hiện nay.

Việc tăng cường công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trước mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ giúp học sinh chọn được ngành nghề phù hợp cho tương lai, giảm tình trạng học xong đại học không xin được việc làm, góp phần tạo nên sự phát triển ổn định của xã hội trong tương lai.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục