1. Người đàn ông ngồi ngơ ngẩn trên ghế, hai bàn tay liên tục đập vào nhau một cách vô thức. Những chiếc móng tay lâu ngày chưa cắt, cuộn lại trên những ngón tay búp măng trắng muốt.
Chi hội trưởng Chi hội da cam/dioxin xã Trung Môn Lê Quang Vinh bước chân vào nhà, nhìn thấy anh liền giậm chân, đưa tay lên chào nghiêm nghị. Người đàn ông chỉ nhếch miệng cười nhẹ, rồi lại ngẩn ngơ đập tay liên hồi. Anh là Đỗ Xuân Vinh, năm nay đã hơn 40 tuổi, con trai của người lính chống Mỹ một thời Đỗ Xuân Quang, xã Trung Môn (Yên Sơn).
Ngôi nhà của ông Quang nằm lọt giữa những tán cây, lẫn trong mùi ngai ngái của ẩm mốc. Ông Quang năm nay đã 79 tuổi. 12 năm nay, ông vừa là cha, vừa là mẹ chăm cậu con trai nhiễm chất độc da cam từ khi mới lọt lòng.
Anh Đỗ Xuân Vinh (ngồi giữa) mắc da cam/dioxin từ khi lọt lòng.
Cậu bé Vinh ngày mới sinh đã có những điểm không giống những đứa trẻ bình thường. Lớp da trên người cậu cứ động vào là tuột ra. Vinh cũng lớn như bao đứa trẻ khác, nhưng không nói, không cười, không biết bày tỏ tình cảm, cũng không tự chủ được sinh hoạt cá nhân. Cơ thể cứ lớn lên như một người bình thường, nhưng đầu óc thì chỉ như đứa trẻ 1, 2 tuổi. Tóc của Vinh, chỉ cô em gái út mới dỗ dành để một tháng cắt được đôi lần. Còn móng tay thì hầu như không ai được phép động đến. Nó cứ dài ra, cuộn tròn vào, rồi tự gẫy tự rụng.
Những ngày đầu tiên, ý niệm về chất độc da cam hầu như chưa ai nghe đến. Vợ chồng ông động viên nhau, là do cái số mình kém may mắn. Mãi đến năm 2002, khi ông Quang và Vinh được đưa đi khám, kiểm tra tổng quát, mới biết 2 cha con đã nhiễm chất độc da cam. May mắn của ông Quang là nhà chỉ có mình anh Vinh nhiễm, 2 người con gái may mắn khỏe mạnh, đều có công ăn việc làm, có gia đình riêng.
Ông bảo, năm nay mình đã ở gần cái tuổi tám mươi, chẳng biết trời còn cho sức đến đâu để chăm con. Mấy năm nay, sức khỏe yếu, ông Quang phải nằm viện liên tục. Khi ấy, 2 người con gái ở gần nhà vừa đi lại chăm sóc cha, vừa phải chú ý chăm sóc em trai. Ông bảo, những ngày ấy vất vả vô cùng. Vinh gần như không ý thức được sinh hoạt cá nhân. Hễ “buồn” lúc nào, là cậu vạch quần lúc đấy. Thành ra, ngôi nhà luôn trong trạng thái ngai ngái, là bởi ngấm mùi nước tiểu, mùi phân... những ngày không có ai để ý, chăm chút.
Bình thường Vinh hiền lành, khù khờ, chỉ đi lại quanh nhà, nhưng khi trái gió trở trời, cậu trở nên điên dại, đập phá đồ đạc, có khi đánh cả cha. “Con mình, mình không bỏ được. Chỉ mong mình luôn có sức khỏe để chăm con thôi...” - Những lúc ấy, ông đành khóa trái con ở trong phòng, còn mình ngồi ngoài rơi nước mắt.
Ông bảo, suốt hơn 40 năm nay, lúc nào ông cũng mong có một phép màu nào đó, để Vinh cất tiếng gọi cha một lần. Thế nhưng, ước mơ này, với người cha đã ở cái tuổi gần đất xa trời này, có lẽ sẽ không bao giờ trở thành sự thật.
2. Không có nỗi đau nào nhỏ hơn nỗi đau nào, không có bất hạnh nào ít hơn bất hạnh nào - Chi hội trưởng Chi hội da cam/dioxin Trung Môn Lê Quang Vinh khẳng định như thế.
Quả thật, chỉ khi tận mắt chứng kiến sự tảo tần, của những người cha, người mẹ chăm những đứa trẻ mắc da cam/dioxin, mới thấm thía câu nói này. Và đau đớn hơn, khi có những gia đình, đã 2-3 thế hệ là nạn nhân của thứ chất độc này.
Ông Phạm Quang Chuộng, thôn Đồng Mon, xã Thái Long (TP Tuyên Quang) không nhớ, suốt quãng đời còn trẻ khỏe của mình, ông đã di chuyển xuống các bệnh viện lớn ở Hà Nội bao nhiêu lần trong một tháng để đưa cậu con trai Phạm Hồng Thảo đi khám. Anh Thảo sinh năm 1982. Nhìn bề ngoài, Thảo không có vẻ gì khác so với người bình thường. Nhưng những khi trái gió trở trời, anh như một con người khác. Hai con mắt vằn lên, Thảo đập phá đồ đạc, sẵn sàng đánh bất cứ ai lại gần mình. Thảo được bác sĩ chẩn đoán mắc thần kinh phân liệt. Ông bảo ngày mình chiến đấu ở chiến trường Miền Nam ác liệt là thế, nhưng chưa khi nào cảm thấy bất lực như khi nhìn con. Những ước mơ, hoài bão, mong con nên người của ông bà gác lại, nhường cho ước mơ con được bình an đi qua giông bão.
Chị Trần Thị Thơm và cô con gái Phạm Hải Yến.
Vợ chồng ông Chuộng sinh được 3 người con, chỉ có Thảo mắc bệnh. Những tưởng nỗi đau này sẽ dừng lại ở đời ông bà, nhưng không phải. Khi cậu con trai cả Phạm Quang Tuấn lập gia đình, sinh cô con gái đầu tiên Phạm Hải Yến (năm 2003) nỗi đau này đã chuyển sang thế hệ thứ 2. Chị Trần Thị Thơm, mẹ Yến, có lẽ cũng không nghĩ mình lấy đâu ra sức để gồng gánh gia đình, vừa luyện tập cho con, vừa chăn trâu, cắt cỏ, làm đồng và sinh thêm 2 đứa trẻ nữa sau Yến. Anh Tuấn đang làm việc ở một đơn vị nhà nước, sau cũng xin nghỉ việc để ở nhà cùng vợ chăm bẵm đàn con. Chị Thơm chia sẻ, mãi đến 10 tuổi Yến mới biết đi. Để con có thể đi lại được, ngày 2 bận chị chạy xe máy đèo con lên thành phố tập phục hồi chức năng, về nhà lại dùng cây buộc thẳng con lên để con có thể tập đứng, tập bước. Lần hồi, người đàn bà 38 kg ấy cũng thành công. Dẫu nhận thức vẫn chỉ là của đứa trẻ lên 2, lên 3, nhưng giờ Yến tự đi lại được, với chị Thơm, đó đã là thành quả lớn lao rồi.
Cũng như ông Chuộng, ông Nguyễn Đức Đông, thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) cũng không bao giờ dám nghĩ, chất độc màu da cam từ cơ thể ông đã nhiễm sang cậu con trai Nguyễn Bá Xuân, rồi sang cả 2 đứa cháu Nguyễn Dương Đại, Nguyễn Đức Đại. Anh Xuân mắc thần kinh phân liệt, vợ mất sớm, giờ chạy loanh quanh trong xóm, ai thuê gì làm nấy. 2 cậu con trai của anh cũng mắc hội chứng tăng động. Hễ nóng nực hay khó giải tỏa vấn đề gì, lại đập chân đập tay liên hồi, mọi việc gần như không có trật tự, quy củ gì.
Bà Lê Thị Duyên, vợ ông Đông bảo, ngày đón ông từ chiến trường miền Nam trở về, với bà chiến tranh như vậy là đã khép lại. Nhưng có tưởng tượng, bà cũng không bao giờ dám nghĩ, cái khép lại chỉ là tiếng súng, tiếng bom, còn những tàn dư như này không biết bao giờ mới kết thúc. Giờ bà chỉ trông lũ trẻ lớn lên bình an, không làm hại đến ai là mừng lắm rồi.
Những nỗi đau, di chứng da cam trên thân thể các nạn nhân và con cháu họ khó nói hết bằng lời. Thay vì chấp nhận số phận nghiệt ngã, những người bà, người mẹ, người vợ, người cha đã dành hết sức lực, tình thương suốt nhiều thập kỷ qua để chăm sóc chồng, con. Những tấm gương ấy, mảnh đời ấy vẫn luôn cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ từ cộng đồng để tiếp thêm cho họ động lực, niềm tin cuộc sống, để họ tiếp tục sống, tiếp tục bước đi dưới màu trời màu da cam này.
Gửi phản hồi
In bài viết