Ổn định dân cư vùng xung yếu

Lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ di dân

Đồng chí Tô Viết Hiệp

Chủ tịch UBND huyện Na Hang

Từ nguồn kinh phí Trung ương, địa phương và lồng ghép với một số nguồn kinh phí khác, những năm qua, huyện đã quan tâm thực hiện công tác di dời, bố trí, sắp xếp lại dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, ngập lụt, sạt lở đất, nhằm đảm bảo cuộc sống, tính mạng của người dân. 

Theo thống kê, năm 2024 trên địa bàn huyện có 8 hộ dân gia cố ổn định tại chỗ. Để đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện, huyện đã lồng ghép nguồn vốn: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nguồn ngân sách huyện, tỉnh. Huyện đã giao Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện phối hợp cơ quan liên quan, các xã, thị trấn có hộ dân gia cố bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời để người dân ổn định chỗ ở.

Để người dân đồng tình trong thực hiện việc di dời và gia cố tại chỗ, những năm qua các ngành, các đơn vị trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, ưu tiên hàng đầu đưa các hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến khu vực an toàn có đủ cơ sở hạ tầng và điều kiện phát triển kinh tế.


Sớm bổ sung kinh phí để hoàn thành các dự án

Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Trong giai đoạn 2021 - 2024 và xây dựng kế hoạch thực hiện 2025 về sắp xếp ổn định dân cư toàn tỉnh, toàn tỉnh có 753 hộ nằm trong diện phải bố trí, sắp xếp lại chỗ ở để đảm bảo an toàn. Trong đó, di chuyển tập trung  360 hộ; xen ghép 200 hộ; ổn định tại chỗ 193 hộ.

Hiện tại, các hộ thuộc diện xen ghép, ổn định tại chỗ đã được thực hiện. Tuy nhiên, 4 dự án di dân tập trung gồm: Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và vùng rừng phòng hộ đầu nguồn tại thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn); dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Khau Tinh, Tát Kẻ, xã Khâu Tinh; dự án khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương (Na Hang) và dự án bố trí, sắp xếp di dân khẩn cấp ra khỏi vùng lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và rừng phòng hộ đầu nguồn tại xóm Dùm, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) vẫn chưa thể hoàn thành do thiếu kinh phí.

Trong khi chờ Trung ương bổ sung nguồn kinh phí, các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống thiên tai.


Hỗ trợ Nhân dân di dời khỏi vùng nguy hiểm

Bà Đặng Thị Minh

Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tri Phú (Chiêm Hóa)

Xã Tri Phú là một trong những địa phương có nhiều hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm. Thực hiện các hoạt động hỗ trợ Nhân dân sinh sống trong vùng nguy hiểm di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, Ủy ban MTTQ xã đã phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức hoạt động ba cùng với Nhân dân, phối hợp với các lực lượng hỗ trợ người dân đang sinh sống tại các vùng nguy cơ có thiên tai nguy hiểm đến nơi ở mới an toàn. Trong năm qua, xã đã huy động gần 300 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên tham gia hỗ trợ Nhân dân vận chuyển đồ đạc, tài sản và đào móng nhà, làm nhà nơi ở mới.

Những hoạt động của MTTQ và các tổ chức thành viên trong xã đã phần nào giúp người dân khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Ủy ban MTTQ xã và các tổ chức thành viên sẽ luôn sát cánh cùng Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, giảm thiểu thiệt hại và phòng chống bão lũ, tìm kiếm cứu nạn.


Yên tâm khi có nơi ở an toàn

Bà Lý Thị Thương

Thôn Cây Quéo, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên

Từ ngày chuyển từ bìa rừng xuống ở giữa thôn Cây Quéo, gia đình tôi không còn phải lo lắng đất đá sạt lở mỗi khi mưa lũ như trước nữa. Cũng nhờ an cư, gia đình yên tâm tập trung làm kinh tế, giảm nghèo, cuộc sống cũng đỡ chật vật hơn. Trước kia, gia đình ở sâu trong núi, đường đi vất vả, ngay bên trên nhà là những tảng đá to, ngày không mưa thì lo đá lăn, ngày có mưa lớn không dám về nhà mà phải trú nhờ nhà bà con dưới xóm.

Mong muốn có chỗ ở an toàn luôn thường trực trong mỗi thành viên nên khi Nhà nước vận động, hỗ trợ chuyển nhà ra khỏi khu vực đang sinh sống, gia đình tôi đã vay mượn thêm để mua đất chuyển về giữa thôn. Năm 2021 chúng tôi được Công an tỉnh hỗ trợ nhà ở mới. Cuộc sống gia đình đã thay đổi hẳn khi có nơi ở an toàn, con cháu đi học thuận tiện hơn, mưa lũ không còn phải nơm nớp lo sợ nữa.


Mong có ngôi nhà vững chãi

Anh Hoàng Văn Phú

Thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn)

Do ngôi nhà của gia đình nằm ở gần khe núi, trước nhà có ít đất canh tác, theo phong tục xưa rất thuận lợi. Nhưng thời tiết thay đổi, thiên tai dữ dằn hơn, mỗi khi mưa lớn, lũ trên rừng ập xuống kéo theo cây cối, đất đai lại vùi lấp hết. Những  năm gần đây chưa mùa mưa nào gia đình được ăn ngon, ngủ yên, lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng chạy để bảo toàn tính mạng khi có dấu hiệu lạ. Mùa mưa lũ đang đến, rất mong các cấp, các ngành, chính quyền, địa phương sớm có phương án sắp xếp, di chuyển gia đình ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi ở mới. Hơn nữa gia đình cũng mong muốn chính quyền, địa phương tạo điều kiện vay vốn để xây dựng ngôi nhà khang trang chắc chắn, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục