“Sầu đong càng lắc càng đầy...”

- Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều phát ngôn, lời nói ấn tượng, giản dị và sâu sắc, gần gũi, đầy tính triết lý, có sức lay động, truyền cảm hứng cho mỗi đảng viên và mỗi người dân, củng cố niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Với trí tuệ của một nhà văn hóa, một tâm hồn văn chương, Tổng Bí thư đã vận dụng Truyện Kiều cùng những tri thức văn học dân gian và những tác phẩm văn chương nổi tiếng trong nước và thế giới hết sức nhuần nhuyễn, sâu sắc, giàu sức thuyết phục.

Một tâm hồn yêu Truyện Kiều

Truyện Kiều là một “tập đại thành” văn hóa biểu hiện tâm hồn, tính cách người Việt Nam, nên hầu như ai soi vào cũng thấy mình trong đó, thấy tự hào về văn hóa dân tộc, mạch nguồn nuôi lớn tâm hồn người Việt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường xuyên đọc Kiều, lẩy Kiều trong các cuộc họp Trung ương, cuộc tiếp xúc cử tri, trong tiếp khách nước ngoài; lần nào cũng hết sức tinh tế, sâu sắc, khiến người nghe thấm thía, nhớ lâu.

Ngày 26-6-2006, khi được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư đọc Kiều: “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/Khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay”. Đây là các câu thứ 411, 412 trong Truyện Kiều nói về tâm trạng Kiều lúc mới quen Kim Trọng, Kiều đã sớm ý thức về phận mình, trách nhiệm và bổn phận của người con trong gia đình.

Tổng Bí thư dùng câu này vừa thể hiện sự khiêm tốn, vừa mượn ý thơ thể hiện dự cảm về những khó khăn trước mắt phải vượt qua khi thực hiện trách nhiệm của một người mang trọng trách. Trong lời phát biểu trước Quốc hội khi nhậm chức Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại hai câu thơ này, với tâm sự “bây giờ còn lo hơn”, thể hiện ý thức trách nhiệm lớn lao của người lãnh đạo luôn vì Dân vì Nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm gian trưng bày báo chí Tuyên Quang tại Hội Báo toàn quốc năm 2015.

Tháng 7-2011, chúc mừng Chủ tịch Quốc hội khóa mới Nguyễn Sinh Hùng, Tổng bí thư lẩy hai câu Kiều: Chén vui nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày rày... 5 năm sau. Đây là câu 1517, 1518, Thúc Sinh nâng chén rượu tạm biệt Thúy Kiều (Chén đưa nhớ bữa hôm nay/Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau). Câu đầu được lẩy thay chữ “đưa” bằng chữ “vui”, nhấn mạnh không khí hồ hởi, vui vẻ. Câu sau  thay chữ “năm sau” bằng “5 năm sau”, tức một nhiệm kỳ Quốc hội. Người ra đi làm nhiệm vụ mới chào người ở lại thay thế mình, gửi gắm trách nhiệm đến người mới, mong sẽ hội ngộ với “chén mừng” thành công mới; thật tài tình.

Ngày 23-4-2020, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư cũng lẩy Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” để khẳng định vai trò quan trọng, cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Tổng bí thư nhấn mạnh: “Tại sao trong “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du nói một “chữ tâm” thế mới “bằng ba chữ tài”, Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài liền với chữ tai một vần đúc kết cũng rất hay...”. Đó là những câu ai cũng thuộc nhưng để áp dụng, ứng dụng vào đời sống thật không dễ. Vì mối quan hệ đức - tài phải luôn song hành, luôn phải biết đặt chữ đức lên trước. Đây cũng là những câu Kiều được Bác Hồ lẩy nhiều lần để nhấn mạnh việc coi trọng đức là nguyên lý phổ quát cho mọi thời.

Trong chuẩn bị công tác nhân sự Đại hội, Tổng Bí thư dùng câu Kiều Khen cho con mắt tinh đời/Anh hùng đoán giữa trần ai mới già để yêu cầu phải “có con mắt tinh đời” trong việc đánh giá, giới thiệu, lựa chọn. “Con mắt tinh đời” chính là để nhìn ra những kẻ cơ hội chính trị để loại bỏ; đồng thời để tìm những cán bộ trong sáng về đạo đức phẩm chất, giàu kinh nghiệm, năng lực để đưa đất nước phát triển, thịnh vượng.

Nhấn mạnh việc nêu cao tính gương mẫu của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao; Tổng bí thư nhắc nhở cán bộ phải thường xuyên: Nghĩ mình phương diện quốc gia/Quan trên trông xuống, người ta trông vào. Đây là câu thơ số 2591 trong Truyện Kiều miêu tả nhân vật Hồ Tôn Hiến sau khi bắt Thúy Kiều ‘‘thị yến dưới màn’’, ‘‘ép cung đàn nhặt tâu’’ đã giật mình nhớ ra vị thế ‘‘quan tổng đốc trọng thần’’ của triều đình; nên đã tỉnh táo, bản lĩnh để vượt qua được sự cám dỗ trước tài sắc của Thúy Kiều.

Phong cách lãnh đạo của nhà văn hóa lớn, trí tuệ lớn

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy bản lĩnh, phong cách lãnh đạo của nhà lãnh đạo có tầm văn hóa lớn, trí tuệ lớn, khi đối diện và giải quyết những vấn đề lớn của đất nước cũng như khi nói chuyện với đồng bào, đồng chí.

Trong bài phát biểu chỉ đạo kéo dài hơn 60 phút tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc diễn ra ở Hà Nội sáng 14/12/2021, Tổng Bí thư đọc 2 câu trong bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy: “Thân gầy guộc, lá mong manh/Mà sao nên lũy nên thành tre ơi?” và phân tích “cây tre Việt Nam gốc thì vững chắc, cành thì uyển chuyển, mềm dẻo nhưng rất kiên cường. Không có cơn gió nào quật ngã được”. Câu thơ cho thấy 2 vế đối lập của sự nhỏ bé mong manh về thể chất nhưng lại ẩn chứa sức mạnh từ tinh thần và vẻ đẹp tâm hồn. Đó cũng chính là thông điệp quyết tâm xây dựng trường phái ngoại giao cây tre Việt Nam mà chúng ta đang thực hiện hôm nay.

Tại buổi lễ nhận huy hiệu 55 năm tuổi Đảng diễn ra ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xúc động bày tỏ tình cảm của mình với Đảng bằng cách dẫn lời một bài ca: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản”. Đó cũng chính là bài ca tự nguyện mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã hát và thực hiện, thể hiện lòng trung thành với lý tưởng cộng sản, luôn sống đẹp, hết lòng vì đất nước, vì Nhân dân.

Lý tưởng sống của Tổng Bí thư cũng chính là lý tưởng sống của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân”. Câu nói này được Tổng Bí thư nhắc lại nhiều lần, với mong muốn lý tưởng tốt đẹp đó lan tỏa, thấm đẫm trong mỗi con tim khối óc của những đảng viên cộng sản nước nhà.

Trong các lần phát biểu, Tổng Bí thư còn thường xuyên vận dụng những câu nói dân gian, khiến người nghe thấy gần gũi, thấm thía, nhớ lâu. Nhắc nhở cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ giữ trọng trách phải gương mẫu, Tổng Bí thư nhiều lần cảnh cáo tình trạng “Chân mình còn lấm bê bê/Còn cầm bó đuốc đi rê chân người”, “Người trên ở chẳng chính ngôi/khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào/Người trên ở chẳng được cao/Khiến cho kẻ dưới lộn nhào lên trên”…

Trong công tác cán bộ, Tổng Bí thư yêu cầu phải rất tỉnh táo, tinh tường, “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng chỉ thấy “cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong”; cảnh báo tình trạng “Cua cậy càng, cá cậy vây”, chống các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong các cán bộ có trách nhiệm.

Việc lẩy Kiều, vận dụng thơ văn, ca dao, thành ngữ, tục ngữ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kết tinh sâu sắc của văn hóa Việt Nam. Chính nét văn hóa ấy đã khiến nguyên thủ nhiều quốc gia khi tiếp xúc với Tổng bí thư, hay khi đến Việt Nam cũng mượn Truyện Kiều để truyền đi các thông điệp ngoại giao. Tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam năm 2000 đã đọc một câu Kiều: “Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”.

Tại buổi chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ ngày 7/7/2015, Phó Tổng thống Joe Biden đã lẩy Kiều: “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2023, Tổng thống Biden cũng tiếp tục lẩy Kiều: “Vinh hoa bõ lúc phong trần,/Chữ tình ngày một thêm xuân một ngày”.

Sầu đong càng lắc càng đầy, tất thảy chúng ta đều nhớ tiếc không nguôi khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về với thế giới người hiền. Nhớ tiếc Tổng Bí thư, chúng ta luôn nhớ tiếc một nhà lãnh đạo mẫu mực, một trí tuệ lớn, một nhà văn hóa lớn luôn ngổn ngang trăm mối bên lòng vì Dân, vì nước; nhưng tâm hồn luôn thấm đẫm chất văn chương. Chất văn ấy được Ông trao truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo của mình, như Ông từng nhắn nhủ “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

Hà Linh

Tin cùng chuyên mục