Còn sức còn cống hiến

- Mặc dù đã ở tuổi xế chiều nhưng nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh vẫn không ngừng rèn luyện sức khỏe, gương mẫu tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động, trực tiếp lao động sản xuất, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương... Họ chính là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Tuổi cao chí càng cao

Nhìn bước chân nhanh thoăn thoắt, giọng nói vang và nụ cười đôn hậu của ông Khúc Văn Trịnh, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn), không ai nghĩ đây là lão nông ở tuổi 71. Ông vui vẻ nói: Nhờ lao động hàng ngày đấy, tôi cứ đi đi lại lại quanh các khu chăn nuôi - trồng trọt, nên sức khỏe được rèn luyện nhiều, tinh thần đầu óc vẫn minh mẫn.

Ông Khúc Văn Trịnh, thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) chăm sóc vườn bưởi của gia đình.

Năm 2002, sau khi tham quan những mô hình trồng bưởi hiệu quả kinh tế cao tại huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) và một số mô hình trồng bưởi trên địa bàn tỉnh, ông Trịnh và gia đình đã bắt tay vào trồng bưởi. Đây là loại cây ăn quả ít sâu bệnh nhưng cần chăm sóc cẩn thận và tỉ mỉ. Nhờ tích cực học hỏi kỹ thuật chăm sóc nên nhiều năm qua vườn bưởi nhà ông đã ra trái to và ngọt. Hiện vườn bưởi nhà ông đang có trên 1.000 gốc với các loại bưởi Diễn, Soi Hà, Da xanh, Phúc Trạch, mỗi năm cho thu hoạch hơn 50.000 quả, với giá bán trung bình từ 10.000-13.000đồng/quả, mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm.

Có vốn, ông tiếp tục đầu tư, trồng na, hồng và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra ông còn giúp đỡ bà con trong thôn, trong xã về kỹ thuật trồng cây bưởi, cách chọn cây giống. Có những hộ gia đình gặp khó khăn trong việc phát triển kinh tế, ông Trịnh cho vay cây giống, vay vốn để phát triển kinh tế.

Bên cạnh việc làm kinh tế giỏi, ông Trịnh còn luôn mẫu mực đi đầu trong các phong trào của hội. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn ông thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia lao động sản xuất. Người còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia lao động, hội viên sức yếu thì động viên, hướng dẫn con cháu về kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển kinh tế.

Cống hiến là niềm vui

Dù đôi tay không còn nhanh nhạy, đôi chân lắm lúc cũng chùn bước mỗi khi đi quãng đường xa để đến nhà hội viên, nhưng ông vẫn mệt mài, thầm lặng làm tròn nhiệm vụ của mình. Đó là hình ảnh thân thương, bình dị của ông Ma Phúc Danh, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Minh Quang (Lâm Bình). 

Ở tuổi 67, mái tóc của ông Danh đã ngả màu muối tiêu. Trải qua 3 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, ông tự tin với công việc vì có nhiều kinh nghiệm lẫn uy tín để làm tốt vai trò chăm sóc cho người cao tuổi. Hàng năm, ông đều tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện đầy đủ các chế độ mừng thọ, trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người cao tuổi theo luật định. Đồng thời, vận động người cao tuổi phát huy vai trò trong việc hiến công, hiến kế, nêu gương trên lĩnh vực sản xuất, giảm nghèo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ông cũng thường xuyên nhắc nhở hội viên thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào thi đua, tiêu biểu nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, hàng năm, có trên 90% hộ người cao tuổi đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Bên cạnh đó, ông Danh luôn động viên các hội viên tham gia phát triển kinh tế gia đình để nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, xã có khoảng 50% hội viên người cao tuổi trực tiếp lao động sản xuất, kinh doanh mô hình trang trại, nhiều hộ kinh tế khá, trong đó có 3 hộ làm kinh tế giỏi mỗi năm trừ chi phí thu lãi hàng trăm triệu đồng. Từ những việc làm của mình, ông được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam” và nhiều Giấy khen của Hội Người cao tuổi huyện, tỉnh”.

Nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng

Hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Trọng Khanh, 71 tuổi ở tổ 8, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) là người trực tiếp thiết kế nên những mô hình đèn Trung thu “khổng lồ” của tổ.

Ông Nguyễn Trọng Khanh, tổ 8, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) và những bản thiết kế mô hình Trung thu do ông thiết kế.

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” ông Khanh vẫn miệt mài ngồi thiết kế các mô hình Trung thu cho tổ. Mỗi năm một mô hình, ông phối hợp với Ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể trong tổ họp bàn lên ý tưởng rồi tự thiết kế. Những mô hình có ý nghĩa và tên gọi khác nhau theo từng năm như: Năm Sửu thì ông lên ý tưởng, thiết kế mô hình Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu đánh trận giả; năm Mão làm mô hình mèo đánh đàn ghi ta; năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội ông thiết kế mô hình Chùa Một cột và cụ Rùa... Không chỉ thiết kế các mô hình, ông Khanh còn trực tiếp tham gia làm mô hình. Hàng năm mô hình đèn Trung thu được ông cùng mọi người làm tỷ mỷ, được thiết kế phối hợp bằng sắt thép, nứa, thanh tre, giấy màu, vải và được lắp đặt mô tơ, máy nổ thành các xe mô hình di chuyển dễ dàng. Ông Khanh chia sẻ, mỗi năm ông bỏ ra thời gian khoảng 3 tháng để vừa thiết kế vừa làm mô hình. Nhiều họa tiết, hoa văn của mô hình khó ông thức cả đêm để mày mò. 

Đặc biệt, nhiều mô hình do ông thiết kế, dựng, trang trí cùng người dân trong tổ đã đoạt giải cao trong cuộc thi mô hình trong Lễ hội Thành Tuyên diễn ra hàng năm. 

Với vị thế cây cao bóng cả, những người cao tuổi ở Tuyên Quang vẫn là chỗ dựa vững chắc cho con cháu. Họ nhiệt tình lao động, gìn giữ nền nếp gia phong, sẵn sàng chung sức cùng cộng đồng. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn. Tuổi cao chí khí càng cao...”.

Phóng sự: Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục