Cùng bàn về di chúc

- Di chúc được hiểu là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc có thể bằng văn bản, di chúc miệng… vậy các di chúc trên có hiệu lực như thế nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư Ngô Việt Thắng, Công ty Luật Quốc Cường, phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) về vấn đề này.

Luật sư Ngô Việt Thắng

Phóng viên: Luật sư có thể cho biết rõ hơn về những điều kiện để di chúc có hiệu lực?

Luật sư Ngô Việt Thắng: Căn cứ các Điều từ 627 đến Điều 631 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 thì Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng (Điều 627).

Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.

Di chúc miệng là di chúc được lập trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản và sau 3 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật;  Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc; Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực; Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Nội dung của di chúc, bao gồm: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

Các luật sư Công ty Luật Quốc Cường tư vấn các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế cho khách hàng.

Phóng viên: Ở Việt Nam, di chúc miệng vẫn khá phổ biến, đây cũng là nguồn cơn của nhiều mâu thuẫn, rắc rối. Được biết, di chúc miệng được quy định tại Điều 629, Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015, vậy theo luật sư việc thực hiện di chúc miệng liệu có đảm bảo sự công bằng?

Luật sư Ngô Việt Thắng: Theo tôi nếu di chúc miệng được lập theo đúng quy định của pháp luật, có đủ số người làm chứng thì sẽ đảm bảo sự công bằng và có hiệu lực. Trường hợp nếu di chúc miệng không có người làm chứng, di chúc đó sẽ vô hiệu và tài sản người đã khuất sẽ chia cho các hàng thừa kế theo quy định, nếu trường hợp không ai nhận thì tài sản đó sẽ thuộc về Nhà nước.

Theo tôi điểm yếu nhất của di chúc miệng là không thể thực hiện bằng thủ tục hành chính. Đặc biệt lập di chúc miệng mang nặng ý kiến chủ quan của người có tài sản và cách hiểu chủ quan của người làm chứng, nhiều khi không truyền tải được chính xác ý định của người lập di chúc, đó cũng chính là nguyên nhân gây nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong tương lai. Mặt khác, Luật Công chứng năm 2014 không quy định thủ tục công chứng di chúc miệng dẫn đến trường hợp công chứng viên từ chối công chứng di chúc miệng, vì vậy, công chứng viên còn rất lúng túng về thủ tục công chứng, chứng thực di chúc miệng.

Phóng viên: Nghiên cứu về những quy định về thừa kế, có quy định về tài sản thờ cúng, vậy theo luật sư, tài sản này phân chia như nào là hợp lý?

Luật sư Ngô Việt Thắng: Theo quy định tại Điều 626, 645 BLDS  người lập di chúc có quyền dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng. Tuy nhiên, việc hiểu “một phần tài sản trong khối di sản” được ghi trong điều luật chưa thống nhất nên trên thực tế áp dụng đã có những cách hiểu và vận dụng khác nhau, chưa thống nhất giữa các cơ quan chức năng. Một số người cho rằng “một phần tài sản trong khối di sản” được hiểu là một phần tài sản trong một tài sản cụ thể, độc lập với tài sản khác. Nhưng có ý kiến nên hiểu một phần tài sản của toàn bộ khối di sản mà người lập di chúc để lại, chứ không thể hiểu là một phần của từng tài sản đơn lẻ. Nếu toàn bộ ngôi nhà gắn liền với đất là một phần tài sản trong khối di sản (còn có nhiều tài sản khác như tài khoản ở ngân hàng, vàng bạc đá quý, nhà đất khác…) thì phải chứng thực di chúc với nội dung nói trên theo yêu cầu của người dân. Đây cũng là điểm khó hiểu trong BLDS cần sửa đổi, bổ sung.

Thừa kế bằng di chúc miệng vẫn nên được áp dụng nhưng hãy coi đó là giải pháp tình thế và hãy coi đó là cách làm không thật sự chắc chắn. Thực tế, trong xã hội, lòng tham của con người là vô đáy, nhiều khi di chúc bằng văn bản vẫn có tranh chấp, nhưng cũng có trường hợp di chúc miệng nhưng những người được thừa kế thực hiện đúng theo di ngôn người đã khuất để lại. Do đó, ngoài quy định của pháp luật, thì những việc liên quan đến thừa kế còn do phạm trù đạo đức trong mỗi con người.

Phóng viên: Xin cảm ơn luật sư đã trả lời phỏng vấn!


Ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật Vũ Kiên (TP Tuyên Quang)

Luật quy định thừa kế và chấp hành thừa kế

Tại Điều 609 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật. Có 2 hình thức chia thừa kế, đó là theo di chúc và theo pháp luật. Chia thừa kế theo di chúc được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc, nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chia thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Đối với người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật phải còn sống, không bị truất quyền thừa kế, chấp hành phân chia tài sản theo di chúc hoặc pháp luật quy định. Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

-------------------------------------

Chẩu Thị Thu Loan, Công chức Tư pháp - Hộ tịch thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn)

Tăng cường tuyên truyền quy định của pháp luật về thừa kế

Trong thời gian qua, thị trấn Yên Sơn đã tăng cường tuyên truyền pháp luật cho nhân dân thông qua hình thức lồng ghép với sinh hoạt tổ dân phố; trong đó, chú trọng tuyên truyền về các quy định của pháp luật về thừa kế. Tại Bộ phận “Một cửa” của UBND thị trấn, chúng tôi cũng thường xuyên tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc của người dân về: Quyền thừa kế, quyền bình đẳng về thừa kế; thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại… Chúng tôi cũng tư vấn, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục phân chia di sản thừa kế đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn thị trấn chưa ghi nhận trường hợp nào tranh chấp, mâu thuẫn hay mất an ninh trật tự, an toàn xã hội do không chấp hành pháp luật về thừa kế.

Tôi cho rằng, để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi vi phạm pháp luật về thừa kế, cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục chỉ đạo, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng các quy định của pháp luật về thừa kế, Luật Đất đai cho cán bộ, đảng viên, hòa giải viên, tuyên truyền viên và nhân dân. Đồng thời, làm tốt công tác nắm chắc tình hình nhân dân; phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn. Qua đó, góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật góp phần ổn định trật tự xã hội.

-------------------------------------

Ông Đặng Văn Thiết, thôn Phúc Long 2, xã Thành Long (Hàm Yên)

Tuân thủ quyền phân chia thừa kế của cha mẹ

Việc phân chia di sản thừa kế là một việc tế nhị trong mỗi gia đình. Phân chia thừa kế là quyền và nguyện vọng của cha mẹ về việc để lại di sản cho con và con cái phải tuân thủ, làm theo định đoạt, phân chia thừa kế đó. Tuy vậy cha mẹ cần chủ động phân chia thừa kế rõ ràng, có tình có lý, trao truyền tài sản khi còn sống sẽ giúp bảo vệ, duy trì quan hệ tình thân trong gia đình hạn chế tranh chấp và hậu quả đau lòng. Nếu cha mẹ mất mà chưa phân chia thừa kế thì sẽ được thực hiện phân chia thừa kế theo đúng quy định của pháp luật.

Khó có sự phân chia nào là hoàn hảo. Để tránh xảy ra những mâu thuẫn, những người trong cuộc nên hiểu đúng và đủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là điều chỉnh hành vi của mình để không để xảy ra những sự việc đáng tiếc và đáng lên án, gây đổ vỡ quan hệ gia đình.

-------------------------------------

 Ông Nguyễn Văn Khiêm, tổ 17, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Cần đúng pháp luật 

Thực tế cho thấy bất cập trong phân chia tài sản thừa kế đã làm nảy sinh nhiều bi kịch đau lòng. Để hạn chế tình trạng này xảy ra, mỗi bậc làm cha, làm mẹ cần hiểu rõ pháp luật về thừa kế, việc cho, tặng tài sản phải được thực hiện minh bạch, rõ ràng, được pháp luật công nhận. Có thể thấy tại nhiều nước phát triển, vấn đề thừa kế thường được thể hiện qua di chúc hợp pháp hoặc những thỏa thuận phân chia tài sản công khai để tránh tranh chấp sau này. Bên cạnh hiểu biết pháp luật, mỗi gia đình cần có sự gắn kết, yêu thương bền chặt, con cái được cha mẹ giáo dục trở thành người có đạo đức, tri thức sẽ tránh được tình trạng “anh em tương tàn vì tài sản”.

Thực hiện: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục