Doanh nghiệp trước áp lực tăng giá điện

- Giá điện mới đây được Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng 3% được dự báo sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiền điện phải trả thêm của người dân. Áp lực với các doanh nghiệp đang thực sự rất lớn trong bối cảnh tăng chi phí sản xuất, trong khi giá bán vẫn phải giữ ổn định để giữ chân khách hàng.

Tăng chi phí sản xuất

Trung bình mỗi tháng, Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Công ty cổ phần Giấy An Hòa) chi trả hơn 30 tỷ đồng tiền điện phục vụ sản xuất. Như vậy, từ tháng 5, số tiền điện chi trả của doanh nghiệp này sẽ tăng lên ít nhất 900 triệu đồng nữa. Ông Hoàng Minh Sơn, Giám đốc Hành chính nhân sự Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, sau nỗ lực phục hồi doanh nghiệp do biến động thị trường từ dịch bệnh Covid-19, việc tăng giá điện sẽ tăng thêm áp lực cho doanh nghiệp khi giá bán sản phẩm chưa được điều chỉnh tăng vì hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Trong khi chi phí điện chiếm chiếm từ 4-5% giá bán của ngành giấy.

Giá điện chiếm 4-5% giá bán các sản phẩm giấy, Công ty cổ phần Giấy An Hòa thực hiện triệt để các biện pháp tiết kiệm điện.

Theo ông Sơn, nếu như các doanh nghiệp khác có thể dừng hoạt động vào giờ cao điểm để giảm áp lực lên tải trọng điện, thì Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa phải sản xuất 24/24 giờ, vì đã lắp đặt và triển khai dây chuyền tự động hóa liên tục để đảm bảo sản xuất và chất lượng sản  phẩm. Mỗi lần khởi động lại, chi phí cho tiền điện sẽ tăng thêm vài tỷ đồng nữa. Ông Sơn cho rằng, với khó khăn này, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có được một thị trường ổn định cả trong nước và xuất khẩu để giảm tải phần nào khó khăn cho doanh nghiệp.

Công ty TNHH Seshin VN2 là doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu quần áo sang thị trường Mỹ và các nước châu Âu. Dây chuyền máy móc hoạt động liên tục, chi phí cho điện năng sản xuất mỗi tháng tương đối lớn nên khi điều chỉnh tăng giá điện, sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  

Theo ông Nguyễn Hữu Khánh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Seshin VN2, hiện nhà máy có 30 chuyền may, tất cả các công đoạn đều phải sử dụng điện. Giá điện tăng đúng thời điểm bước vào giai đoạn nắng nóng, mức tiêu thụ điện chắc chắn sẽ tăng mạnh cả ở khối văn phòng và khối sản xuất của nhà máy là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong việc tiết giảm chi phí đầu vào. Trung bình mỗi tháng nhà máy chi trả khoảng 300 triệu đồng tiền điện. Từ đầu năm tới nay, tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn do đơn hàng xuất khẩu giảm, giá bán sản phẩm cũng giảm 10% trong khi đó chi phí vận chuyển tăng, chi phí sản xuất tăng, chi phí cho nguồn lao động cũng tăng so với năm 2022. Do đó, việc giá điện tăng thêm 3% thật sự là gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Công ty TNHH Seshin VN2 đang tính toán lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để chủ động sản xuất (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Seshin VN2 may áo xuất khẩu).

Tiết kiệm để thích ứng

Nhà máy Gạch tuynel chất lượng cao Tràng Đà đã có giải pháp thích ứng với giá điện tăng 3% ngay khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam có chủ trương tăng giá bán điện.

Phó Giám đốc Nhà máy Vũ Hà Tuyên cho biết, chi phí mỗi tháng cho tiền điện của doanh nghiệp xấp xỉ 500 triệu đồng. Việc tăng giá điện sẽ khiến chi phí của đơn vị cho sản xuất tăng thêm khoảng 15 triệu đồng, trong khi đó, giá các loại nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng không ngừng tăng lên trong thời gian gần đây.

Nhà máy Gạch tuynel chất lượng cao Tràng Đà tránh sản xuất vào giờ cao điểm.

Đơn vị hiện đang tập trung đẩy mạnh sản xuất vào các giờ thấp điểm. Các khung giờ cao điểm trong ngày, sẽ dừng hoạt động hoàn toàn. Đồng thời, nhà máy lắp đặt hệ thống biến tần; hệ thống điện chiếu sáng cũng đã được thay thế từ đèn cao áp sang đèn led; các phòng, xưởng thực hiện tắt các thiết bị không cần thiết...

Nhiều doanh nghiệp hiện đã tính đến việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời để giảm áp lực cho hoạt động sản xuất. Như tại Công ty TNHH Seshin VN2, ông Nguyễn Hữu Khánh cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như đầu tư máy móc công nghệ hiện đại tiết kiệm điện, sử dụng các loại đèn led và phát động phong trào tiết kiệm điện đến toàn bộ lãnh đạo, nhân viên của công ty. Tuy nhiên, theo ông Khánh, đây chỉ là giải pháp tạm thời, và lượng điện tiết kiệm được sẽ không nhiều. Khi tất cả các chi phí đều tăng, trong khi giá xuất bán sản phẩm lại giảm, đơn vị đang tính toán sẽ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trong năm nay để tự chủ động phần nào nguồn điện phục vụ sản xuất.

Việc tăng giá điện luôn tạo hiệu ứng domino tăng giá của hầu hết các mặt hàng từ sắt, thép, xi măng tới các nhu yếu phẩm... Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, giá điện tăng thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Nhưng thực tế, hầu hết các  doanh nghiệp thời điểm này rất “ngại” tăng giá sản phẩm vì lo ngại sức mua giảm sút, sức cạnh tranh yếu, sản xuất có nguy cơ đình trệ.

Để khắc phục ảnh hưởng của việc tăng giá điện, lúc này không có cách gì khác hơn là các doanh nghiệp cần tăng năng suất lao động, thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và giảm thiểu các chi phí sản xuất khác.

Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục