Hạnh phúc của những “vầng trăng khuyết”

- Có ai đó đã nói rằng “Hạnh phúc là một hành trình, chứ không phải là một điểm đến”. Đối với những em nhỏ theo học tại lớp học chuyên biệt, Trường Tiểu học Sơn Lạc, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), hành trình hạnh phúc đơn giản là những tháng ngày vui đến trường, được sống trong vòng tay bè bạn, thầy cô như biết bao bạn nhỏ bình thường khác…

Lớp học đặc biệt

Nắng vàng của mùa đông trải dài đến hành lang lớp học đặc biệt - lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Một lớp học với đầy đủ bảng, phấn, dụng cụ học tập. Bàn ghế được kê gọn gàng vừa đủ cho các bạn học sinh hôm nay đến lớp. Cô giáo Nông Thị Xuyến, chủ nhiệm lớp bảo rằng sĩ số lớp luôn biến động từng ngày bởi ngoài thời gian lên lớp, có em phải đi truyền máu, em thì đi phẫu thuật, em đi vật lý trị liệu... Hay có những bạn học sinh bị khuyết tật thần kinh, tâm thần, những ngày trái gió trở giời bố mẹ phải cho ở nhà theo dõi vì em có xu hướng tự làm mình hoặc làm người khác tổn thương.

Giờ ra chơi hòa nhập của các em học sinh lớp chuyên biệt.

Có lẽ ít người biết rằng, trong lớp học dành cho trẻ khiếm khuyết ấy, có những em còn thiếu khuyết đi tình cảm gia đình... “Ngày mai gió mùa về, chiều nay về tự tắm rửa, thay quần áo nhé Dân ơi. Nhớ kỳ cọ sạch cổ và 2 bên tai này...” - Cô giáo Xuyến dặn dò học sinh của mình. Cậu bé Lưu Đức Dân năm nay tròn 10 tuổi, em có đôi mắt nhanh nhẹn, nụ cười tươi cùng làn da đen nhẻm như kể về những tháng ngày hè dãi nắng. Mẹ Dân bỏ đi từ khi em còn nhỏ, bố đi làm ăn xa, em ở cùng ông nội. Thiếu vắng đi tình cảm, sự dạy bảo của cha mẹ khiến cậu bé như rụt rè hơn với người lạ. Trong giọng nói lí nhí đủ để cô giáo chủ nhiệm nghe được, em bảo: “Ông hay quát mắng những khi say”... Dân là cậu bé không may bị thiểu năng trí tuệ. Ngoài việc tiếp thu chậm, em vẫn có thể sinh hoạt, vui chơi như nhiều bạn nhỏ bình thường khác. Sự hồn nhiên, ngây thơ của đứa trẻ vốn rụt rè, nhút nhát đã được thắp lên khi em được đến trường, cùng các bạn học tập, vui chơi.

Lớp học đặc biệt cũng sôi động không kém gì lớp học bình thường khác. Chỉ là, có những bạn không thể nghe, nói, đôi khi có những bạn tự do đi lại, hoặc tự dưng hét lên… Cô Xuyến chủ nhiệm lớp bảo rằng, mỗi em một tính khác nhau. Em thích đọc, em thích viết, em thích vẽ. Đúng môn mình thích, thì các bạn dễ tiếp cận. “Lâm ơi, đi học có vui không?”, “Vui lắm! Được viết chữ, viết số, chơi trốn tìm”. Hoàng Văn Lâm năm nay 8 tuổi, là một cậu bé nhanh nhẹn ở lớp. Cô giáo bảo em có triển vọng với môn Toán nhưng gặp nhiều khó khăn ở môn tiếng Việt: “Hôm nay học chữ O, nhưng mai không nhớ nổi nữa!”. Cậu bé bị ảnh hưởng thần kinh sau một trận sốt cao co giật hồi nhỏ. Em lém lỉnh, nghịch ngợm và mạnh dạn hơn các bạn khác. Cuốn vở viết của Lâm sạch đẹp, chữ tròn trịa và rõ ràng. Sự bận rộn với bút, vở và từng nét viết của em cùng những câu chuyện líu lo xen kẽ khiến người ta dễ dàng cảm nhận được rằng với các em, được đến trường chính là một niềm vui lớn.

Học sinh lớp chuyên biệt tập đọc, tập viết trên lớp.

Thắp ngọn lửa yêu thương 

Trường Tiểu học Sơn Lạc được thành lập từ năm 1996. Khi đó ngoài các lớp học thông thường nhà trường còn có 2 lớp học chuyên biệt dành cho trẻ khuyết tật. Một lớp dành cho trẻ bị câm điếc và một lớp học chung cho các em mắc các dạng khuyết tật khác. Lớp được mở với mục đích chăm sóc, giúp các em học sinh khuyết tật tại địa phương và các vùng lân cận được hòa nhập với cộng đồng. Đến năm 2004, hai lớp học được gộp lại thành một. Hiện lớp chuyên biệt có 15 em học sinh, trong đó có gần 90% các em là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Có nhiều em hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn khi có 3 - 4 người trong nhà đều bị khuyết tật. Đến nay, đã có nhiều em học sinh nỗ lực vươn lên. Có em nỗ lực học tập tốt đã tham gia học cùng lớp phổ thông với các bạn cùng trang lứa như em Trần Thị Quỳnh Như bị não úng thủy bẩm sinh...

Cô giáo Đinh Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: “Năm 2020, em Vương Tùng Dương, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý được gia đình xin cho theo học tại lớp học chuyên biệt. Gia đình em là người Pu Péo ở Hà Giang mới chuyển về đây sinh sống nên vô cùng khó khăn. Trên chiếc xe đạp đã cũ, ngày nào mẹ em cũng đưa đến trường rồi chờ ở nhà cô giáo gần đấy. Đến trưa hai mẹ con lại cùng nhau về nhà. Thương hoàn cảnh hai mẹ con, các cô trong trường đã quyên góp mua tặng gia đình chiếc xe đạp điện cũ để thuận tiện đưa đón em đến trường”.

Tổ chức Hội Chữ thập xanh Thụy Sỹ tại Việt Nam trao học bổng hỗ trợ học sinh khuyết tật Trường Tiểu học Sơn Lạc.

Thấu hiểu sự khó khăn của các gia đình có trẻ khuyết tật, hàng năm, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Sơn Lạc cũng phát động ủng hộ tiền để mua đồng phục, đồ dùng học tập tặng các em học sinh. Các tổ chức chính trị - xã hội hàng năm quan tâm tặng quà, trao học bổng, động viên các em đến trường. Đặc biệt từ năm học 2022 - 2023 đến hết năm học 2024 - 2025, Tổ chức Green Cross Switzerland (Hội Chữ thập xanh Thụy Sỹ tại Việt Nam) sẽ hỗ trợ tư vấn phương pháp chăm sóc, tiếp cận trẻ khuyết tật; tặng đồ dùng học tập, đồ chơi; mở lớp tập huấn cho phụ huynh học sinh, giáo viên trong trường… Qua đó góp phần tiếp thêm động lực, thắp sáng niềm tin để trẻ khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Không có mưu cầu, đòi hỏi xa hoa, niềm vui của trẻ khuyết tật đơn giản là được đến trường, được sống trong vòng tay yêu thương của bè bạn, thầy cô, gia đình. Dù mang trong mình những khiếm khuyết nhưng chính sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo khiến các em vẫn sáng lấp lánh như vẻ đẹp vầng trăng khuyết trên bầu trời đêm.

Phóng sự: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục