Xây dựng hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực con người Việt Nam

- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Vấn đề xây dựng hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam là một yêu cầu vừa cơ bản, vừa cấp bách để định hướng, đánh giá và điều chỉnh hành vi của xã hội, kết nối sức mạnh toàn dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Qua mỗi nhiệm kỳ, nhận thức của Đảng về xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã có những bước tiến, từ chỗ xác định nhiệm vụ “hình thành hệ giá trị mới” tới “hoàn thiện hệ giá trị mới”, và “đúc kết và xây dựng hệ giá trị chung đối với con người Việt Nam”. Yêu cầu đúc kết là, trong thực tiễn xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đã hiện diện những giá trị của con người Việt Nam, phải tổng kết, rút ra những giá trị chung nhất, cần thiết cho mỗi con người Việt Nam để các giá trị ấy thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, mùa xuân của đoàn viên, CNVC - LĐ tỉnh.

Với khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, Đại hội lần thứ XIII (năm 2021) của Đảng đã nhấn mạnh yêu cầu: “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, từng bước đưa văn hóa Việt Nam đến với thế giới”. Bước tiến mới trong tư duy của Đảng về vấn đề văn hóa, con người thể hiện ở việc bên cạnh các giá trị về nâng cao nhận thức, giáo dục con người, cố kết cộng đồng, bồi bổ tâm hồn, hoàn thiện nhân cách con người, đã nhấn mạnh đến giá trị kinh tế và sức mạnh mềm của văn hóa. Văn hóa được nhìn nhận là một nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế, một trụ cột của phát triển bền vững: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam... gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, giữ gìn tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau”.

Cũng tại Đại hội lần này, Đảng chỉ rõ yêu cầu xây dựng con người đang đặt ra cấp thiết, đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại... ngăn chặn có hiệu quả sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, đẩy lùi tiêu cực xã hội và các tệ nạn xã hội. Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam... xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý”.

Có thể thấy, văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường, trong đó các giá trị văn hóa là nền tảng để phát huy sức mạnh quốc gia, khai thác tiềm năng kinh tế, khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần phải quan tâm, thực hiện trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa, con người là: Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị, chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc.

Đây là sự khái quát, đúc kết, lý luận rất cô đọng, cụ thể về các hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam đã được Đảng ta đề cập trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Điều này có vai trò hết sức quan trọng trong việc định hướng, thống nhất tư duy, ý chí và hành động, tình cảm chung của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng chung của dân tộc đối với sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.

Để nhiệm vụ xây dựng hệ giá trị văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay, trước hết cần nhận thức sâu sắc, quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời phải coi việc xây dựng, phát triển văn hóa là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Mặt khác, quá trình tổ chức triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam cần thực hiện một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, đưa các hệ giá trị thấm sâu vào đời sống người dân, trở thành mục tiêu và động lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”,  xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh gắn với đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam trước bạn bè quốc tế.

TS. Giang Thị Huyền
(Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Tin cùng chuyên mục