Trăn trở tìm hướng đi mới
Tại nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm luôn nhấn mạnh, xuất khẩu lao động là hướng đi phù hợp, hiệu quả. Xuất khẩu lao động không chỉ mang tiền về cho gia đình, mà còn từ kinh nghiệm thực tiễn đóng góp thiết thực vào xây dựng phát triển quê hương. Thực tế cho thấy, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong nhân dân có nhiều người từng đi xuất khẩu lao động.
Anh Phạm Thanh Hải ở xã Thượng Ấm (Sơn Dương) sau khi xuất khẩu lao động về đã mở cửa hàng điện tử,
điện lạnh đem lại thu nhập ổn định.
Như trường hợp của anh Phạm Thanh Hải ở thôn Đồng Ván, xã Thượng Ấm (Sơn Dương) sau nhiều năm đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Singapore về đã tích lũy được nguồn vốn và nhiều kinh nghiệm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh bên nước bạn. Anh đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh các thiết bị điện tử, điện lạnh và với cung cách phục vụ chuyên nghiệp, chế độ bảo hành uy tín nên đã trở thành địa chỉ tin cậy của khách hàng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. Anh Hải chia sẻ, trước khi xuất khẩu lao động, anh đã tìm hiểu thật kỹ để tránh bị lừa và chọn đi lao động thông qua ký kết hợp đồng với một công ty có uy tín về lĩnh vực xuất khẩu lao động ở Hà Nội. Khi làm việc ở nước ngoài anh luôn nỗ lực làm việc và chấp hành tốt quy định của chính quyền sở tại. Anh luôn xác định phải giữ hình ảnh của lao động Việt Nam để tạo uy tín tạo điều kiện, uy tín cho các lao động sang sau.
Gia đình chị Nguyễn Thị Bình, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) từ ngày có con gái đi xuất khẩu Nhật Bản đã có thêm nguồn thu ổn định, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Chị Bình cho biết, con chị sang làm nghề đóng gói thực phẩm cho một công ty chế biến, kinh doanh thực phẩm của Nhật Bản đã được hơn 2 năm, công việc của cháu bên đó rất thuận lợi. Mỗi tháng, cháu gửi về nhà cho gia đình được 25 triệu đồng tiền Việt. Có nguồn thu từ cháu gửi về gia đình chị đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập nhờ đó có “của ăn của để”, cuộc sống khấm khá hơn trước rất nhiều.
Các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tư vấn cho người lao động trên địa bàn tỉnh.
Xác định xuất khẩu lao động là hướng đi hiệu quả, tỉnh đã triển khai các kế hoạch, giải pháp đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các địa phương. Các đơn vị, ngành chức năng đã tổ chức tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp cho lao động; thực hiện cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với địa phương các nước để tìm hướng đi mới cho xuất khẩu lao động…
Nhờ những giải pháp được triển khai hiệu quả, số lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng ngày càng tăng. Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, có hơn 1.400 người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại nước ngoài, tập trung chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Chỉ tính từ năm 2021 đến tháng 8 năm 2022, số tiền lao động chuyển về nước là hơn 1.100 tỷ đồng… Từ nguồn tiền gửi về nhờ xuất khẩu lao động đã đóng góp đáng kể cho nhiều địa phương trong việc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn.
Nâng cao chất lượng lao động trước khi xuất cảnh
Thời gian gần đây, sự khởi sắc của thị trường xuất khẩu lao động sau hai năm gần như đóng băng vì đại dịch mở ra nhiều cơ hội cho cả người lao động và thị trường lao động trong nước. Số lượng lao động làm việc ngoài nước ngày càng tăng, mở ra cơ hội về giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống tại nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi cũng còn không ít những khó khăn, hạn chế trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài hiện nay chủ yếu là lao động phổ thông nên trình độ tay nghề và ngoại ngữ chưa cao, vẫn còn một bộ phận lao động ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động và khả năng thích nghi, hòa nhập với môi trường, văn hóa nơi làm việc còn hạn chế. Cùng với đó, việc nắm bắt số lượng, tình hình lao động hết hạn về nước của một số địa phương còn chưa kịp thời gây khó khăn trong công tác quản lý và hỗ trợ người lao động sau khi kết thúc hợp đồng; do phong tục tập quán một số nơi người lao động ngại thay đổi, không muốn đi làm ăn xa…
Đoàn công tác của Công ty cổ phần Dentsu Kensetsu Nhật Bản tham quan khu vực xưởng thực hành tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Từ thực tế này, tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể gắn với tình hình thực tiễn, trong giai đoạn mới. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các địa phương đã có những chuyến đi đến các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu… để kêu gọi, kết nối đầu tư và đề xuất tiếp nhận lao động Tuyên Quang đến làm việc. Gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng đã tìm đến Tuyên Quang để hợp tác, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.
Ông Iri Kazuaki, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dentsu Kensetsu Nhật Bản trong chuyến làm việc tại tỉnh đã đánh giá, Tuyên Quang là địa phương có tiềm năng phát triển với nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào. Trong thời gian tới, công ty của ông sẽ hợp tác với các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh để hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật và đào tạo nghề, đồng thời tuyển dụng lao động đi làm việc tại công ty trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như: xây dựng và thi công các công trình dân dụng, công trình xây dựng cốt thép, điện, viễn thông công nghiệp… Hiện nay, công ty đang cần khoảng gần 10.000 lao động làm việc tại Nhật Bản với mức thu nhập ổn định, có thể đạt tới 48 triệu đồng/người/tháng nếu là lao động có tay nghề kỹ thuật cao.
Như vậy có thể nhận thấy nhu cầu thị trường lao động tại các nước là rất lớn song người lao động có đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng hay không là một vấn đề rất đáng quan tâm. Thông qua công tác liên kết, đào tạo sẽ xây dựng được đội ngũ người lao động chất lượng cao, có tay nghề kỹ thuật thay vì lao động phổ thông. Cùng với đó, việc triển khai hiệu quả các chủ trương, kế hoạch của tỉnh đối với công tác xuất khẩu lao động là chìa khóa để thành công.
Bộ mặt nhiều làng quê trong tỉnh đã thay đổi, phát triển hơn nhờ xuất khẩu lao động.
Đồng chí Hoàng Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian tới các cấp, các ngành liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức đến người lao động trên địa bàn có nhu cầu làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các huyện nghèo, hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn; thực hiện rà soát, lựa chọn các doanh nghiệp có uy tín, kinh nghiệm để đưa người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài; triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động trước khi đi làm việc tại nước ngoài…
Việc thực hiện hiệu quả công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.
Gửi phản hồi
In bài viết