Giảm ô nhiễm, tiết kiệm chi phí nhờ tái chế phế thải

- Phế thải xây dựng và các loại rác thải khác đang đe dọa môi trường sống của con người nếu không được xử lý hiệu quả. Chính vì thế việc tái chế, tái sử dụng các phế thải xây dựng được coi là một cách làm "lợi cả đôi đường" nhằm cải thiện môi trường sống cũng như tiết kiệm nguồn tài nguyên và chi phí sản xuất.

Nhiều lợi ích khi tái chế phế thải

Trong thời gian qua, rất nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong cả nước đã có những đề tài nghiên cứu đánh giá việc tận dụng phế thải làm vật liệu để tái sử dụng nhằm tiết kiệm nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt vì đang bị khai thác ngày đêm. Trong đó, việc tận dụng các loại vật liệu phế thải tại công trường sẽ giảm chi phí vận chuyển, đồng thời, tăng hiệu suất sử dụng các loại vật liệu tự nhiên. Việc sử dụng vật liệu tái chế có thể chế tạo được các loại sản phẩm có giá thành thấp hơn vật liệu chế tạo mới, tăng hiệu quả dự án.

Đơn vị thi công sửa chữa quốc lộ 37 sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại cào bóc, tái chế lại bê tông nhựa để sử dụng.

Nhằm tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tiến độ thi công, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình Bắc Nam đang thực hiện tại công trình sửa chữa 8 km tuyến quốc lộ 37 đoạn từ thành phố Tuyên Quang đi phường Mỹ Lâm đã sử dụng các thiết bị máy móc cào bóc, tái chế lại bê tông nhựa để sử dụng. Anh Đinh Xuân Tạo, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết, việc tái chế được sử dụng bằng các loại máy móc, thiết bị hiện đại theo công nghệ cao đã được ứng dụng ở nhiều nơi mang lại nhiều lợi ích, việc tái chế như vậy vừa giảm chi phí và giúp tiến độ thi công các tuyến đường được đẩy nhanh trong khi chất lượng thi công vẫn đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật.

Trong quá trình thi công các công trình xây dựng hiện nay, một đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu để ý đến việc tận dụng, tái chế các nguồn phế thải từ xây dựng hoặc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường. Ông Đỗ Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Anh Tuyên Quang cho biết, công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực phá dỡ, thi công xây dựng các công trình nhà ở, công trình dân dụng, công trình công ích... Khi thực hiện phá dỡ các công trình thì Công ty luôn quan tâm đến việc tái sử dụng các vật liệu có thể cũng như xử lý nguồn phế thải theo quy định. Thực tế đâu đó vẫn còn tư tưởng không muốn sử dụng lại nguồn vật liệu cũ, hỏng. Tuy nhiên việc sử dụng những nguồn tái chế theo công nghệ xử lý hiện đại sẽ giúp nâng cao hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên trong khi về mỹ quan và chất lượng vẫn đảm bảo theo yêu cầu.

Trước thực trạng nguồn tài nguyên đang bị lãng phí thì việc sử dụng phế thải xây dựng làm vật liệu tái chế sẽ đem lại nhiều ý nghĩa cả về khoa học, kỹ thuật cũng như lợi ích kinh tế, môi trường. Việc phân loại, tái chế phế thải xây dựng vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, không mất diện tích đất cho bãi đổ thải đồng thời giảm lượng chất thải công nghiệp và tiết kiệm chi phí xử lý cũng như vận chuyển đến bãi chôn lấp, lệ phí xử lý rác thải... Với nhiều lợi ích như vậy, hiện nay, các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai, đánh giá hiệu quả việc xử lý, tái sử dụng phế thải xây dựng nhằm mang lại những giá trị mới.

Quyết tâm cải thiện môi trường sống

Xã hội ngày càng phát triển thì khối lượng phế thải, rác thải thải ra môi trường sẽ ngày càng nhiều lên do vậy nếu chúng ta không có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ là mối nguy hại rất lớn đối với môi trường sống. Một cách làm hay đó là thay vì "thủ tiêu" tất cả loại rác thải xây dựng, chúng ta sẽ giữ lại những loại còn khả năng sử dụng để tái chế, tạo ra những vật liệu xây dựng mới như là gạch lát nền, gạch lát vỉa hè, đê chắn cát, chắn sóng... hoặc những sản phẩm, món đồ đem lại lợi ích đến cho cuộc sống. Nguyên lý của giải pháp này chính là sử dụng các loại máy mọc hiện đại, áp dụng các công nghệ tiên tiến để nghiền những loại rác thải này như: vôi vữa, gạch ngói, bê tông, mặt đường nhựa...Sau quá trình xử lý kỹ thuật các vật liệu được tái sử dụng để làm vật liệu cho nhu cầu xây dựng hoặc phục vụ cho rất nhiều mục đích thiết thực như đắp nền móng, tôn tạo những khu vực đất trũng...

Đơn vị thi công nghiền xử lý gạch từ công trình cũ để san nền, thi công công trình.

Thấy rõ được tính cấp thiết của tái chế phế thải xây dựng, trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định có liên quan đến việc xử lý phế thải xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành các thông tin về công tác quản lý chất thải rắn xây dựng; có văn bản đề nghị một số bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, nhà máy tổng hợp, báo cáo việc xử lý, sử dụng phế thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng…

Tại Tuyên Quang, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường từ các nguồn phế thải xây dựng và các loại rác thải khác, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp. Tiêu biểu như: phát động phong trào "Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa"; thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025".

Theo báo cáo của Sở Xây dựng thì trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như ý nghĩa của việc xử lý, tái chế phế thải xây dựng. Cùng với đó tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc xử lý phế thải xây dựng theo quy định, việc thi công sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực xây dựng... Từ đó nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng các công trình xây dựng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Qua công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm thì ý thức của các cá nhân, tập thể về xử lý phế thải xây dựng cũng đã dần thay đổi theo hướng tích cực. Ông Nguyễn Văn Hào, xã Tân Tiến (Yên Sơn) cho biết, vừa rồi gia đình ông xây nhà mới. Trong quá trình xây dựng gia đình đã chấp hành nghiêm Luật Xây dựng, thực hiện đổ phế thải đúng theo quy định.

Có thể nói, việc giải quyết vấn nạn đổ phế thải xây dựng bừa bãi, ô nhiễm môi trường và lãng phí tài nguyên là một "bài toán" khó. Do vậy rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong vấn đề bảo vệ môi trường sống và triển khai thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm tái chế phế thải, rác thải. Từ đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, tận dụng nguồn tài nguyên để phát triển bền vững.

Huy Hoàng

Tin cùng chuyên mục