Để không ai bị bỏ lại phía sau…
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 2.600 nạn nhân chất độc da cam. Hầu hết những gia đình có 2 nạn nhân chất độc da cam trở lên đều rơi vào cảnh khó khăn. Nhiều người bản thân cũng bị bệnh tật giày vò nhưng vẫn phải tất tả ngược xuôi để nuôi những đứa con ốm yếu, dị dạng nên cái vòng luẩn quẩn “da cam - bệnh tật - nghèo khổ” cứ bám riết họ. Để xoa dịu những nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam, tỉnh ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để xây dựng các nguồn quỹ ủng hộ giúp đỡ nạn nhân da cam.
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao nhà cho ông Quan Văn Cử, thôn Phổ Vền, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa).
Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, trong nhiều năm qua cùng với sự phối hợp các cấp, các ngành, cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương, Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” được thực hiện hiệu quả. Hiện nay, tỉnh hội, huyện hội và đa số các xã, phường, thị trấn đều xây dựng được Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”. Ngoài ra, các cấp hội còn triển khai xây dựng 8 hòm Quỹ ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin đặt tại các điểm tâm linh.
Từ nguồn quỹ này đã góp phần hỗ trợ, động viên kịp thời tinh thần, vật chất, sinh kế, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán và những ngày kỷ niệm, các cấp hội trong tỉnh đã trích từ Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tặng gần 1.000 suất quà cho gia đình nạn nhân, mỗi suất quà trị giá từ 200 đến 500 nghìn đồng. Ngoài ra, trong 10 năm qua, hội còn hỗ trợ tiền làm mới, sửa chữa trên 300 căn nhà, trị giá gần 4 tỷ đồng; hỗ trợ khám chữa bệnh cho trên 500 nạn nhân với số tiền 650 triệu đồng.
Bên cạnh việc xây dựng các nguồn quỹ huy động sự ủng hộ của toàn xã hội thì các địa phương cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân như sửa chữa, xây dựng nhà ở; hỗ trợ phát triển kinh tế… Hội viên Vi Hồng Cao, thôn 8, xã Tân Tiến (Yên Sơn) là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin. Gia đình ông Cao có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Vừa qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh phối hợp với UBND xã Tân Tiến phát động quyên góp, ủng hộ để xây dựng nhà mới cho ông Cao. Ngôi nhà tình nghĩa mới có diện tích gần 50 m2, mái đổ bê tông, nền lát đá hoa, tổng trị giá trên 100 triệu đồng. Trong đó, nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tỉnh hỗ trợ 40 triệu đồng.
Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh tặng quà cho hội viên Chu Thị Tài, xã Nhữ Khê (Yên Sơn).
Hàng năm, từ nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của tỉnh có khoảng 8-10 hội viên được vay 10 triệu đồng, không lãi suất, trong vòng 3 đến 5 năm để phát triển kinh tế. Còn từ nguồn Quỹ “Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin” của huyện có 3-5 hội viên được vay 5 triệu đồng, không lãi suất để phát triển kinh tế.
Ông Hà Hữu Độ ở thôn Làng Lạc, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) là thương binh 1/4 và là nạn nhân chất độc da cam. Trở về quê nhà với một bên mắt bị mù, 1 bên nhìn mờ, đôi chân không còn lành lặn. Thế nhưng bằng nghị lực Bộ đội Cụ Hồ, ông cùng người vợ “đồng cam cộng khổ” vượt qua khó khăn. Năm 2018, ông đã được hội cho vay 10 triệu đồng và vay mượn anh em họ hàng để thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay, gia đình ông có 5 ha rừng keo, hơn 2.000 m2 ao thả cá, gần 1.000 m2 đất ruộng cấy lúa, trồng ngô… Hàng năm, trừ chi phí gia đình ông thu lãi gần 300 triệu đồng sản xuất nông lâm nghiệp.
Tự lập để vươn lên
“Còn sức còn làm việc hết mình. Có những nỗi đau đớn nhất trong cuộc đời mà tôi và vợ đã phải nắm chặt tay nhau để vượt qua. Đó là những lần chứng kiến các con ra đời bị nhiễm chất độc hóa học. Có đứa bị tâm thần, lên cơn hoảng loạn đã tự tử trong vô thức, có đứa bỏ đi vào tận miền Nam biền biệt bao năm. Những lúc nhìn các con vật vã khi trái nắng trở trời, vợ chồng tôi kiệt quệ tinh thần. Thế nhưng với ý chí người lính không bao giờ tôi cho phép mình được gục ngã. Vậy là vợ chồng tôi ra sức làm ăn, phát triển kinh tế, lấy tiền chăm sóc thuốc men hàng ngày cho mình và cho con”. Đó là những tâm sự của ông Nguyễn Đình Bảng, thôn Vĩnh Tiến, xã Tân Thanh (Sơn Dương).
Suốt 5 năm trời lăn lộn chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), ông đã bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Từ chiến trường trở về, ông tham gia ngay công việc ở xã. Nay về nghỉ hưu nhưng ông vẫn say sưa trên mặt trận kinh tế. Nhiều năm qua, ông mạnh dạn thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp. Hiện nay gia đình ông có 1,5 ha rừng bạch đàn, 500 gốc chanh Nhật, gần 100 gốc mít các loại, 20 gốc dừa, 10 gốc nhãn, đàn gà 100 con, đàn ngỗng sư tử 30 con. Với mô hình này mỗi năm gia đình ông có thu nhập gần 200 triệu đồng.
Các hội viên nạn nhân da cam huyện Yên Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng chanh tứ thì.
Bên cạnh những nỗ lực của các cấp, các ngành thì còn có nỗ lực không nhỏ của chính những người trong cuộc. Họ là những chiến binh trong thời chiến và cả trong thời bình, trở thành tấm gương sáng tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho những người cùng cảnh ngộ. Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh chia sẻ, toàn tỉnh hiện có hơn 360 hội viên tích cực phát triển kinh tế với nhiều mô hình như trồng cây ăn quả, chăn nuôi, trồng rừng... mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến 400 triệu đồng/năm. Nhiều hội viên tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật, làm giàu, tìm hướng đi mới, giúp đỡ các hội viên khác thoát nghèo.
Để phát huy nội lực bản thân, thể hiện bản lĩnh ý chí của Bộ đội Cụ Hồ, các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập xây dựng Quỹ tự lập. Đây là một trong những cách làm sáng tạo của các cấp hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mỗi hội viên tham gia đóng góp 200 nghìn đồng/năm. Số quỹ thu được sử dụng luân chuyển bằng cách cho hội viên khó khăn vay vốn phát triển kinh tế, sửa chữa nhà ở trong thời hạn từ 3-5 năm. Đến nay, 100% các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh đã thành lập được quỹ với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng, cho 300 lượt hội viên vay vốn.
Năm 2017, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Trung Môn (Yên Sơn) đã thành lập được quỹ. Quỹ tự lập của xã đã đạt 1 triệu đồng/hội viên với tổng số tiền là 40 triệu đồng. Từ nguồn quỹ đã cho 7 lượt hội viên vay để phát triển kinh tế với lãi suất thấp 1%/năm. Ngoài việc vay vốn phát triển kinh tế, hội viên của các chi hội còn được hỗ trợ vay vốn sửa chữa nhà, các công trình phụ trợ để yên tâm lao động sản xuất. Ông Lê Quang Vinh, xóm 4, Trung Môn chia sẻ, năm 2018 gia đình vay 10 triệu đồng từ Quỹ tự lập để trồng hoa đào. Đến nay, gia đình ông đã hoàn trả cả gốc và lãi cho chi hội và có nguồn vốn để đầu tư mở rộng vườn cây gần 4 sào.
Bằng sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực không mệt mỏi của những nạn nhân thì nỗi đau da cam dần xoa dịu. Tuy nhiên, hành trình đó cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, chăm lo của toàn xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.
Gửi phản hồi
In bài viết