Mệnh lệnh từ trái tim

- Hơn một năm qua, những chiến sỹ áo trắng, những người trên tuyến đầu chống dịch chưa một phút giây ngơi nghỉ… Chẳng thể đo đếm những hy sinh, những nhọc nhằn, vất vả, khi trong cuộc chiến này, họ không chỉ là những y, bác sỹ, mà còn là chiến sỹ, là những người hùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Và chỉ khi “bức tường thành” áo trắng Blouse còn vững vàng, chúng ta hoàn toàn có thể đặt trọn niềm tin.

Chấp nhận hy sinh

Tình nguyện lên đường vào tâm dịch, những cán bộ y, bác sỹ luôn đối diện với nguy cơ nhiễm Covid-19 rất cao. Thế nhưng, không vì thế mà ngọn lửa tình nguyện trong trái tim bị dập tắt, ngược lại, càng trong khó khăn, càng rèn luyện tinh thần kiên trì, nhẫn nại của họ.

Đoàn cán bộ y, bác sỹ đi truy vết lấy mẫu tại xã Bình An (Lâm Bình).

Lần nào viết đơn tình nguyện đi chống dịch, điều dưỡng Hoàng Thị Huyền, Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên cũng được gia đình và đồng nghiệp khuyên nên để cho các đồng nghiệp khác có điều kiện hơn mình đi, vì còn 2 cháu nhỏ ở nhà. Nhưng, quyết tâm cùng đồng nghiệp mau chóng xông pha, đẩy lùi dịch bệnh, mặc dù  hoàn cảnh gia đình không được thuận lợi, chồng thì công tác xa nhà lại làm trong lực lượng vũ trang cũng luôn phải đi chống dịch, 2 vợ chồng lại không ở cùng ông bà. Những ngày tháng 8, tình hình dịch tại các tỉnh miền Nam diễn biến hết sức phức tạp, chị Huyền muốn đóng góp công sức của mình cùng các đồng nghiệp chống dịch, nên chị quyết tâm lên đường. Gần 2 tháng chị xa nhà là từng ấy thời gian chị nhờ cả vào ông bà trông con giúp. Không chỉ tham gia hỗ trợ tỉnh bạn chống dịch, sau khi trở về địa phương chị lại tiếp tục cùng đồng nghiệp ngày đêm đi truy vết, lấy mẫu. Chị Huyền kể lại, dù tham gia chống dịch ở thời điểm nào, ở tâm dịch hay ngoài tâm dịch cũng đều rất nguy hiểm vì mình cũng trở thành F0 bất kỳ lúc nào. Chị nhớ mãi hình ảnh, một lần đi lấy mẫu cho người dân trên địa bàn huyện, vì họ cương quyết không đồng ý cho lấy mẫu, lại không chịu đeo khẩu trang nên đã phải huy động cán bộ trong đoàn đi cùng giữ, vùng vằng mãi mới lấy được mẫu. Sau khi lấy mẫu về xét nghiệm sau đó có kết quả dương tính, nên chị với các anh em trong đoàn đã phải tự cách ly, theo dõi.

Không riêng chị Huyền, kỹ thuật viên Nguyễn Ngọc Anh, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc là con trai duy nhất trong gia đình, phải gánh trọng trách chăm sóc mẹ già. Vậy mà, trước cảnh dịch bệnh hoành hành đã thôi thúc người thanh niên trẻ gác lại công việc gia đình, công việc cơ quan, tình nguyện 2 lần đi hỗ trợ Bắc Giang và Bình Dương. Sau này khi trở về đơn vị, anh lại tiếp tục cùng các đồng nghiệp của đơn vị đi hỗ trợ các địa phương trong tỉnh chống dịch. “Đối với tôi, dịch Covid-19 không đáng sợ, cái đáng sợ là sự thiếu ý thức và sự thờ ơ của người dân đứng ngoài “cuộc chiến” này” - anh Ngọc Anh nói.

Thời gian này, dù số ca mắc Covid-19 của tỉnh so với các tỉnh khác còn ít, nhưng công tác triển khai rất quyết liệt, đòi hỏi toàn ngành phải huy động lực lượng để tìm và tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sau khi chuyển sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, số lượng F0 liên tục tăng nhanh, ngành Y tế phải huy động toàn hệ thống tham gia điều trị và quản lý F0. Suốt thời gian dài, đội ngũ nhân viên y tế, cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch phơi nắng dầm mưa trực canh ở các chốt kiểm tra y tế. Sau khi dỡ bỏ các chốt kiểm tra, đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục “đầu quân” cho các trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan đến ca bệnh nhiễm Covid-19 tại huyện Na Hang.

Y sỹ Đỗ Minh Lợi, cán bộ Trạm Y tế xã Ninh Lai (Sơn Dương) kể, khi dịch mới bùng phát, anh được phân công trực tại chốt kiểm tra y tế tại xã, sau đó được điều động về làm việc tại Trạm Y tế lưu động của xã. Dẫu phải làm việc trong thời gian dài và vất vả nhưng dịch bệnh còn chúng tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng. 6 tháng trực tại chốt kiểm tra y tế của xã, thời gian anh ở nhà cùng gia đình chỉ được tính bằng ngày.

Trong cuộc chiến này, ngành Y tế đã có hàng nghìn cán bộ lên đường chống dịch, xông pha vào tâm dịch. Trong số đó, đã có hàng chục cán bộ không may bị nhiễm Covid-19. Nhưng sau khi điều trị khỏi bệnh lại tiếp tục vào tâm dịch để cùng các đồng nghiệp của mình ngày đêm truy vết, lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc các ca F0.

Không chùn bước

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây ra nhiều biến động về mọi mặt trên phạm vi toàn quốc. Trước làn sóng của đợt dịch lần này, Tuyên Quang nhiều lần “cân não” để ngăn chặn dịch bùng phát tại tỉnh. Ngày 16-5, tỉnh đã ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên và thời gian này, ngành Y tế toàn tỉnh chính thức bước vào giai đoạn “căng lên mọi giác quan” để phòng, chống dịch.

Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra cơ sở vật chất cơ sở thu dung điều trị Covid-19 cơ sở 2 Bệnh viện Phổi tỉnh.

Nếu như trong năm 2021, những chiến sỹ áo trắng căng mình chống dịch theo từng thời điểm và vẫn có chút thời gian được nghỉ ngơi, thì từ sau Tết Nguyên đán thì gần như 100% chiến sỹ áo trắng, những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch không có ngày nghỉ. Huyện Sơn Dương là một trong những địa phương có ca mắc lớn nhất sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán với trên 3.000 ca mắc, trong đó, số ca mắc tập trung vào các xã Đại Phú, Tân Trào, Vĩnh Lợi, Bình Yên, Minh Thanh, Sơn Nam, Tân Thanh, Thiện Kế, Lương Thiện. Trước tình hình đó, những chiến sỹ áo trắng đã ngày đêm căng mình truy vết, lấy mẫu để ngăn chặn dịch bệnh và theo dõi, điều trị các bệnh nhân F0. Bác sỹ Đỗ Thị Thu Hương, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cho biết, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn đối mặt với những khó khăn, bởi công việc rất nhiều và phức tạp. Nhất là trong thời gian này dịch Covid-19 đang bùng phát trên địa bàn xã, chỉ tính từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã đã ghi nhận trên 400 ca mắc. Để đảm bảo tiến độ, các anh em nhân viên của trạm phải làm việc ngoài giờ hành chính, có khi là xuyên đêm tới sáng, chỉ với một mục tiêu duy nhất là có được thông tin nhanh nhất và chính xác nhất. Với chị và các đồng nghiệp có lẽ bây giờ khái niệm ngày và đêm, ngày nghỉ cuối tuần hay ngày lễ Tết không còn tồn tại trong những tháng ngày qua.

Nghĩ về thời gian đó, “tư lệnh” ngành Y tế - ông Nguyễn Thành Hưng, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: Phải nói trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm nay, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta đã huy động được lực lượng quân và dân chung tay tham gia vào công tác phòng, chống dịch và đã tạo được sự đồng thuận cho người dân. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất linh hoạt tùy theo tình huống cụ thể. Do vậy, mặc dù rất khó khăn, vất vả nhưng tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Khó khăn không thể kể hết, nhưng những cán bộ y, bác sỹ của tỉnh vẫn sát cánh, bám trụ đồng hành cùng tỉnh chống dịch.

Ánh đèn hắt ra từ ô cửa phòng xét nghiệm sáng rực cả không gian trụ sở CDC. Dưới sân, các đội phản ứng nhanh của đơn vị, của các huyện, thành phố tất tưởi chuyển từng hộp chứa mẫu bệnh phẩm từ cơ sở đưa đến để xét nghiệm Covid-19. Lúc này cũng đã là 3h sáng, trong phòng xét nghiệm, những kỹ thuật viên xét nghiệm, tỉ mỉ và thận trọng trong từng thao tác. “Tuy hằng ngày phải tiếp xúc với những bệnh phẩm nguy cơ lây nhiễm cao, song không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Chúng tôi chỉ biết nỗ lực hết mình để không xảy ra bất cứ sai sót nào dù là nhỏ nhất” - kỹ thuật viên Hoàng Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, CDC chia sẻ.

Giây phút nghỉ ngơi của cán bộ Trung tâm Y tế thành phố Tuyên Quang.

Hiện nay, mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 600 - 700 ca mắc Covid-19, có những ngày đỉnh điểm lên đến gần 1.000 ca. Điều này tạo nên áp lực rất lớn với toàn hệ thống y tế. Ngành Y tế và các địa phương cố gắng nâng cao tỷ lệ chăm sóc điều trị F0 tại nhà từ 70 - 80%, vì tỷ lệ bệnh nhân không triệu chứng và có triệu chứng nhẹ hiện nay trên địa bàn tỉnh chiếm 95%. Do vậy mục tiêu là cố gắng để số bệnh nhân phải điều trị tại các cơ sở y tế thật sự là số cần thiết.

Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới lây lan nhanh hơn, phức tạp và có thể nguy hiểm hơn. Đội ngũ cán bộ y tế sẽ còn rất nhiều gian nan, vất vả. Vậy nhưng, các “chiến sỹ áo trắng” - những người gánh vác sứ mệnh cao cả vẫn luôn nêu cao ý chí, bản lĩnh, kiên cường, ngày đêm động viên, chăm sóc, bảo vệ tính mạng của bệnh nhân và toàn thể nhân dân, để giúp chúng ta kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Minh Hoa

Tin cùng chuyên mục