Chiến binh phi thường

- Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong ngôi nhà của ông Hồ Ngọc Quang, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, thôn 5, xã Tân Tiến (Yên Sơn), nỗi đau vẫn còn dai dẳng. Với nụ cười luôn thường trực trên khuôn mặt như chính tinh thần lạc quan của mình, Cựu chiến binh Hồ Ngọc Quang đã vượt lên nỗi đau da cam, trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương.

Tận cùng nỗi đau

Tuổi đôi mươi, chàng trai Hồ Ngọc Quang xung phong ra trận chống Mỹ cứu nước. Từ năm 1974 đến năm 1975, ông là lính vệ binh thuộc Trung đoàn 4, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3, Bộ Quốc phòng tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Trong khoảng thời gian này, Mỹ điên cuồng rải bom và chất độc hóa học tại nhiều địa bàn của khu vực Tây Nguyên. Đây cũng là nơi, ông Quang bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Khi đất nước thống nhất, từ năm 1977 đến năm 1979, ông Quang tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia rồi chiến đấu bảo vệ biên giới tại Cao Bằng, Lạng Sơn. Năm 1980, ông gặp gỡ và đem lòng yêu cô gái Phạm Thị Lan, người cùng quê. Tình yêu của họ đơm hoa kết trái khi cả hai tổ chức làm đám cưới rồi bà Lan mang thai người con đầu lòng. Họ hồi hộp mong chờ ngày con chào đời. Thế nhưng khi đứa trẻ sinh ra được vài ngày, ông Quang phát hiện đôi mắt của con mình không có phản xạ với chuyển động xung quanh. Biết có gì đó bất thường, ông mang con đi hỏi bác sỹ, bác sỹ cho biết, đôi mắt của con ông bị mù bẩm sinh. Ông Quang và bà Lan chết lặng. Cả hai ông bà sau đó mang con đi chữa trị khắp nơi. Bao nhiêu tiền của làm ra đều dành dụm đi chữa chạy, thuốc men cho con. Năm con trai đầu của ông lên 4 tuổi bỗng dưng bị co giật rồi bị bại liệt. Từ đó, chân tay của anh Hồ Ngọc Hà, con trai cả của ông Quang dần teo tóp, lúc cười cũng như khóc, khóc cũng như cười. Vài năm sau đó, bà Lan tiếp tục mang thai người con trai thứ hai. Ông bà vừa sống trong mừng rỡ vừa lo âu, thấp thỏm. Ngày người con trai thứ hai của ông bà chào đời đôi mắt cũng không có đồng tử, chân tay phát triển không như người bình thường. Đến lúc này, bà Lan suy sụp hoàn toàn, còn ông Quang quay đi lau vội hàng nước mắt. Một người đàn ông khi đã phải rơi lệ chắc chắn nỗi đau đã đến mức tột cùng.

Ông Quang và hai người con trai là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin.

Khi người con trai thứ hai của ông bà được vài tháng tuổi, nghe tin có một đoàn bác sỹ người Mỹ sang Bệnh viện Bạch Mai, ông bà liền đưa hai người con xuống khám bệnh. Ông Quang nhớ rõ, một bác sỹ người Mỹ nói tiếng Việt rất giỏi khuyên ông rằng, hai người con của ông bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, chưa có thuốc nào chữa trị được, ông bà có cố sinh thêm cũng vẫn như vậy. Vậy là bao nhiêu hy vọng chữa chạy cho các con của ông bà đều lụi tắt. Bà Lan chỉ còn vài ngày nữa là thi tốt nghiệp Trung cấp Vật liệu xây dựng ở Hà Nội cũng đành bỏ dở để về quê. Còn ông Quang đang làm việc tại Mỏ đất chịu lửa Tuyên Quang cũng xin nghỉ cùng vợ con về quê. Ông động viên vợ: “Chiến tranh nghiệt ngã, thôi đành chấp nhận mình ạ. Vợ chồng mình về quê tập trung phát triển kinh tế để có tiền lo cho các con vậy”. Cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để động viên và là chỗ dựa cho vợ con nhưng trong lòng ông Quang, nỗi đau như xé ruột xé gan. Ông bà quyết định nhận một cô con gái về làm con nuôi.

40 năm nuôi hai người con là nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin, nỗi đau của ông Quang và bà Lan chưa bao giờ nguôi vợi. Ông bà đã gần 70 tuổi song vẫn phải phục vụ hai người con trai như vẫn còn rất nhỏ bởi các con của ông đều bị mù, thiểu năng trí tuệ, tứ chi phát triển không bình thường. Ông Quang bảo: “Anh thứ hai việc gì cũng muốn làm giúp bố, mẹ nhưng đôi mắt lại bị mù nên chẳng làm được gì cả”.

Ai đó từng nói: “Nếu cuộc đời lấy đi của ai cái gì sẽ trao cho họ cái khác”. Chiến tranh đã lấy đi cuộc sống, kiếp người tròn vẹn của hai người con ông nhưng lại cho ông Quang nghị lực và bản lĩnh thép để vượt lên nỗi đau.

Ông Quang hái lá tre bán cho thương lái thu mua.

“Chiến binh” phi thường

Nhiều người ở Tân Tiến gọi ông Quang là “chiến binh” phi thường. Ở ông Quang luôn nở nụ cười lạc quan và đôn hậu. Ông bảo, hiện nay, vợ chồng và các con ông đều được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước hàng tháng. Ông còn được thôn tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Công tác Mặt trận, người uy tín của thôn nhiều năm qua. Nhưng không phải vì thế mà ông trông chờ, an phận. Chính nỗi đau da cam đã thôi thúc ông quyết tâm vươn lên làm giàu, có kinh tế vững chắc. Ông chọn lao động sản xuất là niềm vui, là nguồn an ủi tâm hồn mình. Năm 1986, ông bán toàn bộ lợn gà để có 2 ngàn đồng mua 2.700m2 đất vườn đồi của dân trồng keo. “Ngày đó, 2 ngàn đồng to lắm. Nhiều người gàn nhưng tôi vẫn quyết định mua. Tết năm đó, trong nhà không có đồng nào sắm Tết. Cơ cực rồi cũng qua khi tôi bán chu kỳ keo đầu tiên”. Có chút tiền ông mua thêm đất rừng của nhân dân để mở rộng diện tích trồng keo. Hiện nay, ông có 4 ha keo, 1 ha trồng tre lấy măng. Ngoài ra, ông còn đào ao nuôi ba ba giống cung cấp cho thị trường, nuôi gà đẻ trứng. Có thời điểm, mỗi tháng ông bán ba ba giống thu lãi từ 25 đến 30 triệu đồng/tháng, bán trứng gà lãi từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng/tháng. Không dừng ở đó, ông còn đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt, có lúc nuôi nhiều lên tới 20 - 25 con, mỗi năm bình quân ông xuất từ 3 đến 4 lứa lợn, thu về trên 30 triệu đồng tiền lợi nhuận. Ông Quang còn trồng 4 sào lúa, 2 sào cây ăn quả như mít, bưởi, chuối. Ông làm thêm dịch vụ cho thuê phông bạt, bàn ghế đám hiếu, hỷ phục vụ nhu cầu của nhân dân trong xã và những vùng xung quanh, cho thuê ki ốt sửa chữa xe máy. Mô hình kinh tế của ông Quang mang về lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm.

Nói về nghị lực của ông Quang, đồng chí Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, ông Quang có hoàn cảnh éo le nhưng là tấm gương tiêu biểu về nghị lực vươn lên, chiến thắng nỗi đau da cam.

Được gặp Cựu chiến binh Hồ Ngọc Quang, chứng kiến cả nỗi đau thể xác và tinh thần trong ngôi nhà của ông, tôi mới hiểu những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cần sự sẻ chia, giúp đỡ của cộng đồng biết nhường nào để tiếp thêm nghị lực giúp họ vượt lên nỗi đau.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục