Truyền thống hiếu học
Về Mỹ Bằng những ngày này, người ta có thể dễ dàng cảm nhận sự sôi nổi, nhộn nhịp của một xã nông thôn mới nâng cao. Những đồi chè xanh mướt như mời gọi về một vùng kinh tế mới. Rót chén trà thơm màu vàng mơ sóng sánh, ông Phạm Văn Toàn bắt đầu kể câu chuyện của gia đình mình… Gia đình ông vốn thuộc Chi 2, dòng họ Phạm ở vùng hồ Thác Bà (Yên Bái). Năm 1964, 6 anh em ông theo bố mẹ di dân sang vùng đất Mỹ Bằng. Ông bảo, ngày ấy, gia đình chỉ làm thuần nông, thế nhưng tư tưởng của các cụ lại rất mới. Dù khó khăn, vất vả thế nào, cụ ông, cụ bà vẫn động viên các con học hành đến nơi đến chốn. Ông bà vẫn thường bảo rằng, tri thức là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công.
Ông Toàn thường bảo ban các cháu cố gắng học tập thật tốt.
Nhớ lại những ngày tháng gian nan, dù nắng hay mưa vẫn đi bộ hơn 10 km sang trường học ở vùng hồ Thác Bà, ông Toàn cười bảo, ngày xưa khó khăn là thế mà thế hệ ông, rồi các con ông đều nỗ lực học tập tốt, không ai bỏ học. Giờ đây trường học đã rất gần, phương tiện đi lại thuận tiện hơn, chẳng có lý do gì mà các cháu lại không cố gắng học hành. Cũng nhờ sự nỗ lực vươn lên mà thế hệ ông Toàn ai nấy đều thành đạt. Như ông Phạm Văn Hồng đã từng làm kế toán trưởng Hợp tác xã Nông nghiệp địa phương, ông Phạm Văn Hợp làm kế toán Trạm máy kéo X300, ông Phạm Văn Đồng là giáo viên THCS, ông Phạm Văn Toàn là cán bộ kế hoạch tại Nông trường Tháng Mười...
Tư tưởng học tập đã thấm nhuần trong nếp nghĩ của mỗi gia đình trong họ. Rồi thế hệ trước bảo thế hệ sau cố gắng, thế hệ con cháu lại nhìn ông bà, cha mẹ để học tập. Đến nay, trong gia đình họ Phạm ở Mỹ Bằng có nhiều con, cháu đang học và công tác trong ngành y, giáo dục, quân đội, có người đang công tác và làm việc tại nước ngoài. Cứ mỗi độ xuân về hay dịp giỗ chạp, lễ Tết là lúc con cháu trong họ lại trở về tụ họp đông đủ ở nhà thờ tổ. Bên mâm cỗ giản đơn giàu tình cảm quê hương, câu chuyện về truyền thống hiếu học trong gia đình lại được kể. Từ đó nung nấu cho thế hệ trẻ lòng quyết tâm và ý chí phấn đấu vươn lên học tập tốt.
Trọng khuyến học, khuyến tài
Dòng họ Phạm ở Mỹ Bằng hiện có 33 hộ với 135 nhân khẩu. Việc xem trọng khuyến học, khuyến tài để duy trì và tiếp nối truyền thống học tập, động viên khích lệ con cháu trở thành người có ích trong xã hội đã được dòng họ duy trì thực hiện suốt 15 năm qua. Trong đó, việc thành lập Quỹ khuyến học, khuyến tài đã được con cháu trong dòng họ tích cực ủng hộ và tham gia đóng góp, duy trì.
Mỗi khi con cháu đỗ đạt hoặc đạt thành tích tốt, ông Toàn lại thắp hương báo gia tiên.
Ngồi trong nhà thờ tổ linh thiêng với những tấm bằng khen sáng giá, anh Phạm Văn Chính, giáo viên trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ tâm sự, truyền thống học tập đã được nuôi dưỡng, rèn luyện từ thời ông cha, vậy nên khi nhắc đến học, ai cũng nghĩ đó là việc quan trọng nên sẵn sàng ủng hộ. Ngoài mức đóng góp theo quy định, nhiều hộ gia đình có điều kiện cũng chủ động đóng góp thêm để xây dựng Quỹ khuyến học. Hàng năm từ nguồn quỹ, con cháu trong dòng họ có thành tích tốt trong học tập đều được khen thưởng, khuyến khích, động viên. Dù số tiền không quá lớn, chỉ là 50, 100, 200 nghìn đồng, thế nhưng các cháu cũng đều cảm thấy vui và tự hào, từ đó cố gắng phấn đấu học tập tốt hơn.
Cùng với việc động viên, khen thưởng, hàng năm cứ mỗi dịp lễ truyền thống, con cháu trong dòng họ lại cùng nhau quây quần kể chuyện truyền thống gia đình. Đây cũng là dịp để các cháu có thành tích học tập tốt, đỗ đạt tại các trường danh tiếng trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ sau noi theo. Từ đó khơi dậy tinh thần tự giác học tập. Tiếp nối truyền thống cha anh, thế hệ con cháu dòng họ Phạm đã có nhiều em đạt thành tích tốt trong học tập như em Trần Sỹ Nguyên, con bà Phạm Thị Nụ đạt Huy chương Vàng kỳ thi Toán học quốc tế năm 2019; em Phạm Đức Hoàng, Phạm Hồng Nhung đang là sinh viên trường Đại học Y Thái Nguyên; em Phạm Quang Trường, Phạm Ngọc Mai hiện đang là học sinh THPT nhiều năm liền đạt thành tích học sinh giỏi. Đến các em nhỏ như Phạm Khánh Ly, Phạm Đức Mạnh, Tăng Nhật Tiến... hiện đang là học sinh Trường Tiểu học Mỹ Lâm cũng luôn được cha mẹ động viên học tập và đều đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi...
Nhìn lên tấm bằng Tổ quốc ghi công, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba của liệt sỹ Phạm Văn Khang được treo ở vị trí trang trọng trong nhà thờ họ, ông Toàn cười bảo, noi gương thế hệ cha anh, đến nay dòng họ Phạm có 12 người con đang công tác, làm việc và phục vụ trong quân đội. Trong đó đã có người mang hàm Đại tá, Trung tá... Đến nay, tất cả con cháu trong dòng họ đến tuổi đi học đều được đến trường. Trong dòng họ cũng không có con cháu mắc tệ nạn xã hội, không có gia đình nào thuộc hộ nghèo.
Luôn tâm niệm “Có cày có thóc, có học có chữ”, việc học trong dòng họ Phạm ở Mỹ Bằng đã trở thành tinh thần được hun đúc, nuôi dưỡng hàng chục năm qua. Với những thành quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài, dòng họ đã được Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong việc “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”.
Gửi phản hồi
In bài viết