Dồi dào nguồn cung
Xã Minh Hương, Phù Lưu, Tân Thành… là trọng điểm vùng cam Hàm Yên, trên khắp các triền đồi, sắc cam đã vàng ruộm. Anh Nông Văn Hương, thôn 1 Minh Quang, xã Minh Hương hồ hởi cho biết, thời điểm này cam bắt đầu chín rộ, mỗi ngày, gia đình cắt từ 4 - 5 tấn cam cung ứng cho đầu mối. So với năm 2023, cam năm nay được cả 4 tiêu chuẩn là được mùa, được giá, được cả chất lượng và mẫu mã. Một kg cam hiện nay cắt tại vườn có giá từ 10 - 11 nghìn đồng/kg, người trồng cam phấn khởi lắm - anh Hương bày tỏ.
Chị Bùi Thị Cúc - đầu mối thu mua, cung ứng cam sành về thị trường Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình cho biết, không riêng cam Minh Hương, Phù Lưu, Tân Thành, nhiều vườn cam tại các xã Bình Xa, Bạch Xa… tỷ lệ cam loại A chiếm khoảng 85 - 90%.
Sở Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Hàm Yên kết nối tiêu thụ
sản phẩm cam sành tại thành phố Hà Nội.
Theo anh Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, sản lượng cam sành toàn huyện năm nay ước đạt khoảng 67.000 tấn, tăng khoảng 4.000 tấn so với vụ 2022 - 2023. Sản lượng cam tăng, chất lượng, mẫu mã cam cũng vượt trội so với những vụ trước. Hiện toàn huyện Hàm Yên gần 1.700 ha cam được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…
Các sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu thực phẩm Tết như: lợn, gà, trâu, bò, thủy sản cũng đang vào kỳ xuất chuồng. Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ (Sơn Dương) thông tin, với tổng đàn lợn trên 10.000 con, trong đó hơn 1.000 con sẽ được xuất chuồng từ nay đến Tết Nguyên đán, tăng khoảng 40% so với cùng thời điểm năm 2023. Ông Sáng thông tin thêm, Tết này lần đầu tiên, Hợp tác xã sẽ tung ra thị trường sản phẩm mới là gà nuôi thảo dược, với số lượng 3.000 con đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và mẫu mã chưa kể 1 lượng lớn trứng đảm bảo “3 không”: không chất tăng trọng, không chất bảo quản, không dư lượng thuốc kháng sinh.
Đánh giá về tình hình cung ứng nông sản, thực phẩm cho thị trường dịp Tết, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Văn Thuấn cho biết, sản xuất nông nghiệp tỉnh đang chuyển dần theo hướng hàng hóa, với nhiều vùng chuyên canh lớn, lượng sản phẩm tạo ra đang đứng vào TOP đầu các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc. Theo số liệu thống kê, tổng đàn lợn tính đến hết ngày 31-12 của tỉnh đạt trên 570 nghìn con, trong đó 1/3 trong độ tuổi xuất chuồng; 7 triệu con gà, chưa kể lượng lớn thủy sản, rau, củ, quả tươi và các loại thực phẩm đã qua chế biến như: măng khô, chè, miến… đáp ứng nhu cầu cao nhất của thị trường trong và ngoài tỉnh trong thời điểm trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2024.
Bắt tay kết nối, tiêu thụ nông sản Tết
Sản xuất gắn với tiêu thụ, ngành Công thương đã sớm bắt tay hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm bạn hàng. Phó Giám đốc Sở Công thương Lộc Kim Liễn khẳng định, ngay từ thời điểm tháng 11, Sở Công thương đã tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng năm 2023 với sự tham gia của ngành Công thương các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Ninh Bình, Lạng Sơn, Hà Nội, An Giang, Long An cùng các doanh nghiệp viễn thông, Ban quản lý các chợ đầu mối tại các thành phố lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc Hợp tác xã Thực phẩm an toàn Sáng Nhung ký kết hợp đồng cung ứng lợn thịt thảo dược về thành phố Hà Nội.
Ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên phấn khởi cho biết, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu mối thu mua cam trên địa bàn đã ký kết được hợp đồng cung ứng cam sành Hàm Yên về hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình… Đây chính là lý do cam Hàm Yên vẫn giữ được sức tiêu thụ khá tốt.
Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ hệ thống phân phối hoa quả Phương Toản (Hà Nội) hồ hởi cho biết, tham gia 2 chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản Tuyên Quang, hệ thống đã tìm kiếm, ký kết hợp tác với Hội Cam sành Hàm Yên cung ứng, tiêu thụ sản phẩm cam trong chuỗi cửa hàng của thệ thống tại thành phố Hà Nội và Hải Phòng.
Ngoài hỗ trợ kết nối, ngành chức năng còn tập trung hỗ trợ thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nhằm giúp họ nắm rõ thông tin cung - cầu các bên, tránh việc sản xuất cung vượt cầu; đồng thời, hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua kênh thương mại điện tử. Theo thống kê của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, 79 sản phẩm nông sản đã được kết nối tiêu thụ, trong đó có nhiều sản phẩm như: cam, chè, mật ong, miến dong… đã được kết nối tiêu thụ trên kênh thương mại điện tử như: Vỏ sò, Sen đỏ, Shopee.
Kiểm soát chặt chất lượng, giá cả sản phẩm
Đa dạng các nguồn cung hàng hóa, thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản, việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng, được ngành chuyên môn, các cơ sở sản xuất, hộ gia đình đặc biệt quan tâm.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Tâm Hương Nguyễn Đình Tâm - một trong những đơn vị đầu mối lớn cung ứng sản phẩm nông sản Tết cho thị trường trong và ngoài tỉnh khẳng định, cùng với sản phẩm sản xuất, hợp tác xã đã ký kết hợp đồng với cơ sở sản xuất, tổ hợp tác cung ứng đủ số lượng đồng thời có phương án giám sát, kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào đến chất lượng sản phẩm trên thị trường...Theo ông Hương, hiện 100% sản phẩm đóng gói phân phối qua hệ thống cửa hàng của hợp tác xã đều được minh bạch hóa bằng tem truy xuất nguồn gốc nên khách hàng trong và ngoài tỉnh hoàn toàn yên tâm và có thể kiểm tra một cách dễ dàng.
Người dân xã Hòa Phú (Chiêm Hóa) trồng bí đao cung ứng thị trường Tết.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) Phạm Văn Hợi, để giám sát chất lượng gà thương phẩm, nguồn giống, thức ăn, thuốc thú y đều được Hợp tác xã cung ứng về cho các thành viên. Quá trình nuôi cũng được giám sát bằng camera và sổ theo dõi nhật ký. Anh Hợi khẳng định, gà thương phẩm của Hợp tác xã cung ứng ra thị trường đảm bảo yêu cầu cao nhất về an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Hùng thông tin, đáp ứng nhu cầu về nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, ngành Nông nghiệp tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất theo kế hoạch năm và chú trọng phòng, chống dịch bệnh động vật. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương theo dõi, bám sát tình hình cung - cầu, giá cả, thị trường hàng hóa trên địa bàn để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra tất cả cơ sở giết mổ động vật, các cơ sở sản xuất, thu gom, chế biến, kinh doanh sản phẩm từ thịt. Cùng với đó, đơn vị cũng tăng cường giám sát giá cả, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông, lâm sản và thủy sản trước khi cung ứng ra thị trường, trong đó tập trung vào các sản phẩm tiêu thụ lớn, có mối nguy cao, vào các dịp cao điểm; tổ chức lấy mẫu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định khi cần thiết. Nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật... Ông Thuấn khẳng định.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trong đó có các mặt hàng nông sản, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tem nhãn thông tin nhà sản xuất; không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc hỏng; hạn chế sử dụng bia rượu phòng ngộ độc...
Trước sức mua tăng cao, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về phía các cấp, các ngành chức năng cần tích cực tham gia bình ổn thị trường, tránh tình trạng giá cả tăng cục bộ, giúp người dân mua được hàng hóa bảo đảm chất lượng để mọi người, mọi nhà đón xuân mới an toàn, vui tươi, hạnh phúc.
Gửi phản hồi
In bài viết