Quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị

- Đêm 20-8, tại ngã 3 đường Chiến thắng Sông Lô (Khách sạn Lô Giang cũ), một người dân đã bị cành cây gãy rơi vào người gây bất tỉnh. Rất may, nạn nhân chỉ bị thương nhẹ.

Theo dự báo của chuyên gia khí tượng, La Nina xuất hiện từ đầu tháng 9 có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, đặc biệt trong giai đoạn cuối năm. Điều này không chỉ gây áp lực đối với việc phòng chống thiên tai, mà dự báo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến an toàn hệ thống cây xanh đô thị.

Tai nạn từ trên trời

Tai nạn đáng tiếc xảy ra khoảng 7h ngày 9-8 trong khuôn viên công viên Tao Đàn - nơi người dân thường tập thể dục buổi sáng.
Nhánh cây bị gãy rơi xuống khiến hai người chết và ba người bị thương là cây dầu phân loại 3 (cây có kích thước lớn) rơi từ độ cao khoảng 25 m, chu vi nhánh khoảng 1,2 m, dài khoảng 10 m. Có điểm chung các nạn nhân đều là người cao tuổi, từ 62 đến 70 tuổi, cùng ngụ tại quận 1. Trong ba người bị thương có hai người bị lún hộp sọ và gãy trật cột sống.


Cây xanh đổ trên đường Nguyễn Trãi trong đợt mưa lớn vào tháng 5-2024.

Đây không phải là vụ tai nạn hiếm gặp ở các đô thị hiện nay. Mỗi mùa mưa bão, những thông tin về tình trạng cây xanh gãy đổ bất ngờ, ảnh hưởng đến giao thông, an toàn về người và tài sản của người dân.

Ngay ở Tuyên Quang, cách đây 4 năm (2018), một cành cây lớn rơi trúng người đi đường tại xã Đức Ninh (Hàm Yên) cũng khiến 2 vợ chồng thương vong. Theo báo cáo, đây là cây keo đã mục nát từ trước.

Những vụ việc cây xanh gãy đổ, ảnh hưởng đến việc giao thông đi lại cũng xảy ra thường xuyên mỗi mùa mưa bão. Theo báo cáo của Công ty cổ phần Dịch vụ quản lý môi trường và đô thị Tuyên Quang - đơn vị thực hiện chức năng quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị khu vực thành phố Tuyên Quang, chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã có 11 cây xanh gãy đổ.

Nguyên nhân gãy đổ, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và quản lý đô thị, tình trạng cây xanh gãy đổ chủ yếu là do yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường, mưa dông với cường độ rất mạnh đã giật gãy, đổ nhiều cây, kể cả những cây có đường kính lớn, lâu năm và cả những cây có cọc chống chắc chắn.

Ông Nguyễn Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng: Trong thực tế tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng không bền vững do nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hạn chế không đồng bộ, thời gian thực hiện quy hoạch bị kéo dài, việc thực hiện quy chế quản lý đô thị của các cấp chính quyền chưa được thường xuyên, liên tục các công trình xây dựng có xu hướng nới rộng ban công để tăng diện tích, vỉa hè bị thu hẹp để mở rộng đường do vậy không gian dinh dưỡng cho cây xanh phát triển tự do đang dần bị thu hẹp lại. Cây trồng có xu hướng bị nghiêng ra ngoài, đồng thời cũng gây mất cân đối giữa chiều cao và đường kính tán cây. Thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, khiến cây xanh đô thị dễ bị đổ gãy khi gặp thời tiết cực đoan như mưa dông lớn do ảnh hưởng đến bộ rễ cây.

Làm gì để bảo vệ cây xanh đô thị?

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy, đổ trong mùa mưa bão, các đơn vị chức năng đã khẩn trương, quyết liệt thực hiện các phương án bảo vệ cây xanh đô thị.

Thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) hiện quản lý gần 1.000 cây xanh đô thị. Trong đó, nhiều tuyến phố mới, sau khi có chủ trương nâng cấp, cải tạo tô toa, vỉa hè đã thực hiện trồng mới, thay thế đồng bộ cây xanh, đảm bảo mỹ quan đô thị. Trong đó tập trung vào 2 loại cây trồng chính là bàng Đài Loan và cây vàng anh. Một số ít tuyến đường trồng cây sao đen.

Ngay khi Huyện ủy Hàm Yên có chỉ thị về chăm sóc cây xanh đô thị, thị trấn Tân Yên giao về các tổ dân phố thực hiện việc chăm sóc, rà soát cây xanh đô thị, khi phát  hiện có vấn đề báo cáo ngay chính quyền và cơ quan chức năng để xử lý. Địa phương này hiện đang phối hợp với Công ty Môi trường đô thị Hàm Yên và Công ty Điện lực Hàm Yên thực hiện nhiệm vụ cắt tỉa, hạ thấp tầng cây xanh.


Hàng cây xanh cổ thụ khu vực đường Xuân Hòa, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang)
cần được đánh giá tổng thể về “sức khỏe” để có phương án quản lý bảo vệ phù hợp.

Khu vực thành phố Tuyên Quang là địa phương có số lượng cây xanh đô thị lớn nhất tỉnh, gần 5.000 cây. Thời gian qua, việc quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị được thành phố Tuyên Quang hợp đồng với Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và quản lý đô thị thực hiện, bao gồm cả việc cắt tỉa, hạ tán và chặt bỏ cây đã chết, cây có nguy cơ gãy đổ cao.

Trong đó, riêng mùa mưa năm nay, thành phố Tuyên Quang chặt hạ 21 cây xanh đô thị đã chết và cây xanh có nguy cơ đổ gãy cao; chặt tỉa cành, cắt ngọn hạ độ cao 220 cây. Các cây này đều đã được chính quyền các địa phương rà soát, kiểm tra, đánh giá.
Chặt tỉa cành, cắt ngọn hạ độ cao là giải pháp khắc phục, hạn chế. Về lâu dài, việc quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị cần sự vào cuộc quyết liệt hơn từ chính quyền địa phương.

Để quản lý cây xanh đô thị, ngày 20/12/2005, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 20/2005/TT-BXD quy định: cấm tự ý chặt hạ, di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây. Không được tự ý xây bục, bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép... trên thân cây.
Việc quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị cũng đã được UBND tỉnh quy định từ năm 2012, theo Quyết định số 09/2012/QĐ-UBND. Theo Quyết định này, cây xanh đô thị phải thường xuyên được kiểm tra và bảo vệ nghiêm ngặt, nhất là đối với những loại cây cần bảo tồn, cây quý hiếm, cây cổ thụ. Mọi tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo vệ cây xanh đô thị, kịp thời phát hiện tình trạng nguy hiểm của cây; tố giác tổ chức, cá nhân có hành vi phá hoại, khai thác, dịch chuyển cây xanh trái pháp luật cho chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cây xanh đô thị biết để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định. Quyết định này cũng nêu rõ: Đơn vị quản lý cây xanh theo phân cấp trách nhiệm quản lý và hợp đồng, không để cây xanh bị xâm hại…

Thế nhưng, trên thực tế, không khó để nhận thấy việc cây xanh đô thị bị xâm hại, “bức tử”. Từ việc tận dụng đóng đinh, đẽo gọt, treo biển quảng cáo, đèn Led, đèn trang trí, đến việc chiếm dụng làm nơi buôn bán, đổ rác thải…

Theo lãnh đạo UBND phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang), đối với những cây xanh gần hàng quán, nhà hàng UBND phường thường xuyên tuyên truyền Nhân dân, các hộ kinh doanh bảo vệ cây xanh và phát huy sức mạnh cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường không để người dân đóng đinh, cuốn dây thép làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cây; UBND phường tăng cường công tác kiểm tra các trường hợp cây xanh nên các trường hợp chặt cây, tỉa cành không có giấy phép của UBND thành phố, UBND phường lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.

Tại TP.HCM, sau vụ việc cây xanh ở Công viên Tao Đàn gãy đổ gây thương vong nhiều  người, địa phương này đã trang  bị máy kiểm tra “khuyết tật” cây xanh. Đây là một thiết bị đo điện trở cơ học, được vận hành bằng động cơ khoan, một kim dài, mỏng được đưa vào khúc gỗ hoặc cây xanh có cấu trúc để biết được mật độ của nó, từ đó hình dung các khuyết tật của gỗ.

Tại Tuyên Quang, việc kiểm tra đánh giá “sức khỏe” cây xanh, mặc dù vẫn được các đơn vị chức năng phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện hàng năm, trước mùa mưa bão, nhưng việc đánh giá, kết luận chủ yếu vẫn dừng lại ở cảm quan, kinh nghiệm, chưa có bất kỳ phương tiện máy móc nào hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và quản lý đô thị cũng chia sẻ thêm, trước mắt, chưa có máy móc hỗ trợ, thì vẫn phải đánh giá bằng cảm quan và kinh nghiệm. Tuy nhiên để đảm bảo tuyệt đối an toàn, đơn vị cũng đề xuất, đối với những khu vực có hàng cây cổ thụ - như hàng xà cừ khu vực phường Minh Xuân cần có hỗ trợ máy móc chuyên dụng, đồng thời có sự phối hợp với các chuyên gia về lâm nghiệp để đánh giá chính xác. Vì đây là những cây có đường kính lớn, tán rộng, nếu đánh giá bằng mắt thường sẽ không chính xác, mà để xảy ra gãy đổ thì hậu quả rất khó lường.

Lựa chọn cơ cấu cây phù hợp

Ngoài giải pháp về chặt tỉa cành, cắt ngọn hạ độ cao, thì một trong những giải pháp mà giới chuyên môn đề cao chính là việc lựa chọn cơ cấu cây trồng phù hợp.

Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã trồng trên 1,6 triệu cây xanh phân tán - chủ yếu là cây xanh đô thị. Theo Sở Xây dựng, cơ cấu cây xanh đô thị thường do các địa phương chủ động lựa chọn, phù hợp với điều kiện của địa phương mình.

Công ty cổ phần Dịch vụ môi trường và quản lý đô thị hợp đồng với UBND thành phố Tuyên Quang quản lý, bảo vệ cây xanh đô thị.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Nguyễn Việt Hoàng cho rằng: Trong quy hoạch đô thị cần phải lựa chọn loại cây trồng và giải pháp thích hợp nhằm tạo được bản sắc địa phương, dân tộc và hiện đại, không xa lạ với tập quán địa phương. Lựa chọn cây trồng trên vỉa hè đường, các vườn hoa nhỏ, công viên phải đảm bảo sự sinh trưởng và phát triển không ảnh hưởng đến tầm nhìn các phương tiện giao thông. Những năm trước đây, chúng ta đã lựa chọn cây trồng trong đô thị không phù hợp thổ nhưỡng nên nhiều cây có tuổi thọ không cao, bố cục không phù hợp với quy hoạch được duyệt làm ảnh hưởng đến không gian, kiến trúc, cảnh quan, hạ tầng, kỹ thuật đô thị và môi trường sống của cộng đồng. Ngoài ra, cần phải chú trọng hơn nữa việc đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng và cảnh quan đô thị cũng như bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển an toàn, ổn định cho cây xanh đô thị.

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cũng khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn cây xanh đô thị, các địa phương cần ưu tiên lựa chọn những cây có bộ rễ khỏe, rễ cọc, tán cành dẻo dai, không nên lựa chọn trồng những cây có hoa tỏa mùi quá nồng nặc, không chọn những cây trồng có gai nhọn hoặc hoa có độc tố… vì dễ ảnh hưởng đến sức khỏe của người  dân.
Ông Khoa cũng đề xuất, việc lựa chọn cây xanh đô thị nên tính đến cây trồng có đặc trưng vùng miền. Điều này vừa góp phần phát triển du lịch, vừa định dạng bản sắc của địa phương trong mắt khách phương xa, như nhắc tới hoa phượng đỏ là nhắc tới Hải Phòng, hoa ban là nhớ tới Điện Biên vậy.

Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục