Luôn đồng hành
Để thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, Tuyên Quang đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai các hoạt động hướng đến đối tượng yếu thế trên địa bàn, như: Đào tạo nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở; trao kinh phí học tập, tặng quà nhân dịp lễ, tết...
Những ngày này, người dân tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) đang tất bật với việc thu hoạch lúa mùa. Nhưng tranh thủ khi gặt xong, bà con vẫn bố trí, sắp xếp người đến giúp đỡ gia đình chị Lương Thị Thu - một hộ nghèo trong thôn làm lại ngôi nhà mới.
Ngôi nhà của chị Thu chỉ là một trong hàng nghìn ngôi nhà trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền và nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng thời gian qua. Đến thời điểm này, kết quả đạt được minh chứng cho tinh thần sẵn sàng, đồng hành của tất cả các cấp, các ngành với mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà dột nát cho các hộ gia đình còn nhiều khó khăn.
Theo Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Đề án 308 đặt mục tiêu đến hết năm 2022 sẽ hỗ trợ 1.606 hộ gia đình sửa chữa, xây dựng mới nhà ở. Hết tháng 9-2022, số nhà được xây dựng mới, sửa chữa đã đạt 2.339 ngôi nhà.
Không chỉ hỗ trợ xây nhà, giúp các hộ ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo, những năm qua công tác giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân luôn được tỉnh, các địa phương và toàn xã hội quan tâm với trách nhiệm cao.
Như ở Tổ dân phố Nặp Đíp, thị trấn Lăng Can, trong năm 2021, đã có 6 hộ gia đình nghèo được hỗ trợ máy cày mi ni và máy phát cỏ.
Người dân thôn 20, xã Đức Ninh (Hàm Yên) trồng cây ăn quả, tăng thu nhập.
Chị Ma Thị Soa, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố Nặm Đíp cho biết, hiện chi hội còn 35 hội viên phụ nữ nghèo. Chi hội phấn đấu năm nay sẽ giảm 5 - 6 hội viên nghèo bằng nhiều giải pháp như tạo thêm việc làm từ động viên tham gia hợp tác xã dệt thổ cẩm, hỗ trợ các loại máy cày bừa mi ni, máy phát cỏ, trồng cây ăn quả, chăn nuôi...
Ông Nguyễn Phan Vỹ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho biết, hằng năm từ tỉnh đến các địa phương đều quan tâm bố trí vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho đối tượng chính sách.
Tính đến ngày 30-9-2022, đã có trên 22 nghìn lượt khách hàng là người nghèo được giải quyết cho vay trên 1.052 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo là trên 745 tỷ đồng với trên 15 nghìn lượt khách hàng và cho vay hộ mới thoát nghèo là trên 286 tỷ đồng cho gần 6 nghìn lượt khách hàng. Nguồn vốn ưu đãi này đã trợ lực giúp các đối tượng chính sách phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Bà Hà Thị Liên, thôn Phú Linh, xã Bình Phú (Chiêm Hóa) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ. Do không có vốn đầu tư nên kinh tế gia đình khó khăn trong nhiều năm. Sau khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Chiêm Hóa để đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản”. Chăm chỉ làm ăn, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây gia đình bà Liên không chỉ thoát nghèo, mà nay gia đình có 7 con trâu sinh sản. Cuộc sống dần ổn định, gia đình bà càng có thêm động lực, quyết tâm vươn lên bằng chính sức lao động của mình.
Song song với đó, các cấp chính quyền, đoàn thể, MTTQ… tích cực thực hiện các mô hình kinh tế, tăng cường giám sát quá trình hỗ trợ sản xuất, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ sản xuất.
Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội, kết quả huy động nguồn lực thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo của tỉnh đến tháng 9-2022 là trên 233 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội các huyện nghèo là trên 148,5 tỷ đồng; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình kinh tế giảm nghèo là trên 18 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng là trên 7,8 tỷ đồng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững gần 48,8 tỷ đồng; truyền thông và giảm nghèo về thông tin 1,1 tỷ đồng và nâng cao năng lực thực hiện chương trình trên 6,2 tỷ đồng.
Từ nguồn Quỹ Vì người nghèo, riêng năm 2021 đã có 2.907 lượt hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ trên 18,8 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa nhà ở, khám chữa bệnh, thăm hỏi đột xuất, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó...
Khơi dậy khát vọng thoát nghèo
Chính những nguồn vốn hỗ trợ kịp thời từ các cấp, ngành đã tạo động lực, khơi lên khát vọng thoát nghèo cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn 20, xã Đức Ninh (Hàm Yên) vừa làm đơn xin thoát khỏi hộ nghèo cuối năm 2021. Bà Tuyết năm nay 83 tuổi, con cháu đều đã ra ở riêng, bà sống một mình đã nhiều năm nay. Bà bảo, nhiều năm ở trong diện hộ nghèo, mình cũng đã được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ rồi. Giờ sống một mình, nhu cầu cũng không còn nhiều nữa, có khó khăn gì con cháu gần xa cũng hỗ trợ nhiều nên mình nhường cơ hội cho những người còn khó khăn, vất vả hơn.
Không chỉ ở Đức Ninh, những lá đơn tự nguyện xin thoát nghèo của người dân Tuyên Quang đang tăng dần theo từng năm. Từ những cụ ông, cụ bà tuổi ngoài 80 đến những người trẻ.
Người dân tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) hỗ trợ ngày công giúp chị Lương Thị Thu làm nhà mới.
Như câu chuyện xin thoát nghèo của anh nông dân người Dao Triệu Văn Ấy, ở thôn Thôm Luông, xã Thượng Nông (Na Hang). Anh Ấy cho biết, anh muốn tạo động lực để các thành viên trong gia đình cùng nhau cố gắng đẩy mạnh sản xuất để tự lực vươn lên thoát nghèo sớm nhất.
Gia đình anh Ấy thuộc diện nghèo từ năm 2016, mặc dù được Nhà nước hỗ trợ, bản thân anh và các thành viên cũng cố gắng nhưng theo tiêu chí nghèo đa chiều, nhà anh vẫn thuộc diện nghèo. Song, lần này với suy nghĩ khác, anh Ấy đã viết lá đơn với nhiều tâm sự, bày tỏ sự quyết tâm vươn lên. Trong thư anh Ấy viết: “Từ lúc rà soát và thuộc diện nghèo theo tiêu chí đa chiều, gia đình tôi đã được thôn, bản và xã Thượng Nông hỗ trợ nhiều. Đến nay, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định hơn trước nên tôi viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường các hộ khác khó khăn hơn.
Đây cũng là động lực để gia đình tôi vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước”. Gia đình anh đã được Nhà nước hỗ trợ vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, các con anh đi học được miễn, giảm học phí… bản thân anh Ấy và gia đình luôn biết ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước và của tỉnh khi triển khai kịp thời các chính sách đến với hộ nghèo. Anh tích cực phát triển nuôi trâu sinh sản và canh tác lúa, ngô lấy lương thực và phụ phẩm chăn nuôi. Cuộc sống nhờ thế dần khá hơn. Năm 2019, từ số tiền tích lũy của gia đình và vay mượn thêm, anh làm được ngôi nhà mới thay thế nhà xuống cấp trước đây.
Không để tái nghèo
Tất cả các cấp, các ngành đã vào cuộc, đồng hành cùng với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, làm thế nào để người nghèo không tái nghèo lại cần những giải pháp cụ thể, thiết thực hơn.
Xã Trung Trực (Yên Sơn) có 600 hộ dân, trong số này, hộ nghèo là 336 hộ, chiếm 56% tổng số hộ của cả xã. Bí thư Đảng ủy xã Trung Trực Đồng Xuân An cho biết, mỗi năm, xã đều cố gắng hoàn thành đạt và vượt kế hoạch giảm nghèo. Đảng ủy, chính quyền xã đã xây dựng nhiều giải pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo như tập trung các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất; các tổ chức hội, đoàn thể định hướng về khoa học kỹ thuật và thành lập các nhóm cùng sở thích như nhóm cùng sở thích về trồng dưa chuột, trồng cây ăn quả... để thu hút hội viên thi đua lao động sản xuất... Tuy nhiên, số hộ tái nghèo luôn thường trực. Một phần do “gốc” chưa vững, một phần do chuẩn nghèo đa chiều mỗi năm một điều chỉnh tăng.
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Bé, thôn Đồng Chãu vừa thoát khỏi danh sách hộ nghèo năm 2021, năm nay đã lại tái nghèo. Bà Bé là hộ đơn thân, chồng mất sớm, một mình bà nuôi 6 người con. Cuối tháng 5 vừa rồi, bà vừa được Hội LHPN xã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới từ nguồn quỹ mái ấm tình thương thay thế cho ngôi nhà cũ nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở, không an toàn. Bà Bé cho biết, ngày khởi công, dân làng, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, rồi cả cán bộ xã đến hỗ trợ gia đình bà làm nền, lợp nhà... Tuy nhiên, vì không có nhiều đất sản xuất, tuổi cũng đã cao, nên dẫu cố gắng, bà cũng chưa biết cách nào để tăng thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo.
Bà Hà Thị Huấn, Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Trực cho biết, để “ngăn” nguy cơ tái nghèo, Hội LHPN xã hiện đang triển khai chương trình giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ. Theo đó, hội rà soát và phân công ban chấp hành hội giúp đỡ theo từng hộ gia đình. Việc giúp đỡ theo địa chỉ hiệu quả hơn, ở chỗ nắm bắt được nhu cầu của hội viên, biết được họ thiếu gì, cần gì để có kế hoạch cụ thể. Hộ còn sức lao động sẽ khuyến khích, tạo việc làm; hộ cần vốn sẽ tạo điều kiện cho vay vốn; hộ cần sửa chữa nhà ở sẽ được hỗ trợ vốn để sửa chữa nhà ở...
Tháng cao điểm “Vì người nghèo” đang được Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh phát động từ ngày 17-10 đến ngày 18-11. Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân trên 3%/năm, ngoài những chính sách hỗ trợ, sự đồng hành của cả cộng đồng, cần hơn cả là nỗ lực vươn lên của chính những hộ nghèo, cận nghèo, qua đó góp phần cùng với tỉnh tiếp tục bứt phá, vươn lên, phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết