Miền di sản

- Cùng với chiều dài lịch sử của đất nước, Tuyên Quang là vùng đất đã hình thành từ lâu đời. Trải qua 192 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Tuyên Quang không chỉ là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến mà còn là mảnh đất của các di sản độc đáo, đa dạng. Nhiều khách du lịch phải thốt lên rằng, hiếm có địa phương nào lại có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đến vậy.

Miền sáng và đất thiêng

Trải qua các thời kỳ lịch sử có nhiều tên gọi khác nhau, ngày 4 tháng 11 năm 1831, vua Minh Mệnh tiến hành chia định địa hạt trên phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang có 1 phủ và 5 châu. Thư tịch cổ ghi chép về Tuyên Quang xưa rằng: "Đây là xứ sơn kỳ thủy tú, vạn vật tốt tươi, mặt người tươi đẹp, ruộng nhiều lúa chín, đất nở đầy hoa, chim kêu vượn hót, thuốc quý tiềm tàng, sơn hào vô tận, xem như nơi đây có nguồn thiêng hội tụ, vui nước an dân, hợp đức thánh nhân".

Theo các tài liệu sử học, danh xưng Tuyên Quang là từ Hán - Việt. Tuyên thấy trong tuyên ngôn, tuyên bố, tuyên cáo, tuyên truyền... đều mang nghĩa nói ra một cách rõ ràng, minh bạch; Quang nghĩa là ánh sáng. Vậy, Tuyên Quang nghĩa là ánh sáng tỏa rộng là miền đất sáng.

Một tiết mục Thực hành Then tại Lễ đón nhận Bằng ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chính thiên nhiêu ưu đãi và chiều sâu lịch sử đã tạo cho Tuyên Quang - vùng đất hội tụ đa sắc màu văn hóa. Về Tuyên Quang hôm nay là về với miền di sản, nơi kết đọng các giá trị di sản vật thể và phi vật thể đặc sắc, tạo nên những sắc thái riêng biệt và nét hấp dẫn riêng có.

Quá trình 192 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Tuyên Quang là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, có vị thế chiến lược quan trọng, từng là "Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến" trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với hơn 650 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 474 di tích lịch sử. Chính vì vậy, Tuyên Quang được gọi là "bảo tàng cách mạng" của cả nước.

Hiện nay, Tuyên Quang có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, 133 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 250 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ngoài ra, tỉnh có hàng nghìn cổ vật, tư liệu quý; trong đó có bảo vật Quốc gia Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa), có từ thời nhà Lý.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phù Ninh chia sẻ, những di tích lịch sử Tuyên Quang đóng vai trò như những nhân chứng sống mãi với thời gian. Nhiều tên đất, tên làng nơi đây đều gắn với những sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng của đất nước. 

Bên cạnh đó, Tuyên Quang là vùng đất linh thiêng, có hệ thống chùa gắn với sinh hoạt Phật giáo; đền, miếu gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu lâu đời. Trong đó hình thành đầy đủ với Tam tòa Thánh Mẫu, gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải. Các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khi đến Tuyên Quang đều phải thốt lên rằng, Tuyên Quang sở hữu một hệ thống di sản - di tích có ý nghĩa to lớn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 79 di tích đình, đền, chùa không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa, với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, huyền bí như đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm Tự (Lâm Bình); đền Pác Tạ, Bắc Vãng (Na Hang); đền Bó Cuống, Bách Thần, đền Ngọc Hội, chùa Hòa Phú, Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa); đền Bắc Mục, Thác Con, Thác Cái (Hàm Yên); chùa Đại Bi, Phật Lâm (Yên Sơn); chùa Lang Đạo (Sơn Dương).

Bức tranh văn hóa đa sắc màu

Nhìn trên bản đồ dân tộc, Tuyên Quang như chiếc cầu nối giữa miền núi phía Bắc với Trung du và đồng bằng, giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Tuyên Quang là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em sinh sống. Mỗi dân tộc mang nét văn hóa độc đáo tạo nên bức tranh văn hóa Tuyên Quang đa sắc màu của 22 dân tộc anh em. Từ trang phục, tiếng nói, phong tục tập quán, kho tàng dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng, Páo dung, Sình ca, Soọng cô… phát triển khá mạnh.

 Lễ Cấp sắc của người Dao ở Hồng Thái (Na Hang).

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, Tuyên Quang có 425 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Trong đó có 16 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với nhiều loại hình, từ lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, nghề thủ công truyền thống đến phong tục, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Điển hình như: Lễ Cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ; Tri thức dân gian nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn; Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ Đại Phan của người Sán Dìu… Đặc biệt, nghi lễ thực hành "Then Tày - Nùng - Thái Việt Nam" được

UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại…
Là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống, Tuyên Quang là "cái nôi" của hàng chục lễ hội truyền thống đặc sắc với không gian văn hóa đầy ắp tính nhân văn. Mỗi độ đầu xuân năm mới, du khách thập phương lại đổ về xứ Tuyên trẩy hội. Những Lễ hội đầu năm mang nét văn hóa đặc sắc, cũng là dịp để Tuyên Quang quảng bá hình ảnh, nét đẹp của thiên nhiên, con người.

Đó là đến với các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình để tham gia Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày; đến Sơn Dương để xem Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày xã Tân Trào. Rồi du khách có thể lên Hàm Yên để hòa vui Lễ hội Động Tiên - Chợ quê. Và vẫn còn nhiều lắm những lễ hội như: Lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan, Lễ hội rước Mẫu tại đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La (TP. Tuyên Quang); Lễ rước mẫu đình Thác Cấm (Hàm Yên). Vào dịp Rằm tháng Tám hàng năm, du khách bốn phương lại đổ về xứ Tuyên để hòa mình không gian Lễ hội Thành Tuyên "có một không hai" trên thế giới.

Tự hào và trân quý…

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, trong những năm qua Tuyên Quang luôn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, tỉnh đã đẩy mạnh chỉnh trang tôn tạo các khu, điểm di tích, giữ gìn bảo vệ nghiêm ngặt và hài hòa các khu danh thắng quốc gia với phương châm bảo tồn xanh, tránh việc "bê tông hóa" quá mức với di tích, danh lam thắng cảnh. Đối với loại hình văn hóa phi vật thể, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành ưu tiên kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho từng đối tượng, có giải pháp bảo tồn trong cộng đồng.

Vẻ đẹp Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.

Nhờ đầu tư tôn tạo mà các di tích lịch sử cách mạng không những được bảo tồn, còn phát huy tốt giá trị. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hàng năm toàn tỉnh đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 1 triệu lượt du khách tới tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình.

Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, tổ chức phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Qua đó góp phần phát huy truyền thống đoàn kết, thúc đẩy môi trường sáng tạo và truyền bá nghệ thuật trong cộng đồng.

Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh có đội văn nghệ quần chúng; trên 2.000 đội văn nghệ quần chúng thôn, bản, tổ dân phố và các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang; trên 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc; trên 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của dân tộc Cao Lan...

Ông Bùi Văn Quyết, Trưởng phòng Văn hóa huyện Hàm Yên chia sẻ: "Thông qua đó các câu lạc bộ, đội văn nghệ, các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức liên hoan văn nghệ, giao lưu, xây dựng không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tạo điều kiện cho các di sản văn hóa có môi trường tốt nhất để duy trì, phát triển".

Văn hóa truyền thống là cội nguồn dân tộc, được ví như "tấm thẻ căn cước" của một dân tộc, để tồn tại với bản sắc của chính mình mà không bị nhạt nhòa theo thời gian. Suốt chiều dài lịch sử trên mảnh đất xứ Tuyên, thế hệ cha ông hàng ngàn đời trao lại giá trị văn hóa, thế hệ con cháu trân quý giữ gìn. Và mạch nguồn đó chảy mãi suốt hàng ngàn năm nay...! 

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục