Quan niệm về Tết Rằm tháng Giêng
Đối với người Việt từ xưa đến nay vẫn là đất nước nông nghiệp “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Mọi vận hành của thời vụ, mùa màng đều theo nông lịch, tức lịch âm, tính theo sự vận hành của mặt trăng. Cúng Rằm, cúng mặt trăng thể hiện văn hóa tín ngưỡng có thể bắt nguồn từ mùa màng, việc đồng áng. Ông Vũ Văn Vìn, thầy cả cúng tại Lễ hội Lồng Tông Chiêm Hóa năm 2024 cho biết, sau Tết Nguyên đán, công việc cày bừa cho vụ chiêm xuân sẽ bắt đầu. Đối với người Tày phải tổ chức lễ hội Lồng Tông, cúng Thần Nông cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ hội Lồng Tông các gia đình tiếp tục tổ chức cúng Tết Nguyên tiêu để báo cáo, tỏ lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ đã chỉ đường dẫn lối, che trở, phù hộ cho gia chủ.
Phật tử đi lễ chùa An Vinh, thành phố Tuyên Quang vào ngày Rằm tháng Giêng.
Theo nhà Phật, Rằm tháng Giêng trùng với lễ Thượng Nguyên nên là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm. Tất cả may mắn trong năm đều ở ngày Vía Phật. Đến ngày này, mọi người thường đi chùa phóng sinh, làm nhiều việc thiện, cúng dường, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Bà Lê Thị Hường, một phật tử ở phường Tân Quang cho biết, đến Tết Nguyên tiêu bà thường thành tâm dâng lễ cầu Kinh, niệm Phật, hướng về Tam Bảo. Theo bà những ngày này hơn 30 ngôi chùa ở xứ Tuyên đều đông phật tử đến cúng lễ, cầu cho một năm hanh thông, hướng về những điều thiện, phước lành. Theo quan niệm nhà Phật, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, cả năm bình an, may mắn.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Phi Khanh - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Tuyên Quang cho rằng, Nho học xưa coi trọng việc cúng Tết Nguyên tiêu. Nhân dịp trăng sáng đầu năm, nhà vua cho mở đại tiệc tại vườn thượng uyển, triệu các vị trạng nguyên đến dự hội, ngắm cảnh, xem hoa, làm thơ xướng họa, ca ngợi các vẻ đẹp thiên nhiên và ân đức nhà vua đã đem lại thái bình thịnh trị. Từ đó về sau lễ hội Tết Nguyên tiêu đã được lưu truyền rộng rãi trong dân. Từ đó đến nay cứ vào Tết Nguyên tiêu, Ngày Thơ Việt Nam lại được tổ chức ở các nơi. Năm nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang tổ chức Ngày thơ “Bản hòa âm đất nước” vào ngày 13 tháng Giêng tại Trường Đại học Tân Trào.
Đi lễ Rằm tháng Giêng.
Duy trì nét đẹp, tránh mê tín
Ở Tuyên Quang đối với mỗi gia đình ở dân tộc nào cũng vậy, vào Rằm tháng Giêng đều tổ chức mâm cúng trước bàn thờ tổ tiên. Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán mà mỗi gia đình có mâm cỗ cúng khác nhau. Nhưng tựu trung lại đều thể hiện tấm lòng biết ơn các vị thần, tấm lòng thành kính đối ông bà, tổ tiên. Mâm cúng Rằm tháng Giêng thường có 2 loại, mâm cúng mặn và mâm cúng chay. Mâm cúng mặn thường gồm những thứ chính như thịt gà trống, chân giò lợn, giò lụa, xôi giấc, hoa, quả, tiền vàng, rượu. Mâm cúng chay cho những người theo đạo Phật như trái cây, xôi chè, các món đậu, bánh trôi nước. Có hai hình thức cúng, cúng trong nhà dâng lên tổ tiên, dòng họ; cúng ngoài trời dâng lên trời đất, thần linh. Nếu dân tộc Sán Dìu cúng phải có đĩa xôi đen, thì dân tộc Tày, Dao không thể thiếu chiếc bánh chưng, dân tộc Kinh thì thường có đĩa bánh trôi, dân tộc Mông phải có những chiếc bánh dày…
Cúng Rằm tháng Giêng kết hợp cúng mát nhà, giải hạn của người Dao Đỏ Lâm Bình.
Thượng tọa Thích Thanh Phúc, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh cho biết, cúng Rằm tháng Giêng với Đạo Phật cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, tinh thần có nào cúng vậy. Quan trọng nhất các gia chủ phải thành tâm, coi việc cúng là tỏ lòng biết ơn chư Phật hay tổ tiên. Qua việc cúng giáo dục truyền thống cho gia đình, dòng họ. Việc ăn ở phải đoàn kết, kính trên, nhường dưới, thân ái, thương yêu, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Làm việc lấy công tâm, hướng thiện làm chuẩn đạo đức.
Đối với một số dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, Rằm tháng Giêng là dịp tốt để các hộ cúng mát nhà, cầu chúc cho sức khỏe, no ấm, hạnh phúc. Người Tày thường đón ông Then, bà Then về làm lễ cúng mát nhà tại gia. Nghi lễ có vẩy nước thơm, khai quang, xua đuổi tà khí, mong sự hanh thông.
Nhiều người cho rằng, cúng Rằm tháng Giêng liên quan đến nông lịch, mùa vụ, đồng áng.
Tuy nhiên hiện nay do trình độ dân trí thấp, việc cúng Rằm tháng Giêng có nơi hiểu sai, làm chưa đúng, biến tướng, gây lãng phí. Ngoài Tết Nguyên đán đã làm quá to, nhiều nơi còn có suy nghĩ phải cúng Rằm tháng Giêng thật to. Việc mổ trâu, bò, ngựa, dê, lợn, gia cầm nhiều, ăn uống tụ tập rình rang theo quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi, cũng làm cho công việc đầu năm bị chững lại. Nhiều gia đình tổ chức đi xem bói, cúng giải hạn, cúng nhiều mâm, nhiều ngày. Hình thức cúng bái mê tín dị đoan xuất hiện, gây hệ lụy không tốt, nhất là với giới trẻ. Làm cho cúng Rằm tháng Giêng bị lệch chuẩn, tinh thần tự lực, tự cường vượt khó, tu dưỡng đạo đức, hướng thiện bị ảnh hưởng.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là cần thiết, phải làm, nên làm. Qua việc làm đó để mỗi cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng thấm nhuần lời dăn dạy của tổ tiên, để truyền dạy cho thế hệ sau về nết ăn, nết ở, lòng biết ơn. Từ đó nỗ lực phấn đấu đưa cuộc sống tốt đẹp hơn, văn minh hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết