Nguy cơ sạt lở đất, đá
Tại tổ dân phố Vĩnh Hưng, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa), một số hộ dân cũng sống trong tâm trạng mất ăn, mất ngủ vì ta luy dương sau nhà dồn xuống làm nứt vỡ, kéo vặn kết cấu nhà. Theo báo cáo của UBND huyện Chiêm Hóa, mái taluy dương phía núi sau khu dân cư tổ dân phố Vĩnh Hưng vẫn đang tiếp tục sạt, trượt quy mô ngày càng lớn.
Những suối đá vẫn đang trực chờ ập xuống đe dọa đến sự an toàn của các hộ dân sống trong khu vực tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình).
Tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình), 10 hộ dân với 42 nhân khẩu thuộc tổ dân phố Nà Khà, Bản Khiển, Nà Mèn cũng đang sống trong cảnh ăn không ngon, ngủ không yên khi nguy cơ sạt lở đất, đá ụp xuống bất cứ lúc nào. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can cho biết: Đợt mưa lớn giữa tháng 6 đã hình thành các vệt lũ quét và các điểm sạt lở đất. Điều đáng lo ngại là các khối đất, đá vẫn đang tiếp tục trượt, sạt có xu hướng mở rộng, rất nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của người dân sống dưới khu vực chân núi.
Bà Quan Thị Tiết, tổ dân phố Nà Khà vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc đến trận lũ quét xảy ra ngày 21-6 vừa qua. Theo lời bà Tiết, 1-2 giờ sáng ngày 21-6 trận mưa lớn chưa từng có đã xảy ra, nước cùng đất đá trên đỉnh núi Pù Húc như con thú dữ xồng xộc lao xuống vùi lấp, cuốn trôi tất cả. Chỉ một loáng, toàn bộ tài sản gồm xe máy, xe đạp, hàng chục bao lúa và nhiều tài sản có giá trị của gia đình đã không còn. Bà Tiết lo sợ cứ mưa lớn như những ngày vừa qua, lũ quét, đất đá sẽ tiếp tục ập xuống đe dọa đến sự an toàn của gia đình bà và các hộ dân sinh sống dưới khu vực chân núi.
Trước thực trạng nguy cơ sạt trượt đất, đá tại 2 huyện Na Hang, Chiêm Hóa UBND tỉnh đã ban bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Đồng thời yêu cầu các huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.
Không chỉ riêng tại 2 huyện có nguy cơ sạt trượt đất đá lớn, tại một số địa phương nguy cơ sạt lở cũng gia tăng. Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm qua rà soát có hàng chục hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm gần sông, suối, chân núi, taluy dương phải di dời đến nơi an toàn.
Đảm bảo an toàn tuyệt đối người, tài sản
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: Nhiệm vụ lớn nhất là bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của người dân, Ban Chỉ huy yêu cầu, các huyện khẩn trương thực hiện các giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân.
Tại điểm sạt lở tổ dân phố Vĩnh Khang, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) máy móc thiết bị sẵn sàng khởi công xây dựng kè bảo vệ an toàn công trình nhà ở cho các hộ dân sống trong khu vực. Người dân sinh sống trong khu vực sạt lở cũng đã di chuyển tài sản, tháo dỡ công trình tạo điều kiện cho đơn vị thi công xây dựng.
Đồng chí Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết: Huyện đang đôn đốc đơn vị thi công tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung nhân lực, máy móc tổ chức thi công, đảm bảo thi công đến đâu, chắc chắn, an toàn đến đó. Huyện cũng yêu cầu người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khi có dấu hiệu bất thường sẵn sàng di dời đảm bảo an toàn cao nhất về người.
Nhà văn hóa tổ dân phố Bản Khiển, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) được trưng dụng làm nơi tránh trú cho người dân khi di dời.
UBND huyện Lâm Bình cũng đã lên kịch bản chi tiết trong từng tình huống để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân. Ngoài việc liên tục thông tin, cảnh báo thiên tai đến cộng đồng dân cư, huyện cũng yêu cầu các lực lượng vũ trang gồm: Công an, Quân đội trong những ngày mưa lớn xảy ra sẵn sàng lực lượng, phương tiện thường trực 24/24 để hỗ trợ người dân di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can khẳng định: Thị trấn đã cắm biển cảnh báo đồng thời phân công lực lượng túc trực tại các điểm có nguy cơ sạt lở cao nghiêm cấm người dân đến gần khu vực. Trên cơ sở đó, thị trấn cũng đã cho các hộ dân ký cam kết tuyệt đối không ở lại nhà khi mưa lớn xảy ra. Đồng thời bố trí 4 điểm sơ tán tại nhà văn hóa tổ dân phố Nà Khiển, Nà Khà, Nà Mèn và trường tiểu học để người dân tránh trú. Về lâu dài, thị trấn đề xuất sử dụng mặt bằng khu vực tổ dân phố Thát Chang an toàn tuyệt đối để bố trí sắp xếp ổn định lại dân cư.
Ở những điểm xung yếu khác cấp ủy, chính quyền cũng giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để người dân nằm trong khu vực nguy hiểm khi mưa bão xảy ra. Năm 2023, toàn tỉnh đã di chuyển 51 hộ dân đang sinh sống tại các vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm đến nơi ở mới bằng hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ. Năm 2024, qua rà soát ban đầu của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trên địa bàn có 30 hộ dân đang sinh sống tại vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ thiên tai nguy hiểm khẩn cấp cần được di chuyển đến nơi ở mới tại 5 huyện gồm: Lâm Bình 3 hộ; Na Hang 9 hộ; Chiêm Hóa 11 hộ; Sơn Dương 4 hộ và Yên Sơn 3 hộ.
Sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng xung yếu
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng: Với một tỉnh miền núi, địa hình dốc, thường xuyên chịu tác động bởi mưa đá, gió lốc, dông sét, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… tỉnh đã chỉ đạo ngành, các địa phương liên tục rà soát, vận động các hộ nằm ở ven sông, suối, bìa rừng để có kế hoạch di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn.
Trong Quyết định số 75 ngày 19-4-2024 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2024 cũng đã nhấn mạnh, các địa phương chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Lực lượng chức năng chốt tại điểm cầu tràn Gia, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) nghiêm cấm người,
phương tiện không qua khi nước lũ lên cao.
Cách làm của các địa phương hiện nay là tập trung rà soát, quyết liệt vận động để người dân di chuyển. Người dân chủ động tìm kiếm mặt bằng đất ở, chính quyền xã thẩm định, đảm bảo các điều kiện an toàn mới được phép di chuyển nhà ở.
Bà Lương Thị Giàu, thôn 3 Phúc Long, xã Thành Long (Hàm Yên) không nghĩ gia đình bà lại sớm có được căn nhà chắc chắn như hiện nay. Theo lời bà Giàu, ngôi nhà của bà trước sống ở chân núi, những trận mưa lớn đất sạt trượt, rất nguy hiểm. Đặc biệt thời điểm đầu tháng 5 vừa qua, trận mưa lớn đã làm ngôi nhà bị hư hỏng nặng. Biết không thể lần lữa mãi được, bà đã chủ động tìm mặt bằng, được tỉnh, huyện hỗ trợ kinh phí, tiền tiết kiệm của gia đình, bà Giàu đã làm được căn nhà sàn mới khang trang, vững chắc. Bà Giàu tâm tự: “Chuyển đến nơi ở mới yên tâm lắm! Không còn nơm nớp lo mưa lớn đất đá sạt trượt vào nhà nữa rồi!”.
Ngoài các dự án di dân xen ghép, các dự án di dân tập trung cũng đang được triển khai. Tuy vậy cái khó khăn nhất hiện nay đang là kinh phí để thực hiện dự án. Theo đồng chí Lê Hải Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong tổng số 5 dự án di dân tập trung, mới chỉ có 1 dự án hoàn thành là Dự án di dân ra khỏi vùng nguy hiểm xã Đà Vị (Na Hang) xong từ năm 2023. Còn lại 4 dự án gồm: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn); dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khau Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh; dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) và dự án bố trí, sắp xếp di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và rừng phòng hộ đầu nguồn tại xóm Dùm, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) vẫn còn dang dở.
Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đã được UBND tỉnh phê duyệt từ năm 2016, bắt đầu thực hiện từ tháng 7-2020 với thời gian thi công là 660 ngày, nhằm ổn định đời sống cho 72 hộ dân (di chuyển đến điểm tái định cư 53 hộ, ổn định tại chỗ 19 hộ). Tuy nhiên đến thời điểm này, các hạng mục thuộc dự án này đều bị thi công dở dang. Bởi vậy, một số hộ dù đã chuyển về tái định cư nhưng lại nơm nớp lo bởi ta-luy sau nhà nhiều chỗ cao tới 31m với nhiều vết nứt sâu, khe kẽ rỉ nước nguy cơ sạt lở cao mà không được cắt tầng, kè đá bảo đảm an toàn. Nhà nước cần phải bổ sung khoảng 20 tỷ nữa mới đảm bảo hoàn thành được dự án. Hay dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Khâu Tinh, thôn Tát Kẻ, xã Khâu Tinh (Na Hang) cũng phải bổ sung khoảng hơn 28 tỷ đồng mới có khả năng hoàn thành.
Theo các chuyên gia phòng, chống thiên tai, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, các loại hình thiên tai xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là mưa lớn, lũ ống, lũ quét gây ra sạt trượt đất, đá xảy ra bất cứ lúc nào. Đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cần sắp xếp bố trí lại dân cư để làm được điều này cần một nguồn lực rất lớn. Trong khi chờ sự bố trí từ Trung ương, các địa phương, người dân cần nâng cao ý thức, cảnh giác, chủ động di dời đến nơi an toàn khi có dấu hiệu bất thường, bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng của mình, người thân.
Gửi phản hồi
In bài viết