Chủ động để vui, khỏe
Từ ngày về hưu đến nay chưa khi nào ông Trần Việt Cường ở tổ 13, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) cảm thấy hụt hẫng. Là bởi ông đã chuẩn bị sẵn tâm lý để “về vườn”. Ông bảo, có gì đâu, tuổi già là quy luật của tạo hóa, ai chẳng già đi. Nếu cứ lo sợ tuổi già ập đến, suy nghĩ lung tung có khi dễ sinh bệnh. Về hưu, ông Cường gác hết những lo toan và sống thoáng ra, tự tìm cho mình thú vui. Thế nên ông lựa chọn tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ khiêu vũ ở thành phố. Nhờ tham gia hoạt động này thường xuyên mà dù hơn 72 tuổi ông vẫn “khỏe như vâm”, ông còn tham gia làm bảo vệ tổ dân phố, đêm nào cũng đi tuần, góp phần đảm bảo bình yên cho khu phố.
Người cao tuổi xã Trung Yên (Sơn Dương) biểu diễn hát Then.
Nhiều người cao tuổi đã chủ động về kinh tế, biết tạo niềm vui cho mình khi tham gia các hoạt động, tránh gây áp lực cho mình, không tự “buộc” mình vào việc trông cháu hay quá “nặng gánh” cùng các con mà chỉ hỗ trợ các con lúc cần thiết. Bà Hoàng Thị Hằng ở xã Tân Long (Yên Sơn) cho biết, theo quy luật càng già sẽ càng yếu đi, tâm sinh lý thay đổi, mình phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về kinh tế và tinh thần. Do vậy về già ông bà chọn ở riêng, không ôm đồm, hỗ trợ các con quá nhiều, có thời gian rảnh ông bà tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao để duy trì sức khỏe và có tinh thần thư thái nhất để tránh xa bệnh tật.
Trên thực tế, các câu lạc bộ, tổ hội cùng sở thích của người cao tuổi được thành lập ngày càng nhiều. Như Câu lạc bộ Người làm báo cao tuổi, các câu lạc bộ dưỡng sinh, dân vũ, bóng chuyền hơi... Việc tham gia các câu lạc bộ giúp những người cao tuổi tìm được tiếng nói chung, sở thích chung để chia sẻ niềm vui của tuổi già.
Ở trong Hội Sinh vật cảnh tỉnh, các cụ cao tuổi vẫn thường hay trêu nhau “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao…”. Các cụ đùa vậy mà lại thật đúng bởi tuổi già không phải là rào cản đối với bất cứ ai trong hội mà từ ngày tham gia hội họ tìm thấy niềm vui chung, sự bầu bạn, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Việc tham gia hoạt động hội đã giúp trao đổi, nâng cao những kiến thức về sinh vật cảnh, tăng thu nhập cho gia đình hội viên.
Ông Nguyễn Văn Chiêu, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh cho biết, hiện nay tỷ lệ người cao tuổi trong hội chiếm đa số, người nhiều nhất gần 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Để tạo sự gắn kết giữa các hội viên, hội thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động như giao lưu văn hóa, văn nghệ, trao đổi về nghề sinh vật cảnh, kịp thời động viên, giúp đỡ những hội viên gặp khó khăn, người cao tuổi tham gia hội là rất phù hợp vì là nghề thanh cảnh giúp tinh thần thoải mái, lạc quan trong cuộc sống…
Lãnh đạo Hội NCT tỉnh thăm hỏi, tặng quà hội viên già yếu xã Phú Thịnh (Yên Sơn).
Cuộc sống ngày càng thay đổi, hiện đại, người cao tuổi cũng đang dần thích nghi để có cuộc sống đúng nghĩa vui - khỏe - có ích. Nhiều người cao tuổi biết tìm niềm vui trong việc sáng tác văn, thơ, tham gia các hoạt động dân vũ, thể thao, các câu lạc bộ, nhóm cùng sở thích... Thông qua đó vừa giúp người cao tuổi rèn luyện sức khỏe dẻo dai, có tinh thần thoải mái, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cần thêm không gian mới
Tuy nhiên bên cạnh những người cao tuổi được “tận hưởng” tuổi già theo đúng nghĩa thì vẫn còn không ít những người cao tuổi vẫn phải nặng gánh mưu sinh hoặc sống khép mình hoặc không muốn tham gia vào các hoạt động. Vẫn còn nhiều người cao tuổi không có nơi nương tựa, có hoàn cảnh khó khăn. Thỉnh thoảng ở những nơi công cộng như ở chợ, trên đường phố chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh của những người già nhọc nhằn với những gánh hàng rong hay vất vả đưa đón các cháu nhỏ về nhà giữa dòng xe cộ nườm nượp…
Ông H.V.H ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) năm nay gần 70 tuổi nhưng hàng ngày vẫn đi làm phụ vữa. Ông H. bảo, tuổi cao nên xương cốt yếu, cộng thêm căn bệnh cao huyết áp nên cứ lên cao là chóng mặt. Nhưng vì không có lương hưu, trong khi cuộc sống của các con cũng còn khó khăn, thu nhập không ổn định nên ông vẫn cố đi làm để có thêm thu nhập mua thuốc men, giúp các cháu có thêm quyển vở, cái bút mới…
Hội viên NCT xã Trung Hà (Chiêm Hóa) giữ gìn văn hóa nhuộm chàm truyền thống.
Bên cạnh đó, vẫn còn những người cao tuổi dù có lương hưu, các con cái đều khá giả nhưng lại rất ngại tham gia vào các hoạt động chung, sống khá khép mình. Như trường hợp bà M.T.B ở phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang), sau khi chồng mất bà ngại ra khỏi nhà và tham gia các hoạt động. Bà B. bảo, trước đi đâu cũng “có đôi có cặp” nhưng sau khi ông mất bà cảm thấy làm gì cũng rất lạc lõng...
Những trường hợp này không phải là hiếm trong xã hội hiện đại. Việc cân bằng giữa cuộc sống gia đình với những sở thích, cuộc sống cá nhân của người cao tuổi còn đang bị phụ thuộc nhiều vào các thành viên khác trong gia đình.
Như vòng luẩn quẩn “Trẻ chăm con- Già trông cháu”, bà Hà Thị Chính, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) bỏ sở thích đánh bóng chuyền hơi từ khi con gái sinh cháu thứ hai. Không yên tâm thuê người trông trẻ, bà nhận luôn phần việc này. Thành thử, thời gian con mọn của bà kéo dài đến tận bây giờ. Nhiều lúc nhớ sân bóng, bà địu cháu lên sân nhà văn hóa tổ dân phố xem các ông, các bà cùng lứa tuổi giao lưu.
Theo đánh giá của Sở lao động - Thương binh và Xã hội, bên cạnh những điều này, thì việc chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn còn những hạn chế khác. Như việc tuyên truyền chính sách liên quan đến công tác chăm sóc người cao tuổi ở một số nơi chưa thường xuyên và đồng bộ. Hoạt động của Hội Người cao tuổi ở một số cơ sở xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa chất lượng chưa cao, cán bộ các xã, thị trấn còn làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, công tác phối hợp với Hội Người cao tuổi chưa thực sự chặt chẽ. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi sinh sống tại vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thấp, tuổi thọ bình quân không cao, mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và người cao tuổi nói riêng còn thấp.
Do vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy các thiết chế, cơ chế hiện có, “cần có thêm không gian mới” để đẩy mạnh hoạt động chăm sóc người cao tuổi về sức khỏe, tinh thần và khả năng tiếp cận với các kiến thức, công nghệ mới. Đồng thời tăng cường tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất để người cao tuổi tham gia sinh hoạt như: chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội, tư pháp, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao... Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả vai trò “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Gửi phản hồi
In bài viết