Giữ trọn lời ru

- Những năm gần đây tình trạng ly hôn giữa các cặp vợ chồng lao động tự do và đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh chiếm số nhiều. Trong nhiều trường hợp, ly hôn là giải pháp để giải thoát cho nhau, nhưng xét cho cùng, đó là điều không ai mong muốn, nhất là với con cái. Để giảm thiểu tình trạng ly hôn, để giữ trọn lời ru, rất cần sự chung tay của toàn xã hội.

Khi niềm tin không còn chỗ

Kết hôn là bước ngoặt của cuộc đời. Ly hôn cũng là dấu mốc lớn. Chuyện hợp tan vốn như “cơm bữa” trong xã hội hiện đại, nhưng ẩn sau luôn là câu chuyện nhói lòng. Anh Nông.P.B thôn Nà Lừa, xã Hòa An (Chiêm Hóa) kết hôn với chị Hoàng.T.C lúc 28 tuổi. Nhưng tình yêu thời non trẻ chưa phải là sợi dây dựng xây khi anh chị về chung một nhà. Con lên 7 tuổi, cũng là lúc vợ chồng tự giải phóng cho nhau.

Anh B. tâm sự: Vợ chồng anh kết hôn được hơn 9 năm, cuộc sống tuy khó khăn, nhưng yên ấm. Đến năm 2019, để chăm lo cho cuộc sống gia đình, anh B. đành để vợ về tỉnh Bắc Ninh làm công nhân. Sau hai năm, chị C. đòi ly hôn với lý do hết tình cảm. Vì con cái, nên anh đã ngồi lại nói chuyện nghiêm túc nhưng chị C. vẫn bỏ ngoài tai. Không tìm được tiếng nói chung nên anh quyết định ly hôn.

Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc thôn Mãn Hóa, xã Đại Phú (Sơn Dương) trở thành nơi gắn bó của 113 cặp vợ chồng.

Vỏn vẹn 3 từ “không hợp nhau”, đó là những gì chị Lâm.H.P  và anh Phạm.V.T ở thôn 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) đề cập tới tại phiên xử ly hôn vừa qua. Sau đám cưới, anh T. đi làm công nhân ở Hà Nội. Do anh T. đi làm ăn xa, cuộc sống với gia đình nhà chồng vốn có nhiều mâu thuẫn, anh T. lại không tin tưởng vợ, thường xuyên ghen tuông. Áp lực cuộc sống, những cuộc cãi vã khiến mâu thuẫn gia đình kéo dài, không thể hàn gắn, chị P. đã làm đơn xin ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải không thành, tòa án giải quyết cho hai người ly hôn. Cả hai chưa có con và tài sản chung nên thủ tục ly hôn dễ dàng.

Xã Trường Sinh là 1 trong những địa phương có số lượng người đi làm ăn ngoài tỉnh đông của huyện Sơn Dương với  gần 1.000 công dân. Đồng chí Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Trường Sinh cho biết, từ năm 2018 đến nay, xã có 8 cặp vợ chồng đã ly hôn. Các trường hợp ly hôn đa số là các cặp vợ chồng trẻ đi làm ăn xa. Trước khi các cặp đôi có ý định viết đơn ly hôn, tổ hòa giải của xã, thôn đều đã đến tận nhà tuyên truyền, vận động, khuyên răn các cặp vợ chồng bình tĩnh nhìn nhận lại vấn đề, giữ hạnh phúc gia đình, song đến nay chỉ hòa giải được 2/9 vụ.  Hiện, nhiều cặp muốn ly hôn không qua hòa giải ở xã, mà ra thẳng Tòa án gửi đơn ly hôn để được giải quyết nhanh chóng. 

Mảnh vỡ trong tâm trí con trẻ

“Cháu rất nhớ mẹ, cháu chỉ mong ngày nào cũng được sống chung cùng bố mẹ, được mẹ đưa đón đi học như các bạn. Cháu hỏi mẹ đâu, bố trả lời, từ nay gia đình mình chỉ còn lại bà và bố thôi” - lời nói hồn nhiên, ngây thơ của cháu Nông.P.T năm nay mới chỉ lên 7 tuổi khiến người nghe thắt lòng. Sau khi ly hôn, TAND huyện Chiêm Hóa giao cháu Nông.P.T (SN 2015) cho anh Nông.P.B, thôn Nà Lừa chăm sóc. 7 tuổi, T. bỗng dưng mất đi quyền được mẹ ôm ấp, vuốt ve. Em sớm phải học cách chấp nhận người gần gũi, thân thuộc nhất với mình bỗng trở nên xa cách. Dù còn rất nhỏ, nhưng T.  lo sợ một ngày nào đó, rồi bố cũng sẽ rời xa mình. Và T.  cũng từng ghen tỵ với các bạn khi được mẹ chăm sóc từng li từng tí...

Theo tìm hiểu từ các vụ ly hôn thì nguyên nhân chủ yếu là do mâu thuẫn trong tính cách, lối sống, bạo lực gia đình, rượu chè, cờ bạc, ngoại tình, gặp khó khăn về kinh tế, đi làm ăn xa... Khi chọn cuộc sống ly hương để mưu sinh, vợ chồng không có điều kiện sống chung, một hay các bên có cơ hội tiếp xúc với nhiều người khác giới hoặc do bị dụ dỗ, lôi kéo nên phát sinh mâu thuẫn dẫn đến ly hôn. Trong khi đó, quan niệm về hôn nhân ngày nay không còn bó buộc người phụ nữ phải cam chịu nữa, phụ nữ hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình.  Điều kiện ly hôn hiện nay theo quy định của pháp luật khá dễ dàng, chỉ cần một bên nộp đơn xin ly hôn và cương quyết ly hôn thì tòa án có thể cho ly hôn.

Khi vợ chồng không còn hạnh phúc, không thể hòa hợp thì ly hôn là giải pháp giải thoát bế tắc cho cả hai. Thế nhưng, “nạn nhân” đầu tiên và bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc ly hôn chính là những đứa con. Ly hôn khiến người lớn nhẹ nhõm khi đã bước ra khỏi mối quan hệ bí bách, không lối thoát, song đối với con trẻ, đó là sự hụt hẫng, trống trải. Có không ít trường hợp sau khi bố mẹ ly hôn, con trẻ lủi thủi về ở với ông bà như những đứa trẻ mồ côi. Không ít trẻ sẽ thu mình lại trong thế giới riêng của mình, tự kỷ, thậm chí có những biểu hiện lệch lạc và sa ngã, thích nổi loạn, dễ rơi vào bế tắc, phạm tội.

Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phúc An Hoành, từ năm 2020 đến tháng 9-2022, số vụ ly hôn của các cặp vợ chồng ngày càng gia tăng, với tổng số trên 4.600 vụ việc. Số vụ ly hôn chiếm đến 57% tổng số vụ việc mà tòa án thụ lý, trong đó số vụ của các cặp vợ chồng lao động tự do và đi làm công nhân tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh chiếm trên 50%. Một số địa bàn có tỷ lệ ly hôn cao như huyện Sơn Dương, Hàm Yên và Chiêm Hóa.

Để hạn chế công dân có đơn yêu cầu toàn án giải quyết ly hôn như hiện nay, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về hôn nhân và gia đình cho các đối tượng nằm trong độ tuổi kết hôn, nhất là những người trẻ và ở vùng nông thôn. Đồng thời, làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở, giải quyết những mâu thuẫn ngay khi mới phát sinh, từ đó hạn chế việc gửi đơn ly hôn ra Tòa... Trong 3 năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh đã hòa giải thành công trên 650/4.600 vụ ly hôn, đạt tỷ lệ 14%.

Chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống tạo sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình chị Lương Thị Huyền, tổ 1,
​phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang).

Chị Nguyễn Thị L, thôn 4, xã Trung Môn nhớ lại sóng gió hôn nhân: Sau nhiều mâu thuẫn không có điểm dừng, năm 2019, hai vợ chồng chị đi tới quyết định ly hôn. Nguyên nhân xuất phát từ việc chị L. cho rằng, chồng mình thiếu sự đồng cảm, chia sẻ, dẫn tới tình cảm vợ chồng ngày càng lạnh nhạt. Tuy nhiên, sau nhiều lần được chính quyền địa phương, cán bộ hội phụ nữ tích cực vận động, hòa giải, vợ chồng dần hàn gắn được những rạn nứt, nhận ra sai lầm của bản thân và đoàn tụ, gia đình lại yên ấm, hạnh phúc.

Hơn 10 năm đảm nhận vai trò hòa giải viên, ông Lại Văn Tích, Trưởng thôn, Tổ viên Tổ hòa giải thôn 4, xã Trung Môn nhớ lại câu chuyện của đôi vợ chồng trẻ. Do đặc thù công việc, anh Ngô Quốc T. thường xuyên vắng nhà. Chị Nguyễn Thị T. (vợ anh T.) ở nhà chu toàn việc nội trợ. Sống xa nhau, những trận cãi vã cứ thế tích tụ lâu ngày, trong cơn nóng giận, người vợ kiên quyết đâm đơn ly hôn. Hiểu được bản chất của vấn đề, ông Tích đã cùng với các thành viên Tổ hòa giải kiên trì, miệt mài khuyên giải người vợ. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian, chị vợ dần hiểu chuyện và thay đổi. Từ đó đến nay, cãi vã, xích mích đã không còn “gõ cửa” cuộc sống hôn nhân của anh T. Từ năm 2018 đến nay, tổ hòa giải thôn 4 đã hòa giải thành công 5/14 vụ việc ly hôn.

Những câu chuyện trên là minh chứng cho thấy sự thành công trong công tác tuyên truyền, vận động của các đoàn thể, tổ chức xã hội về xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong đó, phải kể đến hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc. Hơn 8 năm hoạt động, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc thôn Cầu Lội, xã Đại Phú (Sơn Dương) trở thành nơi gắn bó với gần 100 cặp vợ chồng.

Đồng chí Trần Thị Phương Thao, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Cầu Lội cho biết, bằng những buổi sinh hoạt nhẹ nhàng, thông qua nhiều hình thức, Câu lạc bộ lồng ghép tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình… Câu lạc bộ đã giúp các thành viên sẻ chia, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, học hỏi lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều năm trở lại đây thôn không có gia đình nào ly hôn.

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, trước thực trạng tỷ lệ ly hôn tăng cao ở các cặp vợ chồng trẻ đi lao động ngoài tỉnh, Hội LHPN tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cấp Hội chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của phụ nữ và nam giới trong xây dựng gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình... Đồng thời, Hội cũng đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Tuyên Quang có trí tuệ, có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng, có khát vọng vươn lên”; triển khai các cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, góp phần vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.

Đồng chí Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, Tỉnh Đoàn tăng cường tuyên truyền, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, các kiến thức tiền hôn nhân thông qua các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, hội thi; duy trì mô hình câu lạc bộ tiền hôn nhân với các hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản và kiến thức gia đình, trách nhiệm xây dựng hạnh phúc gia đình; Tổ chức các chương trình, hoạt động giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; Hỗ trợ phát triển kinh tế cho đoàn viên, thanh niên nhất là nhóm thanh niên dễ bị tổn thương, thanh niên yếu thế, thanh niên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giúp thanh niên có nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống.

Để hạn chế các vụ ly hôn, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành, tổ chức đoàn thể trong việc vận động các cặp vợ chồng đi làm xa, vừa làm kinh tế vừa chăm sóc nhau; chú trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của từng thành viên trong gia đình, nâng cao hiểu biết về Luật Hôn nhân và Gia đình, nhất là trong giới trẻ. Bên cạnh đó cần chú trọng công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế ngay tại địa phương để các gia đình có công việc ổn định, bền vững, cùng xây đắp gia đình hạnh phúc.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục