Nơi chở che cách mạng

- 79 năm đã trôi qua nhưng bài học về phát huy, quy tụ sức mạnh của Nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị. Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối lãnh đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời cũng là bài học to lớn lấy Dân làm gốc, “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

Với lòng yêu nước nồng nàn, quân và dân Tuyên Quang - Thủ đô Khu Giải phóng đã sát cánh cùng Đảng góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám.

Làng Văn hóa Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) hôm nay.  Ảnh: Quốc Việt

Bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ và cán bộ cách mạng

Tuyên Quang là địa phương sớm xây dựng được cơ sở chính trị vững mạnh. Đêm 10-3-1945, cuộc Khởi nghĩa Thanh La thắng lợi, đây là cuộc khởi nghĩa cấp xã giành thắng lợi sớm nhất nước. Thừa thắng, quân khởi nghĩa tiến đánh đồn Đăng Châu. Ngày 14-3-1945, Đồn Đăng Châu của địch bị hạ. Ngày 16-3-1945, châu Tự Do và Ủy ban cách mạng lâm thời Châu Tự Do được thành lập. Đây là chính quyền cấp châu đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang cũng là của cả nước, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở tỉnh Tuyên Quang. Châu Tự Do ra đời (bao gồm phần lớn vùng thượng huyện Sơn Dương) nhanh chóng trở thành căn cứ, trung tâm lãnh đạo quá trình khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh và các vùng phụ cận. Từ đây, Cứu quốc quân và các đội tự vệ chia thành nhiều mũi tỏa đi các hướng hỗ trợ, lãnh đạo Nhân dân nổi dậy giành chính quyền, mở rộng vùng giải phóng. Căn cứ địa cách mạng ở Tuyên Quang được xây dựng vững chắc, đáp ứng các điều kiện để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng chọn làm nơi đặt đại bản doanh lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng Tám  năm 1945.

Trong điều kiện chuẩn bị khởi nghĩa, khó khăn, thiếu thốn trăm bề, mọi thứ đều phải dựa vào sự giúp đỡ của Nhân dân, Ủy ban nhân dân lâm thời các châu Tự Do, Kháng Địch, Hồng Thái động viên toàn dân ủng hộ hàng chục tấn thóc, gạo nuôi quân. Trước yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm cho Khu Giải phóng, Ủy ban nhân dân lâm thời các châu huy động Nhân dân vận chuyển hết số thóc, gạo lấy được của Nhật - Pháp hiện còn lại ở các kho trong vùng giải phóng đưa về Tân Trào; đồng thời tiếp tục mở rộng cuộc vận động quyên góp trong toàn dân. Tính đến đầu tháng 8-1945, Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã ủng hộ và chuyển đến Tân Trào hơn 100 tấn lương thực, thực phẩm gồm: thóc, gạo, ngô, trâu, bò, lợn, gà, vịt, rau, củ, quả và hàng tấn muối. Cùng với đó, Nhân dân còn ủng hộ ngày công, gỗ, tre, vầu, lá cọ để làm lán trại, nhà ở cho các cơ quan Trung ương.

Du khách tham quan Di tích lịch sử lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Ảnh: Quang Lê

Với vị thế là Thủ đô Khu Giải phóng, quân và dân Tuyên Quang đã bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ, cán bộ cách mạng và các cơ quan Trung ương. Từ tháng 5 năm 1945 đến khi kết thúc Đại hội Quốc dân (17-8-1945), Ủy ban nhân dân lâm thời các cấp trong khu căn cứ cách mạng Tân Trào còn nhiệm vụ bố trí lực lượng vũ trang địa phương tăng cường tuần tra canh gác và kiểm soát nghiêm ngặt mọi ngả đường, không để kẻ gian lọt vào khu căn cứ; đồng thời sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan đầu não của Trung ương, bảo vệ cán bộ tham dự Hội nghị thành lập Khu giải phóng; Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân Tân Trào.

Trong những ngày tháng Tám lịch sử này, chúng tôi tìm về ngôi nhà sàn đơn sơ của cụ Nguyễn Tiến Sự - Di tích lịch sử nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ ngày 21-5 đến cuối tháng 5-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa. Ông Nguyễn Văn Bế, cháu nội của cụ Nguyễn Tiến Sự nhớ lại: “Khi ông tôi còn sống, tôi vẫn được nghe ông nội kể về Bác Hồ. Khi Bác Hồ tới nhà tôi, ông nội tôi không hề biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chỉ được biết là cán bộ ở trên về công tác. Sau đó có đông bộ đội về làng, ông nội tôi khi đó là Chủ nhiệm Việt Minh đã huy động dân làng ai có thóc ủng hộ thóc, ai có gạo ủng hộ gạo để nấu cơm cho cán bộ và bộ đội ăn. Ông nội tôi và bà con trong làng còn cắt cử nhau canh gác, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Bác và cán bộ. Mãi sau này khi Bác rời lên lán Nà Nưa ở, ông nội tôi mới biết đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Tuyên Quang trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh” được tổ chức tại Tuyên Quang năm 2020, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Vùng đất Tuyên Quang có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã có những đóng góp xứng đáng trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm của dân tộc ta”.

“Lấy Dân làm gốc” - Bài học vẹn nguyên giá trị

Bài học sâu sắc về đại đoàn kết toàn dân của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang kế thừa, phát huy trong thời kỳ mới, nhằm xây dựng tỉnh Tuyên Quang từ một tỉnh kém phát triển đang phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc”.

Tuyên Quang có cách làm sáng tạo nhằm xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết  giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành các quy định về trách nhiệm của các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh dự sinh hoạt với chi bộ khu dân cư và khu dân cư nơi cư trú; về trách nhiệm của cấp ủy viên và cán bộ, công chức cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của cấp ủy các cấp trong việc dự sinh hoạt chi bộ. Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 02-ĐA/TU về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và chủ trương vận động đảng viên, cán bộ, công chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tham gia các hoạt động với Nhân dân tại cơ sở - “ba cùng” với Nhân dân. Đến nay, đã có hàng nghìn lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cấp tỉnh, huyện, xã tham gia các hoạt động “ba cùng” thiết thực với Nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.

Du khách tham quan Đình Tân Trào - Nơi diễn ra Quốc dân Đại hội Tân Trào. Ảnh: Quang Hòa

Các cấp ủy, tổ chức Đảng trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo công tác tiếp công dân, thực hiện tốt công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Nhân dân để lắng nghe và kịp thời giải quyết những kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Đảng bộ tỉnh đã chú trọng lãnh đạo phát huy sức mạnh đại đoàn kết, thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng trong triển khai các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư xây dựng các công trình, hạ tầng. Các nghị quyết, đề án của BCH Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh được ban hành đều xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cuộc sống và đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân.

Từ đó đã khơi dậy sự đồng thuận cao của Nhân dân trong thực hiện các nghị quyết của Đảng, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả ấn tượng, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm của tỉnh đạt 7,46%, xếp thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 8,84% so với cùng kỳ năm 2023, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố, xếp thứ 2/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, các chỉ tiêu như giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, tổng thu từ du lịch đều tăng so với cùng kỳ. Hạ tầng giao thông, đô thị được quan tâm đầu tư nhằm tăng cường kết nối liên tỉnh, liên vùng, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của Nhân dân như Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, trục đường phát triển đô thị từ thành phố  Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn, khu nghỉ dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm… Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 18,9% năm 2022 xuống còn 14,03% năm 2023 (theo tiêu chí mới).

Dựa vào Nhân dân và phát huy sức mạnh của Nhân dân là bài học to lớn trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay vẫn còn nguyên giá trị để Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang xây dựng tỉnh ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với vị thế Thủ đô Khu Giải phóng trong Cách mạng Tháng Tám và cả trong thời kỳ xây dựng và phát triển hôm nay.

Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục