Hoa gạo bên sông

Ngày giặc Mỹ bắn phá ác liệt ra miền Bắc, bà tôi phải sinh cô trong hầm sâu, thiếu ánh sáng, ẩm ướt cộng với đói khát nên cô tôi sinh ra ốm đau quặt quẹo, da mốc thếch. Vào lớp một, cô tôi bé như trẻ lên ba, tóc vàng khè. Cô tôi bị bệnh hen suyễn, những hôm trái gió trở trời cô phải nằm ở nhà thở khò khè như mèo hen. Bà tôi chạy ngược chạy xuôi tìm đến các thầy lang giỏi quanh vùng lấy thuốc nhưng bệnh của cô tôi vẫn không khỏi. Càng lớn da cô tôi càng mốc thếch, xù xì, thô ráp. Mùa đông, chân cô nứt nẻ tứa máu chỉ đi cà nhắc quanh nhà.

Nhà bà tôi có thêm chú Thông, chú Minh, chú Phú, chú Quý. Cuộc sống ngày càng khó khăn thêm. Rồi ông tôi hy sinh. Bố tôi lấy con dao phay chặt vào đầu ngón tay lấy máu viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cô tôi phải bỏ học giữa chừng. Khi chú Quý hơn một tuổi thì bà tôi mất. Bao nhiêu công việc gia đình đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của cô tôi. Cô phải cáng đáng cả công việc của một người mẹ. Bàn tay cô dầy thêm những vết chai, chỉ có tiếng nói và nụ cười của cô vẫn thế: nhỏ nhẹ, dịu dàng. Bạn bè cùng trang lứa với cô đều đã lấy vợ, lấy chồng, có con lớn. Làng xóm nhìn cô tôi ái ngại.

Cô tôi và chú Tòi làng bên yêu nhau. Cô tôi hai mươi bảy tuổi. Mấy lần chú Tòi ngỏ lời đón cô tôi về làm dâu nhưng cô chỉ lặng thinh, ánh mắt buồn xa xăm. Cô chưa dám đi lấy chồng vì cô thương chú Quý còn nhỏ, lại ốm yếu luôn, rồi còn phải nuôi chú Phú đi học đại học ba năm nữa. Cô tôi hai mươi tám tuổi. Mùa hoa gạo rụng, đỏ cả bến sông. Chú Tòi bắc đò ngang cưới một cô gái trẻ làng bên. Cô tôi tần ngần ra đứng bên gốc gạo, thả những cánh hoa đỏ trôi trên sông bập bềnh. Cô tôi chưa lấy chồng...                                                                
Nhiều đêm cô tôi thao thức rồi trở dậy, bần thần nhìn ra bến sông như chờ ngóng điều gì. Tiếng sáo dìu dặt bặt đi từ hôm ấy, chỉ có tiếng ếch nhái và côn trùng rỉ rả đáp lại. Bố tôi giải ngũ, đón mẹ con tôi ở quê ngoại về nhà ông bà nội cũ. Tôi lên lớp một. Cô tôi ba mươi tám tuổi, nhìn cô héo hon đi nhiều. Bố mẹ tôi muốn ở chung với cô để đỡ đần và để cô bớt hiu quạnh nhưng cô nhất định đòi bố và các chú dựng cho cô một căn nhà nhỏ ở bến sông để tiện gánh nước tưới rau với nuôi con gà, con vịt.

Tháng mười, cánh đồng vừa gặt xong, trơ gốc rạ. Trẻ con lùa trâu ra đồng nhặt thóc rơi và bắt chuột, tiếng mõ trâu lốc cốc vang rền cả một vùng. Chim ở đâu bay về đông lắm, đậu đầy trên lưng trâu. Một ngày, có một người đàn ông xách lồng đến săn chim. Người săn chim mở cái túi vải nâu lấy ra một túm gạo và một cái nồi nho nhỏ nấu cơm nhờ ở nhà cô. Người săn chim quanh quẩn ở quanh nhà cô suốt ngày. Một hôm, cô đưa người săn chim sang gặp bố mẹ tôi. Người săn chim ngỏ ý muốn về ở cùng cô, cưới cô làm vợ. Người săn chim nói rằng ông mồ côi từ nhỏ, lang bạt đó đây gần hai phần ba đời người giờ thèm có một mái ấm để đi về. Bố mẹ tôi mừng ra mặt vì cuối cùng cô cũng tìm được hạnh phúc, sớm tối có người sẻ chia, nương tựa.

Minh họa: Bích Ngọc

Mùa mưa. Nước ngập tràn các thửa ruộng, người người dắt trâu ra cày, bừa, chuẩn bị vào vụ mới. Chim gâu cũng thưa thớt dần. Người săn chim lại xách lồng đi và hẹn một ngày không xa sẽ trở lại với cô. Bỗng một chiều cô sang nhà tôi, ngả đầu vào vai mẹ tôi khóc nấc lên như một đứa trẻ. Người săn chim bỏ cô tôi về xuôi, để lại mấy câu gọn lỏn: “Tôi về với vợ con tôi...”. Người săn chim đi rồi, cô tôi vội tháo cái chân giường bằng tre ra thì ôi thôi, bao nhiêu tiền tích cóp của cô bấy nhiêu năm đã bị người săn chim lấy đi hết. Cô tôi về, bước liêu xiêu qua bờ ruộng. Cô về một lúc lâu mẹ tôi mới giật mình như sực nhớ ra điều gì, hốt hoảng gọi tôi vào: “Con chạy nhanh hơn mẹ, con chạy ngay ra bến sông tìm cô, đi con... đành đoạn quá! Nhỡ có chuyện gì thì...”.

Tôi chạy ra bến sông, trống ngực tôi đập thình thịch. Cô tôi đứng lặng như pho tượng đá ở bến sông. Nắng chiếu xuống mặt nước tung tóe muôn vàn vì sao lấp lánh. Cây gạo già trần ngâm soi bóng, mấy cái rễ túa ra như bàn tay ma hiện về đùa cợt những người yếu bóng vía. Cô tôi đứng đó, mặt hướng ra sông, bên cạnh những cánh hoa gạo đỏ tả tơi, bầm nát. “Cô ơi! Cô về với con... về với con đi cô!...”. Cô quay lại nhìn tôi cười, nụ cười mơ hồ, xệch xạc, ánh mắt vô hồn. Mặt cô buồn xanh xao. Tôi sợ quá gào to lên, nước mắt giàn giụa. “Cô ơi! Đừng bỏ con đi... đừng bỏ con đi mà!...”. Không kịp rồi. Cô bước ra sông. Nước ngập đến gối, đến đùi, đến bụng rồi đến cổ.

Tôi lao xuống sông. Mặt nước chao nhẹ, cô tôi mất hút. Tôi hốt hoảng hét lên: “Cô ơi!... ai cứu với!...”. Không có tiếng ai đáp lại, không ai ra bến sông lúc này. Cô tôi bất ngờ trồi bên cạnh tôi, nước sông tràn trề trên khuôn mặt gầy gò. Tôi cuống cuồng nắm lấy tay cô, sợ cô sẽ lại biến mất xuống dòng sông thăm thẳm. Cô lê từng bước lên bờ, đưa tay lau nhẹ từng giọt nước mắt trên má tôi rồi nhẹ nhàng: “Ta về thôi con”.

Nhà tôi chuẩn bị chuyển nhà. Bố tôi đưa về một ông thợ thổ đã ngoài năm mươi tuổi, gầy gò, vừa bước vào nhà vừa ho khù khụ. Mẹ tôi cằn nhằn: “Bố nó đúng là… đưa một ông già trông như con cá tép dầu khô thế thì đào đất làm sao? Thiên hạ thiếu gì người vân váp, khỏe mạnh”. Bố tôi cười xòa: “Bà nói nhỏ nhỏ, không nghe thấy ông lại tủi. Khổ thân! Chẳng nhà cửa, vợ con. Như người ta bằng ấy tuổi chỉ ở nhà nghỉ ngơi, trông cháu, vậy mà ông phải đi đào đất kiếm miếng ăn... đưa ông về nhà mình cũng coi như mình làm phúc vậy... Xưa ông cũng là bộ đội như tôi”.

Đào đất được một lúc ông lại ngồi nghỉ, thở khò khè. Bố bảo ông cũng bị hen như cô tôi nên người ta thường gọi ông là Tiến hen. Nhiều đêm tôi giật mình tỉnh giấc vì tiếng ú ớ mê sảng của ông Tiến hen, ông vẫn ngủ, hai hàm răng nghiến vào nhau ken két. Ông Tiến hen một mình đào đất, buổi làm buổi nghỉ. “Ông Tiến hen và cô mày yêu nhau đấy!”. Thằng Tập rỉ vào tai tôi. “Mày điên à...”. Tôi hét lên. “Tao có bằng chứng nhé. Sáng cô mày đi chợ để một hòn đá trắng trước cửa nhà mày làm hiệu, lúc nào thấy có hòn đá trắng là lúc cô mày hẹn ông Tiến hen sang”.

Tôi không tin ông Tiến hen và cô tôi yêu nhau nhưng câu nói của thằng Tập vẫn làm tôi tò mò, nghi nghi hoặc hoặc. Trưa tôi đi học về, y như lời thằng Tập nói, một hòn đá trắng đặt ngay trước ngõ nhà tôi như đập vào mắt. Chẳng lẽ lại thế thật? Cô tôi sẽ lấy ông Tiến hen ư? Không thể được. Tôi chạy lại ném ùm cục đá xuống ao. Ăn cơm xong, uống một chén nước chè, ông Tiến hen ra ngõ đứng tần ngần một lúc rồi trở vào, lụi cụi cầm xẻng lên sau nhà đào đất. “Đáng đời ông! Tìm hòn đá trắng hả, không thấy đâu”. Tôi mừng thầm trong bụng.

Trưa hôm sau tôi đi học về, chỗ hòn đá hôm trước lại được thay bằng một hòn đá mới. Tôi lại ném ùm hòn đá trắng xuống ao. Lùa trâu ra đến đồng, tôi tung tăng chạy vào nhà cô chơi. Vừa nhác thấy tôi cô đã hỏi: “Ông Tiến hen bị ốm hả cháu? Tôi ừ à!”. “Dạ vâng... ông Tiến hen ốm nặng lắm”. Cô tôi thở dài: “Khổ thân! Thời tiết chuyển mùa, ông Tiến hen ốm không biết lúc nào mới khỏi... Cô muốn nhờ ông Tiến hen đào cho cô cái giếng, khổ nỗi đào giếng phải có hai người, một người đào, một người kéo đất mà cô thì bận đi chợ luôn. Chiều nào không đi chợ, khi về cô đặt hòn đá trắng trước cổng nhà cháu làm hiệu, vậy mà mấy lần chẳng thấy ông sang”. Hóa ra là thế. Tôi ậm ừ: “Ông Tiến hen sắp khỏi rồi cô ạ! Mai cô mang đá trắng ra ngõ nhà cháu mà đặt”.

Hai tháng, nhà tôi làm xong nền, cô tôi đón ông Tiến hen về đào giếng. Ông Tiến hen đào gần xong cái giếng nhà cô tôi thì lăn ra ốm gần tháng trời. Ông nằm trên giường ú ớ mê sảng. Cô tôi bỏ chợ ở nhà hái lá thuốc xông cho ông Tiến hen rồi lại lụi cụi nấu cháo bón cho ông Tiến hen từng thìa một. Bố tôi sang thăm, về nhà rỉ tai mẹ tôi cười: “Cô Lả chăm ông Tiến hen còn hơn cả bà chăm tôi. Hay là...”.

Tôi mon men ra bám vai mẹ thì thầm: “Mẹ ơi, già rồi người ta vẫn yêu nhau hả mẹ?”. Ông Tiến hen dần dần khỏe lại. Cô tôi bắc nồi nước hoa bưởi gội đầu, hương hoa thơm ngát. Ông Tiến hen thay tôi ôm ghế ra nhổ tóc sâu cho cô. Họ thầm thì trò chuyện. Thằng Tập cưỡi trâu đi ngang qua nhà cô tôi, chõ mồm vào đọc oang oang: “Chồng hen mà lấy vợ hen. Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi”. Ông Tiến hen không giận, nhìn theo thằng Tập cười hề hề...

Lại mùa hoa gạo, hoa rụng đầy, đỏ cả bến sông. Ông Tiến hen ra vườn cuốc đất lên luống còn cô tôi gánh nước trồng rau. Tôi lùa trâu ra bến sông, chạy khắp đồng thả cho cánh diều bay cao vi vút. Không còn thấy dáng cô tôi bần thần bên gốc hoa gạo đỏ, hướng mắt về chốn xa xăm.

Truyện ngắn: NÔNG QUANG KHIÊM

Tin cùng chuyên mục