Yêu hơn cuộc sống này

- Ngày 21-12-2021, cơ sở 2 thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Phổi Tuyên Quang được thành lập tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ xã hội tỉnh sau những dự đoán của ngành Y tế về khả năng bùng phát một đợt dịch mới ở trung tâm thành phố. Hơn 2 tháng thành lập, là hơn 2 tháng ròng rã, bác sĩ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), Phó Giám đốc phụ trách cơ sở 2 cùng với 15 cán bộ, y bác sĩ thường trực ở đây.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân.

Bài học đồng lòng

Cơ sở 2 thu dung có quy mô 200 giường bệnh. Sau Tết Nguyên đán, hầu như lúc nào bệnh nhân cũng quá tải. Vì là cơ sở tận dụng lại cơ sở Bảo trợ xã hội, chỉ được xây dựng với quy mô phục vụ 50 người, thành ra cái gì cũng quá tải. Người quá tải. Điện quá tải. Nước sinh hoạt quá tải.

Việc thành lập cơ sở 2, rồi cơ sở 3 là điều mà ngành Y tế đã dự báo từ trước. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân cho biết, khi biết mình được phân công phụ trách cơ sở này, mình đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần, tâm lý để chiến đấu dài ngày.

Trước dịch, Khoa Truyền nhiễm vốn đã được coi như tấm lá chắn, là khu vực phòng thủ của Bệnh viện Đa  khoa tỉnh trong việc cách ly các ca nghi nhiễm, các ca bệnh đã xác định. Nhiều năm trong nghề, lại có kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn trong điều trị và phòng chống dịch, anh Quân không lo lắng nhiều.

Những bệnh nhân ở đây giống như một xã hội thu nhỏ. Có người thản nhiên đón nhận bệnh tật và sẵn sàng hợp tác với các y bác sĩ. Cũng có những bệnh nhân hoang mang, lo lắng thái quá. Lại có những bệnh nhân rơi vào trầm cảm nhẹ, không tuân thủ quy định của cơ sở mà đi lại quanh sân... Lực lượng an ninh, đội ngũ y bác sĩ càng khuyên bảo, họ càng trở nên hung hãn, thậm chí có hành vi chống đối. Lúc này, anh lại phải nhẹ nhàng, vừa khuyên bảo, vừa “nịnh” để họ thực hiện nghiêm các quy định chống dịch.

Đến thời điểm này, cơ sở đã điều trị khỏi cho hơn 300 bệnh nhân mắc Covid-19 trên địa bàn. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân chia sẻ, khi những bệnh nhân đầu tiên được ra viện, cảm xúc vỡ òa đến với không chỉ bệnh nhân, mà với cả đội ngũ y bác sĩ, lực lượng an ninh. Là cảm giác mình đã chiến thắng được con virus làm “khuynh đảo” cả thế giới; là cảm giác mình hoàn thành nhiệm vụ khi đem lại tin vui cho biết bao gia đình chờ đợi “những cánh én mùa xuân”.

Hết giờ làm việc, tháo bỏ bộ trang phục bảo hộ, anh chị em lại xắn tay vào nấu nướng. Anh bảo, ở những cơ sở khác, công tác hậu cần sẽ có một đội ngũ riêng chăm lo, nhưng vì kinh phí của tỉnh hạn hẹp, anh chị em “thoát vai” y bác sĩ lại “sắm vai” người đầu bếp. Không ai phiền lòng về việc sắm hai vai này. Với họ, còn được làm việc, còn được lao động, còn được chia nhau việc hái rau rửa bát thì nỗi vất vả này không thấm gì so với những sinh mệnh đáng quý của người bệnh.

61 ngày ở Cơ sở 2 thu dung, là 61 ngày bác sĩ Nguyễn Tiến Quân thấu hiểu hơn ai hết bài học về sự chung sức, đồng lòng, sẵn sàng đồng cam cộng khổ. Đồng nghiệp - đồng đội hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Đồng bào chia sẻ trong khó khăn hoạn nạn, người có nhiều san sẻ với người khó khăn hơn cùng chung buồng  bệnh.  

Những khoảng lặng ngắn

Thời tiết đang ấm áp, đột ngột trở rét đậm rét hại. Khu nhà ở, sinh hoạt của những cán bộ y bác sĩ, lực lượng an ninh như co lại trong cái rét 7-8 độ C. Mưa, gió rít qua những tấm bạt căng quanh khu nhà để ngăn nguy cơ xâm nhập từ virus khi các phòng điều trị bệnh nhân nằm sát với khu vực sinh hoạt này. Cồn sát khuẩn được bố trí ở những nơi dễ thấy nhất. Người, đồ vật từ phía ngoài chuyển vào, đều được cán bộ y bác sĩ ở đây nhắc nhở nhau khử khuẩn trước khi giao nhận.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân (mặc áo Blouse trắng) trong một cuộc kiểm tra của ngành Y tế tại cơ sở 2 thu dung. Ảnh: Minh Hoa.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân không cần nhìn lịch khi được hỏi anh đã bám trụ ở đây bao nhiêu ngày? 61 ngày rồi! Anh Quân nói. Nghe quãng thời gian hơn 2 tháng thì không thấm tháp gì, nhưng nghe con số 61 ngày, mới hiểu cảm giác khắc khoải, đếm từng ngày của những người đang ngày đêm làm việc ở đây.

Năm nay không phải là năm đầu tiên anh Quân đón Tết xa nhà. Những năm trước khi dịch bệnh xảy ra, hầu như năm nào anh cũng phải trực Tết. Nhưng năm nay thì khác. Đêm giao thừa, 16 cán bộ, y bác sĩ và 6 chiến sĩ công an bảo vệ cùng trải qua thời khắc đón năm mới ở nơi đặc biệt  này - không pháo hoa, không rượu, không có những lời chúc phát tài phát lộc, họ chỉ chúc nhau bình an, khỏe mạnh. Nhà anh Quân 2 vợ chồng đều là bác sĩ, nên sự thấu hiểu, chia sẻ cho công việc của nhau là rất lớn. Nhưng anh bảo, đấy vừa là thuận lợi, nhưng cũng vừa là thiệt thòi cho con cái mình.

Thời điểm này, anh trực chiến 24/24 ở cơ sở 2 thu dung, vợ anh vừa làm công tác chuyên môn, vừa hỗ trợ các địa phương, đơn vị khi có yêu cầu. 2 con anh chị phải gửi cho ông bà chăm sóc. Cũng may giờ thông tin liên lạc hiện đại, vợ chồng con cái sum vầy theo cách đặc biệt. Bác sĩ Nguyễn Tiến Quân chia sẻ, quãng thời gian quý giá nhất với anh, cũng như với 15 cán bộ, y bác sĩ ở đây là quãng thời gian sau 9 giờ tối. Đặt lưng xuống giường, và đây mới là khoảng thời gian bắt đầu để kết nối gia đình. Những câu chuyện của một ngày làm việc, những điểm số trong ngày đi học của con cái, những lời hỏi thăm sức khỏe và những lời động viên... là nguồn năng lượng họ nạp vào để sáng hôm sau bắt đầu công việc như mọi ngày.

Anh Quân bảo, mình là đàn ông, mọi thứ thuận lợi hơn so với nhiều chị em phụ nữ. Có những người những ngày đầu tiên mới vào, chưa quen với nhịp độ công việc, chưa quên được nỗi nhớ chồng, nhớ con, tiếng sụt sùi sau mỗi cuộc điện thoại vọng quanh hành lang khu nhà ở. Nhưng đặc biệt không ai ca thán. Sau những tiếng sụt sùi ấy, ngày hôm sau vẫn là những ánh mắt trong vắt, là tinh thần phấn chấn. Họ không để những cảm xúc cá nhân ảnh hưởng đến đồng nghiệp mình, ảnh hưởng đến bệnh nhân - những người đang chống chọi với bệnh tật - để tiếp tục chiến đấu và cống hiến.

Trong suốt câu chuyện của mình, bác sĩ Nguyễn Tiến Quân không một lời than phiền vì đã ở quá lâu trong khu vực điều trị này. Anh bảo, giờ lực lượng y tế toàn tỉnh mình, nơi nào cũng đang căng mình chống dịch. Đội ngũ y tế xã phường cũng vừa hỗ trợ điều trị F0, vừa hỗ trợ truy vết, vừa thực hiện công tác tiêm chủng. Đội ngũ y tế tuyến huyện, các bệnh viện trung tâm cũng vậy, rồi còn lo nhiệm vụ chuyên môn. Mình ở đây, cũng là một cách để cống hiến, giữ lại sức khỏe, bình an cho người bệnh nói chung và chính gia đình mình nói riêng.

Anh bảo, có trải qua 61 ngày, hay nhiều hơn nữa thời gian ở đây, mới hiểu rằng mọi lời than phiền đều trở thành quá đáng so với những mong muốn bình dị nhất của những người đã và đang điều trị ở đây. Mỗi ngày, còn được bình an, còn được làm việc, còn được cống hiến và san sẻ, anh đều thầm cảm ơn và yêu hơn cuộc sống này!

Phóng sự: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục