Rọi tìm nguồn cơn
Hơn 20 năm làm tổ trưởng hòa giải, bà Đoàn Thị Yên, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng dân phố 16, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) đã se duyên lại cho cả chục cặp vợ chồng. Bà Yên kể, cách đây 5 năm tổ hòa giải nhận được đơn của chị HMT xin ly hôn với chồng là anh NTC (nhân vật được giấu tên) mà lòng bà trĩu nặng. Bởi cả 2 đều rổ rá cạp lại, về với nhau chưa lâu. Chẳng may tan vỡ 1 lần nữa vết thương ly hôn càng cứa sâu, khó mà lành trong mỗi người. Đau buồn hơn cả là những đứa trẻ- con cái họ lại tiếp tục thiếu hơi ấm của gia đình.
Tổ hòa giải tổ 16, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) trao đổi sau những lần hòa giải thành công.
Không đành để hạnh phúc vuột đi, bà Yên và các thành viên trong tổ hòa giải tìm hiểu cặn kẽ nguồn cơn. Bà Yên bảo, nguyên nhân dẫn đến lá đơn ly hôn không phải từ mối quan hệ vợ chồng mà lại từ chuyện chị chồng em dâu, mẹ chồng nàng dâu. Xác định được nguồn cơn, tổ hòa giải mà trực tiếp là bà đã ngồi tâm sự cùng 2 vợ chồng ngọt nhẹ nói hết những hệ quả, đau buồn mà ly tán mang lại và không ai khác 2 người đã từng là những nạn nhân. Bà cũng khuyên nhủ 2 vợ chồng anh chị T-C, hạnh phúc của mình, gia đình của mình, mình phải là người gìn giữ, bảo vệ đừng vì lý do gì mà làm tan vỡ.
Tâm sự với 2 vợ chồng anh chị HMT-NTC, bà Yên không quên gặp gỡ cả chị chồng, mẹ chồng phân tích cái đúng, cái sai khi họ áp đặt, tham gia quá sâu vào hạnh phúc riêng của con, em mình. Điều mong muốn của bà Yên và các thành viên tổ hòa giải đã thành hiện thực, chỉ sau 1 ngày gặp gỡ, vợ chồng anh chị HMT-NTC đã đến xin bà rút lại lá đơn và cảm ơn bà đã hàn gắn hạnh phúc, giữ được mái ấm cho những đứa con của họ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, thành viên tổ hòa giải thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) cũng “cứu hộ” nhiều cuộc hôn nhân mà theo ông tưởng chừng như đã tan đàn sẻ nghé. Ông Hùng bảo, hầu hết các đơn ly hôn, đương sự luôn giấu kín lý do dẫn đến hạnh phúc lứa đôi tan vỡ. Họ chỉ nêu chung chung là sống không hợp, trong khi đó, gốc của vấn đề thì không ai chịu nói ra. Vì vậy, các thành viên trong tổ hòa giải phải chịu khó dành thời gian tìm hiểu từ chuyện trong nhà đến quan hệ xã hội để hóa giải.
Ông Hùng kể, năm 2021, ông hòa giải cho 1 cặp vợ chồng trong thôn khi mà mâu thuẫn đã lên đến đỉnh điểm, người vợ đã chuyển ra ngoài sinh sống. Để gặp gỡ ông đã phải sắp xếp để 2 người ra nhà văn hóa thôn cùng ngồi nghe họ “đấu” nhau. Khi họ nói hết, là người ở giữa ông mới lên tiếng phân tích cái được, cái chưa được. Ông Hùng chia sẻ, chuyện đâu có gì, chỉ là cô vợ còn trẻ trong khi ông chồng đã có tuổi, nghi kỵ bóng gió chất chứa lâu dần thành mâu thuẫn. Ông Hùng khảng khái: “Quan điểm của tôi trong hòa giải là không ngại đụng chuyện, phải tìm hiểu rõ căn nguyên các mâu thuẫn đã tác động, làm phát sinh và nghi kỵ giữa các đương sự. Trong hòa giải, lấy đạo đức sống làm nền, sau đó mới nói đến pháp luật”. Ông Hùng mừng là trong hàng chục vụ ông tham gia hòa giải, tất cả đều có cái kết viên mãn.
Âm thầm vun vén hạnh phúc cho mọi nhà
Theo ông Hùng, bà Yên - những người có hàng chục năm thâm niên tham gia các vụ việc hòa giải hôn nhân gia đình ở cơ sở, không phải khi các đương sự “đâm” đơn mình mới vào cuộc mà các thành viên trong tổ hòa giải như ông, bà vẫn âm thầm vun vén hạnh phúc cho những gia đình ở trong khu dân cư.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng (ngoài cùng bên phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, thành viên tổ hòa giải thôn 6, xã Thái Bình (Yên Sơn) nắm bắt tình hình dân cư trong tổ.
Bà Đoàn Thị Yên, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố 16, tổ trưởng tổ hòa giải nhớ như in vụ việc của gia đình anh chị NMH và CTM mà nếu bà không xử trí nhanh không biết điều gì sẽ xảy ra. Bà Yên kể, anh chồng cục tính lại ham vui, trong khi chị M. hay nói nên cuộc sống thường xuyên lục đục. Bữa đó, anh H. đi đâu về trong tình trạng ngà ngà, chị M. lời ra tiếng vào vậy là dẫn đến xô xát. Nghe thông tin, bà Yên chạy đến ngay và gọi người đưa chị vợ đi lánh, còn anh chồng thì nhờ những thanh niên khỏe mạnh trong tổ giữ lại. Khi hơi rượu trong người anh H. tàn, bà Yên cùng các thành viên tổ hòa giải mới phân tích phải, trái, tình nghĩa vợ chồng. Anh H. nhận ra hành động sai trái của mình rất mực ăn năn, hối cải. Trường hợp đó bà Yên đã phải cho viết cam kết dưới sự chứng kiến của các thành viên trong tổ, nếu anh chồng tiếp tục có hành động thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ của mình, bà sẽ báo chính quyền chứ không còn giải quyết nội bộ nữa. Chính từ bản cam kết đó mà anh H. đã thay đổi, hứa không ham vui rượu chè, chị M. cũng “nhịn” miệng những lúc căng thẳng. Bà Yên khẳng định, nhiều năm trôi qua, cuộc sống của hai vợ chồng anh chị H-M êm đềm. Hạnh phúc có lẽ đã lại trở về bên gia đình họ.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, thành viên tổ hòa giải thôn 6 xã Thái Bình (Yên Sơn) tếu táo, ông không chỉ là “lính cứu hộ” các cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ mà còn là người “giữ lửa” hạnh phúc cho 1 số gia đình. Ông Hùng kể, vợ chồng người hàng xóm, ai cũng coi cái tôi của mình là nhất nên xảy ra chuyện gì to nhỏ đều có thể xảy ra chiến tranh lạnh khiến nhiều lúc cuộc sống trở lên ngột ngạt, nặng nề, con cái cũng bị ảnh hưởng. Vậy là mỗi lần xảy ra “chiến sự”, ông Hùng sẵn sàng là vị khách không mời “ngồi lê” cả tối thẩm chè và bằng đủ thứ chuyện trên trời dưới biển kết nối giao tiếp giữa vợ chồng gia chủ. Ông Hùng tiết lộ, cách làm này đã giúp ông giữ lửa, hàn gắn, dựng lại hạnh phúc cho những gia đình không may xảy ra những sự cố. Ông Hùng nhắn nhủ, mưu sinh vốn đã khó nhọc, chỉ mong các gia đình luôn là nơi ấm cúng nhất, mọi người được giải tỏa căng thẳng, tích trữ năng lượng sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Số liệu của Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có khoảng trên 1.500 tổ hòa giải ở cơ sở với hàng nghìn hòa giải viên. Đây là những hòa giải viên không chuyên, không được đào tạo qua trường lớp, nhưng hành trang của họ mang theo là tấm chân tình, bầu nhiệt huyết, không ngại khó khăn gian khổ, không màng kinh tế, chỉ mong muốn một điều mọi gia đình được sống trong tình yêu thương, hạnh phúc, đủ đầy.
Gửi phản hồi
In bài viết