Lo đến bất đồng
Tết Nguyên đán không đơn thuần là dịp nghỉ ngơi sau một năm vất vả, mà đây còn là dịp để nhớ về cội nguồn, báo hiếu đấng sinh thành. Đây là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt và là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thế nhưng đối với các cặp vợ chồng, việc hiếu nghĩa hai bên nội - ngoại sao cho vẹn toàn lại không phải việc đơn giản. Bởi thế mà mỗi khi đến dịp giáp Tết vợ chồng bàn bạc chuyện quà biếu Tết nhà nội, nhà ngoại thế nào cho hợp lý hay Tết này cả gia đình sẽ về đâu. Từ đó mà xảy ra bất đồng, tranh luận.
Quây quần bên mẹ già ngày Tết.
Anh Nguyễn Văn Thắng (phường Minh Xuân, TP Tuyên Quang) tâm sự: “Quê mình ở Thái Bình còn vợ quê ở Cao Bằng. Mình là con một lại là trưởng họ nên ngày Tết nhà thường hay đông khách. Vợ mình thì bận nhất nhà, một tay mua bán, bếp núc phục vụ chu đáo khách khứa họ hàng đâu ra đấy. Mấy năm đầu vợ mình vui vẻ với chức phận “dâu hiền”. Nhưng vừa rồi cô ấy bảo rằng tủi thân và nhớ nhà, muốn về nhà bố mẹ ruột ăn Tết. Mình rất thương và hiểu vợ, nhưng trong chuyện này mình khó lòng thay đổi ý kiến. Là trưởng họ mà vắng mặt ngày Tết là điều rất khó xử với anh em họ hàng ở quê. Thế là vợ chồng mình lời qua tiếng lại, đến giờ vẫn chưa ngã ngũ ăn Tết ở đâu. Mấy ngày nay cả hai vợ chồng không ai nói với ai câu nào”.
Có lẽ đây cũng là tình trạng chung của nhiều cặp vợ chồng mỗi dịp Tết đến, nhất là với những gia đình có nhà nội và nhà ngoại ở xa nhau. Thực tế, đây là điều dễ hiểu bởi một năm có mấy ngày Tết, vợ hay chồng đều muốn sum vầy bên gia đình “ruột” của mình là chuyện bình thường. Quả thực nhu cầu về nhà ngoại ăn Tết của chị em phụ nữ là hoàn toàn chính đáng, nhưng ở hướng ngược lại, các ông chồng cũng không thể bỏ bê chuyện nhà nội.
Cần sự cảm thông, chia sẻ
Ăn Tết quê nội hay quê ngoại là lựa chọn không hề dễ dàng với các cặp vợ chồng. Để có được cái Tết suôn sẻ, hạnh phúc, các thành viên trong gia đình nên giảm đi nhũng đòi hỏi, kỳ vọng về trách nhiệm của nhau, thay vì đó hãy bao dung, thấu hiểu nhau hơn.
Anh Trịnh Văn Cường (phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) tâm sự: Cả hai vợ chồng mình đều xa quê, quê mình thì ở Thanh Hóa còn vợ thì ở Hải Phòng. Thời gian đầu lên Tuyên Quang làm ăn còn khó khăn lại con nhỏ nên cả hai cùng đồng thuận xin phép cha mẹ hai bên ở lại không về ăn Tết cùng gia đình. Nhìn cảnh các gia đình trong xóm sum vầy ngày Tết mà mình tủi thân lắm. Mấy năm gần đây bố mình mất, nhà chỉ còn mẹ già nên Tết đến cả gia đình về quê nội ăn Tết, thành thử lấy nhau đến gần chục năm nay nhưng chưa năm nào cả gia đình về ngoại ăn Tết, mình biết vợ buồn nhưng vì hoàn cảnh gia đình còn mẹ già neo đơn nên cũng không có cách nào khác.
Gia đình trẻ đi sắm Tết.
Năm vừa rồi mẹ mình gọi điện bảo, thôi năm nay các con về ngoại ăn Tết, ông bà ngoại chắc cũng mong ngóng nhiều. Các con về ngoại thì mẹ đỡ áy náy. Được mẹ cho phép nên vợ chồng mình về Hải Phòng ăn Tết cùng bên ngoại. Lúc đón giao thừa mình chả thấy vợ đâu, tìm quanh một hồi thì thấy vợ ở dưới bếp ngồi khóc vì thương mẹ chồng một mình đón Tết. Sớm Mùng 2 Tết ông bà ngoại đã bảo: “Thôi hai vợ chồng với cháu năm nay về với bố mẹ thế này là mừng rồi. Bố mẹ đặt sẵn xe rồi, mau thu xếp về với bà nội đi. Để bà ở một mình ngày Tết bà tủi thân lắm”. Vậy là cả nhà ngày Tết mà nước mắt ngắn nước mắt dài chia tay nhau.
Năm nay, kinh tế khá hơn; có cao tốc mới, giao thông đi lại cũng thuận tiện hơn hai vợ chồng mình bàn sẽ đón Tết ở nhà nội đến Mùng 3 rồi về ngoại đến Mùng 5, chắc chắn Tết nay sẽ vui hơn.
Xóa dần định kiến
Không chỉ chuyện đón Tết ở đâu, ngay cả chuyện quà biếu Tết nội - ngoại như nào cũng khiến nhiều gia đình bất đồng, lục đục. Trên các diễn đàn, nhiều nàng dâu trẻ cũng đã trưng cầu ý kiến của bạn bè về việc tặng quà, biếu tiền Tết nhà chồng, nhà vợ như thế nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, tiền biếu Tết cho nội hay ngoại nhiều hay ít tùy thuộc vào thu nhập của hai vợ chồng. Tuy nhiên, biếu bên nội bao nhiêu thì bên ngoại cũng nên vậy. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, có nhiều biếu nhiều, có ít, biếu ít, cốt ở tấm lòng các con hướng về bố mẹ.
Xóa bỏ định kiến Tết phải ở nhà nội giúp chị em phụ nữ về ngoại đón Tết thoải mái du xuân.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, Tết đến xuân về, bên cạnh niềm vui năm mới là bao nỗi lo như: Dọn dẹp nhà cửa, công việc cơ quan, sắm sửa, đối nội đối ngoại… dễ khiến vợ chồng đau đầu. Nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, vật giá lên cao, để lo cái Tết tươm tất cũng tốn một khoản không hề nhỏ. Khi kinh tế không đảm bảo, vợ chồng rất dễ xảy ra mâu thuẫn. Điều quan trọng là cả hai khéo léo giải quyết, đừng để những lý do trên chi phối làm nảy sinh xung đột khiến Tết mất vui. Các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên cho các cặp vợ chồng trẻ, việc biếu Tết của mỗi gia đình là khác nhau, dựa vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mà cân đối. Tết là dịp vui sum vầy, là khoảng thời gian đẹp nhất sau một năm làm lụng vất vả. Vì vậy, các cặp vợ chồng chỉ cần khéo léo, tính toán hợp lý để cả hai bên gia đình cùng vui vẻ thì ngày Tết Nguyên Đán này sẽ trọn vẹn hơn.
Đạo lý truyền thống là bản lề hình thành nhân cách cho một cộng đồng, nhưng trên tinh thần kế thừa và tiếp thu cởi mở, có chọn lọc với ý chí tự nguyện và đồng thuận cao đẹp. Đạo lý truyền thống không phải là chiếc khung bó buộc khiến con người phải thực hiện những nghĩa vụ bắt nguồn từ suy đoán. Trước đây, quan niệm “lấy chồng phải theo chồng” nên không ít người chồng suy nghĩ Tết phải ở bên nhà nội còn bỏ mặc ông bà ngoại. Dẫu ông bà ngoại có buồn thì cũng chẳng dám trách bởi “con gái đã là con người ta”. Tuy nhiên bây giờ, quan niệm và cuộc sống cũng đã thay đổi, mọi người cần có những nhìn nhận khác.
Thiết nghĩ trước khi đưa ra quyết định, vợ chồng cần có sự bàn bạc, lên kế hoạch cho những ngày Tết từ trước. Đôi bên phải biết chia sẻ, thông cảm hoàn cảnh của mỗi bên, biết nhường nhịn, hy sinh vì niềm vui và hạnh phúc của nhau sẽ hóa giải được những khúc mắc. Để những ngày Tết thực sự “vui như Tết”, “Tết là nhất”, chứ không phải những tranh cãi, muộn phiền so đo.
Và quà Tết ý nghĩa nhất dành tặng mẹ cha chính là thời gian sum vầy, là lòng hiếu kính với cha mẹ, ông bà, tổ tiên hàng ngày, không chỉ riêng ngày Tết.
Gửi phản hồi
In bài viết