Không trễ hẹn với Dân

- Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong công tác cải cách hành chính (CCHC) nên số hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt tỷ lệ ngày càng cao. Tuy nhiên, tình trạng trễ hẹn trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn. Để đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp từng địa phương, đơn vị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục triệt để tình trạng này.

Vẫn còn trễ hẹn 

Theo kết quả khảo sát hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2023,  Chỉ số hài lòng về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước đạt 80,25%, xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về công chức giải quyết TTHC đạt 85,35%, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành phố; chỉ số hài lòng về giải quyết TTHC cho người dân đạt 82,93%, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy Chỉ số hài lòng về cơ quan tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người đúng quy định đạt 80,90%, xếp thứ 38/63 tỉnh, thành phố.

Kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ cho thấy, Chỉ số hài lòng về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước còn hạn chế; chỉ số hài lòng về kết quả giải quyết TTHC; tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị còn đạt thấp so với các tỉnh, thành phố do vẫn còn tình trạng trả kết quả TTHC trễ hẹn, việc giải quyết phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời.

Giải quyết TTHC về đất đai cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Năm 2023, hồ sơ TTHC do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh tiếp nhận đã giải quyết là 118.332 hồ sơ, trong đó: trước và đúng hạn là 112.200 hồ sơ, quá hạn là 6.132 hồ sơ. Số hồ sơ quá hạn tập trung vào 5 cơ quan, đơn vị, gồm: Sở Y tế 176 hồ sơ; Sở Tài nguyên và Môi trường 5.945 hồ sơ; Sở Công thương 5 hồ sơ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2 hồ sơ; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 4 hồ sơ.

Hồ sơ TTHC do UBND cấp huyện tiếp nhận đã giải quyết là 11.905 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn là 11.839 hồ sơ, quá hạn là 66 hồ sơ.

Hồ sơ TTHC do UBND cấp xã tiếp nhận đã giải quyết là 168.205 hồ sơ, trong đó trước và đúng hạn là 168.126 hồ sơ, quá hạn là 79.
Số hồ sơ trực tuyến của dịch vụ công trực tuyến toàn trình năm 2023 trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Tuyên Quang là 72.155/90.046 hồ sơ đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 80,13%.

Có mặt tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, chúng tôi nhận thấy rất đông người dân xếp hàng chờ đến lượt nộp hồ sơ TTHC về đất đai, trung bình ở đây mỗi ngày có hàng trăm người. Ông Nguyễn Văn Quý, tổ 8, phường Hưng Thành cho biết, hôm nay là ngày thứ 3 ông đến nộp hồ sơ về việc giải quyết TTHC về đất đai, nhưng do lấy số chậm nên chờ từ sáng đến trưa vẫn không đến lượt lại đành phải quay về. Đây là tình trạng diễn ra khá thường xuyên tại Trung tâm Phục vụ hành chính công. Điều này cũng cho thấy con số gần 6.000 hồ sơ trễ hẹn của ngành Tài nguyên và Môi trường chưa phản ánh hết thực tế.

Những nguyên nhân

Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân trả chậm hồ sơ là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong CCHC nói chung và trong việc giải quyết hồ sơ trong lĩnh vực đất đai nói riêng đôi lúc chưa kịp thời, chưa quyết liệt dẫn đến hiệu quả giải quyết công việc chưa cao, hồ sơ trễ hẹn còn nhiều. Ngoài ra, công chức phụ trách công tác CCHC hầu hết kiêm nhiệm nhiều việc nên việc triển khai theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch đề ra chưa sâu kỹ, chưa đánh giá được kết quả thực hiện kế hoạch về công tác này nên chưa có giải pháp khắc phục cụ thể.

Cán bộ và Công an xã Thanh Tương (Na Hang) hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.

Một số bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy, e ngại trong tham mưu giải quyết công việc... Phần lớn người dân trên địa bàn tỉnh chưa quen với khai thác các ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các TTHC trực tuyến nên việc triển khai thực hiện các TTHC trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các cơ quan có nhiều TTHC phát sinh thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường, y tế, giao thông vận tải, giáo dục, xây dựng...

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay nguồn nhân lực của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai còn rất thiếu về số lượng, công việc thường xuyên bị quá tải. Văn phòng bố trí 5 cán bộ phụ trách tiếp nhận và xử lý hồ sơ TTHC về đất đai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công trong khi hàng ngày phải tiếp nhận hàng trăm hồ sơ.

Từ năm 2023 đến nay, Văn phòng liên tục tuyển thêm cán bộ hợp đồng hỗ trợ công tác giải quyết TTHC, tuy nhiên hầu hết cán bộ hợp đồng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Bên cạnh đó hồ sơ địa chính qua các thời kỳ, hồ sơ đất đai bị quản lý phân tán chưa tập trung. Trang thiết bị chuyên dụng cho văn phòng vừa thiếu vừa lạc hậu dẫn đến việc thực hiện thủ tục còn phức tạp, phiền hà, kéo dài thời gian. Ngoài ra, cơ chế tự chủ tài chính cho hoạt động của hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai còn bất cập, ảnh hưởng đến việc duy trì hoạt động và khó khăn trong triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng được giao.

Lấy sự hài lòng của Dân làm “thước đo” 

 Để tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách TTHC, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước thực hiện 100% hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn, không để xảy ra tình trạng trễ hẹn. Có giải pháp khắc phục dứt điểm đối với các trường hợp hồ sơ quá hạn giải quyết TTHC. Đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã; phấn đấu đạt 100% hồ sơ trực tuyến toàn trình, thực hiện thanh toán trực tuyến theo đúng quy định.

Cán bộ Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến.

Các cơ quan được giao phụ trách các nội dung CCHC của tỉnh có giải pháp khắc phục các tiêu chí chưa đạt điểm, các tiêu chí đạt điểm còn thấp. Đồng thời xây dựng kế hoạch sát với thực tế, phân định rõ trách nhiệm của từng đơn vị liên quan, tránh tình trạng chung chung, khó xác định kết quả; nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.

Trước đây, thành phố Tuyên Quang là một trong những địa phương có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua Cổng dịch vụ công đạt thấp nhất tỉnh, dưới 45%. Để nâng cao tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, UBND thành phố đã quyết liệt, sát sao, gắn trách nhiệm người đứng đầu với nhiệm vụ này.

Thành phố đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn người dân thông thạo các thao tác khi sử dụng điện thoại thông minh, máy tính, để cán bộ công chức tại Bộ phận Một cửa chuyển từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ; đồng thời công khai minh bạch tất cả thủ tục, hồ sơ, tiếp nhận 100% hồ sơ qua Cổng dịch vụ công... Nhờ đó đã có chuyển biến lớn, đến nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết qua Cổng dịch vụ công luôn đạt trên 95%. Địa phương đã số hóa 1.681/1.879 hồ sơ, đạt tỷ lệ 84,4%. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC của thành phố Tuyên Quang từ đầu năm đến nay đạt 100%, không có hồ sơ quá hạn.

Từ ngày 1-7, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện áp dụng tài khoản định danh điện tử VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử. VNeID không chỉ mang lợi ích thiết thực cho người dân mà còn giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với công tác quản lý nhà nước; giúp giảm thiểu sự lãng phí và sai sót trong việc sử dụng giấy tờ truyền thống, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và nhà nước. 

Từ trước đó, UBND tỉnh yêu cầu sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Công an tỉnh làm sạch để sử dụng tài khoản định danh đăng nhập thực hiện dịch vụ công, TTHC. Đồng thời chuyển đổi, làm sạch tài khoản công dân trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh và các hệ thống có liên quan đến giải quyết TTHC sang VNeID theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục