Nét đẹp Tết quê

- Những ngày giáp Tết, về với các làng quê, cảm nhận được không khí Tết rộn ràng. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi, song nơi mỗi làng quê xứ Tuyên vẫn lưu giữ những giá trị truyền thống và cùng hy vọng, mong muốn về những điều tốt đẹp nhất mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Tết đủ đầy

Trước kia, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, để gia đình đón Tết được đủ đầy, đầm ấm và hạnh phúc, bà con ở quê phải lo Tết trước nhiều tháng. Bà La Thị Xả, xã Thượng Giáp (Na Hang) chia sẻ, ngày trước nghèo khó, để có cái Tết đủ đầy, trước Tết vài tháng, bà đã nuôi gà, nuôi lợn, chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh… 3 ngày Tết, chỉ mong mâm cơm có đủ những món ăn truyền thống, như: Bánh chưng xanh, con gà trống thiến, đĩa giò, bát canh măng, đĩa dưa hành… để cúng gia tiên, thết đãi khách quý tới nhà chúc Tết.

Giờ thì khác, kinh tế phát triển, đời sống người dân trong thôn bà được nâng lên. “Tết đến Xuân về, bà giờ không còn phải lo nhiều đến chuyện chuẩn bị thực phẩm như trước kia nữa. Đời sống vật chất được nâng lên, Tết đến, không chỉ lo sao cho gia đình có những bữa ăn ngon, nhiều nhà có điều kiện còn lo đi chơi Tết sao cho thật vui, thật gắn bó và ý nghĩa” - bà Xả bảo.

Các chàng trai dân tộc Mông, xã Xuân Lập (Lâm Bình) múa khèn dịp đầu xuân.

Ở làng quê vào những ngày cuối năm là không khí sôi nổi, nhộn nhịp khác với thường ngày. Biết bao người con xa quê, đi khắp nơi làm ăn, sinh sống vội vã trở về quê ăn tết cùng gia đình. Tay xách, vai mang, gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi thăm đủ thứ chuyện; khuôn mặt bừng lên niềm vui đoàn tụ, sum họp; đường làng cũng nhộn nhịp hẳn lên.

Vợ chồng anh Lý Đình Điện, xã Hùng Đức (Hàm Yên) làm kinh doanh tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, mấy năm trước, do dịch bệnh phức tạp, kinh tế khó khăn nên không về quê được. Năm nay, làm ăn khấm khá, anh Điện tranh thủ sắp xếp công việc, anh đưa vợ con về ăn Tết cùng gia đình. Anh Điện tâm sự: “Không nơi nào bằng quê hương mình. Tết được về quê, ăn tết với gia đình hạnh phúc nhất”. Vợ anh quê Bình Định nên khi về quê chồng ăn Tết cũng không khỏi lo lắng. Chị cẩn thận trong việc mua sắm mọi thứ đem về quê. Ngoài quần áo và một số thực phẩm không thể thiếu cho gia đình, chị còn chuẩn bị quà cho bà con họ hàng và những lễ vật đem về thăm mộ, cúng viếng ông bà tổ tiên. Cũng không có gì nhiều nhưng cái gì cũng phải đầy đủ, tươm tất.

Từ ngày hai mươi ba tháng Chạp, không khí chuẩn bị Tết nhộn nhịp khắp làng trên xóm dưới trên vùng quê xứ Tuyên. Đi tới đâu cũng nghe rộn rã tiếng hỏi chào thân tình và cởi mở: Nhà bác lo Tết đến đâu rồi? Nhà anh năm nay có đụng lợn không? Nhà bà đã muối dưa hành chưa?

Những ngày giáp Tết, ở khắp các bản làng, từ sáng sớm, các chú, các bác đã hối nhau “đụng” lợn để kịp gói giò, gói bánh. Tại thôn Cầu Quất, xã Tú Thịnh (Sơn Dương), vào ngày 28, 29 tết, khoảng 4 đến 5 gia đình chung nhau “đụng” một con lợn để ăn tết.

Năm nào cũng vậy, vào ngày 28 tháng Chạp, gia đình ông Nguyễn Văn Thế lại tất bật “đụng” lợn. Ông Thế bảo, ở đây có tục ăn đụng thịt lợn vào ngày Tết từ nhiều thế hệ trước. Mổ lợn đụng, không những mua thịt tiết kiệm với giá thấp hơn thị trường, mà còn yên tâm khi ăn miếng thịt lợn sạch do mình nuôi lấy. Bữa trưa hôm mổ lợn, các gia đình thưởng thức bữa lòng tươi sốt. Người lớn, trẻ nhỏ đều quây quần ăn uống vui vẻ. Bữa cơm đầm ấm cuối năm giúp gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.

Trong cái lạnh se sắt của những ngày cuối năm, bất kỳ ở nơi nào ở vùng cao xứ Tuyên, chúng tôi đều bắt gặp những cụ già, thiếu nữ và cả những em nhỏ đang tự tay mình thêu những chiếc khăn, áo, váy để trưng diện vào ngày Tết. Đang cùng con gái sửa sang lại trang phục, bà Lý Thị Mỵ, thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) chia sẻ, ngày lễ, Tết, đồng bào Mông sẽ diện những trang phục đẹp nhất. Bây giờ ngoài chợ có bán sẵn trang phục Mông với nhiều kiểu dáng, hoa văn bắt mắt. Nhưng các bà, các chị vẫn muốn tự tay làm cho mình những bộ trang phục thật vừa, có hình thêu thật đẹp. Đây không những thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ mà còn là tiêu chí đánh giá tài năng, sự khéo léo của phụ nữ Mông.

Người Dao thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên) gói bánh chưng đen gù ăn Tết.

Phong tục tập quán tốt đẹp

Trước Tết 2 ngày, từ cổng vào, vườn, ngôi nhà của đồng bào Cao Lan thôn Động Sơn, xã Chân Sơn (Yên Sơn)  được nhuộm sắc đỏ rực rỡ, tràn đầy sinh khí đón năm mới. Ông Đặng Tiến Dũng, dân tộc Cao Lan ở thôn Động Sơn cho biết, công việc đầu tiên để chuẩn bị cho việc đón mừng năm mới của người Cao Lan là tục dán giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt) trong nhà. Tất cả dụng cụ thuộc về gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi... đều được dán giấy đỏ để các đồ vật này cũng được “nghỉ Tết” như con người. Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Người Tày, người Nùng ở vùng cao xứ Tuyên quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn ở nhà chồng và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng 7 đồng bào Tày, Nùng sẽ tổ chức Tết “Pây tái” là dịp người phụ nữ cùng chồng con trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ và cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà, tổ tiên.

Phụ nữ dân tộc Cao Lan thôn Đoàn Kết 2, xã Thành Long (Hàm Yên) chuẩn bị trang phục đi chơi Tết.

Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình. Đây còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ. Anh Hứa Đức Ngoạn, xã Bằng Cốc (Hàm Yên) cho biết: Cứ đúng ngày mùng 2 tết, gia đình anh cùng các con mang theo lễ vật gồm con gà trống thiến, bánh khảo, 2 cặp bánh chưng và một bình rượu về nhà ngoại ăn tết. Anh cũng thường xuyên nhắc nhở các con biết được ý nghĩa của tết “Pây tái” để không bị mai một, đồng thời cũng phát huy hết được những phong tục, tập quán đẹp của cha ông từ lâu nay.

Trong những ngày đầu năm mới, bản làng tràn ngập sắc xuân. Cùng với các nghi lễ trong gia đình, những hoạt động vui chơi lễ hội xuân diễn ra sôi nổi ở khắp xứ Tuyên như: Lễ hội Cầu mùa Đình Tân Trào, đình Thọ Vực (Sơn Dương); lễ hội Động Tiên - Chợ Quê, lễ hội chợ Thụt (Hàm Yên); lễ hội Lồng tông ở các xã của huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa; lễ hội đình Giếng Tanh (Yên Sơn)… Đây là dịp để các đôi trai gái người Mông, Tày, Dao… xúng xính quần áo đẹp đi dự hội, tham dự chợ phiên, trao nhau tiếng cười, câu chuyện và là nơi nên duyên của nhiều đôi trai gái.

Mặc dù cuộc sống đang đổi mới, nhưng đồng bào các dân tộc xứ Tuyên vẫn luôn gìn giữ được nét độc đáo, bản sắc văn hóa riêng từ bao đời nay của dân tộc mình để sẵn sàng chào đón một năm mới nhiều thắng lợi, xây dựng bản làng ngày càng phát triển và no ấm.


Thay đổi cách nghĩ về Tết

Bà Hà Thị Ngọ

Ủy viên BCH Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam, 

Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh

Quan niệm của người Việt mình, ngày đầu năm luôn mong muốn mọi thứ phải tươi mới, phải đẹp, phải ngon. Vì vậy các gia đình đều ra sức dọn dẹp, trang hoàng, bài trí nhà cửa, cân đối chi tiêu, lo đối nội, đối ngoại; chuẩn bị đồ ăn thức uống, bánh mứt chu toàn… vô tình tạo gánh nặng khá lớn cho các gia đình trẻ.

Cả năm ai cũng làm lụng vất vả với bao lo toan, áp lực từ cuộc sống rồi, ngày Tết cần nhất là không khí gia đình vui vẻ, đầm ấm. Tôi nghĩ đã đến lúc cần mạnh dạn thay đổi suy nghĩ về mâm cao cỗ đầy, giản lược bớt các lễ nghi, các thủ tục chúc tụng rườm rà không cần thiết.

Phát huy vai trò của người cao tuổi, các hội viên cao tuổi càng cần thấu hiểu, cảm thông cho con cháu. Tết chỉ có vài ngày, hãy để các con được làm những gì bản thân cảm thấy thoải mái, nhưng vẫn giữ được lòng hiếu kính với gia tiên, cha mẹ và nề nếp gia phong, truyền thống đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt.


Cần phải cân bằng, hài hòa

Tiến sỹ Hà Thúy Mai

Phó Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch, Trường Đại học Tân Trào

Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, những triết lý nhân văn cao đẹp được trao truyền từ thế hệ cha ông ta. Đây cũng chính là dịp để các con trong gia đình bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng đối với bậc sinh thành. Đối với những người đã lập gia đình sẽ là những sự chuẩn bị chung cho cả bên nội, bên ngoại. Thường ngày Tết cả gia đình sẽ ăn tết bên nội sau đó mới sang bên ngoại, những người phụ nữ thường phải chịu thiệt thòi hơn khi thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới không được ở bên cha, mẹ mình. Thời nay, tư duy các gia đình tiến bộ, công bằng hơn, nếu ở xa các gia đình có thể tự thống nhất, bố trí năm nay ăn tết nhà nội, năm sau ăn tết nhà ngoại tạo nên không khí vui vẻ, hòa thuận, ấm lòng giữa các bên. Đối với các cặp vợ chồng sống chung với bố mẹ chồng trong cả năm trời thì dịp Tết dành nhiều thời gian hơn về nhà ngoại cũng là việc nên làm và là nét đẹp cần phát huy. Ngay cả chuyện biếu quà Tết 2 bên cũng cần sự tâm lý của chính những người đàn ông. Điều đó càng thể hiện sự trân trọng, yêu thương của người đàn ông đối với người phụ nữ mình yêu thương, góp phần giáo dục các con về đạo lý và chữ hiếu đối với ông bà và cha mẹ.


Mong phút sum vầy

Ông Hoàng Ngọc Chỉ

tổ dân phố Nặm Đíp, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình)

Tôi có 5 người con đã xây dựng gia đình và có cuộc sống riêng. Ngày thường, các con phải làm việc, chăm lo gia đình của các con nên hiếm khi cả nhà có thời gian quây quần, đoàn tụ bên nhau. Dịp Tết Nguyên đán năm nay các con đã lên kế hoạch về ăn Tết với gia đình nên tôi rất mong giây phút sum vầy. Ngoài con rể, và con gái thì tôi có tới 10 đứa cháu nội, cháu ngoại, những ngày Tết vì thế sẽ rất vui vẻ, đầm ấm. Mấy đứa cháu bình thường thích xem tivi, điện thoại nhưng dịp Tết chúng nó lại dành thời gian với ông bà nhiều hơn. Nhà tôi hơi chật nhưng thấy con cháu quây quần đông đủ thì ai cũng thấy ấm áp lắm.


Vẹn cả đôi đường

Chị Triệu Thị Ly

xã Hùng Sơn, Kim Bôi (Hòa Bình)

Tôi quê ở Tuyên Quang, lấy chồng tại tỉnh Hòa Bình, nhưng lại làm việc tại Hà Nội. Tuy lấy chồng xa, nhưng tôi rất may mắn có gia đình chồng tâm lý và thoải mái.

Hằng năm, tôi cố gắng sắp xếp công việc gia đình nội ngoại, lên kế hoạch bố trí các việc trong gia đình ngày Tết. Từ ngày 28 đến ngày mùng 1, vợ chồng tôi cùng con cái từ Hà Nội về nhà nội cùng dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, mua sắm tết, cùng đón giao thừa, cùng chúc tết và đón mừng năm mới. Xong nhiệm vụ bên nội, sáng sớm mùng 2 là gia đình nhỏ lên xe về quê ngoại. Thế là tôi được ở nhà mẹ đẻ đến mùng 4 mới trở lại Hòa Bình, về mái ấm nhỏ chung vui cùng ông bà nội những ngày tết còn lại. Đối với những năm bận do công việc hoặc do sức khỏe không thể về ăn tết với nhà ngoại được, tôi sẽ cố gắng dành thời gian trước tết về chơi với bố mẹ vài ngày. Với sự sắp xếp hợp lý như vậy, mấy năm nay, hai bên gia đình luôn hài lòng, vui vẻ sum vầy, rất hạnh phúc.

Ghi chép: Dương Châu

Tin cùng chuyên mục