OCOP xứ Tuyên

- Một số sản phẩm OCOP xứ Tuyên

Khách hàng lựa chọn giỏ quà Tết được đóng từ các sản phẩm OCOP của tỉnh tại Cửa hàng Nông sản xanh Sáng Nhung (TP Tuyên Quang). Ảnh: Hải Hương


Gạo nếp Lâm Bình

Gạo nếp Lâm Bình thơm, ngon có tiếng trong vùng.

Lâm Bình là huyện thuần nông, cây lúa vẫn là lương thực chủ đạo của huyện. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số huyện vùng cao Lâm Bình thì ngoài cây lúa tẻ, hầu như nhà nào cũng trồng lúa nếp. Gạo nếp dùng để đồ xôi, làm bánh trong các nghi lễ cúng. Bởi vậy người dân hay chọn những thửa ruộng tốt nhất để trồng lúa nếp.

Thường lúa nếp được trồng dưới ruộng nước hay trên nương, giống nếp cái hoa vàng là chủ đạo. Khi giống nếp cái hoa vàng dài ngày được trồng trên đồng đất, nguồn nước, khí hậu của Lâm Bình sẽ cho chất lượng hạt mẩy đều, dẻo, thơm ngon, bóng ngậy. Vì người Lâm Bình đều chuộng lối canh tác hữu cơ, dùng phân chuồng, thả cá chép ruộng sục bùn truyền thống, hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học.

Khi thóc phơi đủ nắng, cho vào xát, đem đồ xôi bằng trõ gỗ hay làm bánh dày, bánh chưng, bánh rợm, cơm lam, bánh trôi, bánh lẳng đều thơm ngon, gạo đặm. Tại các chợ phiên hoặc homestay ở Lâm Bình người dân vẫn bán các loại gạo nếp, đóng từng túi 5 kg, 10 kg cho du khách tiện mua về làm quà. Mới đây nông dân huyện Lâm Bình phấn khởi khi “Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày” xã Lăng Can, Hồng Quang, Khuôn Hà, Thượng Lâm, xã Phúc Yên (Lâm Bình) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.


Nức tiếng chè xanh Tân Trào

Người dân làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) thu hái chè.

Làng nghề chè thôn Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) từ trước đến nay được biết đến là làng nghề truyền thống với sản phẩm chè ngon nức tiếng. Toàn thôn có 110 hộ thì có đến 105 hộ trồng và sản xuất chè. Chè được người dân trồng từ năm 1966. Người dân luôn ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường sạch sẽ, các đồi chè được cắt tỉa tạo hình bắt mắt, chè được chăm sóc theo quy trình an toàn. Đến với làng nghề ngoài tham quan những đồi chè, du khách còn được trải nghiệm hái, chế biến chè tại chỗ và được sử dụng chính những sản phẩm do mình chế biến. Ngoài ra, để phát triển thêm các sản phẩm phục vụ du lịch trong làng nghề, thôn đã hình thành 2 HTX sản xuất chè phục vụ khách du lịch và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Trong đó, sản phẩm chè của HTX chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào từng đoạt cúp Đồng “Búp chè Vàng” tại Festival chè Thái Nguyên và là một trong những thương hiệu chè nổi tiếng bậc nhất của tỉnh Tuyên Quang. Không chỉ sản xuất phục vụ nhu cầu trong nước, các sản phẩm chè xanh của người dân vùng quê cách mạng đã xuất khẩu sang nước ngoài, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.


Cam sành Hàm Yên

Cam sành Hàm Yên.

Từ năm 2013, cam sành Hàm Yên lọt top 10 trái cây ngon nhất Việt Nam. Năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho cam sành Hàm Yên.

Từ sự công nhận này, cam sành Hàm Yên ngày càng được nâng cao chất lượng, người dân đã trồng cam theo quy trình VietGAP, Global GAP, hữu cơ. Hiện diện tích cam sành có 4.030 ha, chiếm 79% tổng diện tích cam của huyện Hàm Yên với sản lượng khoảng 48.700 tấn.

Cam sành Hàm Yên có tỷ lệ đường khi trái chín mọng lên đến 16%, có thể nói là cao nhất trong các giống cam ngọt. Tuy nhiên, lượng đường hữu cơ này lại vô cùng có lợi cho sức khỏe, nhất là với chị em phụ nữ đang muốn giảm cân, kiêng cữ đồ ngọt và trẻ em đang tuổi phát triển, muốn tăng cường sức đề kháng. Trong cam sành còn chứa rất nhiều vitamin C, B1, B3...

Để giữ vững và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên cùng với việc yêu cầu người trồng tuân thủ đúng quy trình chăm sóc vườn cam, huyện Hàm Yên đã có những chương trình cụ thể đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn sản phẩm có chất lượng.


Măng tre trinh Triệu Thắng 

Sản phẩm Măng tre trinh Triệu Thắng.

Măng tre trinh Triệu Thắng là sản phẩm măng khô, được anh Triệu Văn Thắng, dân tộc Dao, thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) xây dựng thành công thương hiệu năm 2022. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh, đạt hạng 3 sao.

Măng tre trinh Triệu Thắng chế biến từ cây măng tre trinh tươi hái từ núi rừng Bản Tát, qua sơ chế, sấy khô hoàn toàn tự nhiên. Khi măng khô có màu vàng sậm, mùi thơm đặc trưng của nắng pha trộn vị hăng hắc của măng, mang đậm hương vị núi rừng. Khi nấu chín măng có vị ngọt tự nhiên, mềm, giòn sần sật. Măng được chế biến đa dạng các món ăn, nấu canh, xào, nấu miến. Vào ngày tết, trên mâm cơm cúng ông bà tổ tiên, bát canh măng khô nấu cùng sườn trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Măng tre trinh Triệu Thắng là một trong những món ăn hấp dẫn, đặc sản của người dân Chiêm Hóa. Việc chế biến, xây dựng thành công thương hiệu đã giúp cho giá trị sản phẩm ngày càng được nâng lên, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh ở địa phương, đem lại giá trị kinh tế cho người dân.


Miến dong Lực Hành

Miến dong Hợp Thành của HTX Thắng Lợi, xã Lực Hành (Yên Sơn) được bày bán tại hội chợ thương mại tỉnh.

Miến dong Hợp Thành, xã Lực Hành (Yên Sơn), là một trong những sản phẩm nông sản truyền thống của HTX Thắng Lợi được Cực Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Những năm qua, đồng hành với việc nâng cao chất lượng, HTX đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn VietGap trong quá trình sản xuất. Vì vậy sản phẩm miến dong Hợp Thành khi đến tay người tiêu dùng đảm bảo về chất lượng, giá cả. Đặc biệt, miến dong Hợp Thành có sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, miến rất thơm ngon giữ được đặc trưng của củ dong riềng, sợi miến mềm giòn.

Miến dong Hợp Thành rất có lợi cho sức khỏe con người, ngăn ngừa chứng béo phì, quá trình lão hóa cơ thể, tốt cho người ăn chay và tiểu đường. Vì thế sản phẩm luôn là sự lựa chọn của các bà nội trợ trong và ngoài tỉnh.


Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung

Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung.

“Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung” là một loại thực phẩm đặc biệt ở thành phố Tuyên Quang. Loại thịt lợn này có sự khác biệt về chất lượng so với các loại thịt lợn thông thường là bởi lợn được chăn nuôi tại trang trại khép kín đạt tiêu chuẩn VietGAP, theo quy trình 3F (“Feed - Farm - Food”) quốc tế tiên tiến nhất.

Thịt lợn đạt 5 tiêu chuẩn: không chất tạo nạc, không tăng trọng, không kháng sinh, không chất bảo quản và không biến đổi gen. Thức ăn của lợn là: đinh lăng, cà gai leo, kim ngân, hoa hồi, quế, sâm cát linh, thảo quả, gừng, tỏi… phối trộn với cùi gạo, ngô, đậu tương rang chín ”. Chính bởi vậy, sau khi chế biến, thịt lợn thơm ngon, giòn ngọt, có hương vị đặc trưng của thảo dược. Năm 2020, “Thịt lợn thảo dược Sáng Nhung” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ nhãn hiệu. Hiện loại thịt lợn này đã được cấp chứng nhận OCOP 4 sao và được bán nhiều tại 2 chuỗi cửa hàng của Trung tâm phân phối và bán lẻ thực phẩm Nông sản xanh Sáng Nhung tại thành phố Tuyên Quang với các sản phẩm: thịt lợn tươi, thịt lợn sấy khô, xúc xích lợn thảo dược, các loại giò chả…


Bưởi Soi Hà

Bưởi Soi Hà, xã Xuân Vân (Yên Sơn).

Bưởi Soi Hà, trái cây đặc sản nổi tiếng của vùng đất Xuân Vân (Yên Sơn). Miền đất này không chỉ có sản phẩm Bưởi Soi Hà đạt OCOP 3 sao ngọt mát được trồng theo quy trình VietGAP nghiêm ngặt, đã được cấp chỉ dẫn địa lý mà còn là miền đất lành của những vườn bưởi Diễn, bưởi Da Xanh, bưởi Phúc Trạch, bưởi Cát Quế… mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Hiện trên địa bàn xã Xuân Vân, tổng diện tích trồng bưởi là trên 900 ha, với tổng sản lượng trên 14 nghìn tấn, trong đó riêng bưởi Soi Hà là 370 ha, với hơn 5.5 nghìn tấn, còn lại là các loại bưởi khác. Năm 2023, tổng thu nhập từ bưởi trên địa bàn xã đạt gần 130 tỷ đồng.

Dịp Tết, trái bưởi vừa tròn trịa, vừa có hương thơm thanh khiết, giúp không gian Tết của mỗi nhà thêm phần tươi mát, gần gũi thiên nhiên, thể hiện ước mong về một năm mới tốt đẹp, an khang, hạnh phúc, sung túc, đủ đầy.


Thịt trâu khô gác bếp

Thịt trâu khô gác bếp - món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Thịt trâu gác bếp là đặc sản thường thấy trong các bữa ăn của người dân tộc Tày của những huyện vùng cao Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình. Thịt trâu khô không chỉ là món ngon mang nét văn hóa miền sơn cước mà còn là món quà đặc sắc được du khách lựa chọn khi ghé thăm Tuyên Quang. Hiện nay, tỉnh có 2 sản phẩm thịt trâu khô Tiến Thành của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành Tuyên Quang, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) và thịt trâu khô Hùng Mỹ của HTX Nông Lâm nghiệp và Dịch vụ Thành Công, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. 

Để có những miếng thịt trâu gác bếp thơm, ngon đậm vị, trước tiên phải chọn thịt của những con trâu to khỏe. Phần thịt dùng để chế biến món ăn này là thịt bắp vẫn còn tươi và ấm, thịt phải được lọc sạch toàn bộ phần gân và mỡ. Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng để có những miếng thịt trâu gác bếp thơm ngon, chuẩn vị cần nhiều bước, công phu chứ chẳng hề đơn giản. Phần sơ chế làm hoàn toàn thủ công, thịt trâu phải được được lọc theo thớ thành từng miếng có chiều rộng khoảng 10 cm, chiều dài khoảng 15 cm và dày khoảng 2 - 3cm. 

Trước khi đưa vào sấy, thịt được ướp với nhiều các loại gia vị như gừng, tỏi, ớt và tất nhiên không thể thiếu hạt mắc khén. Trong suốt quá trình hun khói phải giữ khoảng cách nhất định giữa các miếng thịt để đảm bảo thịt có thể chín đều và khô hoàn toàn bằng hơi nóng của khói bếp. Thịt được hun khói cho đến khi vừa chín, không sấy quá săn sẽ bị dai và cứng, mất vị ngọt của thịt.


Cá đặc sản Na Hang

Các món ăn được chế biến từ cá lăng.

Với tiềm năng lòng hồ rộng, sâu, nước trong xanh, khí hậu trong lành đã tạo điều kiện tốt để người dân trên địa bàn huyện Na Hang phát triển cá đặc sản. Tận dụng điều kiện đó, người dân nơi đây vừa phát triển du lịch sinh thái, vừa phát triển mô hình nuôi cá lồng ven hồ.

Những năm gần đây, huyện Na Hang đã khuyến khích các hộ dân quanh vùng hồ triển khai mô hình nuôi cá lồng để tận dụng diện tích mặt hồ vùng ven bờ. Các loại cá được người dân nuôi phổ biến ở Na Hang như:  Cá lăng, chép giòn, trắm đen, rô đơn tính, cá bỗng, cá anh vũ, diêu hồng... Các món ăn chế biến mang đậm dư vị địa phương như: cá lăng ướp riềng nướng trên than hồng, cá lăng xào, cá bỗng nướng, canh cá nấu chua, cá chép chiên giòn, cháo cá chép...

Anh Hoàng Ngọc Hẩn, du khách đến từ tỉnh Nam Định chia sẻ: Hồ Na Hang là một nơi có thắng cảnh hoang sơ, mát mẻ. Đến đây du khách vừa thăm thú khung cảnh thơ mộng, vừa được trải nghiệm tại nhà nổi, thăm khu nuôi cá, tự tay mình chọn những con cá mà mình thích để chủ nhà chế biến các món ăn từ cá.

Nếu có dịp tham quan Na Hang, du khách đừng quên thưởng thức món ăn được chế biến từ các loại cá nơi đây.


Thương hiệu gà thiến Bình Xa

Để giữ vững thương hiệu Gà thiến Bình Xa, chị Hoàng Thị Xuyên, thôn Đồng Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) kiểm tra gà kỹ lưỡng trước khi xuất bán.

Cùng với những nông sản đã có thương hiệu là cam Sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, huyện Hàm Yên còn được biết đến có sản phẩm gà thiến Bình Xa nức tiếng gần xa, tạo được niềm tin của người tiêu dùng. Tháng 9-2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Gà thiến Bình Xa”.

Chị Nguyễn Thị Ngà, Giám đốc Hợp tác xã Gà thiến Bình Xa cho biết, hợp tác xã hiện có 15 thành viên, đây đều là các hộ có kinh nghiệm chăn nuôi gà thiến lâu năm ở thôn Đèo Ảng, Đồng Lường và Đồng Chùa 2. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 50 đến hơn 100 con/lứa. Từ nuôi gà thiến giúp các hộ có thêm thu nhập vài chục triệu đồng/năm như hộ: Hoàng Thị Xuân (thôn Đồng Lường), Lương Thị Tươi (thôn Đèo Ảng)…

Anh Sầm Ngọc Ninh, ở thôn Đồng Lường chia sẻ, sở dĩ gà thiến Bình Xa được nhiều người ưa chuộng, tạo được thương hiệu là do gà được nuôi từ 9 tháng đến 12 tháng, trọng lượng đạt từ 3,5 kg trở lên mới đủ tiêu chuẩn xuất bán. Gà được nuôi thả vườn, thức ăn chính là ngô, thóc… nên gà khỏe mạnh, lông óng mượt, chân vàng. Đặc biệt chất lượng thịt gà săn chắc, thơm ngọt đậm đà, da dày, giòn. Sau khi luộc màu gà ngả vàng óng rất đẹp. Giá gà trống thiến ổn định từ 150 đến 160 nghìn đồng/kg. Đa số các hộ nuôi gà thiến ở xã đều có người đặt mua từ trước, không đủ cung ứng cho thị trường.

Tin cùng chuyên mục