Quyền con người trên không gian mạng

- Mạng xã hội trên không gian mạng tuy không phải là thực tế, những tác động mà nó mang tới có thể ảnh hưởng đến cuộc sống thật. Chưa bao giờ, thông tin, hình ảnh của một cá nhân dễ dàng được công khai như thời điểm này - khi mạng xã hội phát triển, và người dùng mạng xã hội lại chưa trang bị đủ kiến thức để bảo vệ mình.

Không gian ảo nhưng hậu quả thật

Mạng xã hội tuy “ảo” nhưng nó phản ánh sôi động, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Mạng xã hội giúp thúc đẩy trao đổi thông tin, giải quyết công việc… Điều đáng lo ngại không riêng ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới đó là nhiều thông tin trên mạng xã hội chứa nội dung xấu độc, không lành mạnh, kích động bạo lực, cổ vũ cho hành vi sai trái. 

Ví như mới đây, Hãng tin Bloomberg (Mỹ) đưa thông tin gây sốc, trong 18 tháng qua ở nước Mỹ có đến 20 trẻ em độ tuổi từ 12 đến 14 đã thiệt mạng do ngạt thở khi thực hiện “Thử thách bất tỉnh” (blackout challenge). Thử thách này được phổ biến trên nền tảng TikTok, khuyến khích người chơi tự bóp cổ mình cho đến khi bất tỉnh và quay lại cảnh khi họ tỉnh lại.

Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh Trường THPT Chuyên Tuyên Quang.

Thời gian qua, trên mạng xã hội tràn ngập video, hình ảnh, bài viết có nội dung về bạo lực học đường, các vụ đánh ghen, xúc phạm, miệt thị nhau, những thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Từ đó, gióng lên hồi chuông báo động về tác động xấu của mạng xã hội đối với con người, nhất là giới trẻ. Đồng thời, bộc lộ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, kỹ năng tự bảo vệ mình, cách ứng xử thiếu văn hóa trên mạng xã hội của một bộ phận người dân trên môi trường mạng.

Cuối tháng 11, TikToker Nờ Ô Nô (tên thật là Phạm Đức Tuấn, quê ở Kiên Giang) có lượng người theo dõi rất lớn đã bị Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh xử phạt hành chính về hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Cụ thể, TikToker này đã đăng tải loạt nội dung clip “Người nghèo ăn gì, Nờ Ô Nô cho ăn đó”, trong đó có video có hành động, lời lẽ miệt thị đối với một bà lão có hoàn cảnh khó khăn bị cộng đồng mạng lên án. Tài khoản này cũng bị xóa vĩnh viễn trên nền tảng TikTok.

Mới đây, vụ việc cháu bé 5 tuổi ở (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) lấy một vòng cao su, có giá khoảng 10.000 đồng nhưng bị chủ cửa hàng đăng tải hình ảnh, bêu rếu trên mạng xã hội, gây bức xúc cộng đồng mạng. Ngay sau sự việc xảy ra, Công an phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc xác minh làm rõ vụ việc. Về hành chính, hành vi này có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Nhiều vụ việc từ nhục mạ nhau trên mạng xã hội đã gây ra hậu quả không mong muốn ngoài đời thật. Vụ án mạng xảy ra vào đêm 24-10 tại phường Tiền An, thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh), đối tượng P.T. H, sinh năm 2003, trú tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) đã ra tay sát hại chị N.T. B (là người yêu cũ, cùng tuổi, cùng quê Tuyên Quang) và khiến một người khác bị thương nặng. H. và nạn nhân B. quen nhau trên mạng xã hội, rồi nảy sinh tình cảm yêu đương. Khi xảy ra mâu thuẫn, giữa hai người đã có những dòng trạng thái chửi bới, miệt thị nhau trên mạng xã hội. Từ mâu thuẫn ở đời thực, họ kéo nhau lên môi trường mạng để “xả giận” đã kéo theo hệ lụy đau lòng người mất mạng, người dính vào vòng lao lý.

Cán bộ xã Sinh Long (Na Hang) hướng dẫn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn cho người dân trên địa bàn xã.

Không chỉ vậy, việc lộ lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội cũng đang là hồi chuông cảnh báo đối với người sử dụng. Nguyên nhân, theo Công an tỉnh, là do tình trạng rao bán trên mạng các thông tin cá nhân nhằm mua bán và trục lợi, một bộ phận người dân còn thiếu cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân, không nắm được các quy định của ngân hàng về bảo mật thông tin, dẫn đến đối tượng có thể lợi dụng, lừa đảo, làm giả thông tin, giấy tờ…

Bảo đảm an toàn trên không gian mạng

Ở nước ta, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân luôn được tôn trọng và bảo đảm bằng pháp luật. Quyền con người trên không gian mạng quy định tại một số luật như: Luật Công nghệ thông tin; Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử. Trong đó, Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1- 1- 2019 đã phát huy vai trò tích cực trong việc thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn an ninh mạng, kịp thời ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Theo Trung tá Phí Đức Hòa, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh: Công dân có quyền tự do được sử dụng không gian mạng vì lợi ích cá nhân; có quyền được bảo vệ các quyền và tự do của mình từ phía các cơ quan chức năng và chủ động tự thực hiện quyền tự do cá nhân trên không gian mạng. Kèm với đó, công dân cũng có nghĩa vụ, trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật trên không gian mạng. Luật An ninh mạng nghiêm cấm nhiều hành vi đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước, xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật cá nhân; thông tin bịa đặt, sai sự thật, xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân…

Bảo đảm quyền con người trên không gian mạng cũng chính là xây dựng không gian mạng an toàn lành mạnh. Thời gian qua, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về an ninh mạng giúp nhân dân hiểu rõ được quyền của mình, tức mình được làm gì trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, hành vi vi phạm trên không gian số. Trong năm 2022, Công an toàn tỉnh đã xử lý hàng chục đối tượng vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông; tác động, vô hiệu hóa, gỡ bỏ trên 600 bài viết, video clip trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. 

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh triển khai kế hoạch đấu tranh, phòng chống với tội phạm và các hành vi vi phạm trên không gian mạng.

Để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng, Công an tỉnh tăng cường nắm tình hình, về phương thức, thủ đoạn, hoạt động của các đối tượng để phòng ngừa đấu tranh, xử lý; chỉ đạo công an các địa phương  tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của tội phạm; chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến tội phạm trên mạng và các hành vi về làm giả giấy tờ, tài liệu, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời kiến nghị các đơn vị liên quan như Ngân hàng Nhà nước, thông tin và truyền thông trong quản lý các nhà mạng để điều chỉnh các quy định của pháp luật khắc phục các lỗ hổng trong công tác quản lý việc mở tài khoản ngân hàng và vấn đề trong quản lý sim di động, từ đó phòng ngừa với loại tội phạm này. 

Trung tá Phí Đức Hòa, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh khuyến cáo, người dân khi phát hiện đối tượng lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần thông báo trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ quan công an, viết đơn tố cáo kèm các tài liệu có liên quan để cơ quan công an tiếp nhận và xử lý vụ việc.

Việc định hướng thông tin để giới trẻ tiếp cận cũng đang được Tỉnh đoàn quyết liệt thực hiện. Đồng chí Nguyễn Thu Hường, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn đã phối hợp tổ chức đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó Luật An ninh mạng cho trên 80.000 lượt đoàn viên, thanh thiếu niên. Cùng với đó, các cơ sở đoàn đã thành lập và duy trì hiệu quả các trang mạng xã hội. Hằng tháng, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đều có định hướng công tác tuyên truyền, triển khai thống nhất trong các cấp bộ đoàn. Từ đó, giúp đoàn viên, thanh thiếu niên được tiếp cận thêm nguồn tin chính thống và thêm kỹ năng, kiến thức cần thiết tự bảo vệ mình trên không gian số. Đồng thời, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, giảm thiểu những hệ lụy tác động từ  mạng xã hội, môi trường mạng.

Bảo vệ quyền con người trên không gian mạng sẽ tạo môi trường mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân phải có trách nhiệm tự trau dồi kỹ năng, kiến thức cơ bản để nhận diện thông tin xấu, độc và tự bảo vệ mình trên không gian số. Đồng thời, sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an ninh mạng và những quy tắc ứng xử văn hóa trên không gian mạng.

Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục