Tiện đâu đổ đấy
Chất thải rắn xây dựng là loại rác không thể phân hủy, không thể đốt, được thải ra do phá dỡ, cải tạo các hạng mục, công trình xây dựng cũ hoặc từ quá trình xây dựng các hạng mục, công trình mới như: nhà, cầu cống, đường giao thông; vôi vữa, gạch ngói vỡ, bê tông, ống dẫn nước bằng sành sứ, tấm lợp, thạch cao…
Nếu không có biện pháp ngăn chặn sớm, mặt bằng dự án Khu đô thị dịch vụ, tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đã trở thành bãi rác chứa chất thải vật liệu xây dựng. Ông Nguyễn Ngọc Lâm, nhân viên bảo vệ cho biết, dự án vừa thi công mặt bằng được vài tháng đã xuất hiện những đống chất thải rắn xây dựng, ban đầu chỉ là những đống gạch vỡ, sau là vôi, vữa, thiết bị vệ sinh hỏng... Các phương tiện chở chất thải xây dựng rình lúc đêm hôm, vắng người qua lại là trút xuống, thậm chí là trút ngay bên vệ đường của dự án gây mất mỹ quan.
Phế thải vật liệu xây dựng được đổ ngay tại vệ đường Dự án khu đô thị dịch vụ phường Nông Tiến ( Tp Tuyên Quang).
Không chỉ riêng ở khu vực dự án Khu đô thị và dịch vụ, khu vực bờ sông Lô thuộc địa phận phường Nông Tiến giáp ranh với phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) và các địa phương dọc theo bờ sông Lô thuộc địa phận huyện Sơn Dương, rất dễ dàng nhìn thấy những đống chất thải rắn xây dựng được trút xuống và tình trạng này lại gia tăng theo thời gian. Theo người dân địa phương có đất canh tác quanh khu vực, thi thoảng lại xuất hiện những xe ô tô chứa vôi, vữa, gạch vụn đi xuống khu vực, lái xe quan sát nếu thấy ít người là tháo thùng, đổ chất thải rồi lao đi rất nhanh. Cũng do bờ sông không của riêng ai nên cũng khó để ngăn chặn.
Tại những khu vực đất trống đã vậy, các khu tập kết rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố, chất thải rắn xây dựng cũng được ngụy trang dưới các bao bì chứa xi măng để ném xuống. Chị Hà Thị Trang, Đội 5, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và Quản lý đô thị cho biết, tình trạng chất thải vật liệu đổ lẫn với rác thải sinh hoạt tồn tại nhiều năm nay tại các khu dân cư, khiến cho việc phân loại rác thải của anh, chị, em công nhân luôn gặp khó khăn. Theo quy định, công nhân công ty chỉ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt, còn chất thải vật liệu xây dựng đành phải để lại dù không mong muốn nhưng không còn cách nào khác.
Gia tăng chất thải rắn xây dựng
Theo TCVN 6705:2000, chất thải rắn xây dựng là phế thải được thải ra do phá dỡ, cải tạo các hạng mục, công trình xây dựng cũ, hoặc do xây dựng các hạng mục, công trình mới (nhà, cầu cống, đường giao thông…) như vôi vữa, gạch ngói vỡ, bê tông, ống dẫn nước, tấm lợp… và các vật liệu khác.
Chất thải rắn xây dựng rất đa dạng về chủng loại, thành phần và chất lượng cũng rất khác nhau do có thể được thu gom từ nhiều nguồn. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050, khoảng 90% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị sẽ được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, trong đó 60% được tái sử dụng hoặc tái chế. Theo Báo cáo môi trường quốc gia những năm gần đây, tổng lượng chất thải rắn đô thị trung bình là 60 - 8 0 nghìn tấn/ngày, trong đó chất thải rắn xây dựng chiếm từ 10 - 12% và tỷ lệ ở các đô thị lớn có thể lên tới 20 - 25%. Ước tính chất thải rắn xây dựng hàng năm là hơn 2 triệu tấn và con số này có thể tăng lên khoảng 9,6 triệu tấn vào năm 2025 do nhu cầu xây dựng đang tăng rất cao. Tuyên Quang đang trên đà phát triển, nhiều công trình xây mới thay thế những công trình xuống cấp, chưa kể những công trình mới xây dựng đồng nghĩa với lượng chất thải rắn xây dựng được thải cũng không ít. Không có con số thống kê chính xác của các địa phương, ngành chức năng tuy nhiên trên thực tế, chất thải rắn xây dựng gia tăng theo từng năm do nhu cầu xây dựng, sửa chữa các công trình ngày một nhiều.
Giải pháp quản lý
Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tái chế, sử dụng các loại vật liệu phế thải nói chung, chất thải xây dựng nói riêng cùng các quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 10, Luật Xây dựng quy định về những chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó: Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tại Khoản 3, Điều 5, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Chính phủ quy định: Đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.
Phế liệu xây dựng được tập kết tại điểm thuộc xã Vân Sơn (Sơn Dương).
Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, nội dung Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục đích cũng như các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.
Theo đồng chí Phùng Thế Hiệu, Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường, trong quy hoạch phát triển chung, các địa phương phải có quy hoạch bãi, điểm tập kết, phân loại chất thải rắn, trong đó có rác thải xây dựng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân các địa phương chưa làm được, khiến cho việc đổ xả loại rác này trở lên bí bách dẫn đến tình trạng chất thải vật liệu xây dựng không được thu gom, xử lý.
Quản lý hiệu quả chất thải trên địa bàn, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu với UBND tỉnh xây dựng Quy định về quản lý chất thải. Dự kiến quy định sẽ được ban hành vào cuối năm. Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn xây dựng; bùn thải hầm cầu, tự hoại, bùn hệ thống thoát nước; chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải công nghiệp phải kiểm soát, chất thải y tế, chất thải nguy hại, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, nước thải và khí thải...trên địa bàn sẽ được quản lý một cách chặt chẽ.
Các hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản, không được tập kết ra vỉa hè, lòng đường, khu vực công cộng, ao, hồ, sông, suối… gây ô nhiễm môi trường. Hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn thải có thể tự vận chuyển đến địa điểm tập kết, trạm trung chuyển theo quy định của địa phương hoặc tự thỏa thuận với đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt cồng kềnh đến nơi tiếp nhận xử lý.
Tỉnh cũng sẽ quy hoạch các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn bảo đảm an toàn, không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại. Đồng thời quy định cụ thể giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn; lực lượng chức năng sẽ xử phạt nếu vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trưởng phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu Phùng Thế Hiệu khẳng định, trong nền kinh tế tuần hoàn hiện nay, rác thải cũng là một nguồn tài nguyên, trong đó có chất thải rắn xây dựng. Chất thải rắn xây dựng hoàn toàn có thể tái sử dụng và mang lại hiệu quả cao về môi trường, kinh tế.
Trên thực tế, tại nhiều thành phố lớn, chất thải rắn xây dựng thải ra từ các công trình xây dựng cũ đã được tận dụng lại để san lấp mặt bằng đối với những công trình không đòi hỏi lớn về kỹ thuật điều này đã giúp biến rác thành tài nguyên, tiết kiệm chi phí và bảo đảm vệ sinh môi trường... Các tổ chức, cá nhân, chủ thầu hoàn toàn có thể tận dụng lại nguồn phế thải như: gạch, ngói để xây dựng các công trình hoặc quay vòng làm nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến vật liệu xây dựng... Giảm thiểu phế thải xây dựng ra môi trường, các chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị, người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải rắn; bố trí điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phù hợp trong khuôn viên của dự án đầu tư theo quy định...
Việc tái chế rác thải, đặc biệt là chất thải rắn xây dựng không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế như: Tiết kiệm được nguồn tài nguyên, giảm chí phí xây dựng và mang tới cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động.
Gửi phản hồi
In bài viết