Xung quanh vấn đề này, phóng viên (P.V) Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Triệu Thị Linh, nguyên Giảng viên trường Đại học Tân Trào, hiện đang công tác tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – Bộ Giáo dục và Đào tạo - người đã có nhiều năm giảng dạy, nghiên cứu về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.
P.V: Thưa TS Triệu Thị Linh, chị là người gắn bó với ngôn ngữ học từ khá sớm, theo chị, những năm gần đây, tiếng Việt của chúng ta có những thay đổi như thế nào?
TS Triệu Thị Linh: Từ lịch sử đến hiện tại, tiếng Việt đã và đang trải qua một quá trình biến đổi cùng với những thăng trầm và đổi thay của đất nước và đời sống xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng đưa ra các cách phân chia thời kỳ phát triển của nó. Dù theo cách nào, chúng ta cũng nhận thấy rõ rằng: vị thế, vai trò của tiếng Việt trong lịch sử phát triển xã hội của người Việt là vô cùng quan trọng.
Theo tôi quan sát, tiếng Việt đang thay đổi theo 2 xu thế và chúng diễn ra đồng thời, có cả mặt tích cực và cũng còn một số hạn chế.
P.V: Chị có thể nói cụ thể hơn về những thay đổi này?
TS Triệu Thị Linh: Thứ nhất, về sự chuyển biến tích cực. Tiếng Việt được củng cố và được bồi đắp thêm từ mới, cách diễn đạt mới, các tầng ý nghĩa thâm sâu của ngôn từ.
Chúng ta có thể lấy ví dụ những cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, mang tầm chiến lược của người đứng đầu Đảng ta đối với những vấn đề quan trọng của đất nước. Đây vừa là tài liệu quý để các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức đảng nghiên cứu, quán triệt nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, vừa là tư liệu tham khảo quý cho việc dạy - học nói và viết dạng bài văn nghị luận.
Ở xu thế thứ hai, đó là sự biến đổi theo hướng ngược lại với tích cực. Tiếng Việt đang “bị” một bộ phận giới trẻ sử dụng một cách dễ dãi, ngây ngô, tùy tiện gây tổn hại đến tính chặt chẽ, hệ thống và sự trong sáng của ngôn ngữ dân tộc. Do có điều kiện dạy học và tiếp xúc với giới trẻ nên tôi thấy những biểu hiện của sự lệch chuẩn khi sử dụng tiếng Việt hiện nay rất rõ ràng và phổ biến.
Ví dụ, các bạn trẻ cố tình ghi sai chính tả tiếng Việt trong giao tiếp trên mạng xã hội, gây biến dạng lớp vỏ từ ngữ, kiểu như “xynh - xinh, “bùn” - buồn, “ná” - nhá, “mih” - mình, “iu” - yêu, “we” - quê, “lun” - luôn…
Các bạn trẻ còn “sáng tạo” ra những cách nói vần điệu như: già như trái cà, đau như trái cau, khổ như con hổ, phê như con tê tê… Đặc biệt, bắt nguồn từ tâm lý “sính ngoại ngữ”, thích khoe mẽ của một số người nên có tình trạng lạm dụng tiếng nước ngoài trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày, như là việc thêm, xen các từ tiếng Anh vào lời nói. Nhiều từ đã dần trở thành từ ngữ “cửa miệng” ở không ít người trẻ như: OK (đồng ý/được), deadline (thời hạn), online (trực tuyến), off (tắt), show (trình diễn), sale (doanh thu), menu (thực đơn),...
Hay mới đây nhất là hạt nhài (hài nhạt), tôm sông sứa biển (không có não), diệp hạ châu (ý mắng đồ chó đẻ), xà lách kim cương (quỷ cái)... Về cơ bản, đây không phải là những từ vô nghĩa, nhưng nếu giải thích ra thì lại thấy không có sự liên quan gì.
P.V: Đã có từ mới nào của giới trẻ khiến chị phải mất công tìm hiểu và bất ngờ về ý nghĩa của nó chưa?
TS Triệu Thị Linh: Thỉnh thoảng, tôi cũng khó bắt nhịp với những “sáng tạo” trong ngôn ngữ của giới trẻ.
Tôi đã phải đi tra cứu nghĩa từ “meme” - nhận thức lan truyền lan tỏa từ người này sang người khác. Hay có lần học trò đến nhà tôi chơi và đề nghị cô mở bài “Dân chơi xóm” do Justatee và MCK biểu diễn, lời bài hát với nhiều từ tiếng Anh, tiếng lóng và những diễn đạt khác lạ kiểu như “Chân đi dép đeo khuyên tai. Vuốt keo 502. Bước đi trong the club nhìn ai cũng biết anh là ai...”, “Mấy đứa nhìn vào mình và Mấy đứa thì thầm thập thò.
Mấy đứa dập nhạc xập xình. Mấy đứa đừng làm trò”. Tuy nhiên các học trò của tôi lại rất thích thú, gật gù rồi hát theo bài hát rất say sưa chứng tỏ người viết nhạc và biểu diễn đã chạm được đúng sở thích của giới trẻ. Sau đó đi công tác tôi cũng nghe được bài hát này và các bài dạng như thế ở các quầy hàng tại sảnh sân bay, bến tàu... Mọi người dường như khá quen thuộc và chấp nhận nó.
P.V: Sự “sáng tạo” trong ngôn ngữ giới trẻ thậm chí đã được viết thành sách. Tôi nhớ một số cuốn sách từng gây bất ngờ như Sát thủ đầu mưng mủ hay Một cuốn sách buồn… cười. Ý kiến của chị về những cuốn sách này như nào?
TS Triệu Thị Linh: Tôi đã xem những cuốn sách đó và cho rằng thành ngữ có những biến chuyển cho phù hợp với thời cuộc là lẽ đương nhiên. Những câu nói phổ biến trong một nhóm đối tượng của một thời, dưới hình thức vui vẻ có thể sẽ giúp diễn đạt có vần điệu, hình ảnh hơn.
Nhưng có một vài điểm ở những cuốn sách mà tôi không đồng tình, ví dụ câu “Một con ngựa đau, cả tàu được ăn thêm cỏ”, “Hận đời cắt tóc đi tu. Nghĩ đi nghĩ lại… đi tù sướng hơn” (Sát thủ đầu mưng mủ) hay “Vì đây là cuộc sống, nên ngày trước bạn có thể khóc vì người yêu cũ, và tiếp theo bạn thả thính đu dây một lúc với bảy người!” (Một cuốn sách buồn… cười). Những tư tưởng trong các câu đó đi ngược lại với truyền thống đạo đức ông cha ta từ xưa đến nay tôi cho rằng các bạn trẻ không nên học theo.
Ở nhà tôi không khuyến khích các con đọc những quyển sách kể trên mà lựa chọn sách văn học có giá trị nhân văn của một số tác giả tiêu biểu ở Việt Nam và thế giới.
P.V: Trước những sự thay đổi về ngôn ngữ như này, quan điểm của chị thế nào?
TS Triệu Thị Linh: Là một người công tác trong ngành giáo dục lâu năm và là một người mẹ, tôi ủng hộ những thay đổi theo chiều hướng tích cực, những sáng tạo ngôn ngữ mang lại sự phong phú, giàu có cho kho tàng tiếng Việt.
Tôi nghĩ các thế hệ cần phải có trách nhiệm “bồi đắp” cho kho báu tiếng Việt ngày càng phong phú hơn bằng việc tôn trọng, giữ gìn vốn từ của cha ông và nghiêm túc lao động khi sáng tạo trên cánh đồng ngôn ngữ ấy.
P.V: Vâng, xin cảm ơn chị về những trao đổi này!.
Gửi phản hồi
In bài viết