Quan tâm và thấu hiểu

- Bị khuyết tật vốn chịu nhiều éo le và thiệt thòi. Bởi vậy, người khuyết tật ngoài việc phải tự lực cánh sinh còn cần sự quan tâm, chia sẻ và thấu hiểu của gia đình, cộng đồng để vươn lên. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến tạo sinh kế cho người khuyết tật để họ ổn định cuộc sống lâu dài.

Nỗ lực sẻ chia

Toàn tỉnh hiện có trên 38.000 người khuyết tật, chiếm khoảng 4% dân số. Đến nay, đã có trên 19.000 người khuyết tật được xác định khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật. 100% người khuyết tật đủ điều kiện theo quy định về trợ giúp Bảo trợ xã hội đều đã được hướng dẫn lập hồ sơ thủ tục hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định.

Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh trao học bổng cho học sinh khuyết tật trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Từ năm 2003, tỉnh đã triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Từ chương trình này, ngành Y tế  đã xây dựng được mạng lưới cán bộ y tế từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn làm công tác hỗ trợ phục hồi chức năng cho người khuyết tật. Năm 2013, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen đã triển khai phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật. Do đó, công tác quản lý thông tin về người khuyết tật được số hóa, hệ thống, bài bản hơn. Đây là một kênh để kết nối các nhà hảo tâm và người khuyết tật.

Trong những năm qua, các cấp, ngành, địa phương, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã nỗ lực kết nối, huy động các tấm lòng hảo tâm, nhà tài trợ để hỗ trợ người khuyết tật vươn lên. Chỉ trong năm 2022, tỉnh đã tiếp nhận và trao tặng tiếp nhận 488 xe lăn trị giá trên 1,2 tỷ đồng trao tặng cho người khuyết tật hệ vận động; tiếp nhận 360 triệu đồng của Tổ chức Hỗ trợ phát triển trợ giúp nhân đạo Thụy Sỹ tại Việt Nam tài trợ để triển khai Chương trình Giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật tại nhiều trường học của thành phố Tuyên Quang.

Đề án Chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ sinh hoạt, sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người có hoàn cảnh khó khăn đã được triển khai ở nhiều xã với các hoạt động trợ giúp người khuyết tật thiết thực như: Hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng xe đạp, xe lăn, hỗ trợ vốn vay để người khuyết tật phát triển kinh tế, xây dựng nhà vệ sinh, tặng học bổng, khám, phát thuốc miễn phí.

 Bác sỹ Trạm Y tế xã Minh Thanh (Sơn Dương) khám, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật.

Các trường học trên địa bàn tỉnh đã quan tâm huy động xã hội hóa để chăm sóc, hỗ trợ trẻ khuyết tật, đồng thời thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh khuyết tật, giúp các em hòa nhập trong môi trường giáo dục.

Hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở những năm gần đây diễn ra sôi nổi, thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện để thu hút người khuyết tật tham gia. Từ đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người khuyết tật. Hàng năm, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức các hội nghị trợ giúp pháp lý chuyên đề dành cho người khuyết tật. Thông qua các hội nghị trợ giúp pháp lý, người khuyết tật được cung cấp thông tin, nắm bắt các chính sách pháp luật của Nhà nước đầy đủ hơn, nhất là người khuyết tật ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Những kết quả trên chính là sự nỗ lực của toàn tỉnh đối với công tác chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật, nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên của người khuyết tật và gia đình có người khuyết tật.

Cần giải pháp lâu dài

Chúng tôi gặp Trần Tuấn Nam, chàng trai bị khuyết tật ở cả chân và tay khi mới học lớp 6, xóm 5, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) khi em đang ngồi mải mê sửa chữa một chiếc laptop cho khách. Năm lên 12 tuổi, chỉ sau một cơn sốt, Nam bị liệt tứ chi. Gia đình em chạy chữa khắp nơi, thuốc men ngốn không biết bao nhiêu tiền của gia đình, chân và tay của em mới có thể cử động được.

 Mô hình trồng cây ăn quả của chị Nguyễn Thị Quý, gia đình có người khuyết tật, thôn 1A Thống Nhất, xã Yên Phú (Hàm Yên).

Nam cố gắng học hết Trung học phổ thông rồi tự đi học một lớp dạy sửa chữa máy tính trong thành phố mấy tháng. Giờ đây, em có thể đi lại được nhưng chỉ đi được một quãng đường ngắn. Bất kể có khách gọi sửa máy tính hay có nhu cầu lắp camera, em lại di chuyển chậm chạp lên chiếc xe đạp điện để đi sửa máy tính hoặc lắp camera cho khách. Tuy chân tay bị khuyết tật, không phát triển bình thường nhưng khuôn mặt Nam luôn tươi tắn. Em bảo: “Em chỉ mong được hỗ trợ học một lớp chuyên sâu về sửa chữa máy vi tính để sau này em có thể sống với nghề này, có thu nhập và việc làm ổn định để không phụ thuộc vào ai”.

Con đường vào ngôi nhà nhỏ của ông Hà Văn Thắng, thôn Trung Tâm, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) chưa đủ 1 mét, nhỏ hẹp như cuộc sống vất vả của ông. Ông bảo: “Mấy năm trước, trường Tiểu học vận động gia đình tôi cắt đất để nhà trường xây tường rào, gia đình tôi được đền bù 30 triệu đồng nên giờ con đường mới nhỏ hẹp như vậy”. Cả hai vợ chồng ông Thắng bị khuyết tật. Năm 2018, gia đình ông được vay vốn không lãi suất 10 triệu đồng để chăn nuôi. Giờ đây, ngoài nuôi 1 con trâu, 1 con lợn, trồng 3 sào lúa và vài chục cây chuối tây, vợ chồng ông không có thêm nguồn thu nào khác. Ông Thắng bảo: “Tôi cũng muốn đi làm thuê để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống nhưng sức khỏe yếu, không đi làm thuê làm mướn được. Chỉ mong sao gia đình tôi được hỗ trợ vốn vay và được tham gia lớp dạy nghề chăn nuôi lợn. Vì nghề này phù hợp với sức khỏe của vợ chồng tôi. Khi có kiến thức về nghề này, tôi sẽ chăn nuôi hiệu quả hơn”.

Tuy tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để sẻ chia với những khó khăn của người khuyết tật, song công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn còn hạn chế. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Bản thân người khuyết tật và gia đình người khuyết tật chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của việc học nghề. Từ năm 2017, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh đã kết nối với các nhà hảo tâm tài trợ kinh phí mở 3 lớp dạy nghề làm tăm tre, may công nghiệp cho trên 60 học viên là người khuyết tật. Từ đó đến nay, chưa có lớp dạy nghề riêng nào được mở ra cho người khuyết tật. Theo tìm hiểu của phóng viên tại các huyện, thành phố, dạy nghề cho người khuyết tật mấy năm gần đây chủ yếu được lồng ghép trong chương trình dạy nghề nói chung nhưng số người khuyết tật được dạy nghề rất ít. Người khuyết tật sau khi được dạy nghề gần như không duy trì được nghề đã học hoặc không tìm được việc làm. Trên địa bàn xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) trước đây có 20 học viên được tham gia lớp làm tăm tre. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, nhóm làm tăm tre cũng không duy trì được.

Gia đình ông Hà Văn Thắng, thôn Trung Tâm, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) tự lực vươn lên nhờ chăn nuôi.

Bà Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Hội Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh cho biết, dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật là công việc khó khăn nhất từ nhiều năm qua. Nguyên nhân là khả năng học cũng như thực hành của người khuyết tật hạn chế. Sau khi học xong, người khuyết tật không có việc làm nên hiệu quả mở các lớp dạy nghề còn thấp. Bà Hòa mong muốn, trong thời gian tới, các doanh nghiệp trong tỉnh dành một tỷ lệ nhất định để tuyển dụng lao động là người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Vũ Quang Đảm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ (Yên Sơn) cho rằng, hỗ trợ về vốn phát triển sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm, tạo sinh kế cho người khuyết tật là giải pháp lâu dài. Do đó, tỉnh, huyện cũng như các ngành chức năng cần quan tâm để triển khai giải pháp này trong thời gian tới một cách phù hợp. Nhất là đối với những người khuyết tật nhẹ, còn khả năng lao động. Đối với những người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng thì cần có chính sách hỗ trợ về vốn đối với gia đình của họ.

Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ người khuyết tật cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, cốt lõi nhất là cần lắng nghe để thấu hiểu nguyện vọng, nhu cầu của người khuyết tật, gia đình có người khuyết tật. Nhất là những giải pháp mang tính lâu dài như hỗ trợ về vốn, tạo việc làm, sinh kế cho người khuyết tật.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục