Du lịch an toàn

- Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về việc ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, người dân và nhiều người làm trong ngành du lịch bày tỏ sự vui mừng và đồng thuận cao. Ngành Du lịch có tín hiệu phục hồi trở lại khi vừa mở cửa vừa đảm bảo các quy định phòng chống dịch một cách linh hoạt, thích ứng. Đi du lịch ở Tuyên Quang đầu xuân là sự lựa chọn của nhiều người, bởi Tuyên Quang vẫn luôn giữ vững là vùng xanh của cả nước, cũng là nơi lý tưởng để du lịch tâm linh kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm.

Chống dịch đi đôi với phát triển du lịch

Vừa đảm bảo các biện pháp chống dịch một cách đồng bộ, chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi để phục vụ khách du lịch khi đến với Tuyên Quang dịp đầu xuân là phương châm của các cấp ủy, chính quyền, ngành du lịch trong tỉnh. Nhờ đó, các địa phương trong tỉnh vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh đi đôi với ổn định tình hình sản xuất, đón khách du lịch.

Thành phố Tuyên Quang dịp đầu xuân là nơi đón rất đông du khách về chiêm bái, du lịch tâm linh ở các di tích đền, chùa. Bởi vậy, ngay từ trước Tết, UBND thành phố đã sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng các phương án phục vụ khách du lịch đi đôi với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố đã cung cấp mã QR-Code đến 100% các di tích đền, chùa, điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, Trạm Y tế thành phố cung cấp bảng hướng dẫn, tuyên truyền khách du lịch và nhân dân các biện pháp phòng, chống dịch: thực hiện 5K, khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid hoặc sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế khi đến du lịch ở Tuyên Quang. Tại các di tích đền, chùa, điểm du lịch trên địa bàn thành phố đều trang bị nước rửa tay sát khuẩn, niêm yết mã QR-Code và bảng hướng dẫn người dân thực hiện. Đại đức Thích Thanh Phúc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, đảm bảo đón tiếp du khách khi đi du lịch tâm linh đầu năm cùng với đảm bảo phòng, chống dịch, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh yêu cầu Tăng, ni, phật tử thực hiện nghiêm hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế, không tổ chức nghi lễ cầu an, khóa tu.

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại xã Hồng Thái (Na Hang) vẫn thực hiện nghiêm quy định đeo khẩu trang. Ảnh: Quang Hòa.

Dịp đầu năm, các huyện vùng cao như Na Hang, Lâm Bình cũng là nơi lý tưởng để du khách đi du xuân, thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Đồng chí Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, chuẩn bị cho Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế diễn ra vào cuối tháng 3, UBND huyện đã xây dựng các phương án đón khách du lịch và phòng, chống dịch Covid-19. Huyện đã tổ chức họp với chủ hộ làm dịch vụ Homestay để triển khai và hướng dẫn các hộ phối hợp thực hiện các phương án của huyện. UBND huyện chỉ đạo các địa phương ngoài chuẩn bị tốt và chu đáo các dịch vụ đón khách du lịch cần phải chú trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn du khách khi đến Lâm Bình thực hiện khai báo y tế tại các điểm du lịch và thực hiện quy định 5K.

Dịp này, Hồng Thái (Na Hang) có lượng du khách đến tham quan, khám phá tương đối đông vì đang là mùa hoa cải đồng thời chuẩn bị đón mùa hoa lê. Đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái chia sẻ, đầu năm là dịp khởi sắc của du lịch Hồng Thái. Vì vậy, Đảng ủy xã đã chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch đi liền với đón khách du lịch. Đến nay, Hồng Thái vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh và đón du khách đến tham quan.

Giữ vững vùng xanh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh là một trong những điều kiện thuận lợi để du khách lựa chọn đến với Tuyên Quang dịp đầu năm.

Vẫn còn chủ quan

Thích ứng linh hoạt, du lịch an toàn là giải pháp phù hợp khi xác định sống chung với dịch. Tuy nhiên ở không ít nơi, tâm lý chủ quan vẫn còn tồn tại. Chính tâm lý chủ quan này là một trong những nguyên nhân khiến cho số ca F0 sau Tết liên tục tăng. Không ít người cho rằng, cứ tiêm 3 mũi vắc-xin là virus khó có thể xâm nhập vào cơ thể, vì vậy tha hồ đi đây, đi đó, không cần phải tuân thủ khuyến cáo 5K... Có mặt tại đền Thượng, xã Tràng Đà, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang) dịp này rất đông du khách đến chiêm bái nhưng vẫn còn không ít du khách chưa chủ động quét mã QR-Code để khai báo y tế, sát khuẩn tay và tổ quản lý di tích phải nhắc nhở.

Trong vai khách du lịch, chúng tôi đến một số nhà hàng, quán ăn. Qua quan sát, các nhà hàng, quán ăn này đều không kê bàn ghế giãn cách và có vách ngăn giữa các bàn ăn. Một lễ tân của nhà hàng Hẻm Quán, phường Minh Xuân cho biết: “Chỉ khi khách có yêu cầu kê bàn ghế giãn cách thì nhà hàng mới thực hiện. Nhà hàng cũng chưa thiết kế vách ngăn giữa các bàn ăn”.

Đồng chí Đàng Thị Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thái cho biết thêm, mặc dù được chính quyền địa phương, cán bộ y tế, chủ Homestay hướng dẫn, nhắc nhở nhưng vẫn có một số khách du lịch chưa chủ động quét mã QR-Code để khai báo y tế. Tại các homestay, các đoàn khách vẫn ăn cùng nhau, chưa bố trí giãn khoảng cách giữa các vị trí ăn  uống.

Anh Hoàng Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Thượng Lâm (Lâm Bình), chủ homestay Tài Ngào cho biết, hiện nay, để phòng, chống dịch, Homestay đã bố trí khu vực để du khách sát khuẩn tay, niêm yết mã QR-Code để du khách khai báo y tế, hướng dẫn du khách đeo khẩu trang nhưng việc giãn cách khi ăn vẫn chưa thực hiện được.

Như vậy có thể thấy, bên cạnh ý thức tự giác, chủ động chấp hành các quy định phòng, chống dịch khi đi du lịch đầu năm thì vẫn còn một số nơi, một số khách du lịch và người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch. 

Vì vậy, cần phải hiểu đúng quy định mới của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt đi đôi với mở cửa du lịch, phát triển kinh tế không có nghĩa là buông lỏng phòng, chống dịch mà coi việc phòng dịch là việc làm thường xuyên, ở mọi lúc, mọi nơi. Có như vậy, dịch Covid-19 mới không thể hình thành làn sóng bùng phát và được đẩy lùi một cách triệt để.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục