Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới chân núi Thổ Sơn, thành phố Tuyên Quang.
Nhớ Người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo/Người đi, rừng núi trông theo bóng Người…”. Ở Tuyên Quang, Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến, trái tim của cách mạng Việt Nam Bác Hồ từng ở và làm việc 5 năm, 11 tháng, 25 ngày. Mỗi tên đất, tên làng ở đây đều in dấu chân Người. Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh và 75 năm ngày Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến, người dân Tuyên Quang lại bồi hồi nhớ Bác.
Tình cảm đó được các nhà thơ xứ Tuyên thể hiện một cách xúc động. Nhà thơ Trịnh Đình Bồng trong bài “Thăm lại Tân Trào” viết: “Con về thăm lại Tân Trào/Mắt rưng rưng lệ, nghẹn ngào con tim!/Dấu chân Bác vẫn còn in/Bờ lau bông trắng, dõi tìm lối xa.../Bóng hình Bác, bóng hình cha/Dừng chân dưới gốc đa già còn đây/Bìa rừng mây trắng nhẹ bay/Mặt gương hồ nước còn say dáng Người/In hình bóng Bác Hồ cười/Chòm râu mát rượi thêm ngời nước non/Kể chuyện dưới ánh trăng tròn/Thắng Tây, thắng Nhật chẳng còn mấy đâu!/Bập bùng lửa sáng đêm thâu/Bao nhiêu đồng chí chung câu quân hành/Giữa rừng Việt Bắc tươi xanh/Ân tình của Bác mãi dành mai sau”.
Nhà thơ Phạm Thuyết thể hiện trong bài “Nhớ Bác” có đoạn: “Rừng sâu khói đỏ vùng quê/Bác về khói lửa thoát mê ách kìm/Ngày độc lập vững niềm tin/Sao yêu năm tháng cánh chim tìm đường/Tự do no ấm quê hương/Nhớ người non nước bốn phương tìm về”.
Có người đã được gặp, có người chưa được gặp Bác, song tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để lại là kim chỉ nam chỉ đường, dẫn lối cho toàn Đảng, toàn dân ta tiến lên. Nhà thơ Dương Tiến Thành ghi lại trong “Lần đầu gặp Bác Hồ” thật cụ thể: “Tháng hai một chín năm nhăm/Lần đầu tôi được về thăm Bác Hồ/Thật là vinh dự vô bờ/Tham quan Hà Nội Thủ đô lần đầu/Bác Hồ căn dặn trước sau/“Giữ gìn đoàn kết hàng đầu cháu ơi!”/Một lòng theo Đảng suốt đời/Đảng cho cuộc sống mọi người ấm no/Ghi sâu lời dạy Bác Hồ/Cùng nhau giữ lấy cơ đồ Bác trao”.
Nhà thơ Ngô Thị Thơ có bài “Mừng sinh nhật Bác” với ngôn từ giản dị: “Cháu còn nhỏ Bác đã đi xa/Bác để lại bao tình thương nhớ/Cho non sông đất nước Việt Nam/Hình ảnh Bác rạng ngời Tổ quốc/Tính kiên trung dũng mãnh sáng ngời/Đức nhân từ tình cảm rạch ròi/Cứu dân lành thoát cùm nô lệ/Giúp muôn dân vượt qua bể khổ/Ánh hào quang dẫn dắt soi đường/Cho thế hệ của các cháu con/Nền độc lập tương lai tươi sáng/Hôm nay là ngày sinh nhật Bác”.
Hình tượng Bác Hồ luôn là đề tài, nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thơ xứ Tuyên sáng tác.
Tại Tuyên Quang 2 địa danh gắn với Bác Hồ và cách mạng Việt Nam là Tân Trào (Sơn Dương), Kim Bình (Chiêm Hóa) đều trở thành di tích Quốc gia đặc biệt, địa chỉ đỏ về nguồn của bao thế hệ người Việt Nam, bạn bè quốc tế. Ngày nay tại trung tâm thành phố Tuyên Quang có Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Nguyễn Tất Thành để người dân xứ Tuyên luôn nhớ về Bác. Nhà thơ Thanh Quý tỏ nỗi lòng “Nhớ di chúc của Người” có đoạn: “Tháng năm đang mùa bằng lăng tím/Tím trên Quảng trường mang tên Bác, Bác ơi/Nhìn hoa lá lung linh trước gió/Nhớ Bác Hồ, con nhớ mãi không nguôi/Nhớ lời dặn viết trong di chúc/Căn dặn con cháu trước lúc đi xa/Bác mong muốn cuộc đời hạnh phúc/Áo ấm cơm no đến với mọi nhà/Bấy nhiêu năm ngày tháng mãi trôi qua/Làm theo lời di chúc của Người chúng con mãi nhớ/Từ trong bữa ăn đến từng hơi thở/Có hôm nay nhờ Bác, Bác ơi”.
Có lẽ bài thơ “Tân Trào nhớ Bác” của nhà thơ Đinh Trung Kiên đã khắc họa thêm tình cảm của Tuyên Quang với Bác Hồ: “Núi Hồng trùng điệp bao quanh/Suối Lê soi bóng như thành nước non/Tân Trào nhớ Bác sắc son/Dòng sông Phó Đáy mãi còn ngâm thơ/Cháu con lên lán hằng mơ/Trung thu vằng vặc ngóng chờ Bác ơi/Rau măng quả bắp một thời/Chiến khu kháng chiến nuôi Người cùng dân/Con đường cách mạng gian truân/Thời cơ chỉ có một lần đứng lên/Cả non sông quyết chí bền/Cách mạng tháng tám lập lên sử vàng/Nước nhà tươi đẹp sang trang/Hồng lên hình Bác hào quang Tân Trào”.
Hiện nay Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vẫn đang tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Mỗi người từ vai trò, vị trí của mình tự học Bác từ những điều giản dị, thiết thực để nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết