Những ông chủ trẻ

- Tuổi đời còn trẻ nhưng họ đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, sớm trở thành ông chủ. Những thanh niên đó còn truyền đam mê cho những người trẻ khác trên bước đường khởi nghiệp không ít khó khăn của mình.

Bỏ phố về quê làm giàu

Chàng trai người Dao Bàn Xuân Thủy bỏ phố về quê làm giàu.

Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, chuyên ngành Quản lý đất đai năm 2020, anh Bàn Xuân Thủy, thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) được nhận vào làm việc tại một công ty có tiếng ở Hà Nội. Mặc dù có mức thu nhập khá, nhưng thanh niên sinh năm 1997 này vẫn quyết tâm bỏ phố về quê làm giàu. 

Anh Thủy kể: Đầu năm 2021, tôi mới chính thức nghỉ việc ở công ty để về quê tập trung khởi nghiệp. Khi đó, tôi thấy vấn đề thực phẩm hiện nay đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Đây cũng chính là cơ hội cho các mặt hàng nông sản sạch có chỗ đứng trên thị trường, vì thế tôi quyết định khởi nghiệp từ chính các sản vật ở quê hương. Với 100 triệu đồng vốn vay từ  Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tôi đầu tư xây dựng chuồng chăn nuôi lợn đen và gà đen với diện tích gần 1ha.

 Chia sẻ về những ngày đầu mới xây dựng trang trại, anh Thủy cho biết: Khi mới bắt tay vào phát triển trang trại nuôi lợn đen và gà đồi có không ít khó khăn gặp phải. Do thời tiết, khí hậu đàn vật nuôi mắc bệnh, bị tác động từ một số động vật khác, xổng chuồng… nhưng không vì thế mà chàng trai trẻ nản chí. Cứ mỗi lần thất bại, anh Thủy lại rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để rồi lại tiếp tục khắc phục những khó khăn.

Ở tuổi 27, với tinh thần ham học hỏi, sáng tạo vươn lên làm giàu, từ 10 con lợn giống ban đầu, hiện trang trại chăn nuôi của anh Thủy đã phát triển lên hơn 20 con lợn đen nái, gần 150 con lợn đen thịt và khoảng 400 con gà đen, gà đồi thương phẩm. Hàng năm, xuất khoảng 4 tấn lợn hơi, với giá bán 130.000 đồng/kg cho thị trường các tỉnh Tuyên Quang, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh... Và hơn 600kg gà thịt với giá 150.000-200.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí anh Thủy thu lãi khoảng 250 triệu đồng mỗi năm.

Mặc dù đã có nguồn thu nhập khá ổn định, nhưng chàng trai trẻ ấy chưa dừng lại. Nhận thấy những nét đẹp vốn có của núi rừng Hồng Thái được thiên nhiên ban tặng, anh Thủy tiếp tục đầu tư thêm homestay ngay tại địa phương. Nhờ thuận lợi về nguồn thực phẩm sạch nên homestay Mác Cọp của gia đình anh Thủy luôn đông khách lưu trú, anh cũng kết hợp giữa kinh doanh, buôn bán và quảng bá nông sản sạch của địa phương tới nhiều khách du lịch. Cơ sở homestay của anh Thủy đang tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 15 người dân bản địa. Ngoài ra, anh Thủy còn hướng dẫn bà con địa phương cách thức làm nông nghiệp sạch, đào tạo bà con làm hướng dẫn viên, từ đó góp phần nâng cao sinh kế cho người dân.

Lập nghiệp trên quê hương

Anh Nguyễn Đăng Hiển, thôn Hạ Đồng, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa) chăm sóc vườn chè.

Sinh ra, trưởng thành, rời quê xuống phố lăn lộn mưu sinh, rồi lại tìm về quê lập nghiệp là câu chuyện của anh Nguyễn Đăng Hiển, sinh năm 1994, thôn Hạ Đồng, xã Nhân Lý (Chiêm Hóa). Sau thời gian rong ruổi từ Bắc chí Nam làm công nhân, năm 2014, anh Hiển trở về quê nuôi chí làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. 

Anh Hiển kể: Thông qua tổ chức Hội nông dân tại địa phương, anh được vay vốn từ ngân hàng với số tiền 50 triệu đồng. Cùng vốn tự có của gia đình, anh bắt tay vào xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi và sản xuất tổng hợp. Ban đầu, anh cải tạo hơn 5ha đất để trồng rừng, trồng bưởi, chè. Anh kiên trì cày cuốc, phát cỏ dại trên từng ha đất để dần hình thành nên những cánh rừng keo, bưởi, rồi ngút ngàn chè xanh mướt. 

Cứ khai hoang đến đâu, trồng cây đến đó, sau hơn 9 năm, anh Hiển có hơn 4ha keo, 0,5ha chè và hơn 100 cây bưởi các loại. Hiện tại, mỗi năm gia đình anh thu hoạch khoảng hơn 7 tạ chè khô, với giá bán từ 70.000-150.000 đồng/kg chè khô; hơn 3.000 quả bưởi Soi Hà, Da xanh, với giá bán 8.000 đồng/quả. Không chỉ bán chè khô và trái cây, anh Hiển còn năng động trồng và bán chè giống và phân bón. Ngoài ra, từ khai thác gỗ keo, mỗi năm anh khai thác thu lãi hơn 30 triệu đồng/ha.

Không chỉ phát triển trồng trọt, anh Hiển còn chăn nuôi thêm 200 con gà chọi để tăng thêm thu nhập. Trung bình mỗi năm, anh Hiển xuất bán hơn 50 con gà chọi thương phẩm, với giá khoảng 150.000 đồng/kg. Đồng thời, anh Hiển còn xuất bán được hơn 30 con gà đực chiến với giá trung bình từ 1 - 3 triệu đồng. Từ trồng trọt và chăn nuôi, mỗi năm anh thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Làm giàu từ nuôi gà chọi

Anh Vũ Văn Huy (đứng thứ 2 từ trái qua phải) thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) làm giàu từ chăn nuôi gà chọi.

Tốt nghiệp cử nhân sư phạm loại khá, anh Vũ Văn Huy, sinh năm 1996, thôn Tú Tạc, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) không theo đuổi nghiệp “gõ đầu trẻ” mà quyết định dấn thân phát triển kinh tế với tâm niệm phải làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.

Anh Huy kể: lựa chọn hướng đi chăn nuôi gà chọi, năm 2017, anh bắt đầu vay mượn vốn xây dựng trang trại và nuôi 50 con gà. Song khi mới bắt đầu, anh cũng không ít lần thất bại. Năm 2018,      vì chưa nắm vững kỹ thuật, hơn 300 con gà bị bệnh chết, anh thiệt hại hàng chục triệu đồng. Không nản chí, anh tự tìm tòi và đến các địa phương ở Miền Nam, sang Thái Lan học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi và tìm kiếm thị trường. Sau những lần đi thực tế, anh Huy tiếp tục đầu tư tái đàn, thất bại lần đầu cho anh thêm kinh nghiệm ở lần nuôi sau. Anh dần tìm ra cách giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi gà chọi, anh Huy cho hay: nuôi gà chọi phải có kỹ thuật, mỗi giai đoạn có chế độ dinh dưỡng khác nhau. Gà dưới 1kg được ăn cám, ngô, gạo, từ trên 1kg bổ sung thêm chất xơ, các loại thịt, cá, rau xanh. Với gà chọi thương phẩm thì có thể nuôi tập trung, còn gà đực chiến phải nuôi tách từng lồng để chúng không đánh nhau. Chuồng trại nuôi gà cần được vệ sinh hàng ngày. Gà phải được tiêm vaccine đầy đủ.

Khởi nghiệp từ 50 con gà chọi làm vốn, sau hơn 5 năm, đến nay quy mô chăn nuôi gà chọi của gia đình anh Huy đã lên tới gần 5.000 con. Trung bình mỗi năm, trang trại gà chọi của anh Huy xuất bán hơn 4.000 con gà chọi thương phẩm, với giá từ 150.000 - 220.000 đồng/kg. Đồng thời, anh Huy còn xuất bán được hơn 100 con gà đực chiến với giá trung bình từ 3 - 5 triệu đồng.

Vì gà bố mẹ của trại là những cá thể được tuyển chọn kỹ lưỡng nên đẹp từ ngoại hình cho đến đòn lối. Chính vì có dòng gà chọi chất lượng nên đầu ra trại gà của anh Huy luôn ổn định. Gà được bán cả trong nước và xuất bán sang Lào, Trung Quốc, Campuchia, thậm chí nhiều lúc không có đủ gà để bán.

Ngoài nuôi gà chọi, anh Huy cũng nuôi thêm ngựa, trâu sinh sản. Bình quân mỗi năm,trang trại của anh Huy thu lãi hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế của gia đình, anh Huy còn thành lập HTX Nông lâm nghiệp Hoàng Huy liên kết 8 hộ dân trong xã, mở rộng quy mô chăn nuôi gà chọi trên 8.000 con. Trang trại của anh Huy cũng tạo việc làm cho 15 lao động địa phương với mức thu nhập 7 - 15 triệu đồng/tháng.

Từ thành công của anh Thủy, anh Hiển và anh Huy, một lần nữa khẳng định ý chí vượt khó để khởi nghiệp của những “ông chủ” trẻ Tuyên Quang. Khởi nghiệp ở miền núi buộc người trẻ có nhiều hơn một tinh thần thép để vượt lên những khó khăn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật và tính toán hợp lý nguồn vốn ít ỏi. Mô hình của thanh niên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà tạo thêm việc làm cho nhiều người dân địa phương.


Chắp cánh ước mơ thanh niên

Đồng chí Hoàng Trần Trung

Phó Bí thư Tỉnh đoàn

Thời gian qua, các cấp Đoàn trong tỉnh đã tập trung thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” cho thanh niên, qua đó xây dựng lớp thanh niên giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, có lối sống đẹp, có ước mơ, hoài bão, khát vọng dựng xây Tổ quốc giàu đẹp.

Tổ chức Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, cuộc thi về khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển kinh tế cho ĐVTN (Cafe khởi nghiệp; cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo; tư vấn nghề nghiệp việc làm cho thanh niên…), kết nối thanh niên với các nguồn vốn, kỹ thuật, công nghệ. Qua đó giúp thanh niên có định hướng rõ ràng cho tương lai, nâng cao năng lực và khẳng định vị thế trong xã hội. Đồng thời tạo điều kiện cho thanh niên tham gia các hoạt động xã hội, tình nguyện, cống hiến cho cộng đồng, khơi dậy khát vọng lý tưởng, lẽ sống trong thanh niên; tạo nhiều sân chơi cho thanh thiếu nhi để thể hiện tài năng, tăng cường văn hóa, phát triển tầm vóc, thể lực, giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa của Việt Nam và địa phương.

Với những hoạt động thiết thực, hiệu quả, các cấp đoàn đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng, đồng hành cùng thanh niên, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, bồi dưỡng năng lực, tạo điều kiện và chắp cánh để thanh niên phát triển, biến ước mơ thành hiện thực. Từ đó, góp phần góp sức trẻ vào xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.


Người trẻ năng động

Ông Triệu Trò Khiềng

Thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà (Chiêm Hóa)

Tôi thấy hiện nay những người trẻ rất năng động, dám nghĩ dám làm, sẵn sàng đổi mới và biết lấy thất bại để làm động lực vươn lên. Ở địa phương tôi đang sống, có rất nhiều thanh niên còn trẻ nhưng đã biết tận dụng, khai thác thế mạnh địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng những mô hình kinh tế mới, hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, tôi rất khâm phục một số bạn trẻ tuy tuổi đời mới chỉ 18, 20, nhưng đã mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng khởi nghiệp phát triển các loại hình kinh doanh, dịch vụ như: Homestay, cơ khí, ô tô vận tải, bán hàng trên các nền tảng xã hội... cho thu nhập cao. Sự mạnh dạn, tiên phong cùng những mục tiêu, khát vọng đã giúp các bạn thanh niên trẻ khẳng định bản thân, làm giàu cho mình, gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.


Độc lập, tự chủ, không dựa dẫm

Anh Nguyễn Hoàng Trung

Sinh năm 1997, tổ 4, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)

Cùng với sự phát triển không ngừng của thời đại và việc nhanh chóng tiếp nhận những văn hóa mới du nhập, giới trẻ ngày nay ngày càng dần thay đổi quan điểm và lối sống. Nhiều bạn trẻ có xu hướng sống tự do và sớm độc lập về tài chính, đặt ra mục tiêu để tự chủ tài chính. Có nhiều bạn trẻ tìm kiếm công việc làm thêm, bán hàng online, làm công việc gia sư… ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đó không chỉ là cách để các bạn trẻ có thêm thu nhập mà cũng chính là những bài học đầu tiên về việc kiếm tiền, quý trọng đồng tiền, tự chủ về tài chính. Thay vì việc phải chờ đợi, xin tiền của bố mẹ, người thân để mua món đồ mình yêu thích, đi đến những nơi mình mong muốn thì các bạn tự kiếm tiền, tự học cách tiết kiệm… Độc lập tài chính cũng là cách để mỗi bạn trẻ làm chủ bản thân, theo đuổi được đam mê cá nhân và sống có trách nhiệm với chính mình.


Mong thấu hiểu từ gia đình và cộng đồng

Anh Trần Mạnh Hùng

Thôn 12, xã Trung Môn (Yên Sơn)

Đi cùng sự thay đổi của thời đại và những văn hóa mới du nhập, thế hệ trẻ hiện nay đang dần thay đổi quan điểm, lối sống của mình. Nhiều người trong số họ đang đặt mục tiêu tự chủ về tài chính, ngại phụ thuộc vào gia đình hay các mối quan hệ lợi ích… Tuy nhiên sự thay đổi này cũng rất cần đến sự chia sẻ, động viên, thấu hiểu từ gia đình đến xã hội. Đơn cử như nhiều bạn trẻ chỉ vì mải mê kiếm tiền, muốn thể hiện mình là người tự chủ, độc lập, trong khi đó, chỉ mới xa rời vòng tay bố, mẹ, gia đình được ít thời gian đã cuốn theo “vòng xoáy” của đồng tiền “tự lập” dẫn đến đánh mất đi chính mình, nhìn lại thì đã quá muộn. Vậy nên, người trẻ cần phải tỉnh táo, trau dồi kiến thức thực tiễn lẫn đời sống xã hội, để có những quyết định đúng đắn cho bản thân và công việc, đồng thời cũng phải tham khảo ý kiến của gia đình để có những định hướng đúng đắn cho mai sau.

Ghi chép: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục