Cơ hội cho người học
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn gửi các địa phương, đề nghị thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025 theo đúng hướng dẫn, trong đó có nội dung dừng tuyển thẳng vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ IELTS. Văn bản này nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của rất nhiều bậc phụ huynh. Tuy nhiên việc này cũng gây tranh cãi khi một số tỉnh thành đã ban hành thông báo về tuyển sinh lớp 10 năm 2024 - 2025.
Vậy IELTS là gì và tại sao lại nhận được nhiều sự quan tâm như vậy? Thực chất, IELTS viết tắt cho International English Language Testing System, tạm dịch là Hệ thống kiểm tra Anh ngữ quốc tế với 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Đây là hệ thống kiểm tra tiếng Anh quốc tế quan trọng và phổ biến nhất thế giới cho mục đích học tập và làm việc và được công nhận bởi hơn 11.000 tổ chức trên hơn 140 quốc gia trên toàn cầu. Hiện nay, IELTS là một trong những chứng chỉ Anh ngữ phổ biến nhất trên thế giới vì tính bảo mật, tin cậy và thiết thực khi không chỉ mang lại cơ hội trong tương lai gần cho người học, mà còn giúp trang bị những kiến thức và kỹ năng dài hạn. Chứng chỉ IELTS được cấp cho người tham gia kỳ thi IELTS sau khi hoàn thành các bài kiểm tra về 4 kỹ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc và viết.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công ty cổ phần Giáo dục EDUCA Corporation tổ chức cuộc thi “Vì Tuyên Quang giỏi Tiếng Anh” cấp tiểu học năm 2023.
Chính vì chứng chỉ IELTS có giá trị như vậy nên việc học lấy chứng chỉ là nhu cầu của rất nhiều người. Đặc biệt, kể từ thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 trở lên có mức điểm quy đổi là 10, IELTS dần trở thành một chứng chỉ được nhiều học sinh THPT săn đón. Không chỉ sử dụng để miễn thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển đại học, nhiều trường Đại học tại Việt Nam cũng công nhận quy đổi điểm IELTS để miễn các học phần tiếng Anh tại trường.
Em Dương Thị Thanh Trà ở phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang), hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội và cũng từng là thí sinh đạt được điểm tuyệt đối môn tiếng Anh với chứng chỉ IELTS. Trà cho biết, em học và đặt quyết tâm thi chứng chỉ IELTS từ rất lâu rồi, trước cả khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định miễn thi đối với thí sinh có chứng chỉ IELTS bởi em yêu thích môn tiếng Anh. Khi học tiếng Anh giúp em rất tự tin khi đi ra ngoài, học tốt tiếng Anh còn giúp em đọc các thông tin bổ ích và hiểu nhiều hơn về các nền văn hóa, kinh tế trên thế giới và tăng cơ hội kiếm việc làm sau khi ra trường.
Hiệu trưởng Trường THCS Phan Thiết (TP Tuyên Quang) tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt thành tích cao môn Tiếng Anh.
Nói về Chứng chỉ IELTS, cô giáo Đào Thị Thương, Tổ trưởng tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Chuyên Tuyên Quang, chứng chỉ IELTS là chứng chỉ quốc tế nên học sinh học được là rất tốt bởi phát triển được cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Các trường Đại học trên thế giới khi tuyển học sinh du học và kể cả khi đi làm việc ở nước ngoài vẫn dựa trên kết quả IELTS nên có chứng chỉ IELTS rất thuận lợi, tùy theo điều kiện học sinh nên học và thi lấy chứng chỉ IELTS.
Đảm bảo công bằng trong tuyển sinh
Thực tế chứng chỉ IELTS được “tín nhiệm” bởi đã đánh giá toàn diện bốn kỹ năng ngôn ngữ của người học, kết quả thi IELTS được xem như tiêu chí đáng tin cậy để giúp các trường học; tổ chức học thuật; doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về năng lực Anh ngữ của người học. Tuy nhiên, không ít người đã chạy đua học và thi chứng chỉ cấp tốc để được ưu tiên xét tuyển hoặc quy đổi thành điểm, miễn thi ngoại ngữ. Điều này là rất bất ổn và không công bằng với đa số học sinh. Các môn văn hóa khác, học sinh đều có thể tự học ở nhà, còn IELTS đa số phải đến học ở trung tâm với mức học phí đắt đỏ, lệ phí thi cũng cao, chỉ những em có điều kiện kinh tế mới đầu tư được. Học sinh nghèo, học sinh ở nông thôn hay vùng sâu vùng xa nhiều em có năng lực ngôn ngữ nhưng không đủ tài chính và điều kiện để học thì rất thiệt thòi.
Trung Tâm Ngoại Ngữ Almaz (TP Tuyên Quang) tổ chức chương trình “Rung chuông vàng” dành cho các học viên.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi trả lời báo chí cho rằng, học sinh cần coi việc học ngoại ngữ là một nhu cầu tự thân của các em, học để nắm được ngoại ngữ, để dùng nó làm phương tiện học tập và để sau này làm việc chứ không phải học ngoại ngữ với mục đích để thi lấy chứng chỉ, để được tuyển thẳng hay ưu tiên trong tuyển sinh. Như vậy, việc học đó không phải nhu cầu tự thân mà do động lực bên ngoài. Việc yêu cầu dừng tuyển thẳng vào lớp 10 đối với học sinh có chứng chỉ IELTS nhằm đảm bảo công bằng giữa học sinh ở tỉnh và thành phố. Bởi những vùng thuận lợi như ở thành phố, thị xã các em có điều kiện và gia đình cũng tạo điều kiện để các em thi lấy chứng chỉ. Trong khi đó, những em ở các vùng khó khăn hơn trong cùng địa bàn tuyển sinh ấy mặc dù các em có năng lực, trí tuệ, tiềm năng nhưng gặp vấn đề về kinh phí, tiền bạc, cuối cùng không thể thi để lấy chứng chỉ được.
Đồng tình với quan điểm này, Tiến sỹ Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, hiện nay không nhiều học sinh có điều kiện để đi học IELTS, và IELTS chủ yếu là dành cho các học sinh ở thành phố lớn hoặc gia đình có điều kiện cho con đi học thêm. Vì vậy nếu sử dụng IELTS để tuyển thẳng sẽ thiếu công bằng với những học sinh không có điều kiện để thi IELTS.
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ
Tuyên Quang hiện đang thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 - 2025. Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, trang thiết bị, cơ sở vật chất cơ bản cho dạy và học tiếng Anh của các trường học tương đối đầy đủ, chất lượng dạy và học tiếng Anh đã dần được cải thiện. Việc thực hiện triển khai chương trình tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 4-12) tới 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh, đảm bảo liên thông giữa các cấp học; 100% học sinh lớp 6, 7, 10 được học tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018...
Xác định việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ là rất quan trọng, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, các trường học đã có những giải pháp hiệu quả như: đổi mới phương pháp dạy học, thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng tiếng Anh, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm Anh ngữ hoạt động…
Giáo viên nước ngoài tại Trung tâm Ngoại ngữ Popodoo Tuyên Quang hướng dẫn học sinh học tiếng Anh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc điều hành Trung tâm Anh ngữ PoPoDoo Tuyên Quang cho biết, hoạt động của Trung tâm tại Tuyên Quang rất thuận lợi, mỗi năm Trung tâm tiếp nhận trên 300 học viên đăng ký học tập. Khi tiếp nhận Trung tâm luôn hướng dẫn, giải thích đầy đủ đối với học viên và các gia đình về quá trình dạy tiếng Anh. Ngoài giờ học tại trường, việc học tiếng Anh tại trung tâm cũng bổ trợ rất tốt giúp nâng cao trình độ người học. Đến nay, sau gần 10 năm đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, trung tâm đã khẳng định được chất lượng đào tạo, nhiều lứa học sinh từng học tại trung tâm đã đạt giải cao các kỳ thi chọn học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp thành phố và cấp tỉnh, thi đỗ vào lớp chuyên Anh của trường THPT Chuyên Tuyên Quang và các trường đại học danh tiếng trong cả nước...
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều địa phương đang điều chỉnh lại một số nội dung theo hướng dẫn của Bộ, đặc biệt là về việc tuyển thẳng, chế độ ưu tiên (như giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ). Cụ thể là dừng việc tuyển thẳng, cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 với thí sinh có giải học sinh giỏi tỉnh, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ IELTS bởi theo Quy chế tuyển sinh từ THCS vào THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo không có quy định tuyển thẳng khi thí sinh có chứng chỉ quốc tế về tiếng Anh. Theo nhiều chuyên gia điều này là phù hợp bởi việc dùng chứng chỉ IELTS để tuyển thẳng vào lớp 10 không thể đánh giá được năng lực học tập toàn diện của học sinh, việc cộng điểm ưu tiên và tuyển thẳng với thí sinh có chứng chỉ IELTS sẽ vô tình phủ nhận vai trò của chương trình tiếng Anh cơ sở.
Gửi phản hồi
In bài viết