Doanh nghiệp tìm hướng vượt khó

- Trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều biến động đã trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp đã linh hoạt thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ duy trì và phát triển sản xuất hiệu quả.

Thay đổi tư duy

Bắt buộc phải thay đổi tư duy thì mới duy trì được sản xuất, đảm bảo doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Ông Lê Văn Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Long Thắng cho biết: Những năm qua đối mặt với khó khăn do dịch bệnh, do khủng hoảng dư thừa, thiếu vốn… Doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn có lúc phải đối mặt với việc dừng sản xuất ở một số sản phẩm. Đứng trước khó khăn đó, doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tồn tại. Cái thay đổi đầu tiên là về tư duy sản xuất. Không sản xuất cái mình có mà phải làm cái thị trường cần. Vậy nên công ty đã thay đổi sản xuất ván gỗ công nghiệp thông thường sang ván gỗ công nghiệp cao cấp cung cấp cho thị trường Châu Âu. Đầu tư, thay thế chuyền sản xuất gạch tuynel kiểu cũ sang dây chuyền sản xuất gạch kiểu mới, sử dụng công nghệ hiện đại, tự động với giá trị đầu tư trên 7 tỷ đồng.

 Lãnh đạo Sở Công Thương tìm hiểu điều kiện sản xuất của Công ty TNHH Korea Bag (Cụm công nghiệp Phúc Ứng - Sơn Dương).

Với sự thay đổi tư duy, công nghệ, doanh nghiệp đã vượt “bão” thành công, ổn định và phát triển sản xuất. Hiện đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh ở 3 lĩnh vực, xây dựng cơ bản, sản xuất ván công nghiệp xuất khẩu, sản xuất gạch tuynel, tạo việc làm cho trên 100 lao động.

Thành lập tháng 4-2022, Công ty cổ phần Chè Sơn Dương chọn sản xuất chè xanh xuất khẩu sang thị trường nam Á, trung Âu không chỉ giải quyết đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi cho vùng chè trong tỉnh mà góp phần đa dạng hóa sản phẩm chè xuất khẩu trong tỉnh. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Sơn Dương cho biết: Nhiều năm qua, sản xuất nhỏ lẻ, theo phương pháp truyền thống không tiêu thụ hết sản phẩm chè búp tươi cho người dân quanh vùng, lợi nhuận không được đáng kể. Bởi thế phải tìm cách xoay chuyển để sống với nghề chè, trong cái khó “ló” cái liều thôi. Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu thị trường xuất khẩu mặt hàng chè xanh. Năm 2022, quyết định chung vốn cùng một số người bạn đầu tư trên 8 tỷ đồng làm dây chuyền sản xuất chè xanh xuất khẩu với công suất tối đa 50 tấn chè khô/năm. Năm 2023, đã xuất khẩu được trên 30 tấn chè xanh, doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Năm 2024, doanh nghiệp phấn đấu sản xuất, xuất khẩu trên 40 tấn chè xanh khô, doanh thu khoảng 40 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động và hàng nghìn hộ trồng chè trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như thực hiện các chính sách gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí theo các Nghị định số 12, 36, 41 của Chính phủ, giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết của Quốc hội… đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển bền vững (Nghị quyết 58 của Chính phủ). UBND tỉnh hằng năm có hội nghị tháo gỡ khó khăn, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp để có phương án hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn nhờ chính sách của Nhà nước, của tỉnh hỗ trợ.
Ông Lê Quang Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm chia sẻ: Chè của công ty sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của EU và Nhật Bản như đã cam kết với tập đoàn Unilever. Cùng với phát huy nội lực của doanh nghiệp trong không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng chè đen, chè xanh Mỹ Lâm để sản phẩm chè của doanh nghiệp luôn đứng hàng đầu với thị trường tiêu thụ rộng khắp trên toàn thế giới thì việc hỗ trợ về thuế giá trị gia tăng của Nhà nước đã giúp doanh nghiệp vượt qua những năm ảnh hưởng dịch bệnh. Năm 2023, công ty xuất khẩu trên 50 tấn chè các loại sang những thị trường khó tính như Mỹ, Ba Lan, Anh, Nga, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất…

Sản xuất gỗ xuất khẩu tại Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang.

Cùng với việc đưa các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vào thực tiễn, tỉnh đã triển khai hỗ trợ kịp thời nguồn kinh phí khuyến công được giao. Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023, Trung tâm Khuyến công đã triển khai hỗ trợ các hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn kinh phí mua sắm thiết bị, máy móc với 11 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Trong đó, 9 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn, 1 đề án thông tin tuyên truyền, 1 đề án tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công trên địa bàn huyện Sơn Dương. Triển khai thực hiện 4 đề án khuyến công quốc gia tại 6 đơn vị thụ hưởng với tổng kinh phí hỗ trợ 1,8 tỷ đồng. Đồng thời, tích cực phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 thực hiện 4 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng; Hỗ trợ khảo sát, tư vấn, hỗ trợ chuyển đổi số cho 4 cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Anh Phạm Xuân Hưởng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Tuyên Quang cho biết, nguồn hỗ trợ khuyến công rất cần thiết đối với doanh nghiệp, không chỉ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mà còn là sự quan tâm của các ngành đối với các cơ sở sản xuất, đây chính là động lực để doanh nghiệp nỗ lực hơn nữa. Công ty đầu tư dây chuyền sản xuất ván sàn công nghiệp xuất khẩu trị giá trên 15 tỷ đồng. Đơn vị đã được Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ gần 1 tỷ đồng từ nguồn khuyến công quốc gia để tăng thêm nguồn lực đầu tư. Doanh thu năm 2023 đạt trên 80 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động địa phương. Sản phẩm ván sàn công nghiệp của đơn vị xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia…

Nỗ lực nội sinh thay đổi tư duy, công nghệ kết hợp các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh đang vượt “bão”  để phát triển sản xuất.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục