Chuyển hóa kiến thức thành thực tế
Kho tàng tri thức của nhân loại vô cùng rộng lớn và mênh mông, bất cứ người nào muốn khám phá được kho tàng tri thức ấy cũng cần một người thầy dẫn dắt, định hướng. Tuy nhiên, người thầy chỉ đóng vai trò là người gợi mở để mỗi chúng ta tự khám phá, trải nghiệm và chuyển hóa kiến thức từ sách vở, từ xã hội thành kiến thức của mình và áp dụng trong thực tiễn. Muốn làm được điều này thì mỗi người cần phải lấy việc tự học làm cốt lõi của việc học. Tự học là ý thức của bản thân ở mức độ cao nhằm thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của bản thân. Khi tự học trở thành thói quen của mỗi cá nhân thì việc tiếp thu tri thức mới, áp dụng vào thực tiễn và sáng tạo luôn diễn ra nhanh, hiệu quả. Tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Tự học trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi và bất kỳ ai cũng đều có thể tự học.
Đồng chí Nguyễn Văn Trường (áo trắng), Phó Giám đốc Điện lực thành phố Tuyên Quang luôn coi trọng việc học hỏi chuyên môn từ đồng nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Điện lực thành phố Tuyên Quang là tấm gương tiêu biểu về tinh thần tự học và sáng tạo trong ngành Điện lực của tỉnh. Xuất phát điểm là một công nhân trực tiếp sản xuất, anh đã tích lũy kinh nghiệm, đọc nhiều sách, học tập, tra cứu kiến thức về điện trên Internet và học hỏi từ cấp trên, đồng nghiệp, anh đã trở thành cán bộ an toàn rồi trưởng phòng kỹ thuật và Phó Giám đốc Điện lực thành phố. Tuy là lãnh đạo nhưng anh Trường vẫn không ngừng tự học, quan sát xung quanh để sáng tạo ra những ý tưởng hay đem áp dụng trong công việc của đơn vị. Từ năm 2015 đến nay, anh Trường đã có nhiều sáng kiến, đề tài khoa học cấp công ty và Tổng Công ty được ứng dụng hiệu quả, góp phần tiết giảm điện năng, cung cấp điện an toàn cho người dân. Trong đó phải kể đến các sáng kiến như sử dụng bộ điều khiển từ xa để thao tác cầu dao, phân đoạn trên lưới điện trung thế, sáng kiến cải tiến, sản xuất, thay thế tiếp điểm tĩnh Bộ cầu chì SI10, 35KV. Với những sáng kiến này, anh còn góp phần quản lý hệ thống điện lưới của thành phố một cách khoa học, an toàn.
Đến thăm trang trại tổng hợp của nông dân Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng 5, xã Xuân Vân (Yên Sơn), chúng tôi không khỏi thán phục ông. Từ một hộ nghèo, gia cảnh khó khăn do con gái bị mắc bệnh hiểm nghèo, nhiều năm phải chạy chữa nhưng nhờ tinh thần tự học, tự nghiên cứu các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi mới cùng với ý chí vươn lên làm giàu, đến nay, nông dân Trịnh Văn Lực đã có trong tay cơ ngơi cho thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm. Năm 2021, ông Lực được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2021. Năm 2015, nén lại nỗi đau mất đi con gái, ông Lực đi nhiều nơi để học hỏi về cách trồng cây bưởi Da xanh. Ông về tận Trung tâm Giống cây trồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam để tìm hiểu về cách trồng, chăm sóc giống bưởi Da xanh. Ban đầu chỉ trồng 35 gốc, ông vừa làm vừa tự nghiên cứu, mày mò, mua sách về học và đọc trên Internet. Thậm chí ông còn đi nhiều tỉnh trồng giống bưởi Da xanh để học và tích lũy kiến thức. Sau đó, ông mở rộng và bán cả cây giống. Đến nay, ông đã có 800 gốc bưởi, trong đó có 500 gốc bưởi Da xanh. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông có nguồn thu từ 300 đến 400 triệu nhờ trồng bưởi Da xanh. Ở Xuân Vân, ông Lực là người đầu tiên đưa vào trồng giống bưởi Da xanh. Có vốn từ trồng bưởi, ông mua thêm đất, mở trang trại chăn nuôi lợn rộng trên 2 hec-ta. Ông cũng đi nhiều nơi để học hỏi kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản, cách tiêm phòng... Ông bảo: “Từ chỗ không biết tên loại thuốc thú y nào, đến giờ mình biết nhiều rồi. Ban đầu cũng phải học từng li, từng tý, từng tên thuốc cũng phải nhớ. Trồng bưởi cũng thế, mình nắm rõ như bàn tay cây nào thì cắt tỉa, bón phân như nào để đậu quả”. Hiện nay, mô hình nuôi lợn của ông Lực có 1.500 con lợn thịt và 170 con lợn nái. Mỗi tháng, bình quân ông xuất bán 25 tấn lợn, thu nhập bình quân từ chăn nuôi lợn là 1,4 tỷ đồng/tháng.
Thực tế cho thấy, nếu mỗi người có khả năng tự học cao và thường xuyên sẽ càng tích lũy được nhiều kiến thức và chủ động, sáng tạo, gặt hái được nhiều thành công trong công việc và cuộc sống. Đó chính là “trái ngọt” của hành trình không ngừng tự học, tích lũy và sáng tạo.
Phát triển khả năng tự học
Em Mai Tuấn Linh, lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chuyên là tấm gương tự học tiêu biểu. Nhờ tinh thần tự học, Linh đã giành nhiều giải cao trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và cấp tỉnh như Huy chương Vàng học sinh giỏi các trường Chuyên khu vực duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ, giải Ba học sinh giỏi quốc gia vượt cấp... Linh cho biết, dù gia đình em ở xa nhưng em luôn được bố mẹ, anh chị động viên cố gắng học tập. Bên cạnh đó, em cũng được các thầy cô trang bị nhiều kỹ năng để em tự nghiên cứu tài liệu, đọc sách tại nhà. Các thầy, cô đã cung cấp cho em nhiều địa chỉ, đầu sách, tạp chí để có thể khai thác tài liệu. Chính sự hỗ trợ, khích lệ từ phía gia đình, nhà trường đã giúp Linh say mê tự học và tự nghiên cứu.
Em Mai Tuấn Linh, lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chuyên Tuyên Quang (ngồi giữa) trao đổi bài tập với các bạn.
Cô giáo Trần Quỳnh Chi, giáo viên môn Lịch sử, trường THPT Chuyên Tuyên Quang chia sẻ, mỗi người mà chúng ta gặp trong cuộc sống là một người thầy của chúng ta. Nếu mỗi người biết tận dụng, nhìn thấy những ưu điểm, mặt tốt của họ sẽ học hỏi được ở những người xung quanh những điều bổ ích. Muốn cho quá trình tự học hiệu quả thì sự nỗ lực của bản thân mỗi người là quan trọng nhất, do đó cần biết tranh thủ các điều kiện, thời gian tốt nhất để tự học.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Chuyên, Giảng viên trường Đại học Tân Trào, hiện nay, việc tự học cũng gặp không ít lực cản. Đó là sự lười biếng, ỷ nại, thiếu ý thức tự giác, giấu dốt, tự mãn, nản chí khi đứng trước khó khăn, thử thách, học chỉ để lấy bằng cấp, không xác định được mục tiêu học tập đúng đắn. Do đó, trong nhà trường, cơ quan, đơn vị cần tạo ra một môi trường khơi dậy sự đam mê học tập, nghiên cứu, tạo ra phong trào thi đua hăng hái học tập trong học sinh, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, có sự biểu dương, khích lệ kịp thời những cá nhân điển hình, tiêu biểu trong tự giác học tập, hình thành thói quen tự học trong cộng đồng. Tùy vào điều kiện thực tế của mỗi nhà trường, cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện tốt nhất phát huy khả năng tự học, tự tìm tòi trong mỗi người.
Albert Einstein từng nói: “Điều ta biết như một giọt nước. Điều ta không biết thì mênh mông như cả đại dương”. Bởi vậy, học tập không ngừng sẽ giúp mỗi người hoàn thiện bản thân và tự học chính là điều cốt lõi nhất của việc học.
Gửi phản hồi
In bài viết