Doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động tăng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay Sở đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 78 doanh nghiệp, đạt 21,97% kế hoạch (tăng 90.2% so với cùng kỳ), với số vốn đăng ký trên 461,6 tỷ đồng (tăng 121.7% so với cùng kỳ), số doanh nghiệp hoạt động trở lại 43 doanh nghiệp, bằng với cùng kỳ.
Cán bộ Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh giới thiệu tiềm năng du lịch cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp phải giải thể và số doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh so với những năm trước là khá lớn. Nếu như cả năm 2023, tỉnh có 189 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, thì chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 132 doanh nghiệp, tăng 38,9% so với cùng kỳ. Trong số này, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực công nghiệp chiếm 19,2%, thương mại dịch vụ chiếm 50,2%, xây dựng chiếm 22%, nông lâm nghiệp chiếm 8,6%. Số doanh nghiệp giải thể trong 3 tháng đầu năm nay cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, là 6 doanh nghiệp. Theo hồ sơ đăng ký tạm ngừng hoạt động của các doanh nghiệp cho thấy, lý do chủ yếu là do doanh nghiệp không có việc làm, hoạt động kinh doanh không hiệu quả. Đặc biệt trong số 132 doanh nghiệp tạm ngừng đa phần là những doanh nghiệp có số vốn nhỏ khi 118 doanh nghiệp có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng đăng ký tạm ngừng; 8 doanh nghiệp vốn từ 10 - 20 tỷ đồng; 5 doanh nghiệp vốn từ 20 - 50 tỷ đồng; 1 doanh nghiệp vốn từ 50 - 100 tỷ đồng.
Phân tích, đánh giá về những nguyên nhân số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, công nghệ lạc hậu, thiếu điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, năng lực cạnh tranh chưa cao, sản phẩm hàng hóa chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa chú ý đến việc phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, trình độ quản lý của các chủ doanh nghiệp còn hạn chế, tính liên kết theo chuỗi giá trị thấp. Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là những doanh nghiệp rất dễ chịu tác động mạnh khi có biến động của nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi tình hình trong và ngoài nước có nhiều biến động làm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ với sức chống chọi yếu dẫn đến hoạt động không hiệu quả tạm ngừng hoạt động và giải thể. Ngoài ra, suy thoái kinh tế làm giảm tổng cầu trong nước, dẫn đến suy giảm doanh số bán hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Luyện thép tại Nhà máy Công ty TNHH Gang thép Tuyên Quang.
Trong giai đoạn hiện nay, nhiều người chuyển đổi sang kinh doanh trực tuyến, xu hướng này làm giảm nhu cầu mở doanh nghiệp truyền thống, khiến một số doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động. Cùng với đó sức cạnh tranh từ hàng Trung Quốc giá rẻ thông qua các kênh bán hàng Online làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước trong đó có tỉnh Tuyên Quang, nơi có vị trí gần với Trung Quốc. Trong số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chủ yếu lĩnh vực bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy và xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Thập còn cho rằng, nhiều doanh nghiệp có tâm lý sợ rủi ro nhất là về mặt tài chính và pháp lý khiến đầu tư tư nhân suy giảm, làm mất đi một phần lớn nguồn vốn cần thiết cho hoạt động của các doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy định các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Các nghị quyết và quyết định tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thành lập mới, chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp như: Miễn phí trả kết quả TTHC; hỗ trợ công nghệ cho các doanh nghiệp; chi các hoạt động kinh tế để các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị…
Vận hành dây chuyền sản xuất giấy tại Nhà máy Giấy An Hòa.
Các sở ngành, địa phương đã nỗ lực rút ngắn thời gian làm việc cho doanh nghiệp, nhất là cải cách TTHC trong thẩm định, đăng ký số doanh nghiệp và mã số thuế. Đặc biệt, thời gian đăng ký thành lập mới của doanh nghiệp hiện đã được thực hiện qua hệ thống, rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 2 ngày làm việc, thậm chí là trong ngày. Các sở, ngành, địa phương đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân để có giải pháp hỗ trợ như: giới thiệu, hướng dẫn hồ sơ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị từ nguồn ngân sách Trung ương, đồng thời triển khai hiệu quả các đề án, chính sách khuyến công cùng nhiều hoạt động liên kết xúc tiến thương mại, xuất khẩu hàng hóa, góp phần thúc đẩy cung cầu trên thị trường. Để khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập phát triển, Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó ưu tiên triển khai đề án tại các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập.
Đối với lĩnh vực thuế, trong năm 2023 ngành Thuế đã thực hiện giảm và gia hạn cho doanh nghiệp số tiền 448,3 tỷ đồng. Năm 2024 sẽ tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế bảo vệ môi trường với giảm tiền thuê đất... Cùng với đó, ngành Thuế cũng tiếp tục thực đồng bộ các thủ tục hành chính và các chính sách hỗ trợ, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.
Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Vietinbank Tuyên Quang cho biết, Ngân hàng luôn bám sát chỉ đạo của cấp trên, của tỉnh ưu tiên cho vay những lĩnh vực trọng điểm của tỉnh nhằm phục vụ nguồn vốn kịp thời, đưa ra chính cách tốt, nhanh, gọn thông thoáng. Chưa bao giờ chính sách cho vay doanh nghiệp thông thoáng và thuận lợi hơn thời điểm này. Hiện ngân hàng đã giảm lãi suất từ 3 đến 5%/năm. Cùng với đó ngân hàng đã áp dụng nhiều chính sách giảm tài sản bảo đảm. Đơn cử như đối với nhà thầu dự án lớn có thể dùng ngay chính hợp đồng dự án để vay tiền. Ngân hàng cũng đã đẩy mạnh chuyển đổi số giảm thời gian thực hiện các thủ tục vay, giải ngân Online...
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của nhà nước thì bản thân doanh nghiệp phải tự xây dựng cho mình chiến lược, sự nhạy bén thích ứng với những biến động của thị trường.
Sản xuất tại Nhà máy May SESHIN VN2.
Công ty cổ phần May Yên Sơn là một trong 6 doanh nghiệp của tỉnh nằm trong diện giải thể. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Công ty cho biết, trong mấy năm nay, Công ty chịu nhiều tác động về thị trường do dịch bệnh Covid - 19 dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Việc giải thể Công ty sẽ làm mất việc làm cho 600 lao động. Trước tình thế đó, Công ty đã xin giải thể và sáp nhập với Tổng Công ty May Bắc Giang. Sau khi sáp nhập, Công ty đã hoạt động trở lại với nhiều đơn hàng, từng bước khắc phục được những vấn đề khó khăn.
Cuối năm 2023 tuyến đường cao tốc kết nối Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội đi vào hoạt động đã mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội giúp hình thành nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đã tạo được sức hút cho các nhà đầu tư, các doanh nhân, doanh nghiệp tham gia vào thị trường kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang, làm cho nền kinh tế của tỉnh có sự cạnh tranh lớn hơn so với các năm trước đây. Mặt khác, trong thời kỳ cách mạng 4.0 các khó khăn doanh nghiệp nhỏ đối mặt sẽ càng lớn hơn khi không đủ năng lực để thích nghi với các công cuộc chuyển đổi số. Bước vào giai đoạn phát triển, nhiều doanh nghiệp phải liên tục thay đổi, chuyển đổi cơ cấu tự động hóa doanh nghiệp trong mọi khía cạnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù số doanh nghiệp giải thể và tạm dừng hoạt động cao, tuy nhiên số lượng doanh nghiệp thành lập mới lại tăng 90,2% so với cùng kỳ. Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của tỉnh đang có tính cạnh tranh ngày càng cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải thích ứng với điều kiện kinh tế mới nhất là trong thời đại công nghệ 4.0.
Gửi phản hồi
In bài viết