Học kỳ thứ 3

- Nghỉ hè là quãng thời gian trẻ em mong đợi nhất sau một năm học tập vất vả. Nghỉ hè được xem là học kỳ thứ 3 nhưng thời gian ngắn hơn học kỳ 1 và 2 của năm học và về bản chất cũng khác với hai học kỳ trước đó. Bởi tại học kỳ này, các em sẽ được vui chơi, khám phá năng lực, sở trường, sở thích của bản thân thông qua các hoạt động giải trí, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống. Từ đó các em được phát triển hài hòa, cân đối cả về tinh thần lẫn thể chất. Việc tạo ra một kỳ nghỉ hè - học kỳ thứ 3 bổ ích, ý nghĩa cho trẻ em cần được gia đình, nhà trường, cả cộng đồng quan tâm hơn nữa.

Trẻ em làm gì dịp hè?

Ở mỗi nơi, trẻ em lại có cách sử dụng thời gian nghỉ hè khác nhau. Trẻ em ở thành phố, thị trấn thường được bố mẹ cho đi chơi tại các điểm vui chơi trong Vincom, Khu vui chơi giải trí Bách Thảo Ngân hoặc đăng ký cho trẻ em được tham gia các lớp năng khiếu như học múa, hát, cờ vua, cầu lông, võ, mỹ thuật, các lớp kỹ năng sống tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu nhi tỉnh và Trung tâm Văn hóa, Truyền thông, Thể thao các huyện, các trung tâm kỹ năng sống của thành phố. Còn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, các em nhỏ chủ yếu phải giúp bố mẹ, ông bà làm việc nhà, chơi một số trò chơi dân gian…

Đoàn xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) tổ chức các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong dịp hè.

Nói về kỳ nghỉ hè của mình, em Nguyễn Tiến Đạt, học lớp 7, nhà ở tổ 7, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) kể: “Bắt đầu nghỉ hè, em đã được bố mẹ cho về quê Phú Thọ chơi với ông bà nội. Con cũng đăng ký học bơi vào cuối tuần. Con đang dự định sẽ đi học lớp dạy đàn Guitar. Thời gian rảnh, con dọn dẹp nhà cửa giúp bố mẹ và đi xe đạp quanh nhà”. 

Em Lý Kiệt Luân, học lớp 5, trường Tiểu học Tứ Quận chia sẻ: “Nghỉ hè con thường ở nhà xem ti vi, xem điện thoại, chơi với các anh chị trong xóm. Con rất thích được đi bơi, được đi học vẽ”.

Còn em Hoàng Phương Thúy, học lớp 6, nhà ở thôn Không Mây, xã Năng Khả (Na Hang) cho biết: “Được nghỉ hè em phải ở nhà trông em giúp bố mẹ, thời gian rảnh em chơi đá cầu, chơi trốn tìm và rồng rắn lên mây với các bạn gần nhà. Em thích được học vẽ và muốn được đi các khu vui chơi như các bạn khác lắm”.

Không ít các bạn nhỏ, ngay sau khi nghỉ hè, gia đình đã đăng ký cho con ôn luyện kiến thức văn hóa. Điều này khiến nhiều bạn nhỏ trở nên áp lực, mệt mỏi. Em Nguyễn Hương Trà, học lớp 2, nhà ở tổ 9, phường Ỷ La hè này là hè đầu tiên em được tham gia lớp học vẽ tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu nhi tỉnh. Em Trà cho biết, ngoài đi học vẽ vào ngày cuối tuần, các ngày thường em còn phải đi ôn luyện kiến thức môn Toán và môn Tiếng Việt. Trà nói: “Em hơi chán khi phải đi học nhiều như vậy”.

Các em nhỏ học vẽ tại Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Thanh thiếu nhi tỉnh.

Tại Trung tâm Bồi dưỡng kiến thức và giáo dục kỹ năng sống Hiền Quý (TP Tuyên Quang), không ít em nhỏ sau khi nghỉ hè ngay lập tức được gia đình đăng ký cho ôn luyện kiến thức ôn thi vào lớp 6 tại đây. Em Lê Quỳnh Thư, hiện đang học lớp 5 trường Tiểu học Phan Thiết bày tỏ: “Nghỉ hè xong, em phải đi ôn luyện kiến thức của môn Toán, Tiếng Việt vào các ngày trong tuần để thi vào lớp 6, thời gian nghỉ ngơi em dường như không có”.

Những góc nhìn…

Việc tạo ra sân chơi cũng như kỳ nghỉ hè bổ ích cho trẻ em trong dịp hè cần rất nhiều yếu tố. Mỗi em nhỏ được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khác nhau, bởi vậy, khi nhìn nhận về kỳ nghỉ hè của trẻ thì mỗi bậc phụ huynh, giáo viên, chuyên gia về tâm lý trẻ em cũng có những góc nhìn khác nhau.

Chị Phạm Thị H, ở phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có hai con đang học lớp 3, vì sợ con mình không ôn luyện kiến thức sẽ quên và không theo kịp các bạn nên ngay sau khi năm học kết thúc, tranh thủ thời gian nghỉ hè, chị H. đã đăng ký cho hai con đi học tiếng Anh, học Toán và Tiếng Việt tại một số trung tâm Tiếng Anh và ôn luyện kiến thức. Thời gian rảnh chị cũng cho con đi học bơi, học nhảy. Chị H. cho biết: “Vừa học năng khiếu vừa ôn luyện các môn văn hóa nên kín lịch. Ban ngày không có thời gian thì các con học cả buổi tối. Biết là các con không thích lắm nhưng gia đình vẫn phải cho đi học vì sợ không theo kịp các bạn”. Còn chị Tướng Thị Gái, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) có con học lớp 1 cho biết: “Nghỉ hè mình sẽ cho con chơi khoảng 1 tháng sau đó sẽ cho con đi ôn luyện kiến thức môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để cho con khỏi bỡ ngỡ và quên kiến thức khi lên lớp 2”.

Duy trì thói quen đọc sách trong kỳ nghỉ hè cho trẻ em là một việc rất ý nghĩa và có thể mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của trẻ. Ảnh: Cảnh Trực

Nhìn nhận về kỳ nghỉ hè, cô giáo Đỗ Thị Thu Hương, Tổng Phụ trách Đội, Trường Tiểu học Bình Thuận (TP Tuyên Quang) đưa ra quan điểm: Kỳ nghỉ hè, gia đình nên cho con được tham gia các câu lạc bộ văn hóa, thể thao để phát triển năng khiếu của trẻ và nên dành từ 1 tháng đến 1 tháng rưỡi để trẻ được vui chơi, nghỉ ngơi, tham gia các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống. Sau đó, gia đình cũng nên dành thời gian khoảng 1 tháng rưỡi để trẻ ôn luyện lại kiến thức, tự tin bước vào năm học mới”.

Bàn về học kỳ thứ 3 của trẻ, Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội, Trường Đại học Tân Trào cho rằng: Kỳ nghỉ hè được xem như là một học kỳ thứ 3, ở đó trẻ em được tham gia các hoạt động thể thao, văn hóa, được rèn luyện kỹ năng sống như: Kỹ năng ứng xử, giao tiếp, bồi dưỡng năng khiếu, giúp các em phát triển hài hòa, cân đối cả về thể chất và tâm hồn. Việc bồi dưỡng, ôn luyện kiến thức cho các em nên vừa phải mà cha mẹ, gia đình cần đặt trọng tâm vào việc tạo điều kiện để trẻ được tham gia các hoạt động vui chơi, trải nghiệm, phát triển năng khiếu.

Sân chơi cho trẻ

Để trẻ có một kỳ nghỉ hè hay học kỳ thứ 3 bổ ích cần rất nhiều các giải pháp đồng bộ từ gia đình, nhà trường, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội,  doanh nghiệp và cả cộng đồng. Trong đó cần đặc biệt quan tâm tạo ra nhiều sân chơi, hoạt động trải nghiệm an toàn, lành mạnh, ý nghĩa với trẻ em.

Đồng chí Phạm Thị Kiều Trang, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: “Năm 2024, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức chuỗi các hoạt động cho trẻ em, thiếu nhi trong dịp hè, cụ thể như: tổ chức Giải bơi Thiếu niên nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2024 vào ngày 1/6/2024.  Định kỳ hằng năm, Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh tổ chức Giải bơi nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đoàn thanh niên và toàn xã hội trong việc phát triển phong trào dạy bơi, học bơi và công tác phòng, chống đuối nước, góp phần từng bước giảm tai nạn đuối nước, đồng thời đa dạng hóa các phương thức hoạt động hè cho thiếu nhi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh cho các em.

Trẻ em xã Tứ Quận (Yên Sơn) được học bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước trong dịp hè.

Năm 2024 Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh khởi động lại Chương trình Học kỳ trong quân đội sau thời gian 4 năm dừng Chương trình do đại dịch Covid-19. Năm nay, chúng tôi xây dựng 2 lớp, mỗi lớp huấn luyện cho 150 chiến sỹ trên địa bàn các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Thông qua chương trình, nhằm rèn luyện cho các em có lối sống tự lập, tuân thủ kỷ luật, tinh thần vững vàng vượt qua khó khăn và trưởng thành hơn trong cuộc sống. Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh sẽ tổ chức Chương trình Trại hè thiếu nhi tỉnh Tuyên Quang - Bình Thuận lần thứ II, năm 2024 vào tháng 8-2024 tại Thành phố Tuyên Quang và huyện Sơn Dương”.

Bên cạnh những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc tạo ra sân chơi cho trẻ em trong dịp hè, ở nhiều địa phương, việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ vẫn còn thiếu. Trẻ em chưa được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, vui chơi trong dịp hè. Đồng chí Lê Quang Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn cho biết: “Sân chơi cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè vẫn còn thiếu, nguồn lực đầu tư xây dựng các điểm, khu vui chơi cho trẻ em trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất, đồ chơi ngoài trời cho trẻ em tại các nhà văn hóa xã, thôn chưa đáp ứng được nhu cầu vui chơi của trẻ. Năm nay, khi họp về tiến độ xây dựng nông thôn mới, Thường trực Huyện ủy đã định hướng đối với các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao phải quan tâm đầu tư xây dựng các điểm vui chơi ngoài trời cho trẻ tại điểm nhà văn hóa, mỗi xã có từ 2 đến 3 điểm vui chơi cho trẻ em”.

Việc tạo ra sân chơi cho trẻ em không chỉ từ phía gia đình, nhà trường, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội mà còn có sự đầu tư của những doanh nghiệp có tiềm lực. Từ kinh nghiệm xây dựng Khu vui chơi giải trí Bách Thảo Ngân (TP Tuyên Quang), bà Đậu Ngọc Nhân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Thương mại dịch vụ Thành Trung, quản lý Khu vui chơi giải trí Bách Thảo Ngân (TP Tuyên Quang) chia sẻ: Để xây dựng các khu vui chơi cho trẻ em trước hết phải phù hợp với chủ trương của tỉnh, bên cạnh đó có sự ưu tiên về đất đai. Doanh nghiệp phải được tiếp cận các nguồn vốn một cách nhanh nhất”.

Bàn thêm về giải pháp tạo sân chơi cho trẻ em trong kỳ nghỉ hè, Tiến sĩ Hà Mỹ Hạnh cho rằng, trước mỗi kỳ nghỉ hè, cha mẹ phải cùng con bàn bạc, trao đổi để cùng xây dựng kế hoạch cho kỳ nghỉ hè, trên cơ sở điều kiện của mỗi gia đình, cha mẹ phải nắm bắt được mong muốn của con mình, không nên ép trẻ làm những việc mà trẻ không muốn. Dù bận bịu với công việc thì cha mẹ cũng nên dành thời gian phù hợp để trải nghiệm cùng con trong học kỳ thứ 3.

Ai cũng mong muốn dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất, một học kỳ thứ 3, một kỳ nghỉ hè bổ ích, đáng nhớ với trẻ chính là cơ hội tốt để cha mẹ, thầy cô, chính quyền địa phương và cả cộng đồng cùng chung tay tạo điều kiện để trẻ được phát triển hài hòa, toàn diện trong tương lai.

Dương Cầm

Tin cùng chuyên mục