Từ Tân Trào đến Điện Biên

- Cách đây 68 năm, ngày 7-5-1954, quân ta đã tiêu diệt và làm chủ hoàn toàn Điện Biên Phủ, cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, biết bao nhiêu người con của Tuyên Quang đã xung phong lên đường trở thành những chiến sỹ Điện Biên, chị gánh, anh thồ “dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến chiến thắng”, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã dồn hết sức lực, tình cảm cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Tỉnh Tuyên Quang là vùng đất trọng yếu, “phên dậu” của Tổ quốc, căn cứ địa cách mạng, giữ vị trí hết sức quan trọng trong tuyến hành lang bảo vệ căn cứ hậu phương kháng chiến của cả nước, cầu nối giữa căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Tây Bắc. Chiến khu Tân Trào được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm Thủ đô Kháng chiến, hậu phương vững chắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Cây Đa Tân Trào. 

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.

Ngày 6 tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị họp đã quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, tạo nên một bước ngoặt trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời khẳng định quyết tâm “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Mặc dù Điện Biên Phủ là địa bàn xa hậu phương, đường xá đi lại khó khăn, hậu cần là một vấn đề nan giải nhưng với quyết tâm cao, tinh thần đồng sức, đồng lòng, khó khăn này đã được khắc phục. Sức người, sức của được huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương lên.

Cựu chiến binh Trần Văn Hảo, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) hiện vẫn còn giữ nhiều kỷ vật quý về
chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, hăng hái khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tích cực ủng hộ kháng chiến góp quỹ nuôi quân, lo gạo kháng chiến. Tuyên Quang vừa có vai trò là hậu phương trực tiếp chi viện cho tiền tuyền, vừa là điểm trung gian nối hậu phương đồng bằng với tiền tuyến, được coi là một điểm tựa vững chắc cho tiền tuyến, đảm bảo cho thắng lợi của tiền tuyến. Trong các chiến dịch lớn, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Tuyên Quang là một trong những tỉnh miền núi đóng góp nhiều nhất về sức người, sức của.

Cuối năm 1951, toàn tỉnh có 749 người biên chế thành 4 đại đội và 1 trung đội trợ chiến; mở chiến dịch tuyên truyền rộng rãi về nghĩa vụ tòng quân trong toàn tỉnh. Dân quân, du kích trong tỉnh phát triển mạnh, tăng 250% so với trước và được bồi dưỡng kỹ thuật trinh sát, đánh bom mìn, địa lôi. Thành tích nổi bật của dân quân du kích là phòng gian bảo mật, bảo vệ cầu đường trong chiến dịch Điện Biên Phủ.  

Hội đồng cung cấp tiền phương của tỉnh được thành lập với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” vào đầu năm 1953 nhằm huy động cao độ nhân, vật, tài lực cho cuộc kháng chiến đang bước vào thời điểm quyết định. Từng đoàn dân công hỏa tuyến của Tuyên Quang đã nhanh chóng được tập trung và biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn... lần lượt hành quân vận chuyển hậu cần lên chiến trường Tây Bắc.

Dưới sự chỉ đạo của Ban dân công tỉnh, phong trào “đi dân công là yêu nước” diễn ra sôi động. Gối đất, nằm sương, trèo đèo, lội suối, các đoàn dân công được biên chế theo tổ chức quân sự nối nhau lên đường. Năm 1953, tỉnh Tuyên Quang đã huy động 3 đợt dân công với 9.762 người đi phục vụ chiến dịch Tây Bắc, cả năm huy động được 1.021.738 ngày công. Năm 1954, Tuyên Quang huy động 1.854.360 ngày công. Với số dân 13 vạn người, năm 1954, tỉnh đã huy động 56.196 lượt người đi dân công (chiếm 43% dân số). Động viên được sức mạnh của toàn dân, riêng trong chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954, Tuyên Quang đã cung cấp cho tiền tuyến 6.486.955 kg gạo, 52.770 kg thịt trâu, 914 kg thịt bò, 41.675 kg thịt lợn, 10.890 kg lạc, 11.282 kg đỗ xanh và hàng trăm tấn rau xanh phục vụ chiến dịch.

Thương binh 1/4 Trần Hữu Nghĩa, thôn Hoắc, xã Thái Bình, Yên Sơn kể cho thế hệ trẻ nghe về trận chiến
​ông từng tham gia ở Điện Biên Phủ năm 1954. Ảnh: Quang Hòa

Quân Pháp liên tục cho máy bay ném bom bắn phá các tuyến đường giao thông chiến lược qua Tuyên Quang đi chiến trường Tây Bắc để ngăn chặn việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Tháng 7-1953, Tuyên Quang mở chiến dịch cầu đường huy động 1.021.136 ngày công sửa chữa toàn bộ hệ thống đường dài 168 km. Dưới bom đạn dân công và công nhân cầu phà Tuyên Quang vẫn ngày đêm bám cầu, bám phà, sửa đường, kiên quyết bảo đảm giao thông thông suốt kể cả những lúc cao điểm. Thời gian trực phà rút từ 60 phút xuống còn 30 phút, qua phà rút từ 30 phút rút xuống còn 8 phút, mức vận chuyển trước đây là 20 xe nay tăng lên 64 xe trong ngày. Tính từ ngày 29-11-1953 đến ngày 7-5-1954 đã có 4.734 xe ô tô từ Thái Nguyên qua phà Bình Ca.

Trong năm 1954, ngoài việc bảo vệ cầu đường, bộ đội địa phương Tuyên Quang còn điều 5 đại đội làm nhiệm vụ giải tù binh, truy quét biệt kích trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Không chỉ trực tiếp chi viện cho tiền tuyến, Đảng bộ Tuyên Quang còn lãnh đạo nhân dân làm tốt công tác hậu phương quân đội như đón thương binh về làng, đỡ đầu bộ đội, giúp đỡ gia đình thương binh liệt sỹ và viết thư thăm hỏi, động viên các chiến sỹ ngoài mặt trận thi đua giết giặc lập công.

Cựu chiến binh Trần Văn Hảo, phường Tân Hà (TP Tuyên Quang) là pháo thủ trực tiếp tham gia chiến đấu tại mặt trận Điện Biên Phủ dù năm nay đã hơn 90 tuổi nhưng vẫn nhớ như in về quãng thời gian chiến đấu tại chiến trường Điện Biên. Ông kể: “Lúc đó ngoài bộ đội bổ sung cho quân chủ lực của mặt trận Điện Biên còn có rất nhiều dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí, sửa chữa các tuyến đường cho xe ta lên Điện Biên là người của Tuyên Quang”.

Ông Nguyễn Văn Đác, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) nhớ lại ký ức tham gia chiến đấu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Đác, 91 tuổi, tổ 9, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) khoe với chúng tôi những kỷ vật Điện Biên mà ông vẫn giữ đến giờ đó là bức ảnh đen trắng khi ông đang cùng đồng đội thu giữ chiến lợi phẩm sau khi địch đầu hàng tại Điện Biên Phủ và Huy chương Chiến sỹ Điện Biên. Ông Đác là lính thông tin của Đại đội 22, Tiểu đoàn bộ, Sư đoàn 308. Ông bảo: “Lúc đó được biết, nhiều lương thực, thực phẩm chi viện cho bộ đội ở tiền tuyến từ quê hương Tuyên Quang lên, chúng tôi mừng lắm vì như được tiếp thêm động lực để chiến đấu cho đến ngày thắng lợi”.

Thắng lợi Điện Biên Phủ là sự tổng hợp của hàng loạt các yếu tố: sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của toàn dân, sự giúp đỡ của nhân dân thế giới và sức mạnh của toàn dân tộc, đặc biệt là sự đóng góp của nhân tố hậu phương kháng chiến. Trong đó hậu phương Tuyên Quang có vai trò hết sức quan trọng. Tuyên Quang đã xây dựng và bảo vệ an toàn cho hậu phương, căn cứ địa kháng chiến, đảm bảo đầy đủ nhân tài, vật lực, chi viện cho chiến trường, đảm bảo cho sự thắng lợi của các chiến dịch, trong đó nổi bật và tiêu biểu là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ, quân dân Tuyên Quang đồng thời nhắc nhở các thế hệ trên những chặng đường mới về sự hy sinh cao cả của đồng bào Tuyên Quang đối với Đảng, cách mạng.

Thuỷ Châu

Tin cùng chuyên mục