Đối với người Dao Thanh Y, Rằm tháng Giêng là ngày có ý nghĩa rất quan trọng bởi vậy nó được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Người Dao coi Rằm tháng Giêng là ngày tốt nhất để làm lễ cúng mát nhà, cầu cho cả một năm an yên, may mắn. Nên ngay sau Tết nguyên đán, người Dao Thanh Y đã chuẩn bị lễ vật cho ngày Rằm tháng Giêng. Thường thì người Dao Thanh Y đã ăn Rằm tháng Giêng từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong ngôi nhà của ông Trương Văn Phúc, người Dao Thanh Y thôn Phai Đá, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) đã chuẩn bị sẵn một mâm lễ cúng gia tiên. Ngoài lễ vật là gà, lợn, gia chủ còn chuẩn bị thêm bánh mật được gói bằng lá ngõa, ốc, tép, lá nhãn, lá rau cải đã luộc trần qua. Thầy cúng sẽ làm lễ cúng cho gia chủ để xua đuổi những điều không may mắn và gọi mời những điều may mắn đến với gia chủ trong năm mới. Sau lễ cúng, những lá bùa may mắn bằng giấy đỏ sẽ được dán ở các góc nhà, treo ở chuồng lợn, chuồng gà… của người Dao Thanh Y để cầu may mắn. Lúc này trên bàn thờ gia tiên của người Dao Thanh Y cũng sẽ dán giấy đỏ để mời tổ tiên về ăn Rằm tháng Giêng, phù hộ cho con cháu có cuộc sống đủ đầy trong năm. Ông Trương Văn Phúc chia sẻ: “Trong ngày Rằm tháng Giêng, gia đình tôi sẽ làm vài mâm cơm để mời con cháu, họ hàng, bạn bè thân thiết đến chung vui với gia đình. Đây là phong tục mà năm nào gia đình tôi cũng duy trì”.
Múa hát tập thể của người Mông xã Khâu Tinh (Na Hang).
Trong ngày Rằm tháng Giêng, người dân tộc Tày cũng có nhiều phong tục đẹp. Đối với người Tày, Rằm tháng Giêng được coi là cái Tết thứ hai chỉ sau Tết nguyên đán, bởi vậy người Tày cũng gói bánh chưng Tày, bánh chưng vuông; tổ chức chơi các trò chơi dân gian như đánh yến, đánh pam, tung còn. Trong Tết nguyên đán, nếu người Tày chưa đến thăm hỏi được người thân là anh em, bạn bè thì trong ngày Rằm tháng Giêng, người Tày sẽ tiếp tục đến chơi nhà anh em, bạn bè mà trong những ngày Tết nguyên đán chưa thể đến chơi được. Chị Chẩu Thị Thêm, dân tộc Tày, thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) cho biết, người Tày bắt đầu ăn Rằm tháng giêng từ ngày 14 tháng Giêng. Gia đình chị Thêm cũng chuẩn bị gà, thịt lợn, lá dong để gói bánh chưng, gạo nếp để đồ xôi đỗ. Vào ngày Rằm tháng Giêng, gia đình chị cũng chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để dâng cúng tổ tiên, cầu cho năm mới bình an, may mắn đến với gia đình chị, sau đó mời anh em trong gia đình, hàng xóm láng giềng đến cùng ăn bữa cơm ngày Rằm.
Còn đối với người dân tộc Sán Dìu, ngày Rằm tháng Giêng được tổ chức trang trọng và chu đáo như ngày Tết nguyên đán. Nghệ nhân ưu tú Lục Văn Bảy, thôn Ninh Phú, xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết, trong ngày Rằm tháng Giêng, người Sán Dìu cũng chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, gói bánh chưng, mổ lợn đụng, tổ chức hát giao duyên. Trong ngày này, người Sán Dìu thường làm lễ cầu an, lễ tạ thổ để cầu cho một năm nhà cửa yên ấm, mùa màng tốt tươi, nhà nhà ấm no, sum vầy. Bởi vậy, Rằm tháng Giêng với người Sán Dìu cũng được coi như Tết.
Người Tày chơi đánh pam trong ngày Rằm tháng Giêng.
Có mặt tại những ngôi nhà của người dân tộc Cao Lan thôn Yên Thái, xã Hoàng Khai (Yên Sơn), chúng tôi cảm nhận rõ không khí vui tươi của ngày Rằm tháng Giêng trong dịp đầu năm mới. Nhiều nhà người Cao Lan ở thôn Yên Thái, xã Hoàng Khai đã ngâm gạo bao thai từ chục ngày trước để làm bún theo phương thức thủ công, làm bánh chưng gù vào ngày Rằm tháng Giêng. Trong mâm cơm cúng gia tiên của người Cao Lan ngày Rằm tháng Giêng không thể thiếu món bánh chưng gù và bún truyền thống. Người Cao Lan quan niệm, đây là hai món ăn được làm từ gạo nhằm tri ân tổ tiên trong một năm qua đã phù hộ cho mùa vụ tươi tốt, đồng thời gửi gắm ước vọng trong năm mới. Trong đêm Rằm tháng Giêng sau khi cúng mâm cơm lên tổ tiên và hạ lễ, gia chủ người Cao Lan sẽ rửa sạch tay bằng nước lá bưởi thơm ngào ngạt để dâng trà, dâng trầu, cau, dâng hương lên bàn thờ tổ tiên. Theo chị Hoàng Thị Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ gìn giữ tiếng nói và trang phục dân tộc Cao Lan xã Hoàng Khai, từ bao đời nay, phong tục làm cơm cúng tổ tiên, nấu nước lá bưởi thơm để dâng trà, dâng trầu, cau, dâng hương lên bàn thờ gia tiên trong đêm Rằm tháng Giêng đã trở thành nét đẹp truyền thống của gia đình chị cũng như nhiều gia đình người Cao Lan ở đây. Phong tục này không chỉ thể hiện tấm lòng biết ơn đối với tổ tiên mà còn giáo dục con cháu luôn thành kính với ông bà, cha mẹ, người đã khuất trong gia đình.
Đối với người Mông, Rằm tháng Giêng cũng rất quan trọng. Người Mông sẽ đi du xuân từ Tết nguyên đán đến hết Rằm tháng Giêng. Người Mông coi Rằm tháng Giêng là dịp để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, thăm hỏi anh em, dòng họ và động viên nhau chăm chỉ làm lụng trong năm mới. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khâu Tinh (Na Hang) chia sẻ, xã có 51% dân số là dân tộc Mông sinh sống nên những phong tục đẹp của người Mông ở các thôn trong ngày Rằm tháng Giêng đến nay vẫn còn được lưu giữ. Người Mông bắt đầu tổ chức lễ ngày Rằm tháng Giêng bắt đầu từ ngày 8 tháng Giêng đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong ngày Rằm tháng Giêng, người Mông thường tổ chức thi ẩm thực, thi thổi khèn Mông, hát giao duyên. Bên cạnh đó người Mông cũng tổ chức gói bánh chưng, mổ lợn đụng để làm mâm cơm dâng tổ tiên…
Dẫu nhịp sống hiện đại làm cho cuộc sống trở nên hối hả song đến với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chúng ta vẫn cảm nhận rất rõ những nét đẹp văn hóa và ước vọng đầu năm mới của mỗi dân tộc được gửi gắm vào phong tục trong ngày Rằm tháng Giêng.
Gửi phản hồi
In bài viết