Hành trình của thương hiệu chè hữu cơ

- Quy trình từ những búp chè tươi đến chén chè nóng thơm ngon, đậm đà vốn không hề đơn giản. Quy trình làm ra những sản phẩm chè an toàn, hữu cơ lại càng khó hơn. Để làm ra sản phẩm chè hữu cơ, người làm chè có thể đi thẳng từ làm chè thông thường lên chè hữu cơ hoặc đi từ mô hình làm chè VietGAP lên hữu cơ. Tuy nhiên đây là một chặng đường dài nhiều gian nan, cần sự kiên trì và quyết tâm rất cao.

Các thành viên Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) thu hái chè tươi.

Không ngừng theo đuổi

Sau ba năm kiên trì sản xuất chè hữu cơ, anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Ngân Sơn - Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương) lại quay trở về với quy trình sản xuất chè VietGAP. Anh chia sẻ, sản xuất chè hữu cơ phải có vốn lớn, vùng nguyên liệu tập trung và được khoanh vùng. Trong khi diện tích làm chè hữu cơ của hợp tác xã chỉ có 2ha, trồng manh mún, chưa được khoanh vùng riêng, điều kiện đất không thực sự phù hợp với việc trồng chè hữu cơ. Bởi vậy, mặc dù đã dùng chế phẩm sinh học hạn chế sâu bệnh cho cây chè nhưng có vụ, anh Thắng mất trắng, thua lỗ cả trăm triệu đồng vì dịch bệnh trên cây chè. Hai năm đầu lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên sản phẩm chè hữu cơ làm ra không bán được. Sản phẩm chè hữu cơ có khi bán với giá hàng triệu đồng. Giá bán này không phải ai cũng có thể mua được. Bởi vậy mới nói, sản phẩm chè hữu cơ “kén” người dùng. Là người đầu tiên trong tỉnh mạnh dạn trồng chè hữu cơ nhưng anh Thắng cũng chưa thu hồi được vốn. Anh quyết định chuyển sang làm chè VietGAP. Tuy nhiên, anh Thắng vẫn luôn ấp ủ ước mơ làm chè hữu cơ xuất khẩu. Anh bảo: “Làm chè hữu cơ xuất khẩu có nhiều cái hay lắm. Trước hết là mình cung cấp ra thị trường sản phẩm chè sạch thực sự, theo quy chuẩn nghiêm ngặt, chinh phục được khách hàng khó tính nhất, giá trị kinh tế lại cao mà công đầu tư không nhiều. Mình vẫn thích làm chè hữu cơ”. Hiện nay, anh Thắng đang đi tìm quỹ đất tập trung, xa khu dân cư để chuẩn bị đầu tư sản xuất chè hữu cơ xuất khẩu. “Con đường này chắc chắn sẽ không bằng phẳng nhưng mình sẽ theo đuổi đến cùng” - Anh Thắng khẳng định.

Cũng với mục tiêu chinh phục con đường sản xuất chè hữu cơ, anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) đang xây dựng lộ trình đi tới quy trình sản xuất chè hữu cơ trên cơ sở sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Anh Sử chia sẻ, hiện nay, Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi 2 ha chè trồng thí điểm theo hướng hữu cơ. Trên diện tích này, hợp tác xã chỉ sử dụng các loại phân vi sinh, chế phẩm sinh học, nói không với hóa chất. Theo anh Sử, khó khăn nhất khi làm chè hữu cơ đó là việc tiếp cận thị trường. Bởi giá bán chè hữu cơ khá cao, phù hợp với người có thu nhập cao. Do vậy, Hợp tác xã sẽ thực hiện chuyển đổi dần dần, vừa làm vừa nghiên cứu thị trường. Nhưng anh Sử cho biết, mục tiêu lớn nhất của hợp tác xã chính là làm chè hữu cơ. Vì nhu cầu về chất lượng của chè sẽ ngày càng khắt khe và đòi hỏi cao hơn.

Ông Ninh Văn Tuyên, Phó Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) cho biết, mong muốn của ông cũng như nhiều thành viên trong hợp tác xã hiện nay đó là sau khi có kinh nghiệm làm chè VietGAP sẽ tiến lên làm chè hữu cơ. Hàng chục năm gắn bó với nghề làm chè, ông Tuyên nhận thấy, sản xuất chè hữu cơ mới thực sự đem lại sản phẩm chè chất lượng cao nhất cho người tiêu dùng và mang lại giá trị kinh tế cao cho người làm chè. Hiện nay, ông Tuyên đang có kế hoạch chuyển đổi 1 hecta chè VietGAP sang trồng theo quy trình hữu cơ.

Cần “bản lĩnh thép”

Sản xuất chè hữu cơ đang là chủ trương được tỉnh khuyến khích, tạo điều kiện để người trồng chè đưa ra thị trường sản phẩm chè chất lượng cao, đẳng cấp. Từ cuối năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 quy định chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh. Một trong những cây trồng được hỗ trợ sản xuất hữu cơ là cây chè. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang có 2 cơ sở sản xuất chè hữu cơ với diện tích 27,5ha. Ngoài ra, trồng chè theo hướng VietGAP có 64 ha. Sản xuất chè hữu cơ được coi là đỉnh cao của nghề làm chè. Tuy nhiên để làm ra những sản phẩm chè hữu cơ, người làm chè phải thực sự quyết tâm và cần một “bản lĩnh thép”.

Ông Đặng Ngọc Phố (thứ hai từ trái qua phải), Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) vận động,
hướng dẫn các thành viên chăm sóc cây chè Shan tuyết. (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Năm 2019, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) được chứng nhận là sản phẩm hữu cơ. Để đạt được kết quả này và duy trì sản xuất chè hữu cơ là cả một hành trình dài của Giám đốc Đặng Ngọc Phố và các thành viên. Anh Phố kể, khó khăn nhất trong thời gian đầu làm chè hữu cơ đó là thị trường chưa quen và cũng chưa biết ở Hồng Thái (Na Hang) lại có một loại chè hảo hạng như vậy. Ban đầu có những cây chè cao 7-8 mét, không thể thu hái được. Anh Phố bắt tay làm chè hữu cơ bằng việc thu mua chè tươi của bà con cao lên để khuyến khích người dân chăm sóc cây chè Shan tuyết. Từ chỗ những cây chè Shan tuyết không có người chăm sóc, đốn tỉa nay đã được chăm sóc, đốn tỉa đúng quy trình sản xuất hữu cơ. Vừa làm, anh Phố và các thành viên Hợp tác xã vừa tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm chè hữu cơ để mở rộng thị trường. Vì vậy, Hợp tác xã đã đẩy mạnh quảng bá bằng cách tạo điều kiện để du khách được trải nghiệm quy trình sản xuất chè hữu cơ. Anh Phố cho rằng, nếu làm chè đại trà có thể bán được số lượng lớn nhưng không thể mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Làm chè hữu cơ tuy sản lượng bán không được nhiều nhưng đổi lại người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm chè sạch thực sự. Nhận thức được ý nghĩa lớn của việc làm chè hữu cơ nên hợp tác xã kiên quyết không thu mua chè của những hộ dùng thuốc diệt cỏ. Đồng thời có cơ chế khen thưởng thành viên nào phát hiện và báo cáo với Hợp tác xã trường hợp dùng thuốc diệt cỏ để trừ cỏ cho cây chè. Khâu kiểm soát này được hợp tác xã làm rất chặt chẽ. Anh Phố khẳng định, người làm chè hữu cơ cần có bản lĩnh và thực sự tâm huyết mới có thể duy trì được.

Sản phẩm chè hữu cơ chính là sự hội tụ của nhiều yếu tố như quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, tâm huyết của người làm chè cùng với các điều kiện tự nhiên thích hợp để làm ra các sản phẩm chè hữu cơ. Đây chính là xu hướng tất yếu mà người làm chè cần nắm bắt nhằm tạo ra những sản phẩm chè tốt nhất cho người tiêu dùng và có giá trị kinh tế cao.

Phóng sự: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục