Lưu ý khi giá điện tăng

- Từ ngày 4-5, giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 3%, từ 1.864 đồng/kWh lên 1.920 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đây là vấn đề đang được dư luận rất quan tâm. Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang xung quanh vấn đề này.

P.V: Xin đồng chí cho biết những nguyên nhân nào dẫn tới việc tăng giá điện thời điểm này?

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang.

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang: Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thì “giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành”.

Chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN đều được thực hiện kiểm toán bởi Công ty Delloite và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, rà soát theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Các chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện được Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam) kiểm tra và được Bộ Công Thương công bố công khai, làm cơ sở để lập phương án giá điện. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg “khi các thông số đầu vào theo quy định biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng”.

Cán bộ Điện lực thành phố Tuyên Quang tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm trong mùa nắng nóng tại
Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Năm 2023 theo tính toán, do giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao nên giá thành điện năm 2023 có thể cao hơn năm 2022.

Căn cứ Văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương, để đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04 tháng 5 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Việc EVN ban hành Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg: Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

P.V: Xin đồng chí cho biết, tăng giá điện được áp dụng với các nhóm khách hàng sử dụng điện, được chia theo cấp điện áp và khung giờ cụ thể như thế nào? Thời gian thực hiện như thế nào?

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang: Ngày 04/5/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT quy định giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.Theo Quyết định số 1062 của Bộ Công Thương, giá bán điện cho ngành sản xuất được chia theo cấp điện áp và khung giờ thấp - cao điểm và bình thường.

Theo đó, cấp điện áp từ 110 kV trở lên, giá điện dao động 999 - 2.844 đồng/kWh tùy khung giờ cao, bình thường và thấp điểm.

Cấp điện áp 22 kV đến dưới 110 kV, giá 1.037 - 2.959 đồng/kWh, tùy khung giờ. Cấp điện áp 6 kV - dưới 22 kV, giá bán 1.075 - 3.055 đồng/kWh, tùy khung giờ. Ở cấp điện áp dưới 6 kV, giá bán lẻ điện là 3.171 đồng, giờ bình thường là 1.738 đồng và thấp điểm 1.133 đồng/kWh.

Với khối hành chính sự nghiệp, giá bán lẻ điện mới là 1.690 - 1.940 đồng/kWh tùy khung giờ, cấp điện áp. Giá bán lẻ cho lĩnh vực kinh doanh có sự chênh lệch khá cao giữa giờ cao điểm, thấp điểm và cấp điện áp, tương ứng là 4.724 đồng và 1.402 đồng/kWh. Các giá này chưa gồm thuế VAT.

Đối với nhóm khách hàng sinh hoạt gồm 6 bậc, theo nguyên tắc dùng càng nhiều điện giá điện càng cao.

Cụ thể: 

► Bậc 1: Cho 50 kWh  đầu tiên (từ 0 - 50) có giá là 1.728 đồng/kWh (giá cũ là 1.678 đồng).

► Bậc 2: Cho 50 kWh tiếp theo (từ 51 - 100) có giá là 1.786 đồng/kWh (giá cũ là 1.734 đồng).

► Bậc 3: Cho 100 kWh tiếp theo (từ 101 - 200) có giá là 2.074 đồng/kWh (giá cũ là 2.014 đồng).

► Bậc 4: Cho 100 kWh tiếp theo (từ 201 - 300) có giá là 2.612 đồng/kWh (giá cũ là 2.536 đồng).

► Bậc 5: Cho 100 kWh tiếp theo (từ 301 - 400) có giá là 2.919 đồng/kWh (giá cũ là 2.834 đồng).

► Bậc 6: Cho kWh từ 401 trở lên có giá là 3.015 đồng/kWh (giá cũ là 2.927 đồng).

Giá điện sinh hoạt 6 bậc mới nhất áp dụng từ ngày 04/5/2023.

P.V: Thưa đồng chí, việc tăng giá điện đã và đang gây ra những băn khoăn lo lắng cho các hộ và doanh nghiệp sử dụng điện. Đồng chí đánh giá như thế nào về những tác động của việc tăng giá điện lần này?

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang: Với việc tăng giá lên 1.920,3732 đ/kWh, tác động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng điện của khách hàng và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê năm 2022:

- Với nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ: Trong toàn EVN có 528 nghìn khách hàng, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng;

- Với khách hàng là hộ sản xuất: Trong toàn EVN có 1,822 triệu khách hàng, bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

- Với nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp: Trong toàn EVN có 662 nghìn khách hàng, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng;

- Với nhóm khách hàng sinh hoạt:

Đối với hộ gia đình tiêu thụ trung bình 50 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm là 2.500 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn EVN năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với hộ gia đình tiêu thụ trung bình 100 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm là 5.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với hộ gia đình tiêu thụ trung bình 200 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm là 11.100 đồng/hộ, (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn EVN năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.

Đối với hộ gia đình tiêu thụ trung bình 300 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn EVN năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

Đối với hộ gia đình tiêu thụ trung bình 400 kWh/tháng thì tiền điện tăng thêm là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn EVN năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).

P.V: Đã bước vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đồng chí cho biết ngành Điện lực tỉnh đang triển khai các giải pháp gì để đảm bảo cung cấp điện ổn định cho người dân và doanh nghiệp?

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang: Để nâng cao khả năng cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, Công ty Điện lực Tuyên Quang đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng và cải tạo lưới điện. Công ty đã đưa vào vận hành quý I/2023 gồm 9,67 km đường dây trung áp, 37 TBA phân phối, 5.890 kVA, 7,1 km ĐZ hạ thế, 33 trạm cắt trung thế và 11 km cáp quang. Đặc biệt đóng điện thành công trạm biến áp 110kV Na Hang, hoàn thành việc nâng lưới 10kV lên cấp điện áp 22kV trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang.

Cùng với đó, Công ty đã xây dựng phương án với các giải pháp cụ thể về đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và liên tục trong các ngày xảy ra nắng nóng. Trong đó, tích cực ứng dụng các công nghệ mới như camera nhiệt tầm xa, thiết bị bay không người lái,... để nâng cao chất lượng công tác quản lý kỹ thuật vận hành, sớm phát hiện và xử lý các tồn tại, khiếm khuyết trên lưới điện, không để mất điện trên diện rộng do nguyên nhân chủ quan. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp thực hiện chặt cây, xử lý hành lang lưới điện triệt để, giảm thiểu tối đa các vụ sự cố do hành lang gây ra khi thời tiết mưa dông.

Cán bộ Điện lực huyện Na Hang hướng dẫn người dân sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, an toàn.

Song song với các biện pháp quản lý kỹ thuật - vận hành, đầu tư xây dựng, Công ty cũng đẩy mạnh công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng, trong đó đặc biệt chú trọng hoạt động tuyên truyền, cảnh báo đến khách hàng tình trạng hóa đơn tiền điện tăng cao trong mùa nắng nóng; tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả. Ngành Điện đã làm việc với khách hàng để thực hiện giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải cục bộ, góp phần nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện trên địa bàn.

P.V: Thưa đồng chí, đồng chí có khuyến cáo gì để tiết kiệm điện đối với người dân và doanh nghiệp khi giá điện tăng?

Đồng chí Trần Xuân Hảo, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tuyên Quang: Trước nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng, nhất là vào cao điểm mùa nắng nóng 2023, Công ty Điện lực Tuyên Quang với tinh thần khẩn trương, linh hoạt thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019. Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 07/5/2020 về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 và Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn của Thủ tướng Chính phủ. Công ty đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền tiết kiệm điện, với quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ do sử dụng điện lãng phí, không hiệu quả, nguyên nhân từ ý thức sử dụng điện của người dân và doanh nghiệp.

Công ty đã chủ động phối hợp với UBND tỉnh, huyện thành phố, các sở ban ngành có liên quan, tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 trên địa bàn. Cùng với đó đẩy mạnh truyền thông về việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương để các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân biết, cùng chia sẻ khó khăn và thực hành tiết kiệm điện. 

Công ty Điện lực Tuyên Quang rất mong nhận được sự chia sẻ, phối hợp của người dân và khách hàng thông qua việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bằng các việc làm thiết thực như: Tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết; hạn chế sử dụng đồng thời các thiết bị điện vào giờ cao điểm (cụ thể, từ thứ 2 - thứ 7 gồm các khung giờ: 09h30 - 11h30, 17h00 - 20h00), chủ động kiểm tra hệ thống điện từ sau công tơ đến các thiết bị tiêu thụ điện trong gia đình để kịp thời phát hiện và xử lý hoặc thay thế dây dẫn sau công tơ, các thiết bị điện cầu dao, cầu chì, aptomat không đảm bảo vận hành, phù hợp với phụ tải để tránh quá tải và gây cháy nổ… để người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm cho gia đình.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

Đồng chí Bàn Văn Thân
Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi (Yên Sơn)

Cần tiếp tục đầu tư hạ tầng lưới điện

Hùng Lợi là xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Sơn, với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó trên 47% là đồng bào dân tộc Mông. Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó cơ sở hạ tầng điện lưới quốc gia trên địa bàn xã nói riêng đã được đầu tư, nâng cấp, đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, 97% dân số của xã được sử dụng điện lưới, tăng 10% so với năm 2015. Số hộ còn lại chưa sử dụng điện lưới thuộc những hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo định cư tại những nơi địa hình khó khăn, hiểm trở, tách biệt khu dân cư. Do đó, cuộc sống, sinh hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Người dân xã Hùng Lợi mong muốn trong thời gian tới, các cấp ngành, địa phương tiếp tục có những giải pháp thiết thực, đầu tư hạ tầng điện lưới để hộ đồng bào dân tộc thiểu số của xã được sử dụng điện lưới đạt 100%.


Bà Trương Thị Nhàn

Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư thủy lợi Ngọc Lâm, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) 

Áp dụng hiệu quả 3S trong sản xuất, kinh doanh

Luôn quan tâm đến giải pháp tiết kiệm năng lượng, Công ty đã áp dụng 3S (Sàng lọc - Sắp xếp -  Sẵn sàng) vào quá trình sản xuất và quản lý. Nhờ vậy, đã giúp đơn vị hạn chế lãng phí điện, nước, giảm lượng chất thải phải xử lý, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, đảm bảo an toàn trong sản xuất và nâng cao ý thức, kỷ luật cho nhân viên. Mỗi năm đơn vị tiết kiệm được khoảng 30% chi phí tiền điện trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Công ty thường xuyên rà soát, thay mới các thiết bị đã cũ; lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao như máy hàn bán tự động, thiết bị tiện, cắt, phay, khoan tự động nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tiêu hao điện năng, hạn chế tối đa việc huy động các thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn vào giờ cao điểm; tận dụng tối đa ánh sáng và thông gió tự nhiên; có quy định cụ thể về sử dụng điện tiết kiệm ở khu vực trực tiếp sản xuất và các phòng, ban chuyên môn, cùng với cơ chế kiểm tra, xử lý vi phạm.


Đồng chí Lộc Kim Liễn
Phó Giám đốc Sở Công Thương

Các giải pháp bình ổn thị trường hàng hóa

Ngành sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng găm hàng, làm giá tăng bất hợp lý dựa vào giá điện tăng.

Cùng với đó, ngành tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh, kiểm tra chất lượng, giá bán hàng thiết yếu lưu thông trên thị trường.


Chị Nguyễn Thu Vân
Tổ 18, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang)

Tránh tình trạng “té nước theo mưa”

Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, điều đáng lo ngại nhất khi giá điện tăng là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cũng tăng giá theo, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống hàng ngày của người dân. Như vào tháng 7-2022, khi giá xăng liên tiếp tăng kỷ lục thì rất nhiều hàng hóa tăng theo mà không hề có sự điều chỉnh giảm kể cả khi xăng đã “hạ nhiệt”. Người dân chúng tôi mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách tổng thể để bình ổn mặt bằng giá, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng.

     

Thực hiện: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục