Tập bút ký Một rẻo Mê Kông là tâm huyết của nhà thơ.
Ông tự lên bục trình bày bài thơ mình mới sáng tác với giọng trầm ấm cảm xúc “…Dáng em gầy trăng cốm ngóng chờ ta…/Xứ sở của Then, Người đẹp mặn mà/Ta đã sống cả đời mộng mơ thế/Đêm trở rét xòe tay bên bếp lửa/Nhận vào lòng tình nghĩa Xứ Tuyên ơi…”. Cả khán phòng lặng yên, rồi từng tràng pháo tay vang lên chúc mừng ông. Bạn thơ chúc mừng ông vì có một tác phẩm tâm đắc, đầy ân tình với xứ Tuyên. Và chúc mừng ông chiến thắng được căn bệnh ung thư hiểm nghèo để cống hiến hết mình cho tình yêu với vũ đài thi ca.
Đường Quang Trung của phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) là con phố đông vui, sầm uất. Nơi đây từng có mái ấm nhỏ gắn bó bao kỷ niệm với nhà thơ Cao Xuân Thái. Vui chuyện thơ, chuyện đời là vậy, nhưng nhà thơ Cao Xuân Thái luôn bị một căn bệnh bí hiểm dày vò. Ông bị đau dạ dày trong hàng chục năm, uống các loại đông tây y không khỏi. Người ngày càng gầy khô, sức khỏe tụt dốc. Năm 2011 cú sốc lớn đến với nhà thơ, khi bác sỹ cho biết ông bị ung thư bàng quang, rồi dần dần chạy vào dạ dày. Hai cuộc phẫu thuật lớn cắt 1/2 bàng quang, cắt 4/5 dạ dày gần như đã hút kiệt sức khỏe, người ông chỉ còn da bọc xương. Sau đó những đợt truyền hóa chất không những làm mái tóc nghệ sỹ rụng hết, mà các móng tay móng chân cũng tuột ra. Ung thư đã lấy đi của gia đình ông những đồng tiền cuối cùng.
Người vợ vẫn được ông ca ngợi là người phụ nữ tuyệt vời, dũng cảm đứng lên giúp chồng chống chọi với căn bệnh quái ác này. Bà lau nước mắt bán căn nhà mặt phố địa thế đẹp để có tiền chạy chữa cho chồng. Hình bóng vợ trong thơ ông đầy ắp nghĩa tình: “Sau trước vẫn là em/Bờ vai ấm cho tôi nương tựa/Bờ vai tin cậy lúc tôi ngã lòng/Hàng tháng ăn đứng ngủ ngồi khó nhọc/Tóc trên đầu bạc một nửa vì anh....”. Hồi tưởng lại, người thân của ông tuy vẫn nỗ lực động viên, chăm sóc ông nhưng trong thâm tâm đều gần như đã tuyệt vọng, chuẩn bị tâm lý cho điều xấu nhất. Thế mà quái lạ, sau hơn nửa năm kiên trì luyện tập, ăn uống khoa học, tư tưởng thoải mái, nhà thơ Cao Xuân Thái đi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện thì vô cùng bất ngờ khi bác sĩ thông báo, trong cơ thể ông đã hết tế bào ung thư, có lẽ đây là trường hợp hy hữu. Chưa dám tin hẳn, ông đi kiểm tra thêm ở một bệnh viện quốc tế nữa thì vẫn cho kết quả không còn tế bào ung thư. Bên người vợ hiền, ông ngồi lặng đi trước niềm hạnh phúc bất ngờ. Ông vẫn thế, buồn cũng lặng lẽ mà vui cũng lặng lẽ thôi. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đến thăm ông, nắm tay miệng nhắc đi nhắc lại: “Thật kỳ lạ”.
Nhà thơ Cao Xuân Thái và những Huân, Huy chương đời binh nghiệp của mình.
Một ngày cuối tháng 6-2022, tôi đợi nhà thơ Cao Xuân Thái trong căn nhà trên đường Đinh Tiên Hoàng, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang). Vợ ông bảo, đây là căn nhà bà cố gắng mua đất, xây lùi vào trong ngõ cho rẻ. Giờ khu phố mới được quy hoạch rộng rãi, quy củ, ngôi nhà của nhà thơ thêm phần nổi bật với những mảng cây xanh trước sảnh.
Chờ mãi cũng thấy nhà thơ đội nắng về, một tay xách cần câu, một tay xách đồ câu. Giờ tôi biết thêm ông có cái thú câu cá giải trí. Dẫn khách lên phòng làm việc riêng, nhà thơ Cao Xuân Thái cho rằng, ngôi nhà mới này hợp hướng ông. Nhà ấm áp, bạn bè ríu rít, cây cối xanh tươi. Từ căn phòng làm việc nhìn ra trục đường Đinh Tiên Hoàng thoáng đãng này ông đã cho “ra lò” nhiều áng văn, thơ tâm đắc. Ông sắp in, xuất bản cuốn tạp văn “Vĩ thanh về con đèo sống mũi ngựa” dày 300 trang, viết dòng trong 3 năm. Ông bảo ở cái tuổi 75 ông không có thời gian viết nhiều, cái gì xúc động, ý nghĩa ông mới viết.
Nhấp một chén trà nóng, nhà thơ hồi tưởng hồi ông mới chào đời và niên thiếu ở Thái Lan. Năm 1960 nghe theo tiếng gọi của Bác Hồ, kiều bào hồi hương về nước. Nhưng về quê cố đô Hoa Lư, Ninh Bình không còn đất, ông chọn Tuyên Quang để xây dựng vùng kinh tế mới. Năm 1967, nhà thơ được gọi đi bộ đội, huấn luyện dưới chân Núi Là (Yên Sơn), rồi chi viện cho tỉnh anh em kết nghĩa Bình Thuận. Cuộc hành quân đi bộ trên 90 ngày đêm vào Tây Nguyên bị dừng lại ở Quảng Trị do chiến trường quá ác liệt. Ông được bổ sung luôn cho chiến trường sở tại, công việc chính của nhà thơ là ghi lại những tin tức thời sự trong nước, quốc tế của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó chuyển cho văn thư đánh máy, chuyển về các đơn vị. Thời kỳ này những bút ký, thơ của ông bắt đầu xuất hiện. Vào một buổi chiều năm 1972, trên mặt trận, tiếng máy bay vù vù, một loại thùng chất trắng mù mịt được rải xuống, nhà thơ Cao Xuân Thái chỉ thấy mắt hơi cay, người ngây ngất, chân tay tê, nôn nao, xong cũng không biết mình bị nhiễm chất độc da cam.
Sau gần 10 năm binh lửa, năm 1976 nhà thơ Cao Xuân Thái về nhận công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tuyên, rồi Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tuyên. Năm 1991, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang tái lập, nhà thơ Cao Xuân Thái lên công tác tại Hà Giang, là Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh kiêm Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ Hà Giang. Năm 2008, nghỉ hưu, ông trở về sinh sống tại Tuyên Quang yêu dấu, quê hương thứ hai của ông.
Do bị căn bệnh “bí hiểm” hành hạ, con gái ông cũng có hiện tượng không bình thường, rồi cháu ngoại ông năm nay lên 23 tuổi mà người vẫn ngây ngô nên tổ chức cho ông đi giám định, kết quả ông bị nhiễm chất độc da cam. Ông nghĩ đời mình vẫn được sống, được cống hiến sau chiến tranh ác liệt là quá hạnh phúc rồi, nhưng chứng kiến di chứng da cam sang đời con, cháu khiến nhiều đêm ông trằn trọc không ngủ được.
Mở một bản nhạc cổ điển, nhà thơ Cao Xuân Thái cho biết, phương pháp sống lạc quan, cân bằng của ông được phân chia như sau. Sáng dậy sớm ngồi thiền, tưới cây cảnh, ăn cháo hạt do vợ nấu, rồi uống nước chè thư giãn, xem tranh, nghe nhạc cổ điển, đạp xe đạp, đi câu và ngồi viết khoảng 4 tiếng, cộng tác thường xuyên với 5 tờ tạp chí, báo. Ông đọc báo mạng, riêng Báo Tuyên Quang tuần 4 số đặt bưu điện theo năm. Ông bảo, ưu tiên tình hình tin tức địa phương vẫn là số một.
Căn phòng làm việc của ông một bên tường treo Huân, Huy chương, Bằng, Giấy khen, Kỷ niệm chương, một bên ông treo các giải thưởng văn học nghệ thuật, bài báo, thơ đặc sắc. Với hàng chục tập thơ, bút ký đã xuất bản cùng nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật do Trung ương, các bộ, ban, ngành, tỉnh, các báo, tạp chí trao tặng là niềm khích lệ rất lớn trong cuộc đời sáng tác của ông. Năm 2012, ông vinh dự là 1 trong 3 đại biểu được tham dự Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất của 48 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, năm 2015, giải thưởng văn học sông Mê Kông được trao trong thời điểm bệnh ông trở nặng, dẫu không thể đến nhận giải thưởng, nhưng tin vui đó như luồng sinh khí tiếp thêm cho ông sức mạnh.
Đối với nhà thơ Cao Xuân Thái, viết là “cuộc đuổi bắt ngôn từ vô tận”. Đối với ông viết là để dạo chơi, viết để ông suy ngẫm, viết để ông lao động, viết cũng để ông thể hiện cái tôi cá nhân. Trong gần chục năm chống chọi với căn bệnh ung thư, di chứng chất độc da cam, viết giúp ông quên đi buồn, đau. Viết tiếp thêm cho ông niềm tin, sức mạnh. Tháng 9 này, tròn 30 năm tuổi Đảng, ông lại có dịp tổng kết lại con đường mình đã đi qua biết bao thăng trầm, vinh quang của người nghệ sỹ hết mình cống hiến cho nghệ thuật. Lúc này ông lại trầm ngâm nhớ người mẹ hiền: “… Đốm lửa hồng như thực, như mơ/Khơi thương nhớ trong con nhiều đến thế/Ấm áp thiêng liêng mỗi lời của mẹ/Hãy tự mình thắp ngọn lửa lên…”
Gửi phản hồi
In bài viết