Gỡ khó trong sản xuất hữu cơ

- Một thời gian dài, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học cho cây trồng đã khiến môi trường sống, môi trường sản xuất bị ảnh hưởng. “Cai nghiện cho cây trồng”, sạch từ trang trại đến bàn ăn là những giải pháp gỡ khó mà ngành nông nghiệp đang nỗ lực thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Ngành kinh doanh  siêu lợi nhuận

Kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được xem là ngành kinh doanh mang lại lợi nhuận rất lớn.

Xã Kiến Thiết - một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Yên Sơn đã từng xôn xao câu chuyện một đại lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật của xã trúng thưởng cả một chiếc xe máy nhờ bán quá chạy thuốc trừ cỏ cháy. Ông Hà Đức Chung, thôn Đồng Phạ, chủ đại lý này cho biết: Thời điểm từ 2016 trở lại, bán thuốc trừ cỏ thích lắm vì người dân trồng ngô nhiều. Những ngày vào vụ, thuốc vào ra liên tục, nhờ thế mà Công ty sản xuất thuốc trừ cỏ “thưởng nóng” cho đại lý cả chiếc xe máy Air Blade.

Vườn thanh long hàng hóa ở Yên Phú (Hàm Yên).  Ảnh: Quang Lê

Đồng chí Giàng Minh Phong, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khuổi Khít cho biết: Thời điểm cao điểm, cả thôn có hơn 40 ha ngô. Nhà nào cũng trữ cả thùng thuốc trừ cỏ để dùng dần. Vỏ thuốc dùng xong vứt ra nương, vứt xuống suối khiến nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ở Tuyên Quang hiện có 500 cơ sở bán thuốc Bảo vệ thực vật và 609 cơ sở bán phân bón. Mạng lưới này mở rộng đến tất cả các thôn bản vùng sâu, vùng xa.

Mới đây, một danh mục thuốc bảo vệ thực vật vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Danh mục này có gần 1.700 hoạt chất thuộc nhiều nhóm đối tượng sử dụng khác nhau với trên 4.000 tên thương phẩm. Theo các chuyên gia nông nghiệp, với số lượng hoạt chất và tên thương phẩm được cấp phép nói trên, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có danh mục thuốc bảo vệ thực vật đa dạng nhất thế giới.

Tranh cãi nhiều nhất là thuốc trừ cỏ thành phần Diquat - một chất độc tương tự với paraquat - nhiều nước đã cấm sử dụng, nhưng ở Việt Nam vẫn nằm trong danh mục thuốc Bảo vệ thực vật được phép sử dụng và việc mua bán cũng khá thuận lợi. Chủ một cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở thôn Mường, Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, loại thuốc này được người dân lựa chọn thay thế thuốc trừ cỏ cháy paraquat trước đây. Thành phần tương tự, thời gian đốt cháy cỏ cũng chỉ trong khoảng 2 giờ đồng hồ nên người dân chuộng hơn.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết Ma Ngọc Trân cho biết, thời điểm này việc sử dụng thuốc trừ cỏ của người dân đã được hạn chế rất nhiều. Đâu đó vẫn còn tình trạng một số người dân dùng thuốc phun cỏ cháy nhưng không còn phổ biến. Xã cũng đã nhắc nhở và thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục mà Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép.

Chăm cây theo... bản năng

Những vườn chanh tứ mùa dọc hai bên đường vào thôn Mường, xã Phù Lưu đã thay thế cho cây cam - thứ cây nổi tiếng một thời ở đất này.

Người dân thị trấn Na Hang chăn nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP.  Ảnh: Quốc Việt

Ông Trần Văn Công vừa chuyển đổi hơn 1 ha cam sang trồng chanh nói, lý do chuyển đổi chủ yếu là vì cam chết nhiều quá. Những năm cam được giá, gia đình ông Công cũng như nhiều hộ dân ở đây tập trung bón phân, thuốc bảo vệ thực vật theo... với hy vọng cây khỏe, cho quả sai và đẹp mã. Bệnh gì có thuốc nấy, bệnh nào không khỏi thì lại được đại lý thuốc “kê” thêm 2 - 3 loại thuốc để điều trị tổng hợp.

Càng chăm, cây càng có biểu hiện bị “sốc”, rồi chết dần. Ông Công bảo, cây chết thì có nhiều nguyên nhân, nhưng mình đoán một phần cũng là vì mình lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhiều quá. Chuyển sang trồng chanh, ông rút kinh nghiệm, tập trung chăm sóc đúng hướng dẫn, bón phân đúng liều lượng và có bổ sung thêm phân chuồng để tăng thêm dưỡng chất cho đất. Nhờ thế mà vườn chanh của gia đình ông cho quả đều đặn, tình trạng cây chết cũng đã được hạn chế rất nhiều. Trung bình mỗi tháng nhà ông Công được cắt 1 lứa, mỗi lứa cũng cho thu 5 - 6 triệu đồng.

Một nửa trong số hơn 100 ha cam ở thôn Mường đã bị chết và được chuyển đổi sang trồng chanh và một số loại cây ăn quả khác. Phó thôn Mường Hoàng Văn Biệt cho biết, chưa có kết luận nào nhưng người dân cũng tự đoán một phần do việc lạm dụng quá nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật khiến cam “sốc”, không sống nổi. 

Ở thôn, có những hộ gia đình sống nhờ vào việc phun thuốc thuê. Vợ chồng ông Trần Văn Luận, Phùng Thị Xị từ tháng 4 đến tháng 6 nhận không hết việc. Mỗi ngày công 250 nghìn đồng, hai vợ chồng phun hết vườn của nhà này lại chuyển sang vườn của nhà khác. Biết công việc này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, vợ chồng ông bảo nhau nai nịt kín đáo, gọn gàng để hạn chế việc bị thuốc ngấm vào người.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, xã Phú Lâm (Yên Sơn) sáng chế máy hút sâu cho chè. Ảnh: Quang Hòa

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, riêng trong năm 2020, trên 120,7 nghìn ha cây trồng của cả tỉnh sử dụng hết 966 tấn thuốc bảo vệ thực vật, tương đương với việc thải ra môi trường hơn 96 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Bình quân, mỗi ha cây trồng 1 năm sử dụng hết 8 kg thuốc bảo vệ thực vật. Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, con số này qua từng năm sẽ có sự thay đổi do tình hình thời tiết và dịch bệnh.

Sạch từ trang trại đến bàn ăn

Một trong những nhiệm vụ của ngành nông nghiệp giai đoạn này là xây dựng, phát triển các mô hình nông nghiệp hữu cơ, hướng tới một nền sản xuất xanh, bền vững.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, giai đoạn này, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng và áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bền vững, nhất là đối với các sản phẩm đặc thù, truyền thống của tỉnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hiện đạt gần 1,6 nghìn ha, chủ yếu áp dụng trên cây chè, cam, bưởi; đồng thời xây dựng 5 mô hình chăn nuôi tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 10 cơ sở áp dụng thực hiện nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP...

Như tại thôn Mường, xã Phù Lưu, ngay sau khi chuyển đổi đất trồng cam trước đây sang trồng chanh, mô hình thâm canh chanh theo tiêu chuẩn hữu cơ diện tích 1 ha đang được ông Ma Hoa Tàm thực hiện.

Từ những mô hình nhỏ nhân rộng ra diện tích lớn, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong tư duy của người nông dân. Ông Vũ Văn Hòe, thôn Đèo Tượng, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) - một trong những hộ dân đầu tiên tham gia trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC của xã này là người cảm nhận rõ nét hơn ai hết những sự thay đổi này. Ông Hòe cho biết, những ngày chưa làm FSC, sau một vụ trồng rừng, anh em trong tổ cấp chứng chỉ rừng huy động người dân đi thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật muốn “khóc” luôn. Mỗi ha rừng, phải thu gom được cả bao tải vỏ bao bì nặng đến 4 - 5 kg. Giờ thuốc bảo vệ thực vật được hướng dẫn sử dụng đúng chủng loại, đúng liều lượng, làm đến đâu thu gom, dọn dẹp đến đấy để đáp ứng đúng các tiêu chuẩn trồng rừng quốc tế.

Quay trở lại Khuổi Khít, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Giàng Minh Phong cho biết: Từ năm 2020 trở lại đây, thôn xây dựng các bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời vận động người dân không sử dụng tràn lan thuốc trừ cỏ cháy nữa. Nhờ thế môi trường sản xuất, môi trường sống được đảm bảo hơn.

Người dân xã Xuân Vân (Yên Sơn) đặt bẫy ruồi vàng trên cây hồng không hạt. Ảnh: Hồng Lĩnh

Không dừng lại ở việc xây dựng các mô hình sản xuất hữu cơ, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch thực hiện  chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, đến năm 2025 sẽ xây dựng 30 mô hình cấp tỉnh, 108 mô hình cấp huyện áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó tập trung vào một số loại cây trồng như lúa, ngô, lạc, rau, chè, cam, bưởi, chanh, chuối... 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả quản lý dịch hại IPM vào sản xuất. Mục tiêu là giảm lượng thuốc hóa học, giảm lượng phân đạm, giảm lượng giống, nước và tăng hiệu quả sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, tương lai của ngành nông nghiệp nằm ở chính sự thay đổi trong thói quen sản xuất của người nông dân. Sẽ không thể có một nền nông nghiệp “sạch từ trang trại đến bàn ăn” nếu chỉ có người quản lý xây dựng kế hoạch, mà phải từ chính những người nông dân thực hiện.

Sau Chương trình OCOP, “sạch từ trang trại đến bàn ăn” đang được nhiều hợp tác xã bắt tay vào thực hiện và thực hiện một cách nghiêm túc. Hợp tác xã Tâm Hương là một ví dụ. Kết nối với các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sạch trong và ngoài tỉnh, đơn vị này cũng chủ động xây dựng một trang trại trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hoàn toàn theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thị trấn Na Hang và xã Hồng Thái. Tất cả các khâu đều do người của hợp tác xã giám sát thực hiện.

Cai nghiện, giảm phụ thuộc, nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, theo tiêu chuẩn hữu cơ... là cách mà nông nghiệp Tuyên Quang nỗ lực đưa nông sản của mình tiếp cận với các thị trường khó tính. Bởi sau các sản phẩm OCOP 4 sao, thì Tuyên Quang đang tập trung nâng cấp lên thành sản phẩm 5 sao, để từng bước đạt mục tiêu xuất khẩu ra thế giới. Để làm được điều này, thì phải loại bỏ được những rào cản về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm - thứ mà nông sản Việt nói chung, nông sản Tuyên Quang nói riêng vẫn còn yếu.

Trần Liên

Tin cùng chuyên mục