Hành động vì chất lượng dân số

- Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Đầu tư nâng cao chất lượng dân số chính là đầu tư cho tương lai, tạo nguồn lực phát triển đất nước nhanh và bền vững.

Những ông bố, bà mẹ nhí

Nếu không có sự giới thiệu của công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Hùng Lợi, Vũ Văn Vấn chúng tôi cũng không thể biết Đ.T.V.A, thôn Toòng đang bế đứa con của A, mà nghĩ đó là A. bế em mình, bởi A. còn quá nhỏ, chỉ chừng bằng học sinh lớp 8, nét mặt vẫn còn non dại. Theo lời chị T.T.U, thôn Toòng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) cuộc sống khó khăn, chị và chồng để 2 cô con gái đang tuổi ăn, tuổi lớn ở nhà đi làm ăn xa, hy vọng kiếm chút ít vốn liếng để lo cho con sau này. Vậy mà không ai có thể học được chữ ngờ, anh chị đi chưa đầy năm thì nghe tin người thân báo, cô con gái cả của anh chị bỏ học đi về thành phố làm việc. Lo sợ sự bất ổn đến với gia đình, chị T.T.U. thu vén về với các con. Chị U. bàng hoàng hơn khi cô con gái út của chị chưa học hết THCS cũng đã mang bầu, thai nhi đã 7 tháng tuổi. Con dại cái mang, chị U. đành nén nỗi buồn vào lòng để chăm con cho đến kỳ sinh nở. Theo lời chị U, con gái chị còn quá trẻ, thể chất chưa phát triển đầy đủ nên sinh con ra cũng yếu ớt. Dù đã là mẹ nhưng con chị không có bất kỳ kiến thức nào chăm trẻ sơ sinh, thậm chí cứ rảnh là lên mạng, chơi điện tử. Mọi việc ăn, ngủ, vệ sinh cho em bé đều 1 tay bà ngoại. Điều chị băn khoăn nữa là cháu ngoại chị đã hơn 1 tuổi nhưng vẫn chưa thấy cha bé đến nhận con nên cháu vẫn phải mang họ mẹ - chị U. buồn rầu.

Câu lạc bộ tiền hôn nhân xã Tri Phú (Chiêm Hóa) tổ chức sinh hoạt với chủ đề đẩy lùi tình trạng tảo hôn trong giới trẻ.

Cũng tại xã Hùng Lợi, đôi vợ chồng S.V.H. và T.T.N, thôn Nà Mộ cũng đã bỏ lại sau lưng sách vở, trường lớp và cả những tiếng nô đùa vô tư của bạn bè cùng trang lứa để lăn lộn mưu sinh. Cách đây 3 năm H. và N. nên nghĩa vợ chồng với nhau, sinh con khi cả 2 vừa bước sang tuổi 15-16. 

Theo anh Vũ Văn  Vấn, công chức Hộ tịch - Tư pháp xã Hùng Lợi, năm 2023, toàn xã có 21 trường hợp tảo hôn, 6 tháng đầu năm đã có 8 trường hợp. Anh Vũ lo lắng, dịp hè này các bạn trẻ ở độ tuổi THCS, THPT được nghỉ hè, các em có thời gian giao lưu, trong khi thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình nguy cơ phát sinh những ông bố, bà mẹ nhí sẽ gia tăng.

Đang học lớp 9, P.T.K, thôn Bản Tát, xã Tri Phú (Chiêm Hóa) cũng bỏ học để ở nhà sinh con. Bác sĩ Hoàng Thị Tình, cán bộ Trạm Y tế xã Tri Phú cho biết, do lập gia đình khi chưa đủ tuổi nên K. chưa đăng ký kết hôn và đứa con vẫn phải chờ cha mẹ đủ tuổi để được khai sinh.

Những con số báo động

Trong báo cáo gửi Hội đồng Nhân dân tỉnh tháng 5-2024 vừa qua của Chi cục Dân số - KHHGD cho thấy: Năm 2021 có 129 cặp vợ chồng tảo hôn, chiếm 5,5% số cặp vợ chồng kết hôn, trong đó nhiều nhất dân tộc Mông 40 cặp, chiếm 31%; dân tộc Tày 27 cặp, chiếm 20,9 %; dân tộc Dao 25 cặp, chiếm 19,4%...

Năm 2022 có 133 cặp vợ chồng tảo hôn, giảm 4 cặp so với năm 2022 chiếm 6,5% số cặp vợ chồng kết hôn, trong đó dân tộc Mông vẫn đứng đầu với 43 cặp, chiếm 32,3%; dân tộc Dao 28 cặp, chiếm 21%; dân tộc Tày 24 cặp.

Năm 2023, có 132 cặp vợ chồng tảo hôn giảm 1 cặp so với năm 2022 chiếm 4,6% số cặp vợ chồng kết hôn, 6 tháng đầu năm 2024 có 31 cặp vợ chồng tảo hôn, trong đó dân tộc Mông 9 cặp, vẫn chiếm phần lớn. Tuổi tảo hôn thấp nhất đối với nữ là 14 tuổi; tuổi tảo hôn thấp nhất đối với nam là 15 tuổi.

Đồng chí Hà Thanh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho rằng, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn nhiều như hiện nay là do phong tục tập quán lạc hậu, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, ý thức pháp luật của người dân chưa cao, điều kiện kinh tế khó khăn, tình trạng trẻ em bỏ học vẫn còn xảy ra, tâm lý chung học xong không có việc làm nên dẫn đến tình trạng kết hôn sớm.

Nếu như trước đây, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tảo hôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trình độ nhận thức thấp, ảnh hưởng của tập tục lạc hậu…, thì hiện nay nguyên nhân để xảy ra tình trạng này không hẳn như vậy. Thực tế, hoạt động tuyên truyền, phổ biến về giới tính, sinh sản, hôn nhân và gia đình ở cả trong nhà trường và khu dân cư cũng khá được chú trọng.

Hầu hết các em có hiểu biết căn bản về vấn đề này, nhưng vẫn để nảy sinh quan hệ yêu đương, quan hệ tình dục sớm. Việc này một phần do thể chất của các em phát triển khá sớm, phần lớn do tiếp cận sớm với nhiều sản phẩm văn hóa, phim ảnh, thông tin trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là Internet, mạng xã hội… không phù hợp lứa tuổi. Trong khi đó việc quản lý, giáo dục, định hướng thông tin cho con em trong các gia đình thiếu sát sao, kịp thời. Thực tế hiện nay, ở nhiều vùng nông thôn, rất nhiều gia đình cha, mẹ đi làm ăn xa, gửi con lại nhờ ông, bà trông coi hộ. Thiếu sự giám sát, quản lý, giáo dục của cha mẹ, nhiều em đã đi quá giới hạn.

Bên cạnh tảo hôn tình trạng mất cân bằng giới tính cũng đang là mối nguy cho chất lượng dân số trong tương lai gần. Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, mất cân bằng giới tính trong những năm gần đây ở mức cao. Năm 2021,  tỷ số giới tính khi sinh 111,7 trẻ em nam/100 trẻ em nữ và năm 2022 là 110,9 trẻ em nam/100 trẻ em nữ và năm 2023 là 111 trẻ em nam/100 trẻ em nữ.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Thanh Trang khẳng định, nguyên nhân chính dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam, trong đó có Tuyên Quang là do việc lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới. Nhiều gia đình còn mang nặng tư tưởng con gái là con người ta, bởi chúng sẽ đi lấy chồng; con trai mới là con mình, phải sinh được con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, chỗ dựa cho cha mẹ khi về già...

Hành động vì chất lượng dân số

Nghị quyết 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới đã nhấn mạnh việc chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số. Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, các địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động, đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và sự hưởng ứng của người dân.

Vì còn quá nhỏ, con gái không biết chăm con nên chị T.T.U, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) lại phải dành thời gian để chăm sóc cháu ngoại.

Được thành lập năm 2021, Câu lạc bộ tiền hôn nhân xã Đạo Viện (Yên Sơn) gồm 23 thành viên là những cán bộ, trưởng thôn, người có uy tín tham gia. Sự ra đời của câu lạc bộ thể hiện hành động quyết liệt đẩy lùi nạn tảo tôn, hôn nhân cận huyết thống của cấp ủy, chính quyền xã.

Chị Đinh Thị Thu Huyền, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiền hôn nhân xã Đạo Viện cho biết: Đạo Viện trước đây cũng là điểm nóng về tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3. Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây tình trạng này đã giảm rõ rệt. Theo Phó Chủ nhiệm CLB, là xã có đông đồng bào sinh sống, phong tục tập quán vẫn còn nặng nề, đặc biệt là vấn đề dựng vợ gả chồng ở độ tuổi 13 - 14. Nâng cao nhận thức, đẩy lùi nạn tảo hôn, chị cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã đi từng ngõ, gõ từng nhà, thậm chí là lên cả nương cùng đồng bào để tuyên truyền, giải thích về tác hại, hệ lụy của việc lấy chồng, lấy vợ sớm. Chị Huyền bảo, nhiều khi nói lý thuyết bà con không hiểu, anh, chị, em trong câu lạc bộ đưa ra những hình ảnh hằng ngày, thân quen với bà con như việc trồng ngô thu hoạch non sẽ không có năng suất, giống như trẻ em gái lấy chồng, lấy vợ sớm sẽ không có sức khỏe tốt, con sinh ra không được như những đứa trẻ bình thường khác. Hay trong xã có một vài đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân cận huyết thống không phát triển bình thường chị cũng đưa ra để mọi người nhìn vào… Nói một lần không hiểu thì nói nhiều lần, mưa dầm thấm lâu, tư tưởng của người dân cũng dần thay đổi.

Anh Sùng Seo Minh, dân tộc Mông, thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện bảo: “Cán bộ Huyền phân tích, giảng giải cưới vợ sớm sẽ như thu hoạch cây ngô, cây lúa non không được nhiều lúa, nhiều ngô nên mình cũng chưa vội cưới vợ đâu! Giờ đi làm công nhân kiếm tiền đã, chờ người yêu lớn hơn rồi cưới, lúc đó sinh con đẻ cái sẽ khỏe mạnh hơn”.

Câu lạc bộ tiền hôn nhân xã Ninh Lai (Sơn Dương) cũng đã giúp nhiều bạn trẻ trên địa bàn tự tin bước vào cuộc sống hôn nhân và gia đình. Câu lạc bộ sinh hoạt mỗi quý 1 lần, còn lại hàng tháng, các thành viên chủ chốt gồm cán bộ dân số, Đoàn thanh niên, Trạm Y tế và một số thành viên khác thay phiên đến sinh hoạt tại các thôn, xóm để tuyên truyền, tư vấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân và những vấn đề bạn trẻ cần quan tâm trước khi chuẩn bị bước vào cuộc sống gia đình. Mỗi thành viên trong câu lạc bộ không chỉ tiếp nhận những kiến thức cho riêng mình mà còn trở thành một tuyên truyền viên đắc lực về sức khỏe, giới tính trong cộng đồng dân cư.

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ Hà Thanh Trang khẳng định: Ngoài các câu lạc bộ, tỉnh cũng triển khai các mô hình can thiệp giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Với việc triển khai các mô hình, các câu lạc bộ phần nào đã góp phần giảm được tình trạng hôn nhân cận huyết thống, giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở độ tuổi trẻ vị thành niên. Sự vào cuộc của tỉnh, ngành chuyên môn chưa đủ nếu thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình và nhà trường. Bởi ở độ tuổi này, môi trường giáo dục và gia đình sẽ giúp các em hiểu biết, chủ động phòng, tránh, bảo vệ chính mình.

Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục